Ngăn chặn gian lận “Made in Vietnam”
Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt trong việc chống gian lận xuất xứ, chống chuyển tải bất hợp pháp nhằm bảo vệ thương hiệu, uy tín của hàng hóa Việt Nam
Ngày 10-9, ông Mai Xuân Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính), cho biết trước diễn biến khó lường của cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ – Trung Quốc, Tổng cục Hải quan đã triển khai nhiều biện pháp để phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng hàng hóa nhập khẩu có xuất xứ từ nước ngoài trung chuyển qua Việt Nam; gian lận, giả mạo xuất xứ để xuất khẩu hoặc tiêu thụ tại thị trường nội địa gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
Điều tra xuất xứ
Theo ông Mai Xuân Thành, lực lượng hải quan đã tiến hành điều tra sâu đối với hành vi gian lận xuất xứ trong một số ngành hàng cụ thể như thép, gỗ, hải sản, xe đạp, pin năng lượng mặt trời. “Cơ quan hải quan đang tập trung phân tích các ngành hàng, mặt hàng có kim ngạch tăng đột biến để so sánh với quy mô, khả năng của sản xuất trong nước nhằm loại bỏ các mặt hàng từ nước ngoài chuyển vào Việt Nam lấy xuất xứ để xuất khẩu sang nước thứ ba, cạnh tranh không lành mạnh với các nhà sản xuất trong nước” – ông Thành cho hay.
Xuất xứ hàng hóa là vấn đề được người tiêu dùng quan tâm
Nhìn nhận các hiệp định thương mại tự do (FTA) có ý nghĩa rất quan trọng đối với các nhà sản xuất trong nước, ông Mai Xuân Thành cho rằng không thể đánh mất lợi thế này vào tay các nhà sản xuất nước ngoài. Đánh giá về tình trạng gian lận xuất xứ hàng hóa Việt Nam để xuất sang các thị trường mà nước ta ký kết các FTA, ông Âu Anh Tuấn, quyền Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về Hải quan (Tổng cục Hải quan), nhận định Việt Nam đã thực hiện 12/15 Hiệp định FTA đã ký kết, do vậy không loại trừ hàng hóa của một số nước, trong đó có Trung Quốc, giả mạo xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu sang các đối tác FTA để hưởng các ưu đãi về thuế quan.
Video đang HOT
Theo ông Âu Anh Tuấn, thực tế cho thấy một số mặt hàng của Việt Nam đã bị áp dụng thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp như thép cán nguội và thép chống ăn mòn của Việt Nam sử dụng thép cán nóng nhập khẩu từ lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc đã bị Hải quan Mỹ áp mức thuế hơn 400%. Bên cạnh đó, một số mặt hàng khác cũng đang bị điều tra chống lẩn tránh thuế, chống bán phá giá như tôm, pin năng lượng mặt trời, xe đạp, xe tay nâng. “Các nước điều tra chủ yếu là Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc và khối EU” – ông Tuấn nói.
Đại diện Tổng cục Hải quan cũng nhấn mạnh Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt trong việc chống gian lận xuất xứ, chống chuyển tải bất hợp pháp nhằm bảo vệ thương hiệu, uy tín của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế, bảo vệ, hỗ trợ phát triển cho các nhà sản xuất Việt Nam. Trong bối cảnh Mỹ liên tiếp áp mức thuế suất cao đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, ngày 23-8 vừa qua, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo cục hải quan các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra, xác định xuất xứ chống gian lận, giả mạo xuất xứ.
Siết việc cấp C/O
Ông Âu Anh Tuấn cho biết trong quá trình kiểm tra xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, lực lượng hải quan phát hiện quy tắc xuất xứ đối với một số mặt hàng còn lỏng lẻo. Đơn cử như gỗ dán, gỗ ván ép, có tình trạng doanh nghiệp (DN) lợi dụng các quy định để gian lận trong khai báo mã số HS nguyên liệu đầu vào và sản phẩm đầu ra. “Bên cạnh đó, việc kiểm tra hồ sơ xin cấp C/O còn chưa chặt chẽ. Có tình trạng DN nộp chứng từ không hợp lệ, sử dụng các chứng từ giả hoặc quay vòng chứng từ” – ông Tuấn nêu rõ.
Hiện nay, Bộ Công Thương và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) là 2 cơ quan có thẩm quyền cấp C/O. Bởi vậy, để siết chặt xuất xứ hàng hóa, lực lượng hải quan đã trao đổi thông tin về tờ khai hải quan, kim ngạch xuất nhập hàng hóa với 2 cơ quan này. Qua đó, Bộ Công Thương và VCCI có thể tra cứu dữ liệu thông tin tờ khai xuất khẩu trên Cổng thông tin một cửa quốc gia để phục vụ việc cấp C/O, đối chiếu giữa thông tin khai báo trên tờ khai hải quan với thông tin khai báo trong hồ sơ xin cấp C/O để phát hiện những dấu hiệu bất thường.
Theo đại diện Tổng cục Hải quan, đơn vị này thường xuyên cung cấp số liệu kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu cho các cơ quan có liên quan để chủ động phòng chống gian lận xuất xứ đối với những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng bất thường và có dấu hiệu rủi ro cao về gian lận xuất xứ.
Rà soát doanh nghiệp nhập khẩu linh kiện về lắp ráp đơn giản
Ông Mai Xuân Thành cho biết bên cạnh các kiến nghị hoàn thiện hệ thống pháp luật về xuất xứ hàng hóa, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo rà soát các DN nhập khẩu sản phẩm là linh kiện, bộ phận, bán thành phẩm về để lắp ráp đơn giản thành sản phẩm nguyên chiếc hoặc thay bao bì rồi lấy xuất xứ Việt Nam. Sau khi có kết quả, lực lượng hải quan sẽ thông báo cho người tiêu dùng, nhà sản xuất cùng ngành hàng để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và DN sản xuất trong nước.
Theo Người Lao Động
Gian lận xuất xứ là chết !
Các chuyên gia cảnh báo doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam phải tuân thủ quy tắc xuất xứ được quy định rất khắt khe trong CPTPP và EVFTA, nếu phát hiện gian lận sẽ bị phạt rất nặng
Tại TP HCM, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) phối hợp Tổng cục Thủy sản tổ chức hội thảo "Cơ hội và thách thức của ngành thủy sản tại Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA)". Hội thảo giúp doanh nghiệp (DN) nắm rõ các cam kết có tác động đến ngành thủy sản.
Doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản cần chú ý quy tắc xuất xứ để hưởng ưu đãi trong khối CPTPP và EU
Theo ông Trần Đình Luân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, ngành thủy sản phát triển mạnh mẽ thời gian qua, với những ngành hàng lớn có giá trị xuất khẩu hơn 1 tỉ USD/năm như tôm, cá tra. Nhờ vậy, ngành thủy sản được đánh giá là có lợi thế trong CPTPP đã có hiệu lực và sắp tới đây là EVFTA. Tuy nhiên, ông Luân khuyến cáo: "Lợi thế, cơ hội là rất lớn nhưng nếu chuỗi liên kết từ người nuôi trồng đến thu mua, chế biến, xuất khẩu không chuẩn bị tốt từ bây giờ thì các lợi thế chỉ nằm trên giấy".
Bà Lê Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm ào tạo và Xúc tiến thương mại VASEP (VASEP PRO), cho biết với 11 nước tham gia CPTPP, thủy sản Việt Nam có cơ hội gia tăng xuất khẩu sang 10 thị trường vốn đang chiếm 25% tổng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam nhờ hầu hết được cắt giảm thuế về 0%. Ngoài ra, các quốc gia thành viên CPTPP đang chiếm gần 16% nguyên liệu nhập khẩu của thủy sản Việt Nam, giúp DN đa dạng hóa nguồn cung nguyên liệu từ việc gia tăng nhập khẩu nguyên liệu để chế biến xuất khẩu và gia công nhờ thuế nhập khẩu giảm hoặc về 0%. Còn EU là thị trường lớn thứ 2 của thủy sản Việt Nam, chiếm hơn 17% thị phần xuất khẩu. Tuy nhiên, bà Hằng cũng chỉ ra nhiều thách thức khi những rào cản phi thuế quan vẫn thuộc quyền của các nước nhập khẩu cũng như các tiêu chuẩn về lao động, môi trường ngày càng quy định chặt chẽ.
"Đặc biệt, về quy tắc xuất xứ để được hưởng ưu đãi thuế, các DN phải tìm hiểu kỹ, áp dụng linh hoạt và trung thực. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Thủy sản nên sớm chỉ đạo và cho áp dụng việc cấp mã số vùng nuôi cho 2 mặt hàng tôm và cá tra để áp dụng tốt quy tắc xuất xứ" - bà Hằng kiến nghị.
Đáng chú ý, theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), quy tắc xuất xứ đối với CPTPP và EVFTA là rất khắt khe, nhằm xác định hàng hóa đó đúng là của nước tham gia hiệp định, được ưu đãi. "Trước đây, ngành nông lâm thủy sản ít quan tâm đến xuất xứ do hầu hết các mặt hàng thuần túy nuôi trồng trong nước. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhiều ngành hàng phát triển quy mô chế biến lớn, DN phải nhập khẩu nguyên liệu nên phải làm quen đến khái niệm xuất xứ nội khối, xuất xứ một phần như các ngành hàng công nghiệp khác. CPTPP và EVFTA mở ra cơ chế cho DN Việt Nam có thể tự chứng nhận xuất xứ nhưng phải lưu hồ sơ ít nhất 5 năm. Trong thời gian trên, phía nước nhập khẩu kiểm tra, nếu phát hiện gian lận xuất xứ sẽ bị phạt rất nặng" - bà Trang cảnh báo.
Cũng theo bà Trang, một số mặt hàng của Việt Nam xuất khẩu sang EU đang được hưởng ưu đãi thuế, khi EVFTA có hiệu lực, thuế nhập khẩu thực tế có thể tăng so với hiện hành, sau đó mới được giảm theo lộ trình. Đây là sự đánh đổi lợi ích trước mắt vì ưu đãi thuế hiện tại của EU là đơn phương, EU có thể dừng bất cứ khi nào trong khi ưu đãi trong EVFTA mang tính ổn định, lâu dài.
"Một trong những cơ hội lớn của DN khi gia nhập CPTPP và EVFTA là các đối tác sẽ mở cửa thị trường mua sắm công cho Việt Nam. Số liệu nghiên cứu cho thấy ở ngành đồ gỗ và nội thất, khối mua sắm công của EU chiếm thị phần hơn 30%. DN thủy sản cũng nên lưu ý để không bỏ qua cơ hội này" - bà Trang chia sẻ.
Theo người lao động
Hàng hóa bán trong nước đạt tiêu chí gì mới được gọi là 'Made in Vietnam'? Bộ Công thương đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Thông tư về tiêu chí dán mác 'Made in Vietnam' cho hàng sản xuất trong nước và lưu thông nội địa. Dự thảo thông tư này được xây dựng chủ yếu từ các bộ quy tắc xuất xứ hiện đang có dành cho hàng xuất khẩu từ Việt Nam. Theo đó,...