Ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11: Tri ân thầy cô qua… Zalo, Facebook
Dù dịch Covid-19 có thể ảnh hưởng đến cuộc sống, nhưng không thể làm thay đổi tình thầy trò.
Ở bất kỳ hoàn cảnh nào, học trò đều có cách để tri ân, thể hiện tình cảm với thầy cô nhân dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11.
Những tấm thiệp đáng yêu do chính học sinh tự làm để tri ân thầy cô giáo nhân Ngày nhà giáo Việt Nam 20.11 – ĐÀO NGỌC THẠCH
Nhớ ngày này năm xưa
Huỳnh Quốc Tuấn, sinh viên năm 3 Trường ĐH Bách Khoa TP.HCM, cho biết vào ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11, anh thường đến thăm các giảng viên trực tiếp giảng dạy và về quê tri ân thầy cô từng dìu dắt những năm tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông.
“Hầu như năm nào cũng vậy, tôi đều có thói quen rủ nhóm bạn thân cùng lớp thời phổ thông chạy về quê ở H.Đức Hòa, tỉnh Long An để thăm lại những thầy giáo, cô giáo từng giảng dạy. Chúng tôi được thấy thầy cô mạnh khỏe, vẫn còn đứng trên bục giảng để dạy những lớp đàn em. Còn thầy cô thì vui khi thấy tụi em ngày càng chững chạc hơn, trưởng thành hơn”, Tuấn nhớ lại.
Không chỉ riêng Tuấn, nhiều sinh viên quê ở các tỉnh lân cận TP.HCM như: Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Dương, Tiền Giang… tranh thủ về quê thăm lại trường xưa để gặp những giáo viên đã từng giúp dạy dỗ họ nên người.
“Quê em ở TP.Biên Hòa, Đồng Nai. Em từng là cựu học sinh của Trường THPT Ngô Quyền. Hàng năm, cứ đến 20.11 là nhóm 4 đứa bạn thân lại rủ nhau chạy xe về quê. Rồi sau đó ghé đến nhà từng cô, từng thầy để thăm. Ngoài việc hỏi han sức khỏe, công việc, thì thầy trò cùng nhau ăn uống liên hoan. Có những cuộc hội ngộ ngập tràn cảm xúc, khi bao ký ức xưa cũ của ngày còn ngồi trên ghế nhà trường ùa về”, Lê Thị Thanh Thùy, sinh viên năm cuối Trường ĐH Văn Lang, chia sẻ.
Video đang HOT
Bao tình cảm thân thương của học sinh gửi vào tấm thiệp tri ân thầy cô giáo nhân ngày 20.11 – ĐÀO NGỌC THẠCH
Còn Bạch Phương Anh, học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Du (huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) thì nhớ lại dịp 20.11 ngày 20.11, khi đó nữ sinh này đã rời nhà từ sáng sớm và trở về nhà lúc 20 giờ.
“Năm ngoái, em muốn đến thăm lại tất cả thầy cô đã từng dạy dỗ em nên rủ bạn bè đi khắp nơi để tìm đến tận nhà. Mỗi thầy cô giáo ở mỗi xã khác nhau, nhưng dù xa, em cũng đến thăm vì tận đáy lòng luôn nhớ về công ơn của các thầy cô. Chưa kể còn dành thời gian đến thăm hỏi các giáo viên đang giảng dạy trực tiếp”, Phương Anh, tâm sự.
Năm nay sẽ khác
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11 năm nay cận kề nhưng vì ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên học sinh, sinh viên vẫn chưa được học trực tiếp. Có những sinh viên vẫn còn đang kẹt dịch ở quê. Có những học sinh đã hơn nửa năm không được gặp giáo viên. Những cuộc gặp gỡ dường như khó khăn hơn…
Những dòng chữ đong đầy yêu thương của học sinh dành cho thầy cô giáo mến yêu của mình nhân ngày 20.11 – ĐÀO NGỌC THẠCH
Nam sinh viên Tuấn tâm sự, năm nay anh không thể tái lặp “ngày này năm xưa” vì tình hình dịch Covid-19 ở quê diễn biến khó lường.
“Chúng tôi không thể rủ nhau đi thăm giáo viên cũ như thông lệ, cũng không có cơ hội gặp trực tiếp giảng viên đang giảng dạy. Tuy nhiên, tôi có cách khác để bày tỏ tình cảm với thầy cô. Đó là lập nhóm chat trên Messenger của Faebook. Qua đó, các học sinh cũ sẽ được nhìn thầy cô cũ để gởi những lời chúc tốt đẹp nhất. Tình cảm của chúng tôi dành cho giáo viên luôn đủ đầy và kính trọng thầy cô từng phút, từng giờ. Thế nhưng, gửi lời chúc trực tuyến vào dịp 20.11 thì càng có ý nghĩa và chắc chắn tôi sẽ thực hiện kế hoạch này”, Tuấn nói.
Tương tự, Trần Thị Ngọc Thúy, sinh viên năm 3 của Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, dự định “mừng ngày nhà giáo Việt Nam… trực tuyến”. Nữ sinh viên giải thích: “Có nhiều bạn chưa biết Zalo của giáo viên cũ nên tôi sẽ kết nối mọi người lại với nhau để cùng họp mặt vào đúng ngày 20.11 để mọi người đều bất ngờ”. Trong dịp gặp gỡ online đó, Thúy dự định sẽ khoe những bảng điểm cao đã dành được, đồng thời hứa với thầy cô sẽ nỗ lực học tốt hơn.
Đó cũng chính là cách nhiều sinh viên, học sinh dự định làm để tri ân giáo viên trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến khó lường. “Tôi có thể gọi điện thoại hỏi thăm, gửi những bài hát ý nghĩa về nghề giáo để tặng thầy cô. Tôi cũng có thể lên Facebook, lưu hình ảnh thầy cô, làm thành một video, chèn nhạc rồi gởi đến thầy cô. Chắc chắn khi nhận được, thầy cô sẽ hạnh phúc”, Phan Thị Minh Hằng, sinh viên năm 2 Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, chia sẻ.
Mỗi người có mỗi kế hoạch, dự định khác nhau về cách chúc mừng, nhưng tất cả đều gắn chặt thông điệp là kính trọng và biết ơn thầy cô…
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11 đã cận kề, bạn muốn gởi lời chúc nào đến thầy cô giáo, vui lòng để lại bình luận dưới bài viết.
Thầy giáo có nhiều sáng kiến giảng dạy ở vùng khó khăn Bình Phước
Thầy giáo Lê Anh Đông (31 tuổi) đang công tác tại Trường Trung học Phổ thông Ngô Quyền thuộc xã Long Hà, huyện Phú Riềng (Bình Phước) được nhiều người biết đến không chỉ tâm huyết với nghề mà còn có những sáng kiến kinh nghiệm thiết thực trong công tác giảng dạy ở trường vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Thầy Đông trong giờ lên lớp. Ảnh: TTXVN phát
Hiện nay, thầy Lê Anh Đông được giao nhiệm vụ giảng dạy môn Toán khối 12. Thầy luôn ý thức được trách nhiệm của mình làm sao truyền thụ được tốt hơn kiến thức tới học sinh. Do đó, thầy Đông đã lên kế hoạch dạy học hợp lý phù hợp với từng đối tượng học sinh cũng như đi tìm giải pháp hay cho việc học Toán của học sinh. Theo thầy Đông, môn Toán luôn khó và khô khan với nhiều học sinh. Từ đó, thầy đã nghiên cứu, tham khảo ý kiến từ các thế hệ thầy cô đi trước, hay trên trang mạng để tìm những phương pháp giảng dạy linh hoạt, khơi gợi, khuyến khích tính chủ động và khả năng tự học ở học sinh.
Thầy Lê Anh Đông đã xây dựng nhiều đề tài sáng kiến kinh nghiệm, nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ để đổi mới phương pháp giảng dạy môn Toán. Theo thầy, để hòa nhập vào cuộc cách mạng công nghệ 4.0, yếu tố then chốt là nguồn lực. Trước xu thế đó, bản thân thầy đã rất nỗ lực trong việc thu thập các nguồn thông tin để thực hiện đề tài sáng kiến kinh nghiệm và áp dụng hiệu quả trong giảng dạy, cải tiến chất lượng dạy và học của người dạy và người học.
Điển hình sáng kiến "Giải bài toán tỉ số thể tích bằng phương pháp đặt biệt hóa và tọa độ hóa" năm học 2018-2019 đã được áp dụng có hiệu quả cao tại Trường Trung học Phổ thông Ngô Quyền. Sáng kiến của thầy Lê Anh Đông đã giúp giải quyết được nhiều vướng mắc cho học sinh, giáo viên khi dạy và học các bài toán vận dụng cao của hình học không gian trong công tác ôn thi học sinh giỏi... Bên cạnh đó, sáng kiến còn giúp các em tự tin, dễ dàng tiếp cận các bài toán khó, chỉ ra những phương pháp chuyển một bài toán khó khăn phức tạp thành bài toán dễ hơn.
Những sáng kiến của thầy Đông còn phục vụ tốt cho giáo viên, học sinh trong việc dạy và học các bài toán phương trình chứa tham số ở lớp 10. Sáng kiến đã tạo nền tảng tốt cho học sinh khi lên lớp 12, các em sẽ nhanh chóng tiếp thu các kiến thức về "Đồ thị" trong các bài toán phương trình cũng như các bài toán có chứa tham số khác.
Năm học 2019-2020, thầy Lê Anh Đông đã viết sáng kiến kinh nghiệm "Sử dụng đồ thị để giải phương trình chứa tham số ở lớp 10" được áp dụng tại nhà trường giúp học sinh dễ dàng tiếp cận được với những bài toán tham số khó.
Từ năm học 2016-2017 đến nay, thầy Lê Anh Đông có 5 sáng kiến kinh nghiệm được công nhận cấp Sở và áp dụng vào giảng dạy. Đặc biệt, năm học 2021-2022, do tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, học sinh phải học trực tuyến tại nhà, thầy được Ban Giám hiệu nhà trường giao trọng trách tìm hiểu các ứng dụng, cách sử dụng và sau đó chia sẻ cho các đồng nghiệp trong trường.
Thầy Lê Anh Đông chia sẻ: "Được nhà trường giao nhiệm vụ, tôi đã cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ này và giúp đỡ nhiều thầy cô lớn tuổi gặp khó khăn trong việc sự dụng công nghệ. Thầy cô mong muốn đem lại những tiết học hiệu quả, sinh động, thú vị không nhàm chán. Bản thân tôi đã dành nhiều thời gian soạn bài PowerPoint, soạn bài tập, quay các video giảng bài để gửi cho học sinh, nhằm giúp các em hiểu bài. Bên cạnh đó, tôi còn tự tìm tòi thêm nhiều công cụ, phần mềm bổ trợ cho việc dạy học nhằm giúp học sinh theo dõi bài tập tốt hơn".
Thầy giáo Lê Anh Đông. Ảnh: TTXVN phát
Sau hơn 9 năm gắn bó trên bục giảng, thầy Lê Anh Đông luôn được đồng nghiệp và học sinh quý mến. "Vốn sinh ra trong một gia đình đông con, bố mất sớm, một mình mẹ tần tảo nuôi 4 anh, chị em ăn học. Vì vậy, khi thấy học sinh có hoàn cảnh khó khăn, tôi lại dồn sức mình quan tâm đến các em, luôn khuyến khích, động viên các em để các em cố gắng vươn lên. Đối với học sinh kém, tôi thường giao cho các bạn học giỏi kèm cặp, hình thành nhóm học tập để các em cùng nhau cố gắng trong học tập", thầy Đông tâm sự.
Hiện nay, thầy Lê Anh Đông còn là Tổ trưởng tổ Toán - Tin Học. Thầy đã lên các kế hoạch cụ thể và động viên, giúp đỡ kịp thời các tổ viên và nâng cao hiệu quả, chất lượng giảng dạy. Với nhiều sáng kiến và phương pháp dạy học đổi mới, thầy được Ban Giám hiệu nhà trường tin tưởng, giao trọng trách ôn đội tuyển học sinh giỏi các cấp và ôn thi đại học hàng năm và nhiều em đã đoạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi các cấp.
Đánh giá về quá trình công tác của thầy giáo Lê Anh Đông, Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Ngô Quyền Bùi Công Định cho biết: Thầy Đông đã có nhiều giúp đỡ cho học sinh và đồng nghiệp. Thầy luôn tận tâm, tận lực với công việc và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đến nay, với kinh nghiệm nghề vững nên nhà trường tin tưởng giao cho thầy hướng dẫn trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi.
"Lúc về trường, thầy còn rất là trẻ, đến nay có nhiều thành tích trong nghề, nhất là công tác bồi dưỡng học sinh giỏi rất là tốt. Thầy là một trong những người được nhà trường quy hoạch nguồn, tạo điều kiện kết nạp Đảng, đi học lý luận chính trị... Ở ngoài đời, thầy sống rất bình dân, anh em rất quý mến", thầy Bùi Công Định cho biết thêm.
Từ năm học 2016-2017 đến nay, ngoài 5 sáng kiến kinh nghiệm được công nhận cấp Sở, thầy Lê Anh Đông còn nhận được Bằng khen của Sở Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân tỉnh... Đặc biệt, năm học 2019-2020, thầy vinh dự được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Năm 2021, thầy còn là một trong 50 thầy, cô giáo sẽ được Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tuyên dương tại chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2021.
Thời gian qua, trước ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, thầy đã xung phong làm tình nguyện viên trực tại các chốt của thôn, xã, đồng thời vận động các học trò cũ tham gia tình nguyện nhằm chia sẻ khó khăn với các lực lượng tuyến đầu trong công tác phòng, chống dịch.
Đại học tư thục Việt Nam đi về đâu? Gần 30 năm hiện diện, số lượng trường đại học tư từ 15 trường vào năm 2000, nay đã lên đến hơn 60 với những nguồn đầu tư cực lớn. Nhưng mô hình này đi về đâu vẫn là một câu hỏi lớn. Ông Bùi Quang Độ, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Trường ĐH Văn Lang, một trong những người...