Ngày bán 30kg cóc xanh quanh phố cổ Hà Nội, người phụ nữ bỏ túi 15 triệu/tháng
Thức dậy từ 5 giờ sáng với xe hàng chở đầy cóc xanh, chị Lê Thị Mùi (41 tuổi) một tay thoăn thoắt bỏ cóc vào túi, tay còn lại đưa túi lên cân. Cứ đợt cóc xanh vào chính vụ, chị Mùi lại được dịp tất bật ngày đêm như thế, nhưng nhờ vậy, chị thu lời mỗi tháng từ 10 – 15 triệu đồng.
Chị Lê Thi Mùi (41 tuổi, quê Phú Thọ) là một người bán hoa quả dạo xung quanh khu vực phố cổ Hà Nội. Bắt đầu với công việc này khoảng 3 năm trước, chị Mùi dắt chiếc xe đạp cũ với mẹt hoa quả đủ loại phía sau đi quanh phố Cổ và một số quận lân cận. Nhưng ngày đó do vốn ít, chưa có khách quen và không thông thạo đường xá nên chị chỉ dám bán ít, số lượng vừa đủ cho khách lẻ mua ăn chơi.
Về sau, xe hàng của chị được “nâng cấp” với nhiều loại hoa quả hơn, ngoài quả tươi chị cũng bán thêm cả hoa quả dầm muối ớt, bò khô các loại. Đồng thời chị Mùi nhận thêm các đơn hàng ở xa, hoặc các đơn sỉ số lượng lớn cho quán ăn, người bán hàng online… tất cả đều do khách quen dẫn mối.
Mùa nào thức đấy, chị Mùi bán đủ các loại trái cây khác nhau. Nhưng cứ khoảng tháng 5 đến tháng 10 là mùa chị “rủng rỉnh hầu bao” nhất. Vào thời gian này, cóc xanh, cóc chín, cóc bao tử ở chính vụ, chị Mùi bán đơn, bán kép mỗi ngày tiêu thụ được mấy chục cân cóc.
Những xe cóc chín nổi tiếng ở TP.HCM cũng giúp cho những gánh hàng rong ở đây mang về thu nhập “khủng”.
Nếu như ở TP.HCM cóc chín là món ăn vặt không thể thiếu của dân văn phòng thì ở Hà Nội cóc xanh; cóc bao tử lại là loại quả có sức hút nhất. Cóc xanh có vị hơi chua, cùi giòn, có thể dầm chung với muối ớt, thịt bò khô hoặc chân gà rút xương…
Thời gian đầu bán cóc, chị Mùi nhập số lượng nhỏ và chỉ bán cóc tươi cả quả hoặc gọt sẵn; tách miếng bán kèm gia vị múi ớt bình thường. Về sau, nhận thấy nhiều người yêu thích loại quả này, một số khách quen đã tìm chị để hỏi mua số lượng lớn nên chị Mùi đã nhập mỗi ngày khoảng 20kg sau đó lên 30kg có ngày cao điểm khoảng 50kg cóc xanh/ngày.
Khoảng 50% số lượng cóc mỗi ngày giao cho các tiệm đồ ăn vặt và các chủ shop bán hàng online, 50% còn lại chị dành cho khách lẻ. Hàng ngày, chị Mùi gói hàng và trả các đơn hàng cho khách sỉ vào sáng sớm. Sau đó dắt xe đi bán dạo ở phố cổ, đoạn phố Mã Mây, Tràng Tiền… ngày cuối tuần chị bầy quầy nhỏ bán trong phố đi bộ Hồ Gươm.
Cuối tuần, chị Mùi thường bán hoa quả ở phố đi bộ. Quầy hàng nhỏ đủ loại hoa quả nhưng cóc xanh; cóc bao tử vẫn luôn là món đắt hàng nhất.
Hiện giá cóc dao động từ 20.000 – 35.000 đồng/kg tùy loại to bé; non già; có hoặc không gọt vỏ.
Hiện tại, giá cóc xanh bán lẻ theo cân dao động khoảng 20.000 đồng/kg, cóc gọt sẵn khoảng 30.000 đồng/kg, giá này sẽ rẻ hơn với các khách mua trên 5kg. Thông thường, khách lẻ sẽ mua loại gọt sẵn vì chủ yếu đều là dân văn phòng mua ăn ngay.
Chị Mùi cho biết, từ tháng 9 đến tháng 10 là thời gian cao điểm, bán cóc đắt hàng nhất. Có ngày chỉ riêng bán lẻ quanh khu vực phố Cổ chị bán được gần 20kg cóc xanh, cùng với 5 – 7 đơn ship giúp chị bỏ túi từ 10 – 15 triệu đồng/tháng. Đây cũng là mùa quả chị có thu nhập cao nhất trong năm.
“Những vụ khác chỉ bán hóa quả túc tắc sống, thu nhập ổn định đủ sống chứ không cao. Nên năm nào tôi cũng mong đến mùa cóc, phần vì được nhiều người yêu thích, bán đắt hàng, phần vì tôi nhập được giá rẻ sau đó bán mức giá chung trên thị trường lên lời lãi nhỉnh hơn một chút”, chị Mùi chia sẻ.
Video đang HOT
Sau khi nhập hàng, cóc được phân loại theo kích thước và độ non già để định giá cho phù hợp.
Loại quả này trồng ở đâu cũng có mùi vị khá giống nhau, riêng cóc của chị Mùi bán được nhập chủ yếu từ Phú Thọ, ưu tiên các quả to; non; vỏ mỏng nhẵn nhụi; hột nhỏ. Ngoài ra, trong những ngày cần hàng gấp, chị liên hệ với các đầu mối ở chợ Long Biên, giá nhập ở đây thường cao hơn nhiều so với giá ở quê.
“Nói thật, ở quê mọi người chỉ hái rồi mang cho nhau quả này chứ ít người mua-bán, lên thành phố mới thành món ăn đắt khách”, chị Mùi vui vẻ nói. Tuy nhiên, không phải lúc nào cóc cũng có sẵn hàng, có khách đặt mua 30 – 40kg một lúc chị phải “om” đơn mấy ngày mới trả được cho khách.
Nhờ mùa cóc, chỉ cần một con dao nhỏ, một hộp muối ớt và một chiếc xe đạp cũ rong ruổi quanh phố cổ Hà Nội, chị Mùi đã có thể mang về thu nhập hơn chục triệu mỗi tháng. Tuy chỉ có tính thời vụ mỗi năm kéo dài 2 – 3 tháng nhưng đây cũng là số tiền đáng mong ước của những gánh hoa quả rong như chị Mùi.
Chàng trai 25 tuổi dành 7 năm chụp bộ ảnh "Hà Nội 100 năm trước": Vì thời gian là thứ không thể lấy lại được
Das, 25 tuổi, đã dành 7 năm để thực hiện dự án "Hà Nội 100 năm trước" với tổng 149 bức ảnh (và chưa dừng lại) so sánh những địa điểm nổi tiếng của Hà Nội dưới cùng một góc nhìn trước và sau 100 năm. Với anh, xuân - hạ - thu - đông, những con phố cổ đều có nét đẹp riêng.
Das - một photographer, designer 25 tuổi, đã dành 7 năm để thực hiện dự án "Hà Nội 100 năm trước". Nhiều người vẫn nghĩ, chắc hẳn đây là một thanh niên sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, được nuôi dưỡng bởi thứ tình yêu mộc mạc của mảnh đất nghìn năm, mới có đủ động lực và nhiệt huyết theo đuổi một dự án công phu như thế.
Nhưng không, Das là người miền Nam. Hà Nội chỉ là nơi anh học tập và làm việc, trong suốt 7 năm.
Yêu mến những bức tranh của họa sĩ Bùi Xuân Phái về phố cổ Hà Nội ngày xưa mộc mạc và dung dị, Das đã dành thời gian sưu tầm và khám phá Hà Nội theo cách riêng của mình. Những góc phố cổ, nay đã không còn dấu ấn nhiều nhưng vẫn để lại cho anh nhiều cảm xúc đặc biệt. Từ đó anh bắt đầu thực hiện dự án Hà Nội 100 năm trước và sau, so sánh những địa điểm nổi tiếng của Hà Nội, dưới cùng một góc nhìn nhưng đã có nhiều sự thay đổi khiến người xem không khỏi bồi hồi, nhung nhớ.
Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục.
Nhà thờ lớn 100 năm trước chỉ đúng 9h sáng.
Das kể, để bắt đầu, điều đầu tiên anh thực hiện, chắc có lẽ là thức dậy từ 4h sáng.
Những tấm ảnh xưa về Hà Nội đa phần anh sưu tầm trên Internet, tự nghiên cứu và biên tập độc lập. Để biết chính xác địa điểm, anh phải biên dịch tài liệu từ tiếng Pháp sang tiếng Việt. Một số tấm ảnh hiếm, anh mua từ nhiều nguồn khác nhau hoặc phải tải về từ trang nước ngoài rồi vào phần mềm photoshop "độ" lại.
Hầu hết những địa điểm Hà Nội xưa Das đã từng ghé qua, nên khi nhìn vào ảnh xưa cũ, anh đã có chút hình dung đôi nét về khung cảnh đó. Còn việc chụp hình, anh vẫn thường chia sẻ với bạn bè mình rằng "một tấm ảnh đẹp quan trọng là mắt nhìn, còn điện thoại hay máy ảnh chỉ là công cụ".
Hướng lên cầu Long Biên.
Bưu điện Hà Nội 100 năm trước và năm 2014. Thời xưa mặt chính trông ra đại lộ Francis Garnier (phố Đinh Tiên Hoàng), mặt sau dựa lưng vào phố Chavassieux (phố Lê Thạch).
Hồ Gươm 100 năm về trước và 2016.
Những khung cảnh bình yên của góc phố Hà Nội 100 năm qua.
"Mình luôn cố gắng để bức ảnh xưa và nay khớp nhau nhiều nhất có thể, người xem bởi thế cũng cảm nhận chân thực hơn. Đó là động lực để mình cố gắng", Das nói.
Das muốn mọi người cảm thụ dự án theo hướng nghệ thuật xen chút so sánh hài hước về Hà Nội xưa và nay, chứ không hề vì mục đích lợi nhuận hay chính trị.
Dự án "Hà Nội 100 năm trước" tính đến thời điểm này có tổng cộng 149 bức ảnh và chưa dừng lại. Mỗi địa điểm là công sức góp nhặt rải rác trong vòng 7 năm không liên tục. Das có niềm đam mê với nhiếp ảnh nên việc chụp không khó khăn lắm, mỗi shot hình không ưng ý vẫn có thể quay lại lần nữa để chụp nên tâm tư rất thoải mái.
Bức ảnh anh tâm đắc nhất là khi chụp trước mặt Đền Quán Thánh sau 100 năm, bởi lẽ vì sự thay đổi quá sức tưởng tượng. Con đường Thanh Niên cũng là nơi gắn bó nhiều kỉ niệm với anh nên cũng có phần đặc biệt hơn.
Trước Đền Quán Thánh 100 năm trước và năm 2020. Sức mạnh của thời gian đã biến đầm lầy phía trước thành công viên.
"7 năm dài chứ, nhưng "Hà Nội không vội được đâu". Dự án Hà Nội 100 năm trước chắc đã đi về những đoạn cuối, những bức hình tiếp theo có lẽ sẽ thiên về văn hóa Hà Nội xưa nhiều hơn thay vì địa điểm", Das nói anh không quan trọng chuyện "được" hay "mất" ở đây. Anh nghĩ bản thân được nhiều hơn: được nhìn ngắm góc phố, cảnh vật xưa, được một mình tự do - tự tại nên với anh, không có bất cứ khó khăn nào.
"Đó là tự nguyện, và mình thấy thong thả những nơi mình đi qua. Xuân - Hạ - Thu - Đông, Hà Nội đều có những nét đẹp riêng, có khó khăn chắc là do một số địa điểm xưa đến nay không còn tồn tại nữa, có đi qua mấy lần cũng không thể hình dung ra được".
Một kỉ niệm vui khi chụp chùa Lưu Phương xưa trên góc phố Hàng Bạc giao Hàng Đào, Das có gặp 1 cụ bà bán nước ngay giữa góc phố. Bắt chuyện và hỏi mấy lần nhưng cụ quả quyết ngôi chùa nằm phía dưới đoạn Hàng Ngang, quay đi quay lại rồi lạc mấy vòng trên phố cổ mới hay bà lẫn nên chỉ lung tung.
"Nhưng không thể trách bà được vì địa điểm này đến nay đã không còn tồn tại", Das chia sẻ.
Theo thứ tự từ trái qua phải: Hồ Tây, Cầu Giấy và Ô Quan Chưởng.
Sau tất cả, Das cảm thấy vui và thoải mái vì đã sắp xếp được "cuộc gặp gỡ" cổ kim giữa hai thời đại cách xa nhau đến hàng trăm năm dù chỉ qua những tấm hình đơn giản. Dự án vì đam mê của bản thân và niềm yêu thích riêng với Hà Nội. Anh hy vọng, mọi người sẽ trân trọng hơn những giá trị xưa cũ, cũng như cảm nhận Hà Nội đẹp hơn, gần gũi hơn qua những bức ảnh.
"Vì thời gian là thứ không thể lấy lại được và lịch sử cũng vậy", Das nói. Hiện tại, anh đang ở Tây Nguyên để thực hiện dự án "Tây Nguyên xưa và nay". Xa hơn, sẽ là Sài Gòn 100 năm trước và "Đà Nẵng - Hội An thế kỉ trước".
Những thắng cảnh của Hà Nội dưới góc máy của chàng thanh niên 25 tuổi.
Ảnh: Das
Lung linh đêm rằm trung thu phố cổ Hội An Đêm 30/9 (tức 14/8 âm lịch), đông đảo du khách từ khắp nơi đổ về Hội An đón trung thu. Không khí náo nhiệt, rộn ràng như xua đi cái không khí "ảm đạm" bởi dịch Covid-19 thời gian qua. Đón mừng trung thu năm nay, TP Hội An đã có những chương trình hấp dẫn "chiêu đãi" người dân và du khách...