Ngành Giáo dục Thủ đô: Vượt khó hoàn thành “nhiệm vụ kép”
Đến thời điểm này, hầu hết các trường học trên địa bàn Hà Nội đã hoàn thành nhiệm vụ năm học 2020-2021.
Do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều học sinh nghỉ hè khi chương trình học còn dang dở, song với sự nỗ lực của thầy, trò, sự đồng hành của phụ huynh học sinh, ngành Giáo dục Thủ đô đã triển khai nhiều giải pháp, vượt qua khó khăn để hoàn thành “nhiệm vụ kép”: Bảo đảm chất lượng giáo dục và an toàn, đồng thời khẩn trương chuẩn bị cho năm học mới 2021-2022.
Giáo viên Trường Trung học cơ sở Thành Công (quận Ba Đình) nghiên cứu sách giáo khoa lớp 6, chuẩn bị cho năm học mới 2021-2022 (ảnh chụp tháng 6-2021). Ảnh: Nguyễn Hạnh
Khắc phục khó khăn
Trước diễn biến phức tạp và kéo dài của dịch Covid-19, năm học 2020-2021, việc dạy – học trực tiếp của thầy, trò các trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội bị ngắt thành nhiều đợt. Vào một số thời điểm dịch bùng phát, các trường phải tạm dừng việc dạy học trực tiếp, chuyển sang dạy – học theo hình thức trực tuyến. Gần cuối năm học, trừ học sinh lớp 9 và lớp 12, UBND thành phố đã quyết định điều chỉnh kế hoạch năm học, cho phép học sinh các cấp nghỉ hè sớm (từ ngày 15-5-2021), khi nhiệm vụ năm học còn dang dở. Căn cứ vào điều kiện thực tế, các nhà trường đã chủ động khắc phục khó khăn, xây dựng phương án dạy học và kiểm tra, đánh giá cuối học kỳ II bằng hình thức trực tuyến.
Theo ông Nguyễn Viết Cẩn, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Hà Thành (quận Bắc Từ Liêm), với sự hỗ trợ tích cực của phụ huynh học sinh, trường đã tổ chức cho học sinh hoàn thành bài kiểm tra cuối học kỳ II và tổng kết năm học theo hình thức trực tuyến. Dù tình hình dịch phức tạp, song nhà trường cũng đã tổ chức tuyển sinh lớp 6 và lớp 10 an toàn, đúng tiến độ.
Còn theo bà Phương Thị Thìn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Văn Yên (quận Hà Đông), trước nguy cơ dịch còn kéo dài, trên cơ sở khảo sát điều kiện thực tế và nguyện vọng của phụ huynh học sinh, nhà trường đã tổ chức kiểm tra học kỳ II theo hình thức trực tuyến, lần lượt từ khối 5 trở xuống để rút kinh nghiệm. Toàn bộ học sinh đều được ôn tập và kiểm tra thử nhiều lần. Do học sinh còn nhỏ, nên thời gian tổ chức kiểm tra chủ yếu được thực hiện vào buổi tối để các em được hỗ trợ tối đa. Nhà trường sẽ hoàn thành việc tổ chức kiểm tra trước ngày 15-8-2021.
Bà Nguyễn Thị Thảo, phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Quang Minh B (huyện Mê Linh) chia sẻ: “Trước thời điểm kiểm tra, một số phụ huynh khá lo lắng, bởi thiếu máy tính có kết nối mạng, lại hạn chế về trình độ công nghệ, nên không thể hỗ trợ được con. Song, với hướng dẫn của giáo viên và hỗ trợ của nhà trường về thiết bị, các con đã hoàn thành kỳ kiểm tra theo đúng quy định…”.
Video đang HOT
Về việc tháo gỡ vướng mắc cho các trường còn khó khăn, phụ huynh và học sinh thiếu thiết bị để thực hiện bài kiểm tra trực tuyến, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến cho biết, Sở cho phép các trường tiểu học không đủ điều kiện tổ chức kiểm tra trực tuyến được sử dụng kết quả đánh giá học kỳ I, kết quả giữa học kỳ II và kết quả đánh giá thường xuyên để đánh giá kết quả năm học 2020-2021 đối với học sinh lớp 1, 2. Đến thời điểm này, có thể khẳng định dù còn nhiều khó khăn, song các trường học trên địa bàn Thủ đô đã hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học 2020-2021.
Học sinh một trường tiểu học trên địa bàn huyện Mê Linh làm bài kiểm tra cuối học kỳ II năm học 2020-2021. Ảnh: Trọng Hiếu
Chủ động các phương án dạy – học
Cùng với việc đẩy nhanh tiến độ hoàn thành năm học 2020-2021, các trường học trên địa bàn Hà Nội cũng gấp rút chuẩn bị cho năm học mới 2021-2022. Trước diễn biến phức tạp và nguy cơ có thể còn kéo dài của dịch Covid-19, dạy – học trực tuyến là phương án đã được các nhà trường tính đến.
Theo ông Nguyễn Cao Cường, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Thái Thịnh (quận Đống Đa), nhà trường đã chuẩn bị kịch bản cho một năm học có thể dịch còn diễn biến phức tạp. Đây là năm đầu tiên thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới đối với lớp 6, trường có thuận lợi vì đã được chọn là đơn vị dạy học thử nghiệm, song vẫn đặc biệt quan tâm đến khâu tập huấn cho giáo viên. Nhà trường cũng đã xây dựng thành công và đưa vào vận hành hệ thống kiểm tra, đánh giá trực tuyến và hỗ trợ học sinh tự ôn tập qua hệ thống.
Còn theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Chương Mỹ Nguyễn Đức Hòa, phòng tham mưu cho UBND huyện đẩy nhanh tiến độ mua sắm trang thiết bị, nhất là đối với lớp 2, lớp 6 – hai khối lớp bắt đầu thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới; chỉ đạo các trường học tiếp tục rà soát, tận dụng tối đa trang thiết bị hiện có và hoàn thiện các điều kiện hạ tầng công nghệ thông tin, sẵn sàng chuyển sang trạng thái dạy học trực tuyến khi cần thiết.
Cô giáo Đặng Hoàng Hà, Trường Tiểu học Giáp Bát (quận Hoàng Mai) cho hay, đã cùng đồng nghiệp khẩn trương xây dựng kho bài giảng điện tử và hệ thống bài tập ở nhiều môn học, nhằm khắc phục những hạn chế của hình thức dạy học trực tuyến với học sinh nhỏ tuổi.
Với tinh thần khắc phục mọi khó khăn để chuẩn bị cho năm học mới, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến nhấn mạnh: “Các nhà trường tiếp tục rà soát, chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chủ động các phương án, sẵn sàng bước vào năm học mới 2021-2022 với tinh thần chủ động hơn nữa, quyết tâm không để những khó khăn của dịch Covid-19 làm ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng dạy – học. Căn cứ điều kiện thực tế, các nhà trường cần quan tâm, hoàn thiện điều kiện dạy, học và kiểm tra đánh giá trực tuyến để sẵn sàng chuyển trạng thái khi cần thiết”.
Bộ GD&ĐT giải đáp về việc cho học sinh tựu trường từ 23/8 dù dịch Covid-19 phức tạp
Sau khi Bộ GD&ĐT ban hành khung thời gian năm học, cho phép học sinh lớp 1 tựu trường từ 23/8, các lớp khác từ 1/9 khiến xôn xao dư luận vì tình hình dịch Covid-19 còn phức tạp.
Dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, vì vậy việc Bộ GD&ĐT vừa ban hành khung thời gian năm học, cho phép học sinh lớp 1 tựu trường từ 23/8, các lớp khác từ 1/9 khiến nhiều cha mẹ học sinh lo lắng.
Trước các thắc mắc và lo lắng của phụ huynh cũng như học sinh, Bộ GD&ĐT có những giải đáp như sau:
1. Khung kế hoạch thời gian năm học là quyết định khung, các tỉnh thành đang gặp khó khăn về dịch có thể đưa ra mốc thời gian tựu trường và kết thúc năm học phù hợp
Ông Nguyễn Xuân Thành - vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT) cho biết, hàng năm, bộ đều có chỉ thị năm học, công văn hướng dẫn nhiệm vụ năm học các cấp học để cụ thể hoá khung kế hoạch thời gian năm học này sao cho bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế.
Các mốc thời gian Bộ GDĐT đưa ra là "sớm nhất" hoặc "muộn nhất", chứ không có nghĩa bộ yêu cầu tất cả địa phương phải tựu trường và kết thúc năm học trong cùng một ngày.
Theo Quyết định khung thời gian năm học, Bộ GD&ĐT trao quyền cho chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định kế hoạch thời gian năm học cụ thể để đảm bảo phù hợp với thực tiễn của mỗi địa phương. Trong đó, thời gian nghỉ học, tựu trường sớm và kéo dài năm học không quá 15 ngày so với khung kế hoạch thời gian năm học 2021-2022 để bảo đảm thực hiện và hoàn thành chương trình.
Học sinh trường Phan Đình Giót (Hà Nội) trong ngày khai giảng năm học 2019-2020.
Trong quy định khung, bộ chỉ đặt ra các nguyên tắc. Cụ thể, kế hoạch thời gian năm học phải đảm bảo số tuần thực học của chương trình hiện hành; phải phù hợp với quy định chung trên toàn quốc về ngày nghỉ tết, lễ theo Luật lao động và các hướng dẫn hằng năm; đảm bảo quy định về ngày phép của giáo viên, người lao động trong ngành giáo dục...
Với những tỉnh thành đang khó khăn về dịch bệnh, phải thực hiện giãn cách theo chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, ưu tiên hàng đầu vẫn là đảm bảo an toàn, sức khoẻ cho học sinh, giáo viên. Với những tỉnh thành này, cụ thể như Hà Nội và TP.HCM, chủ tịch UBND cấp tỉnh sẽ căn cứ vào tình hình dịch bệnh của địa phương mình để đưa ra mốc thời gian tựu trường và kết thúc năm học phù hợp, ví dụ chuyển sang giữa tháng 9, thậm chí sang tháng 10.
2. Tình hình dịch bệnh đang phức tạp, tại sao không lùi thời gian bắt đầu năm học trên cả nước?
Lý giải về việc này, ông Thành cho hay, khi xây dựng quy định khung kế hoạch thời gian năm học, bộ đã xem xét tới việc nên hay không nên lùi thời gian tựu trường sớm nhất. Nhưng việc "lùi chung" này có những bất cập.
Trước hết, tình hình dịch bệnh khó đoán trước. Thời điểm này, dịch bệnh ở địa phương này, nhưng có thể một thời gian nữa, lại xuất hiện ở địa phương khác, nếu "lùi" như vậy, không thể bắt đầu được năm học.
Bên cạnh đó, hàng năm, các tỉnh miền Trung thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Nếu cũng lùi năm học theo Hà Nội, TP.HCM, tới mùa bão lũ lại tiếp tục phải cho học sinh nghỉ học, các tỉnh sẽ rất khó khăn.
Vì thế, bộ ban hành khung kế hoạch thời gian năm học dùng chung cho cả nước. Địa phương phải linh hoạt quyết định kế hoạch thời gian năm học phù hợp tình hình thực tiễn cho các cơ sở giáo dục trên địa bàn.
3. Tại sao học sinh lớp 1 lại có thời gian tựu trường sớm (23/8) so với các lớp khác (1/9)?
Trả lời về vấn đề này, ông Thái Văn Tài (vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học) cho biết: Đối với lớp 1, khung thời gian năm học được nới rộng hơn một mức. Trong khi các lớp học khác tựu trường sớm nhất vào ngày 1-9 thì lớp 1 được phép tựu trường sớm nhất từ ngày 23-8.
Điều này nhằm tạo thuận lợi cho các em từ bậc mầm non chuyển sang bậc học mới sẽ có thời gian làm quen nề nếp, trường lớp, chuẩn bị tâm thế để việc học tập chương trình mới được tốt nhất.
Sau kỳ thi, đừng chì chiết hay so sánh điểm của con với bạn bè "Đại học là con đường quan trọng nhưng không phải là con đường duy nhất đối với quá trình lập thân, lập nghiệp của thanh niên". Tiến sĩ Học nhận định. Đừng để con trẻ cô đơn sau kỳ thi Từ 0h ngày 26/7, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021...