Ngân hàng SCB đề nghị triệt để thu hồi tài sản khắc phục hậu quả
Chiều 14/3, HĐXX TAND TP Hồ Chí Minh tiếp tục xét xử “đại án” Vạn Thịnh Phát với phần hỏi bị hại và các tổ chức, cá nhân có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.
Bị hại trong vụ án này là Ngân hàng SCB.
Tại tòa, đại diện Ngân hàng SCB, không đồng ý với khoản tiền thiệt hại theo cáo trạng và đề nghị HĐXX xác định thiệt hại tính đến ngày 17/10/2022 (ngày khởi tố vụ án) là 677.286 tỷ đồng. Số liệu tạm tính đến ngày 5/3, ngày xét xử vụ án là 760.279 tỷ đồng, trong đó gốc là 482.449 tỷ đồng, lãi/phí là 277.830 tỷ đồng. Đồng thời, yêu cầu bổ sung khoản tiền lãi/phí phát sinh tính từ ngày 18/10/2022 cho đến khi khắc phục được toàn bộ thiệt hại cho Ngân hàng SCB.
Theo đại diện Ngân hàng SCB, số tiền trên CQĐT chỉ mới tính tiền nợ lãi/phí phát sinh tạm tính đến ngày 17/10/2022. Ngân hàng SCB kính đề nghị HĐXX tính thêm số tiền lãi/phí phát sinh tạm tính kể từ ngày 18/10/2022 cho đến ngày 5/3 là 84.515 tỷ đồng.
Bị cáo Trương Mỹ Lan tại tòa chiều 14/3.
Video đang HOT
Ngoài ra, đại diện SCB còn đề nghị các tài sản bị kê biên, vật chứng trong vụ án, có nguồn gốc đang nằm ở SCB đề nghị giao SCB toàn quyền xử lý. Tiếp tục truy tìm các tài sản của bà Trương Mỹ Lan, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát chưa bị kê biên để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án của các bị cáo cho SCB.
Với 1.166 mã tài sản của bị cáo Trương Mỹ Lan dùng đảm bảo cho các khoản vay của “hệ sinh thái” Vạn Thịnh Phát, đại diện SCB đề nghị được quyền khai thác, sử dụng, quản lý. Trong trường hợp phát hiện tài sản từ sai phạm của bà Trương Mỹ Lan và các bị cáo không phân biệt tài sản đó có đủ điều kiện, pháp lý đảm bảo hay không.
Yêu cầu làm rõ trách nhiệm của các công ty thẩm định giá liên quan và các bị cáo thuộc nhóm công ty thẩm định giá nâng khống giá trị tài sản, gây thiệt hại cho SCB…
Ông Chu Lập Cơ và các bị cáo tại tòa.
Ngoài ra, đại diện SCB cho rằng thiệt hại vụ án mà các bị cáo gây ra là đặc biệt lớn, khiến SCB mất khả năng chi trả tiền gửi của người dân và được Ngân hàng Nhà nước kiểm soát đặc biệt, do đó đề nghị HĐXX xem xét những kiến nghị trên của SCB để không chỉ khắc phục hậu quả mà còn chi trả tiền gửi cho người dân.
Còn đại diện Ngân hàng Nhà nước tại tòa đã đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ trách nhiệm cho nhóm bị cáo từng công tác ở Cơ quan thanh tra giám sát và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh do các bị cáo này đã nhận thức được sai lầm của mình và tích cực hợp tác với cơ quan điều tra trong quá trình giải quyết vụ án.
Tại tòa, vợ bị cáo Nguyễn Cao Trí (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Capella) cũng cam kết gia đình sẽ sắp xếp, nộp 264 tỷ đồng tiền mặt trong thời gian xét xử vụ án này để khắc phục cho bị cáo Trương Mỹ Lan, để chồng có thể hưởng chính sách khoan hồng đặc biệt của pháp luật. Ông Nguyễn Cao Trí là bị cáo duy nhất trong vụ án, không phải là đồng phạm của bị cáo Trương Mỹ Lan. Ông Trí bị truy tố về hành vi chiếm đoạt tiền của bà Trương Mỹ Lan 1.000 tỷ đồng, sau khi bà Lan bị bắt.
Đáng chú ý, trong nhiều bị hại có cho vay lên đến 200 tỷ đồng, lãi là 35 tỷ đồng, nhưng đến nay chưa nhận được đồng nào. Nữ bị hại này đề nghị HĐXX xem xét giải quyết trả lại cả gốc và lãi là 235 tỷ đồng. Trước tòa bà Trương Mỹ Lan đã xác nhận điều này.
Ngày mai, phiên tòa tiếp tục hỏi những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Bị cáo Trần Mỹ Dung: Sai thì nhận, không né tránh!
Sáng 13/3, luật sư tiếp tục hỏi các bị cáo trong "đại án" Vạn Thịnh Phát.
Các luật sư tập trung hỏi và làm rõ hành vi dẫn đến sai phạm của các bị cáo bị truy tố về tội "Tham ô tài sản". Ngoài bị cáo Trần Thị Mỹ Dung còn có các bị cáo khác: Nguyễn Phương Anh (cựu Phó Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Peninsula), Hồ Bửu Phương (cựu Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và Đặng Phương Hoài Tâm (cựu Trưởng Văn phòng HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát).
Luật bảo vệ quyền lợi cho bị cáo Trần Thị Mỹ Dung (cựu Phó Tổng giám đốc Ngân hàng SCB) muốn làm rõ trách nhiệm, vai trò xoay quanh các khoản vay tái cơ cấu của bà Trương Mỹ Lan mà Dung tham gia, trong số các khoản vay đó có khoản đến hạn trả nhưng không trả (những khoản này phải trả gốc và lãi).
Bị cáo Dung khai rằng, sai thì nhận, không né tránh. Về việc có thực hiện hành vi nâng khống giá trị tài sản hay bổ sung thêm tài sản cho đủ hay không? Bị cáo Trần Thị Mỹ Dung trả lời: có 2 phương thức thực hiện. Một là dùng tiền trả vô khoản cũ (gốc và lãi), nếu tài sản không đủ thì tài sản cũ được nâng lên để đảm bảo cho khoản vay mới. Phương thức thứ 2 là giải ngân cho bà Lan sử dụng tiền. Cụ thể, bà Lan đưa tài sản, Dung liên hệ công ty định giá, yêu cầu công ty định giá cho giá theo yêu cầu để thực hiện cho vay. Cựu Phó Tổng giám đốc SCB cũng khai thêm, vì số lượng các khoản vay cơ cấu quá nhiều và vay trong thời gian dài nên không thể nhớ được cụ thể, chi tiết từng khoản.
Bà Trương Mỹ Lan và các bị cáo tại tòa sáng 13/3.
Nhưng riêng về khoản vay 1.500 tỷ đồng của Công ty Tường Việt, bị cáo Trần Thị Mỹ Dung cho hay công ty này đã đưa tài sản đảm bảo được định giá khoảng 3.900 tỷ đồng, vượt xa mức vay 1.500 tỷ đồng nên đã ký duyệt hồ sơ vay. Bị cáo Dung cũng trình bày, quá trình làm việc tại Ngân hàng SCB, rất tin tưởng, thần tượng bà Lan và làm việc với lòng trung thành tuyệt đối. Tuy nhiên, do số tiền thất thoát quá lớn, có hành vi che giấu các khoản vay của bị cáo nên mong HĐXX xem xét lại thiệt hại.
Ngoài ra, khi luật sư bảo vệ quyền lợi cho bị cáo Bùi Ngọc Sơn, chuyên viên Ngân hàng SCB, hỏi về vai trò của bị cáo này trong vụ án, bị cáo Trần Thị Mỹ Dung thông cảm cho Sơn và cho rằng Sơn vì mình mà vướng vào vụ việc và xin HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho thuộc cấp của mình
Hành trình 10 năm bà Trương Mỹ Lan "rút ruột" ngân hàng SCB như thế nào? Qua 7 ngày xét xử "đại án" Vạn Thịnh Phát, vai trò của bà Trương Mỹ Lan với thủ đoạn "rút ruột" Ngân hàng SCB được phơi bày qua cáo trạng và lời khai từ các bị cáo. Trước tòa, 79/86 bị cáo (5 người đang bỏ trốn) thừa nhận cáo trạng truy tố của Viện Kiểm sát (VKS) là đúng pháp luật....