Ngành khoa học cơ bản: Giải bài toán ‘3 khó’
Khó tuyển sinh, khó học và khó xin việc, mức lương thấp là vấn đề cấp bách cần giải quyết để những ngành khoa học cơ bản vốn đóng vai trò là nền tảng để phát triển các ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật,… không phải trầy trật thu hút thí sinh.
Ngành khoa học cơ bản cần những thí sinh yêu thích và có khả năng nghiên cứu.
Nghịch lý ngành đặc thù
Mùa tuyển sinh năm nay ghi nhận những mốc điểm chuẩn kỷ lục của các ngành “hot”. Nhưng những ngành khoa học cơ bản dù các trường đã thu hẹp quy mô đào tạo vẫn trầy trật tuyển sinh với điểm số trúng tuyển “vừa hay qua sàn”.
Năm nay, điểm chuẩn Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) dao động từ 18-26,6 điểm. Mặc dù nhà trường cho biết không xét tuyển bổ sung do đã đủ chỉ tiêu song một số ngành đặc thù vốn là thế mạnh của trường lấy điểm chuẩn ở mức 18 điểm như Khí tượng và khí hậu, Hải dương học,… trong khi mức 26,6 dành cho ngành Máy tính và Khoa học thông tin.
Tương tự, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường, nhóm ngành khoa học cơ bản vốn là truyền thống đào tạo của trường, điểm chuẩn chỉ ở mức 5 điểm/môn trong khi các ngành học “hot” đều tăng cao so với năm 2020. Đơn cử như ngành Quản trị kinh doanh 25,75 điểm, Logistics và quản lý chuỗi cung ứng 25 điểm…
Trường Đại học Mỏ – Địa chất cũng phân ra 2 nhóm điểm chuẩn là các ngành đặc thù của trường gồm ngành Địa chất học, Địa tin học, Khoa học dữ liệu… ở mức 5 – 6 điểm/môn trong khi Công nghệ thông tin, Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa,… cao hơn nhiều.
Tại sao có nghịch lý này xảy ra?
GS TSKH Vũ Hoàng Linh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) chỉ ra thực tế tuyển sinh nhiều năm nay ở một số ngành khoa học cơ bản tại trường mình và một số trường khác. Đó là mặt bằng chung điểm thi, điểm chuẩn vào các trường luôn ổn định. Chỉ số ít ngành và chương trình đào tạo có sức hút đối với thí sinh.
Thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2020, 5 ngành có tỷ lệ nhập học thấp nhất là khoa học tự nhiên, nông lâm nghiệp và thủy sản, dịch vụ xã hội, khoa học và sự sống, môi trường và bảo vệ môi trường.
Xã hội cần gì, trường đào tạo đó nên không ngạc nhiên khi những ngành “hot” không phải là thế mạnh của trường lại có mức điểm chuẩn cao ngất ngưởng trong khi ngành đặc thù chỉ 5, 6 điểm/môn đã đỗ đại học.
Video đang HOT
Bên cạnh nguyên nhân thí sinh không mặn mà với các ngành học khoa học cơ bản vì… tên gọi khó định hình công việc sau này, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng ngay cả khi đi sâu vào tìm hiểu, nhiều thí sinh cũng e dè vì nếu theo học những ngành này đòi hỏi người học không chỉ có sở thích mà cần năng lực học tập tốt vì khối lượng kiến thức cần hấp thụ không nhỏ.
Tạo sức hấp dẫn mới
Nhiều đề xuất đã được các nhà khoa học, các trường chỉ ra để hút thí sinh quan tâm đăng ký vào nhóm ngành khoa học cơ bản.
Trong đó, dự báo về nhu cầu nguồn nhân lực trong giai đoạn sắp tới phải được các đơn vị liên quan làm thật cẩn trọng, chính xác và thông báo rộng rãi để toàn dân được biết. Bởi có nhiều ngành trong nhóm khoa học cơ bản đang có nhu cầu lớn, thu nhập rất tốt nhưng không được nhiều người biết đến.
PGS. TS Nguyễn Thế Toàn, Trưởng khoa Vật lý, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên cho biết, hơn bao giờ hết nhu cầu nhân lực cao về Vật lý đang là cơ hội và cũng là thách thức không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới. Nhiều cơ hội việc làm rộng mở ở các tập đoàn lớn trong và ngoài nước đối với nhân lực chất lượng cao ở lĩnh vực này chờ các tân sinh viên khám phá.
Như vậy, nếu có dự báo nhu cầu nguồn nhân lực công khai, chắc chắn việc tuyên truyền, định hướng người học của các trường sẽ tốt hơn.
Thứ hai, “hữu xạ tự nhiên hương” là yêu cầu đặt ra với không chỉ nhóm ngành khoa học cơ bản mà với tất cả các chương trình đào tạo của khối đại học, cao đẳng hay các trường thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Các khoa, trường đại học cần nắm bắt cơ hội để khẳng định vị thế và khôi phục uy tín, tạo sức hấp dẫn với người học. Trong đó, có thể kể đến việc “làm mới” các ngành học không chỉ ở tên gọi mà chính là ở việc bắt nhịp với yêu cầu của xã hội.
Đơn cử, các trường có thể mở thêm các ngành mới dựa trên nền tảng ứng dụng khoa học cơ bản vào các lĩnh vực đang được quan tâm hiện nay. Trường Đại học Khoa học Tự nhiên có các ngành mới như: Khoa học dữ liệu, Kỹ thuật điện tử và Tin học, Quản lý Phát triển đô thị và Bất động sản, Khoa học và Công nghệ thực phẩm,… dù mới bắt đầu tuyển sinh từ năm 2020 nhưng được người học đón nhận khá tốt bởi tính ứng dụng thực tiễn, đào tạo liên ngành nên có khả năng làm đa dạng trong nhiều lĩnh vực, các vị trí khác nhau.
Một vấn đề nữa đặt ra đó là dù vẫn tuyển sinh được nhưng các ngành khoa học cơ bản chưa thu hút được nhiều học sinh có lực học xuất sắc. Điểm đầu vào thấp khiến các trường gặp nhiều khó khăn cho việc đào tạo và nâng cao chất lượng sinh viên tốt nghiệp. Trong khi đó mục tiêu của Chương trình phát triển khoa học cơ bản trong bốn lĩnh vực hóa học, khoa học sự sống, khoa học Trái đất và khoa học biển giai đoạn 2017-2025 cần nguồn nhân lực chất lượng cao để thực hiện các mục tiêu đề ra.
Vì vậy, bài toán đặt ra không chỉ là tuyển đủ, tuyển hết chỉ tiêu mà các ngành khoa học cơ bản còn cần những thí sinh chất lượng, yêu thích và có khả năng nghiên cứu, định hướng rõ ràng về con đường đi sắp tới của mình.
Các ngành khoa học cơ bản "khát" sinh viên, rồi đây lấy đâu ra nhân lực
Nhóm ngành Khoa học cơ bản rất cần những chuyên gia giỏi nhưng mỗi năm chỉ có trên dưới 20 sinh viên theo học, trong tương lai sẽ thiếu nguồn nhân lực kế cận.
Xu hướng chọn ngành học hiện nay, con số sinh viên đăng ký tập trung vào một số nhóm ngành hấp dẫn thuộc khối an ninh, quốc phòng, báo chí truyền thông...lớn gấp nhiều lần chỉ tiêu. Ngoài ra các ngành về kinh tế, du lịch khách sạn, dịch vụ, khoa học xã hội... cũng là những nhóm ngành thu hút sự quan tâm của người học.
Điều đáng chú ý, trong tổng số nguyện vọng, thì nhóm ngành Kinh doanh, Quản lý chiếm tỷ lệ đăng ký nguyện vọng cao nhất khoảng 27% so với tổng nguyện vọng 1. Nhưng khi so với chỉ tiêu mà các trường có năng lực đào tạo thì hệ số chỉ tiêu so với nguyện vọng 1 chỉ cao gấp 1,8 lần, đứng thứ 6 trong những nhóm ngành thu hút thí sinh nhất.
Nhóm ngành ít hấp dẫn nhất, tính theo nguyện vọng 1 là Khoa học Trái đất, Khoa học sự sống, Khoa học tự nhiên, đây đều là nhóm ngành khoa học cơ bản, nhu cầu nguồn nhân lực tương đối khắt khe nhưng là những ngành quan trọng cho nền kinh tế hiện tại và tương lai, rất cần những chuyên gia giỏi, nhu cầu nguồn nhân lực luôn thiếu nhưng mỗi năm chỉ thu hút được trên dưới 20 sinh viên đăng kí theo học.
Mặc dù nhiều ngành trong nhóm Khoa học cơ bản đang có nhu cầu lớn, thu nhập cũng rất tốt, nhưng việc đào tạo dài, khắt khe cùng môi trường làm việc có thể vất vả hơn... là những nguyên nhân dẫn đến mất cân đối khi thí sinh lựa chọn ngành nghề.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Lân. Ảnh: NVCC.
Lý giải vì sao nhiều ngành quan trọng cho đất nước, nhu cầu xã hội cao lại chưa nhận được sự quan tâm của sinh viên, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Lân, thầy Lân cho biết:
"Trước khi dạy học, tôi làm nghiên cứu viên tại Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam và cũng đã gắn bó với nghề nghiên cứu biển này gần 30 năm, đây là nghề mà tôi được đào tạo khi học đại học ở Liên Xô.
Các lĩnh vực khoa học cơ bản nói chung, Khoa học Trái đất nói riêng rất quan trọng, cần được xem việc đào tạo không chỉ đáp ứng nhu cầu xã hội mà còn đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững của cả quốc gia. Các nhà khoa học Trái đất không chỉ làm việc trong lĩnh vực khai thác và thăm dò khoáng sản mà còn trong các lĩnh vực như địa kỹ thuật, tài nguyên nước, khí tượng thủy văn, hải dương học cho tất cả các ngành kinh tế khác trước thách thức của biến đổi khí hậu và nhu cầu nguồn năng lượng tái tạo ngày càng cao.
Về nguyên nhân tại sao ngành Khoa học cơ bản lại không thu hút được người học, theo tôi có một số ngành trong nhóm này cũng không khó về đầu ra, mà ngược lại lúc nào cũng cần nhân lực, có rất nhiều cơ quan nhà nước cần tuyển dụng nhưng sinh viên ra trường không muốn vào đó bởi mức lương quá thấp, các em khó mà có thể đảm bảo cuộc sống để yên tâm làm việc, đây cũng là tình trạng chung của các ngành Khoa học cơ bản. Theo tôi thì đây là nguyên nhân chính.
Hiện nay nhiều cơ sở giáo dục cũng đang tham gia đào tạo ngành này với chương trình giống nhau, mỗi cơ sở hàng năm thu hút được khoảng trên dưới 20 sinh viên theo học. Nếu bây giờ tập trung những ngành đó lại vào một số trường trọng điểm thì lượng sinh viên đào tạo hàng năm sẽ đủ để đáp ứng nhu cầu của đất nước".
Thầy Lân nói: "Có một số bất cập hiện nay mà theo tôi thấy, một số ngành đòi hỏi nhân lực ở trình độ kĩ thuật bình thường thôi, không cần thiết phải có trình độ ở bậc đại học hàn lâm quá. Những người giỏi về kĩ thuật làm các công việc như đo đạc, trắc địa, khảo sát thực địa ...và lúc nào trong lĩnh vực này chuyên ngành này cũng thiếu nhân lực, nhưng trong thực tế chúng ta lại đưa việc đào tạo những người này thành trình độ đại học, như vậy là đang đào tạo quá mức cần thiết về trình độ cho những đối tượng như vậy.
Hiện nay, chúng ta đang "nâng cấp" một số trường cao đẳng lên thành đại học, theo tôi đó cũng là xu hướng chung nhưng như vậy không còn chú ý đến việc đào tạo những người thợ có kĩ thuật giỏi để phục vụ công việc chuyên môn. Xu hướng chung hiện nay nhiều người quá coi trọng có được bằng đại học, hơn là việc thu nạp kiến thức, đua nhau học đại học để rồi sau 4 năm ra trường thì tất cả trở thành "thầy", trong khi xã hội lại đang rất cần những người thợ chuyên nghiệp, có kĩ năng làm việc chuyên môn cao.
Một số công việc đo đạc, làm việc tại các trạm đo khí tượng, thời tiết, đo địa chất, đo trắc địa...đâu cần những người có kiến thức quá hàn lâm, không cần đào tạo đến 4 năm, trước đây những người này chỉ cần đào tạo trình độ cao đẳng hoặc trung cấp là đã có thể làm việc rất tốt rồi. Và khi đã có trình độ đại học thì những con người đó lại không chấp nhận làm những công việc kĩ thuật thuần túy như vậy, có thể hiểu là đào tạo thì quá lâu nhưng kĩ năng chuyên môn kỹ thuật lại quá thiếu. Đây cũng là mâu thuẫn đang tồn tại hiện nay.
Có thể chúng ta "nhóm" các ngành Khoa học cơ bản lại vào một số trường chuyên ngành để đào tạo, hiện nay các trường rải rác cùng đạo tạo là bất cập, quá dàn trải. Nên nhóm lại vào cùng đào tạo các ngành này để tận dụng được cơ sở hạ tầng, tránh lãng phí nguồn lực giảng viên.
Ngành Khoa học cơ bản nói chung đang rất cần và thiếu những kĩ thuật viên, hiện nay không có nơi nào đào tạo kĩ thuật viên chuyên ngành như thế. Bản thân trong chương trình đại học lại đào tạo tập trung về mặt lý thuyết cơ bản, nhưng lại hạn chế đào tạo về mặt thực hành kĩ thuật, chính vì thế sinh viên đại học ra trường không đủ kỹ năng thực hành để làm các vấn đề về kĩ thuật mà các ngành đang đòi hỏi.
Một trong những nguyên nhân là sinh viên được đào tạo sau 4 năm đã thành một "hệ" khác, chương trình đào tạo đại học khác với chương trình đào tạo kĩ thuật viên, theo quy định sẽ có bao nhiêu tiết học về lý thuyết, bao nhiêu tiết học về thực hành và số lượng tiết thực hành bao giờ cũng rất ít".
Theo thầy Lân: "Mục đích cuối cùng là các sinh viên ra trường có được kiến thức thực chất để phục vụ tốt công việc, phục vụ đất nước, đáp ứng được việc học thật, nhân tài thật". Ảnh: NVCC.
Giải pháp nào để thu hút người học?
Về vấn đề này, thầy Lân nêu quan điểm: "Theo tôi Nhà nước phải hỗ trợ, một số bộ, ngành liên quan cần phải có định hướng trước, thống kê và đưa ra kế hoạch xem hàng năm cần số lượng nhân lực bao nhiêu, các địa phương đặt hàng đào tạo thế nào? Có như vậy đảm bảo sau 4 năm học nguồn nhân lực này sẽ có việc làm.
Những ngành nào không thu hút được đủ số lượng sinh viên thì phải có sự hỗ trợ bằng học phí, học bổng hoặc một số những chính sách bố trí công việc khi ra trường. Đặc biệt nữa là những người theo nhóm ngành Khoa học cơ bản cần có mức thu nhập tốt, xứng đáng với tính chất công việc của họ, có như vậy những con người này mới yên tâm theo nghề.
Ở nước ngoài thì nhóm ngành Khoa học cơ bản cũng ít sinh viên theo học, nhưng họ lại có hướng đào tạo hợp lý cho những người chỉ làm công việc cụ thể đó, không cần phải có bằng đại học và những người làm công việc như vậy được nhà nước quan tâm, hưởng mức đãi ngộ rất tốt, dẫn tới việc sinh viên rất yên tâm theo học.
Chúng ta hiện nay đang có 2 vấn đề, thứ nhất là sinh viên không được đào tạo về kĩ thuật, vấn đề thứ 2 là mức lương rất thấp. Tôi thấy 2 vấn đề này rất khó giải quyết, và như vậy thì cũng không thu hút được sinh viên theo học những ngành này. Những sinh viên kĩ thuật ở nước ngoài rất dễ tìm được việc làm bởi họ chú trọng trình độ, kỹ năng thực hiện công việc chứ không phải bằng cấp.
Còn một số ngành ví dụ như ngành Hải dương học, Địa chất ... thì mang tính chất một nửa là ứng dụng và phần còn lại là khoa học cơ bản, những ngành này vẫn có những ứng dụng trong thực tế, tuy nhiên chương trình học cũng rất khó, đòi hỏi các kiến thức sâu về Toán, Lý, Hóa... theo yêu cầu của các ngành này thì sinh viên phải có kiến thức về Toán cao mới theo học được, vậy nên sinh viên cũng đắn đo bởi việc học thì khó như vậy mà ra trường đi làm có mức lương lại thấp".
Thầy Lân chia sẻ thêm: "Dự kiến sắp tới, những khoa cơ bản trong trường chúng tôi đã có chủ trương của Nhà trường tiến hành gộp lại thành khoa lớn hơn, nhưng vẫn có những ngành đào tạo như vậy, việc này sẽ khắc phục được nhiều khoa có quá ít sinh viên và sinh viên những khoa đó sẽ có cơ hội và điều kiện được học chung với nhau một số môn, tạo thành lớp có số sinh viên đông hơn, tâm lý và không khí học tập sẽ tốt hơn, sang năm thứ 3 sẽ tách riêng chuyên ngành nhỏ hơn.
Mục đích cuối cùng là các sinh viên ra trường có được kiến thức thực chất để phục vụ tốt công việc, phục vụ đất nước, đáp ứng được việc học thật, nhân tài thật".
Nhiều ngành học có điểm chuẩn "rớt" thảm, trường cũng "bó tay" Trong bức tranh tổng thể của mùa tuyển sinh năm nay, những ngành vốn là thế mạnh đào tạo của các cơ sở giáo dục đại học có số lượng chỉ tiêu tuyển sinh cũng như điểm chuẩn xét tuyển rất thấp. Trong khi những ngành mới mở lại có điểm chuẩn tăng vọt. Ảnh minh họa Báo động điểm đầu vào của...