Ngân hàng sẽ “đau đầu” với nợ xấu vì dịch Covid-19?
Dù quyết liệt xử lý nợ xấu, nhưng hết năm 2019, tỷ lệ nợ xấu ở một số ngân hàng ở mức trên 3% như VPBank, trong khi LienVietPostBank, TPBank… cũng tăng mạnh về giá trị nợ xấu
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Đáng lưu ý, nợ xấu ở các ngân hàng có nguy cơ tiếp tục gia tăng do tình hình dịch bệnh Covid-19 đang ảnh hưởng đến các khoản vay của khách hàng.
Bảng so sánh tỷ lệ nợ xấu ở 21 ngân hàng trong 2 năm 2018 và 2019
Nợ xấu đã thực chất?
Khảo sát tại 21 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính năm 2019, tính đến cuối năm 2019, tổng nợ xấu của các ngân hàng này là trên 79,78 nghìn tỷ đồng, giảm nhẹ so với mức gần 80,3 nghìn tỷ đồng vào cuối năm 2018. Tỷ lệ nợ xấu/cho vay khách hàng của nhóm theo đó đã giảm xuống còn 1,47% từ mức 1,72% hồi đầu năm. Trong đó, có tới 17/22 ngân hàng ghi nhận tỷ lệ nợ xấu giảm.
ACB, BacABank và Vietcombank có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất hệ thống: chưa tới 1% và đều cải thiện chất lượng nợ. Cụ thể, xấu của ACB giảm từ 0,73% xuống 0,54% – mức thấp nhất hệ thống. BacABank có tỷ lệ nợ xấu ở mức 0,68% và Vietcombank là 0,78%.
Trong khi đó, dù không nằm trong nhóm ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu dưới 1% nhưng trong năm 2019, MSB lại dẫn đầu về đà giảm tỷ lệ nợ xấu, từ 3,01% xuống 2,04%. Giá trị nợ xấu giảm 11% xuống 1.300 tỷ đồng trong khi dư nợ cho vay vẫn tăng 31% lên 63.594 tỷ đồng. Riêng nợ có khả năng mất vốn giảm 21% xuống 981 tỷ đồng.
Video đang HOT
Một số ngân hàng khác giảm mạnh về tỷ lệ nợ xấu nhóm 5 như: VietinBank giảm 21% từ 9.470 tỷ đồng xuống còn 7.204 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu vì thế cũng giảm từ mức 1,58% năm 2018 về còn 1,16% năm 2019.
Vấn đề đặt ra là liệu con số nợ xấu như vậy đã phản ánh đúng thực chất hay vẫn còn lấp ló đâu đó những khoản nợ có khả năng trở thành nợ xấu nhưng chưa được ghi nhận chính xác?
Báo cáo tài chính của các ngân hàng trong năm 2019 cho thấy vẫn còn một số ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao, vượt mức 3% như VPBank là 3,42%. Trong khi đó, một số ngân hàng tăng mạnh về giá trị nợ xấu như LienVietPostBank với mức tăng gần 21% về giá trị trong năm 2019, khiến tỷ lệ nợ xấu tăng từ mức 1,41% năm 2018 lên 1,44%. TPBank cũng tăng giá trị nợ xấu 1.235 tỷ đồng, tăng 43% so với năm trước, tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1,1% đầu năm lên 1,3%…
Nợ xấu mới đã phát sinh?
Theo đánh giá của các chuyên gia, mục tiêu đưa nợ xấu của toàn ngành ngân hàng về dưới 3% trong năm nay có khả năng không thực hiện được, bởi ngành ngân hàng chịu tác động tiêu cực gián tiếp từ dịch Covid-19 đang lan rộng toàn thế giới.
VPBank ước tính tổng số khách hàng của ngân hàng này bị tác động trong đợt dịch bệnh Covid-19 có thể lên tới gần 1.000 doanh nghiệp và có thể gia tăng nếu tình hình diễn biến phức tạp hơn và kéo dài.
Ông Phạm Toàn Vượng, Phó tổng giám đốc Agribank cho hay, Ngân hàng chưa đánh giá được có bao nhiêu khách hàng bị thiệt hại và số lượng thiệt hại, song chắc chắn dịch bệnh sẽ ảnh hưởng đến dòng tiền trả nợ của khách hàng.
Hiện, khách hàng vay vốn của Agribank hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm số lượng lớn, chiếm 70%. Vì vậy, việc xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc bị ảnh hưởng nặng nề trong thời gian qua có thể tác động làm gia tăng nguy cơ nợ xấu.
Theo đánh giá của TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế – Tài chính (Học viện Tài chính), năm 2019, lượng nợ xấu của hệ thống tín dụng đã giảm xuống, bởi ngành ngân hàng đã đưa ra nhiều giải pháp từ trước đến nay để công cuộc xử lý nợ xấu đạt hiệu quả.
Tuy nhiên, trong năm 2020, không chỉ ảnh hưởng từ dịch bệnh, ngành ngân hàng còn chịu tác động do nền kinh tế thế giới cũng đang tăng trưởng chậm lại, nền kinh tế đang điều chỉnh theo chu kỳ, có một số ngành sau một giai đoạn tăng trưởng rất cao đã chững lại, hàng tồn kho nhiều nên doanh nghiệp điều chỉnh sản xuất; bất động sản chững lại khiến tốc độ tăng trưởng tín dụng cũng chững lại…
Vì thế, triển vọng ngành ngân hàng không sáng sủa bằng năm 2019, nên khi có bệnh dịch bùng phát thì có tác động tiêu cực hơn, nợ xấu đáng lo ngại hơn.
“Có khả năng nợ xấu năm nay sẽ tăng hơn so với năm trước, còn mức tăng nhiều hay ít phụ thuộc vào tình hình kinh tế trong và ngoài nước cũng như việc đưa ra chiến lược hoạt động của ngành ngân hàng nói chung, các tổ chức tín dụng nói riêng”, ông Độ cho hay.
Huyền Anh
Theo thoibaokinhdoanh.vn
Covid-19 đang "phủ bóng đen" lên nợ xấu của các ngân hàng
Sự bùng phát mạnh của dịch Covid-19 đã khiến nền kinh tế thế giới và trong nước chao đảo, với các ngân hàng thì nguy cơ nợ xấu có nguy cơ gia tăng.
Sự hoành hành của dịch Covid-19 không chỉ tác động tiêu cực đến các ngành nghề, lĩnh vực trong toàn nền kinh tế mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh của ngành ngân hàng. Ngoài giảm tốc tộ tăng trưởng tín dụng thì còn gia tăng nguy cơ nợ xấu.
Đến thời điểm này, mặc dù đã có 12 ngân hàng tất toán trước hạn nợ xấu đã bán cho VAMC, nhưng xu hướng ngân hàng làm sạch nợ tại VAMC đang bị chững lại trước rủi ro của đại dịch. Theo đánh giá chung của các ngân hàng, hàng nghìn tỷ đồng dư nợ có nguy cơ chuyển nhóm do doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực bị thiệt hại nặng nề bởi dịch bệnh.
Những khách hàng bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch là doanh nghiệp trong các lĩnh vực: vận tải, kho bãi, lưu trú, du lịch, nhà hàng - ăn uống... Tiếp đó là các doanh nghiệp có thị trường xuất khẩu chính là Trung Quốc như: doanh nghiệp kinh doanh nông sản, thủy sản; các khách hàng phải nhập khẩu nguyên liệu chủ yếu từ Trung Quốc...
Những doanh nghiệp trong các lĩnh vực này chiếm lượng khá lớn trong số các khách hàng của các ngân hàng, do vậy nguy cơ gia tăng nợ xấu rất khó tránh khỏi.
Nợ xấu có nguy cơ gia tăng bởi những tác động tiêu cực của dịch Covid-19. (Ảnh minh họa: KT)
Ông Phạm Toàn Vượng, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Agribank cho biết, hiện, Ngân hàng chưa đánh giá được có bao nhiêu khách hàng bị thiệt hại và số lượng thiệt hại bởi dịch bệnh, nhưng chắc chắn rằng, dịch bệnh đã và đang ảnh hưởng không nhỏ đến dòng tiền và khả năng trả nợ của khách hàng với Ngân hàng.
Việc xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, bởi cơ cấu cho vay của ngân hàng với ngành nông nghiệp chiếm tới 70%. Điều này có thể tác động tiêu cực và làm gia tăng nguy cơ nợ xấu tại ngân hàng này.
Còn theo ước tính của Ngân hàng Việt Nam Thịnh vượng (VPBank), tổng số khách hàng của ngân hàng bị tác động bởi dịch Covid-19 đã lên tới gần 1.000 doanh nghiệp và có thể sẽ gia tăng nếu dịch bệnh diễn biến phức tạp. Nợ xấu rất có thể sẽ gia tăng.
Đề cập đến vấn đề nợ xấu trong bối cảnh dịch Covid-19 đang bùng phát, TS. Cấn Văn Lực phân tích, dịch Covid-19 có một số tác động đến lĩnh vực tài chính ngân hàng.
Thứ 1, thời điểm này, nhu cầu tín dụng sẽ giảm, bởi hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp bị chậm lại, khả năng tài chính yếu đi, khó có khả năng trả nợ, từ đó dẫn đến nợ xấu tăng.
Một tác động nữa mà chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực chỉ ra là do tình hình kinh tế thế giới đang diễn biến phức tạp, Trung Quốc và Việt Nam sẽ chịu tác động tiêu cực nên tổng cầu giảm, nhu cầu tín dụng giảm so với năm ngoái, điều này ảnh hưởng đến tăng trưởng tín dụng và ảnh hưởng đến lợi nhuận ngân hàng.
"Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cho phép, nếu hộ kinh doanh hoặc doanh nghiệp nào khó khăn sẽ không đưa vào nợ xấu trong năm nay mà đưa vào nợ tái cơ cấu. Do vậy, đây sẽ là tiềm ẩn nợ xấu về lâu dài chứ không phải đẩy nợ xấu năm nay lên ngay lập tức", TS. Cấn Văn Lực cho biết.
Cùng quan điểm, Công ty Chứng khoán Rồng Việt nhận định, đại dịch khiến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp thêm phần khó khăn, làm tăng trưởng tín dụng chậm lại. Cùng với đó, việc ưu đãi miễn, giảm lãi suất có thể phần nào gây sức ép lên biên lãi ròng cũng như lợi nhuận của các ngân hàng. Chất lượng tài sản bị tác động tiêu cực do dòng tiền trả nợ của doanh nghiệp bị ảnh hưởng.
Theo đơn vị này, hiện tại chỉ có doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp có thể được cơ cấu lại nợ mà không bị chuyển nhóm nợ nhờ Nghị định 116. Còn lại, nguy cơ nợ xấu tăng lên vẫn hiện hữu ở các nhóm du lịch, vận tải.
Nhìn nhận xa hơn, Công ty Chứng khoán Rồng Việt cho rằng, dịch Covid-19 vẫn diễn biến hết sức phức tạp và khó đoán định, yếu tố rủi ro bất ngờ của dịch bệnh vẫn đe dọa nhiều nền kinh tế, trong đó có Việt Nam. Điều này sẽ tác động mạnh đến triển vọng của ngành ngân hàng nếu dịch bệnh khó kiểm soát, nợ xấu sẽ gia tăng và đáng lo ngại hơn./.
Theo Chung Thủy/VOV.VN
Choáng với mức lợi nhuận và trích lập dự phòng của SCB Năm 2019, lượng lãi dự thu khổng lồ của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) tăng 10%. Tuy nhiên, trích lập dự phòng cũng tăng nhanh. Theo BCTC hợp nhất của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), trong năm 2019, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của SCB tăng nhẹ 9% so với năm trước, đạt 2.596 tỷ đồng. Tuy nhiên,...