Ngành giáo dục Bình Dương dạy thật, học thật, thi thật, Bộ nên tuyên dương
Quan điểm nâng điểm học bạ, chạy theo thành tích đã quá lỗi thời trong thời điểm hiện tại, hãy xem việc đó là hại học sinh, làm cho học sinh ỷ lại.
Trong giai đoạn tình hình kinh tế còn khó khăn, thử thách do thiên tai, dịch bệnh phức tạp thì kết quả đạt được của Bình Dương là một điểm sáng về giáo dục, đáng để các địa phương học tập và thực hiện theo.
Điểm cao nhất trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông đợt I từ dữ liệu thống kê điểm thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy, Bình Dương là tỉnh dẫn đầu cả nước với mức điểm trung bình thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2021 với 7,056 điểm.
Đây cũng là tỉnh duy nhất có điểm trung bình trên 7,0 và chênh lệch ít nhất giữa điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông, điểm trung bình học bạ lớp 12 là thành tích “kép” đáng nể, quá xứng đáng được tuyên dương, khen thưởng và nhân rộng cách làm để các địa phương khác cùng thực hiện theo.
Điều đó cho thấy dưới sự lãnh, chỉ đạo đúng đắn của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương ngành giáo dục đã đi đúng hướng, kết quả không phải tự dưng mà có mà là sự nỗ lực không ngừng nghỉ của cả hệ thống chính trị tỉnh, của cả ngành giáo dục, sự đồng lòng của người dân, sự nỗ lực của học sinh.
Một kỳ thi thật, một kết quả thật thì không có lý gì không tuyên dương ngành giáo dục Bình Dương đã làm nên một kỳ tích tuyệt vời.
Thí sinh dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông đợt 1 năm 2021. (Ảnh minh hoạ: Baobinhduong.vn)
Mấu chốt của thành công là dạy thật và không nâng điểm hại học sinh
Phó giám đốc Sở Giáo dục Bình Dương đã chia sẻ thẳng thắn với Tạp chí điện tử giáo dục Việt Nam trong bài viết “Phó giám đốc Sở Giáo dục Bình Dương: nâng điểm học bạ là hại học sinh” ngày 03/08/2021 của tác giả Hữu Đức về cách làm của tỉnh Bình Dương mà các địa phương khác có thể áp dụng.
Thành tích tốt của Bình Dương bắt đầu từ việc cấm nâng điểm học bạ bởi việc này là hại học sinh. Nếu cứ mãi nâng điểm học bạ vì sợ học sinh thi không đạt sẽ là hại học sinh, mải chạy theo thành tích, sẽ không bao giờ có thành công.
Trong bài viết trên chia sẻ thành tích tuyệt vời của ngành giáo dục tỉnh Bình Dương là “Bình Dương là địa phương có độ chênh lệch giữa điểm trung bình thi và trung bình học bạ thấp nhất cả nước với 0,099 điểm. Kế đến lần lượt là: Bạc Liêu (0,421), Lâm Đồng (0,437), Ninh Bình (0,497), Vĩnh Phúc (0,561), Lào Cai (0,564), Tây Ninh (0,579), Phú Thọ (0,604), Tuyên Quang (0,613).
Đặc biệt, Bình Dương có nhiều môn, điểm trung bình trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021 còn cao hơn điểm học bạ như: Môn Toán (-0,33), Hóa học (-0,314), Giáo dục công dân (-1,061), tiếng Anh (-0,519).
Bình Dương là địa phương dẫn đầu cả nước về mức điểm trung bình thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm nay với 7,030 điểm. Bình Dương cũng là địa phương duy nhất có điểm trung bình tốt nghiệp trên 7,0.
Năm ngoái, kết quả điểm trung bình tốt nghiệp Bình Dương đứng thứ 2, sau Nam Định. Điều này, cho thấy Bình Dương đã đi đúng hướng trong công tác giáo dục và đào tạo nói chung và trung học phổ thông nói riêng.
Ông Nguyễn Văn Phong cho rằng, kết quả này càng thuyết phục hơn, khi độ chênh lệch giữa điểm trung bình thi tốt nghiệp và điểm trung bình học bạ của học sinh ở Bình Dương được xếp loại thấp nhất cả nước.”
Một giải pháp theo chia sẻ của ông người viết vô cùng tâm đắc đó chính là việc: “Sau mỗi kì thi, kể cả thi học kỳ, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh mở hội thảo, mời tất cả hiệu trưởng của các trường để đánh giá nhận xét tỷ lệ của từng trường, phân tích độ chênh lệch giữa điểm thi và học bạ của từng trường. Sau đó, so sánh đối chiếu một lần nữa giữa các trường với số liệu chung của tỉnh, từ đó đúc kết ra giải pháp tích cực riêng cho từng trường trong những năm tiếp theo.”
Video đang HOT
Và ông Nguyễn Văn Phong thẳng thắn cho biết, quan điểm nhất quán của ngành giáo dục và đào tạo Bình Dương là tuyệt đối nói không với “bệnh thành tích”, việc cho đề thi dễ để nâng điểm học bạ, làm đẹp học bạ là hại học sinh. Và tất nhiên, yêu cầu chất lượng giáo dục thực phải đặt lên hàng đầu.
Như vậy, 3 giải pháp then chốt là dạy thật, học thật, thi thật; chống bệnh thành tích và chống nâng điểm học bạ được ngành giáo dục Bình Dương vận dụng rất tốt, đó chính là nguyên nhân đem lại kết quả thành công rực rỡ cho giáo dục Bình Dương trong năm nay và là tiền đề vững chắc cho các năm tiếp theo.
Các địa phương khác nếu làm tốt 3 điều này giống Bình Dương thì người viết tin rằng kết quả giáo dục cũng sẽ nâng cao.
Đề nghị có hình thức tuyên dương, khen thưởng cho ngành giáo dục tỉnh Bình Dương
Theo người viết, hiện nay có 2 kỳ thi thật nhất để đánh giá giáo dục cả nước và đánh giá địa phương đó chính là kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và kỳ thi tuyển sinh lớp 10.
Nên lấy kết quả thi tốt nghiệp kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông làm căn cứ tuyên dương, khen thưởng các địa phương đạt hạng I, II, III và có ít chênh lệch với điểm học bạ, bên cạnh đó căn cứ điểm của các trường trung học phổ thông để các địa phương tuyên dương, khen thưởng.
Và không chỉ thống kê của các địa phương mà cũng thống kê các trường có kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông tốt và ít chênh lệch với điểm học bạ để các địa phương khen thưởng, khích lệ tinh thần để họ cố gắng, phấn đấu và đạt thành tích cao.
Bên cạnh đó, cũng nên lấy kết quả kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 để tuyên dương, khen thưởng các trường trung học cơ sở, và cũng nên có việc so sánh điểm thi tuyển sinh lớp 10 so với điểm học bạ để biết việc dạy thật, học thật của học sinh tránh việc nâng điểm học bạ, làm đẹp hồ sơ, hại học sinh.
Do đó, để tuyên dương, ghi nhận sự nỗ lực cố gắng các địa phương đã làm tốt việc dạy thật, học thật, thi thật, nhân tài thật nên có hình thức tuyên dương tỉnh Bình Dương, ngành giáo dục Bình Dương và các địa phương đạt thành tích cao.
Đó là niềm động viên, khích lệ kịp thời và lấy đó làm cơ sở để các địa phương khác phấn đấu noi theo, thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, tránh việc chạy theo bệnh hình thức, thành tích, gian dối trong giáo dục.
Từ những cơ sở trên, từ thành công của tỉnh Bình Dương thì các địa phương xin hãy có kế hoạch hành động, bắt tay vào các công việc, kế hoạch cụ thể để đưa giáo dục từng bước học thật, thi thật nhân tài thật như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, và Bộ Giáo dục từng bước triển khai.
Do đó, những biện pháp mà tỉnh Bình Dương đang làm rất tốt mà chúng ta thực hiện theo đó là: Không nâng điểm học bạ, làm như vậy là có lỗi với học sinh; sau mỗi kỳ kiểm tra, thi thử có so sánh với kết quả các kỳ kiểm tra, điểm học trong lớp; quan điểm dạy thật, học thật,… thật tuyệt vời nếu chúng ta thực hiện đồng bộ những điều đó.
Quan điểm nâng điểm học bạ, chạy theo thành tích đã quá lỗi thời trong thời điểm hiện tại, hãy xem việc đó là hại học sinh, làm cho học sinh ỷ lại, không phấn đấu.
Năm học mới sắp bắt đầu việc dạy thật, học thật, chống bệnh thành tích, gian dối,… phải được thực hiện quyết liệt hơn từng bước giáo dục sẽ lấy lại uy tín, sự trung thực và phát triển mạnh mẽ.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
Thầy Bùi Nam đề xuất phương án thay hội thi giáo viên giỏi, chủ nhiệm giỏi
Những danh hiệu giáo viên giỏi hiện nay thông qua một tiết dạy không nói lên được vấn đề gì để chứng tỏ là một giáo viên giỏi thật sự trong nhà trường.
Một trong những giải pháp để giáo viên chuyên tâm vào việc dạy thật để học sinh được học thật, thi thật và tạo ra lực lượng nhân tài thật trong thời gian tới chính là giải tỏa bớt áp lực về thành tích, hồ sơ sổ sách, các phong trào, bệnh hình thức... không cần thiết.
Trong phạm vi bài viết, người viết xin được đề xuất giải tỏa bớt một phong trào đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều đó là việc tổ chức các Hội thi giáo viên giỏi gồm: Giáo viên giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi, tổng phụ trách đội giỏi,... và mạnh dạn đề xuất một giải pháp thay thế để Hội thi đi vào thực chất hơn, hiệu quả hơn nhằm lan tỏa những tấm gương dạy tốt, giáo viên giỏi.
Thực tế rất nhiều giáo viên hiện nay khi công tác bình thường không có gì nổi trội, làm việc cũng chưa hiệu quả, không được tín nhiệm nhưng lại có trong tay đủ các danh hiệu giáo viên giỏi, được nhận nhiều giấy khen, bằng khen,...
Nói đúng hơn những danh hiệu giáo viên giỏi hiện nay thông qua một tiết dạy không nói lên được vấn đề gì để chứng tỏ là một giáo viên giỏi thật sự trong nhà trường, yêu nghề, mến trẻ,...
(Ảnh minh hoạ: Vanhocvui.com)
Bất cập của việc thi giáo viên giỏi hiện nay
Ngày 20/12/2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 22/2019/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành về Hội thi giáo viên giỏi cơ sở giáo dục mầm non; giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi cơ sở giáo dục phổ thông (sau này xin gọi chung là Hội thi giáo viên giỏi). Thông tư có hiệu lực từ 12/02/2020.
Trích " Điều 6,7: Nội dung, tiêu chuẩn của Hội thi giáo viên giỏi mầm non, phổ thông
1. Nội dung:
Thực hành một hoạt động giảng dạy tại thời điểm diễn ra Hội thi tại nhóm, lớp đang giảng dạy và được báo trước tối đa 02 ngày
Trình bày biện pháp nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, phổ thông trong thời gian không quá 30 phút
2. Tiêu chuẩn: Đối với giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở: Nếu dự thi cấp huyện phải đạt giáo viên giỏi cấp trường ở năm trước liền kề hoặc năm đang dự thi; nếu dự thi cấp tỉnh phải đạt giáo viên giỏi cấp huyện trong 02 năm trước liền kề hoặc đạt cấp huyện năm tham gia dự thi
Đối với giáo viên trung học phổ thông: Nếu dự thi cấp Tỉnh phải đạt cấp trường 02 năm trước liền kề hoặc đạt ở năm tham dự kỳ thi ".
Thật ra việc thay đổi kỳ thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo về kỳ thi giáo viên giỏi này đã giảm rất lớn về áp lực thi giáo viên giỏi (trước đây giáo viên thi giáo viên giỏi phải trải qua tới 3 vòng gồm: Sáng kiến kinh nghiệm, thi kiến thức, thực hành dạy 2 tiết) thì nay quy định mới đã hầu như giải tỏa gần hết áp lực.
Giáo viên chỉ còn dự thi 1 tiết dạy tại trường của mình và trình bày một giải pháp, giảm áp lực rất nhiều nhưng thực chất nó vẫn rất hình thức, không cần thiết vì bất cập của việc một tiết giỏi không thể là giáo viên giỏi.
Nhưng quan trọng là nó vẫn rất hình thức, việc tổ chức Hội thi giáo viên giỏi giáo viên chỉ dạy 1 tiết trên lớp và trình bày giải pháp, nếu đạt thì được công nhận giáo viên giỏi cấp trường, huyện,... không đánh giá gì về quá trình làm việc, năng lực của giáo viên.
Mục đích để giáo viên giao lưu, học hỏi kinh nghiệm,... không có, nâng cao tay nghề cũng không,...
Tuy là đã giảm bớt áp lực, nhưng lại có "chỉ tiêu" nên thực chất việc tổ chức các Hội thi giáo viên giỏi vẫn rất hình thức, giáo viên cũng tập dượt thường xuyên, cả trường cũng dự giờ nhiều lần,... nói chung việc tổ chức Hội thi trên vẫn còn rất hình thức, không hiệu quả.
Hiện nay việc các Sở/Phòng giáo dục giao chỉ tiêu thi giáo viên giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi mỗi môn, mỗi trường phải đạt bao nhiêu giáo viên vô hình trung tạo áp lực không đáng có lên giáo viên, họ cảm thấy bị ép đi thi,... rồi việc cạnh tranh giữa trường này trường kia, hay so sánh số giáo viên giỏi giữa huyện này và huyện kia, nên có tình trạng chạy theo chỉ tiêu giáo viên giỏi, có một số người còn cho rằng có tình trạng "giải cứu" giáo viên giỏi cho đạt chỉ tiêu cấp trên giao.
Thực tế có giáo viên được công nhận giáo viên dạy giỏi nhưng chưa bao giờ dạy được một học sinh đạt học sinh giỏi cấp huyện, tỉnh hay chưa bao giờ được đồng nghiệp học sinh ghi nhận. Trong khi đó có giáo viên đào tạo được nhiều học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia nhưng không bao giờ được công nhận là giáo viên dạy giỏi vì họ không muốn đăng ký Hội thi trên mà chỉ muốn dạy cho tốt, hiệu quả.
Muốn biết giáo viên có dạy tốt, dạy giỏi hay không thì phải dựa và quá trình làm việc và thông qua kết quả của học sinh chứ không thể qua 1 tiết dạy mà đánh giá là giáo viên giỏi.
Đề xuất Hội thi trình bày giải pháp giúp giáo viên dạy tốt
Tập trung vào nâng cao chuyên môn, phương pháp giảng dạy, dạy thật là điều mà nhà giáo và nhân dân cả nước mong muốn nhất hiện nay.
Giảm bớt áp lực trong kỳ thi giáo viên giỏi là một trong những việc làm để giáo viên chuyên tâm vào công việc, làm tốt công việc thiên chức của mình.
Thực tế có rất nhiều giáo viên giỏi, tốt, đáng kính trong trường nếu những giáo viên đó chia sẻ, hỗ trợ giải pháp để các đồng nghiệp dạy thì quá tốt, hiệu quả sẽ lan tỏa, nâng cao.
Người viết đề xuất, thay vì tổ chức một Hội thi giáo viên giỏi mà theo người viết là không có hiệu quả cho cả giáo viên và học sinh, thì mỗi năm nên chọn những gương giáo viên điển hình tiên tiến trình bày những giải pháp đã thực hiện của cá nhân để trình bày những giải pháp, cách làm hay của mình để học sinh ham học, học giỏi, và đạt kết quả cụ thể kèm minh chứng.
Trước hết lựa chọn từ trường những giáo viên tiêu biểu, nổi bật, có thành tích trong dạy và học được đồng nghiệp và học sinh tín nhiệm để dự thi, tránh chạy theo chỉ tiêu, thành tích, hình thức,...
Về hình thức thi gồm 2 phần gồm: Phần I: kiểm tra quá trình, thành tích công tác,... trong năm dự thi, phần II: Trình bày giải pháp của mình để mang lại hiệu quả.
Việc trình bày, giống như trình bày giải pháp sáng kiến kinh nghiệm nhưng là giải pháp thật của cá nhân, kết quả thực hiện thật, cách làm cụ thể chứ không phải như việc cắt, dán, sao chép,... rồi viết sáng kiến như hiện nay.
Chỉ có làm thật, thì mới trình bày thật, và kết quả là thật, những điều đó sẽ lan tỏa tấm gương điển hình tiên tiến, giáo viên giỏi để mọi người cùng học tập, chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hay để giáo dục cả nước cùng tiến bộ.
Khi trình bày giải pháp được nhiều giáo viên chấm công bằng, được ghi hình cẩn thận, những giáo viên đạt giải sẽ được công khai trên khu vực để chia sẻ cho mọi người học tập, chia sẻ kinh nghiệm để mọi người cùng phấn đấu học tập, để mọi người tập trung dạy thật, dạy hiệu quả, lan tỏa giải pháp, gương giáo viên phấn đấu, điển hình.
Nó có thể là những giải pháp hiệu quả để giáo viên dạy học sinh giỏi, dạy tốt bộ môn, giải pháp giúp học sinh cá biệt, hay trình bày những mô hình, phần mềm sáng tạo trong quản trị, giáo dục học sinh, học sinh cá biệt,... nhưng phải là những giải pháp mới, thật và có thể triển khai cho nhiều người áp dụng, có thể mang lại hiệu quả tích cực.
Tổ chức Hội thi trên sẽ hiệu quả rất nhiều lần so với việc tổ chức Hội thi giáo viên giỏi hiện nay. Những giải pháp đạt được công nhận sẽ công nhận giáo viên giỏi, đạt giải pháp dùng để xét chiến sĩ thi đua các cấp, khen thưởng,...
Nhân dân cả nước và giáo viên rất mong giáo viên là những giáo viên tốt hết lòng yêu thương học sinh và dạy dỗ các em làm người tốt cho xã hội mà không cần danh hiệu giáo viên giỏi, chỉ cần cuối năm đánh giá công bằng, bình đẳng như mọi công chức, viên chức khác và sự tiến bộ của học sinh chính là niềm vui, hạnh phúc lớn lao của giáo viên chứ không phải thông qua danh hiệu giáo viên giỏi.
Lan tỏa, chia sẻ giải pháp hay giúp đồng nghiệp dạy tốt, dạy giỏi cần được khuyến khích khen thưởng hơn là những danh hiệu giáo viên giỏi hay sáng kiến kinh nghiệm hiện nay.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
Vì sao thủ khoa xuất sắc chưa chắc đã thành danh, thành công? Những cựu sinh viên thành danh theo nghĩa phát huy được năng lực sáng tạo, khẳng định bản thân trên đường đời không phải đều là những thủ khoa xuất sắc. "Học thật, thi thật, nhân tài thật" là một trong những câu chuyện đang được bàn luận sôi nổi trong thời gian qua. Thế nhưng, nhận diện sao cho đúng về việc...