Ngành học mới khuynh đảo mùa tuyển sinh
Các trường mở hàng loạt ngành học mới, thậm chí có những trường dự kiến mở mới đến 10-16 ngành để thu hút thí sinh ứng tuyển.
Những năm gần đây, từ định hướng tự chủ đại học (ĐH), việc tuyển sinh, trong đó có việc mở mới các ngành đào tạo vì thế cũng được cởi trói hơn.
Chỉ tính riêng tại TP.HCM, trong đề án tuyển sinh dự kiến năm 2021 mà các trường ĐH đã công bố, hầu như các trường đều mở mới thêm nhiều ngành học. Có trường mở 5-6 ngành, cũng có những trường mở hơn chục ngành mới, ở nhiều lĩnh vực khác nhau.
Có trường mở thêm 16 ngành học mới
Dự kiến mở thêm nhiều ngành học nhất để tuyển sinh từ năm 2021 tính đến thời điểm hiện tại có lẽ là Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng (TP.HCM), đến 16 ngành học mới, nâng tổng số ngành đào tạo của trường lên đến 68 ngành.
Trong đó có tới tám ngành thuộc khối sức khỏe. Đáng chú ý, lần đầu tiên xuất hiện các ngành học như sức khỏe răng miệng, chăm sóc bệnh trẻ em, hoạt động trị liệu, kỹ thuật hình ảnh y học… Mặc dù trước đó nhà trường đang đào tạo các ngành tương tự như răng hàm mặt, điều dưỡng, phục hồi chức năng, y khoa…
Nói về vấn đề này, PGS-TS Hồ Thanh Phong, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết trường mở mới nhiều ngành khối sức khỏe vì đây là nhóm ngành trường tuyển sinh khá tốt trong năm 2020. Nhu cầu xã hội và sự quan tâm của thí sinh khá lớn nên trường muốn chuẩn bị đào tạo nhân lực cho 4-5 năm sau.
Hơn nữa, theo PGS-TS Phong, với những ngành trường đang đào tạo là bác sĩ có thời gian đào tạo là sáu năm nên trường muốn mở một số ngành theo hướng đào tạo cử nhân với thời gian học là bốn năm, để các em ra trường có thể làm việc được ở những lĩnh vực liên quan.
Tương tự, trong kế hoạch tuyển sinh dự kiến của Trường ĐH Kinh tế TP.HCM cho năm 2021, trường này cũng dự kiến sẽ mở thêm 10 ngành đào tạo và hai chuyên ngành tại TP.HCM. Riêng phân hiệu Vĩnh Long sẽ mở tuyển thêm bốn ngành mới, chủ yếu thuộc khối kinh tế theo hướng đào tạo của trường như bất động sản, quản trị nhân lực, kinh doanh nông nghiệp, quản lý bệnh viện, thương mại điện tử, kiến trúc đô thị…
Trước đó, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM cũng cho biết dự kiến bổ sung đến bảy ngành mới, thuộc các nhóm ngành kỹ thuật – công nghệ (robot & trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu), kinh tế – quản trị (quản trị nhân sự) và khoa học xã hội (quan hệ công chúng, quan hệ quốc tế).
Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM cũng dự kiến mở một số ngành với những tên gọi khá lạ như hóa dược và hợp chất thiên nhiên, kinh doanh thời trang và dệt may, quản trị kinh doanh thực phẩm.
Video đang HOT
Thí sinh tìm hiểu ngành nghề và thông tin tuyển sinh của các trường đại học tại TP.HCM. Ảnh: PHẠM ANH
Tăng cường quản lý, quy hoạch ngành nghề đào tạo
Ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM, kiến nghị Nhà nước nên tăng cường công tác quản lý, đánh giá và quy hoạch lại các ngành, nghề đào tạo, thu gọn những ngành không còn tuyển sinh được, tránh việc các trường tuyển không được lại chuyển sang học ngành khác cũng sẽ vất vả cho thí sinh.
Ngành nghề quá nhiều, thí sinh sẽ gặp khó
Với việc mỗi năm các trường mở mới thêm nhiều ngành học theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực khiến hệ thống ngành đào tạo ĐH hiện nay khá đa dạng. Chỉ tính riêng ở bậc ĐH có hơn 380 ngành, hệ cao đẳng (CĐ) cũng ngày một tăng theo khi lên đến hơn 520 ngành, nghề.
Chia sẻ về vấn đề này, TS Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cho rằng năm 2021 trường này cũng dự kiến mở thêm sáu ngành học mới.
Cụ thể là các ngành kinh tế tài nguyên thiên nhiên, kỹ thuật hóa phân tích, quản trị nguồn nhân lực, logistics và quản lý chuỗi cung ứng, quản lý đô thị thông minh và bền vững, robot và hệ thống điều khiển thông minh.
Theo TS Nhân, mỗi ngành trường dự kiến tuyển khoảng 80 chỉ tiêu. Những ngành mà trường muốn mở ra nhằm đào tạo nhân lực đón đầu sự phát triển kinh tế – xã hội trong nước nói chung và tại TP.HCM nói riêng.
Theo TS Nhân, việc mở ngành hiện nay dễ dàng hơn, quan trọng là đảm bảo chất lượng đào tạo.
“Tôi nghĩ các ngành đào tạo cũng phải chấp nhận quá trình đào thải tự nhiên của thị trường lao động. Mở ngành nhưng chất lượng đào tạo không đảm bảo, sinh viên ra trường không làm việc được hoặc doanh nghiệp không có nhu cầu thì sẽ tự thất bại. Ngay cả những ngành khó tuyển hiện tại của trường ở nhóm ngành về môi trường… thì trường vẫn phải giữ vì nhu cầu xã hội có nhưng do thí sinh chưa đủ thông tin nên ít lựa chọn. Do đó, trường sẽ tiếp tục đẩy mạnh truyền thông, tư vấn để các em hiểu rõ hơn” – TS Nhân nói.
Bàn về vấn đề này, ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM, chuyên gia dự báo nguồn nhân lực và thị trường lao động, cho rằng việc mở ngành mới là phù hợp với sự phát triển kinh tế – xã hội, hội nhập và đáp ứng cách mạng công nghiệp 4.0.
Các trường muốn mở ngành thường dựa theo nhu cầu xã hội, nhất là theo hướng tích hợp công nghệ ở tất cả lĩnh vực.
Ông Tuấn cũng cho rằng việc chuyển đổi đào tạo hiện nay chủ yếu mới theo lý luận định hướng là chính, chứ chưa nhiều trường chuyển đổi về cơ cấu để phù hợp với phát triển công nghệ như đầu tư về trang thiết bị…
“Nhiều ngành mở mới chỉ phù hợp cho giai đoạn đặc thù trước mắt, nhu cầu nhất định nào đó nhưng nếu mở quá nhiều và quảng bá nhiều, đặt tên “hot” khiến thí sinh bị lầm tưởng và cuốn hút vào các ngành này mà quên đi năng lực bản thân. Việc này sẽ dễ khiến dư thừa lao động đầu ra, chọn ngành không phù hợp bản thân” – ông Tuấn cảnh báo.
Nên bình tĩnh chọn ngành nghề
Ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM, khuyên phụ huynh, thí sinh cần bình tĩnh khi chọn ngành nghề theo học. “Các em không nên chú tâm vào những ngành nghề tên tuổi hay sự hào nhoáng của ngành đó mà quan trọng là năng lực của mình sẽ phù hợp với ngành nào.
Học ngành nào các em cũng cần không ngừng học tập và rèn luyện. Bởi giá trị lao động không phải ở tên ngành đào tạo mà tạo nên từ năm yếu tố là có công việc phù hợp; kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, chịu áp lực công việc; tính kỷ luật; am hiểu công nghệ và vốn ngoại ngữ” – ông Tuấn nói.
Đua nhau mở ngành sức khỏe
Mùa tuyển sinh năm 2021, nhiều trường đại học tư đã công bố mở hàng loạt ngành thuộc khối ngành sức khỏe. Đây là điều đáng mừng hay đáng lo trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành y?
Sinh viên ngành Dược học Trường ĐH Nguyễn Tất Thành trong giờ học
Một trường mở 8 ngành sức khỏe
Năm 2021, Trường ĐH Văn Lang dự kiến mở các ngành mới thuộc khối sức khỏe gồm Y đa khoa, Y học cổ truyền. Trước đó, trường này cũng vừa mở ngành Răng hàm mặt, Điều dưỡng, Dược học, Kỹ thuật xét nghiệm y học.
Tương tự, Trường ĐH Công nghệ TPHCM cũng cho biết sẽ mở 2 ngành mới là Kỹ thuật xét nghiệm y học và Điều dưỡng.
Ngày 30-12-2020, Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng công bố đề án tuyển sinh năm 2021, dự kiến tuyển mới 16 ngành. Trong đó, đáng chú ý là mở đến 8 ngành khối sức khỏe. Trước đó, trường này cũng vừa mở các ngành Y đa khoa, Bác sĩ răng hàm mặt. PGS-TS Hồ Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng cho biết, nhà trường quyết định tuyển mới các ngành học thuộc khối ngành sức khỏe là do nhu cầu hiện nay của xã hội rất lớn.
Cách đây một năm, nhiều trường đại học tư ở phía Nam cũng đồng loạt mở ngành sức khỏe. Đáng nói hơn là năm 2019, Bộ GD-ĐT siết đầu vào 12 khối ngành sức khỏe, nhưng các trường thuộc khối đại học tư ở các tỉnh phía Nam cũng đồng loạt được mở thêm nhiều ngành về sức khỏe để thu hút sinh viên.
Năm 2019, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành mở thêm ngành Y khoa. Trường ĐH Công nghệ Đồng Nai mở ngành Kỹ thuật xét nghiệm y học, Điều dưỡng. Năm 2018, Bộ GD-ĐT cũng đã cho phép Trường ĐH Nam Cần Thơ đào tạo ngành Y đa khoa. Năm 2020, Trường ĐH VinUni cũng được mở ngành Y đa khoa qua việc hợp tác với Trường ĐH Pennsylvania (Mỹ). Năm 2019, Khoa Y (ĐH Quốc gia TPHCM) cũng mở thêm ngành Dược và Răng hàm mặt hệ chất lượng cao.
Nếu như giai đoạn từ năm 2015 trở về trước, chỉ có chưa tới 20 trường ĐH công lập đào tạo khối ngành sức khỏe thì đến nay khối ngành này được nhiều trường đa ngành và ĐH tư thục mở khá nhiều.
Tăng cường hậu kiểm
TS Hoàng Ngọc Vinh, Thành viên Tổ tư vấn của Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục đào tạo giai đoạn 2016-2021, cho rằng: "Để siết lại đầu vào, từ năm 2019, Bộ GD-ĐT quy định điểm sàn cho 12 ngành thuộc khối ngành sức khỏe. Việc đưa ra ngưỡng điểm như vậy bước đầu nhận được sự đồng thuận của xã hội, trước thực tế nhiều trường có điểm đầu vào quá thấp. Vì vậy, Bộ Y tế cần phối hợp với Bộ GD-ĐT chọn một số bác sĩ, giáo sư giỏi thực hiện thanh tra chuyên môn một số trường ĐH, nếu đào tạo không có chất lượng thì dừng, không cho phép được đào tạo... Đó mới là kế sách lâu dài, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ y tế".
PGS-TS Nguyễn Ngọc Khôi, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Y dược TPHCM, cho biết: "Việc cho mở nhiều ngành sức khỏe tôi không phản đối, vì như thế sẽ tạo ra sự cạnh tranh và nhiều cơ hội cho người học. Tuy nhiên, mở ngành phải đi đôi với các điều kiện đảm bảo chất lượng như giảng viên, cơ sở vật chất thực hành, thực tập. Cùng với đó, việc kiểm soát đầu vào phải song hành với việc tăng cường hậu kiểm và công tác kiểm định chất lượng đầu ra. Không thể để tồn tại những cơ sở đào tạo kém chất lượng".
Một nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y dược TPHCM cho rằng, nhân lực ngành y tế của Việt Nam nằm trong số 49 nước có số lượng thấp của thế giới. Trước nhu cầu nhân lực ngành y tế rất lớn, một số trường ở VN tăng quy mô đào tạo, có trường tuyển cả ngàn sinh viên ngành y mỗi năm, là việc làm đáng báo động, vì ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.
Tuy nhiên, trong khi trường công lập chưa gánh vác hết nhiệm vụ đào tạo, nếu có đầy đủ tiêu chí để đảm bảo chất lượng, trường tư cũng vào cuộc tham gia đào tạo. Hiện nay, hầu hết trường ĐH có đào tạo ngành y trên thế giới đều là trường đa ngành, thậm chí đa lĩnh vực. Mô hình đúng đắn là đào tạo y dược nằm trong trường ĐH đa ngành, vì sẽ hỗ trợ rất nhiều về chất lượng.
Nhiều chuyên gia nhìn nhận, chúng ta không vì số lượng mà buông chất lượng. Trong bối cảnh hiện nay, việc khuyến khích tư nhân đầu tư vào giáo dục nói chung và khối ngành Y nói riêng là nên làm. Song, về mặt quản lý phải kiểm soát chất lượng chặt chẽ, kiểm định chặt các tiêu chí mở ngành, điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo; không thể để tình trạng các trường "mượn" tên giảng viên, khai khống, trường không đạt chuẩn vẫn được phép đào tạo.
Quốc tế hóa giáo trình - cần chiến lược dài hơi Cập nhật giáo trình hiện đại được xem là giải pháp đột phá về chất lượng đào tạo mà nhiều trường đại học đang thực hiện. Sinh viên ĐH Huế nghiên cứu tại khu học liệu. Ảnh minh họa Quốc tế hóa giáo trình (nhập nguyên) hay dung hòa và làm mới theo đặc thù của đơn vị là những cách làm được...