Nga đang đẩy Turkmenistan ra khỏi thị trường khí đốt tự nhiên ở Trung Á?
Khi Nga hướng về Trung Á để giúp bù đắp sự mất mát về doanh thu khí đốt từ châu Âu, Turkmenistan giàu khí đốt phải vật lộn để tìm khách hàng mới mua khí đốt của mình.
Trong cuộc gặp với Tổng thống Uzbekistan Shavkat Mirziyoyev và người đồng cấp Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev tại Moskva ngày 7/10/2023, Tổng thống Nga Vladimir Putin (giữa) thông báo khởi động đường ống khí đốt từ Nga tới Kazakhstan và Uzbekistan. Ảnh: AFP/TTXVN
Tại sao Turkmenistan lại hoạt động tích cực một cách bất thường trong những tháng gần đây khi nỗ lực tìm kiếm người mua khí đốt tự nhiên của mình? Nghiên cứu kỹ về vấn đề này cho thấy rằng đây là một phản ứng có phần lo lắng trước nỗ lực tìm kiếm thị trường mới của Nga để thay thế doanh thu khí đốt bị mất từ các thị trường EU, theo nhận định mới đây của Bruce Pannier, học giả về Trung Á trong Chương trình Á-Âu tại Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại (FPRI) có trụ sở tại Mỹ và là nhà báo, phóng viên kỳ cựu về Trung Á.
Ông Pannier cho rằng, trong nhiều thập kỷ kể từ khi Turkmenistan từng thuộc Liên Xô độc lập vào năm 1991, quốc gia này khá thụ động trong việc tiếp thị và bán khí đốt. Các quan chức Turkmenistan từng nổi tiếng khi thường xuyên nói với các khách hàng tiềm năng rằng nước này có trữ lượng khí đốt hàng nghìn tỷ mét khối (bcm), nhưng sau đó lại giao quyền cho các bên quan tâm bắt đầu đàm phán và đưa ra đề xuất.
Tất cả đã thay đổi vào năm 2024. Kể từ đầu tháng 3 năm nay, các quan chức Turkmenistan đã rất tích cực và công khai quảng cáo Turkmenistan là nhà cung cấp khí đốt, nêu tên Azerbaijan, Thổ Nhĩ Kỳ, Afghanistan, Pakistan, Ấn Độ, Kazakhstan và EU là những khách hàng tiềm năng trong lĩnh vực này.
Turkmenistan giờ đây tỏ ra có ý định bán nhiều khí đốt hơn đến mức khi quan chức hàng đầu nước này là Chủ tịch Halk Maslahaty (Hội đồng Nhân dân-tương đương Thượng viện) Gurbanguly Berdimuhamedov đến thăm Tajikistan vào đầu tháng 4, tuyên bố rằng đã sẵn sàng đề nghị bán số lượng lớn. Tuy nhiên, Tajikistan đang thiếu ngoại tệ thậm chí đã không thể nhập khẩu được 1 bcm khí đốt hàng năm trong hơn ba thập kỷ độc lập.
Mất doanh thu
Turkmenistan đang phải đối mặt với việc mất gần một nửa doanh thu bán khí đốt tự nhiên hiện tại trong bối cảnh nguồn thu từ khí đốt chiếm hơn 80% doanh thu của cả nước.
Video đang HOT
Được ưu đãi với trữ lượng khí đốt lớn trong top 5 thế giới (ước tính từ 18 đến 27 bcm), tiềm năng của Turkmenistan với tư cách là nhà cung cấp khí đốt đã được nhiều người biết đến. Tuy nhiên, điều kiện xuất khẩu khí đốt của Turkmenistan không giáp biển về cơ bản là: “Nếu bạn xây dựng một đường ống dẫn tới biên giới Turkmenistan, chúng tôi sẽ cung cấp khí đốt cho bạn”.
Nhưng trong hơn 30 năm Turkmenistan độc lập kể từ khi Liên Xô sụp đổ, các đường ống được xây dựng cho dòng khí đốt của Turkmenistan là hai đường ống kết nối với Iran (tổng công suất 20 bcm) và ba đường ống dẫn đến Trung Quốc (tổng công suất 55 bcm).
Đầu năm 2017, Turkmenistan đã đình chỉ xuất khẩu khí đốt sang miền bắc Iran do tranh cãi về việc Iran nợ đọng thanh toán. Ngày nay, Turkmenistan chỉ cung cấp một lượng khí đốt nhỏ cho Iran như một phần của thỏa thuận hoán đổi, theo đó khí đốt được chuyển để đổi lấy việc Iran cung cấp một lượng khí đốt tương tự cho nước láng giềng Azerbaijan, sau đó Azerbaijan sẽ trả tiền khí đốt cho Turkmenistan. Năm 2023, Turkmenistan bán 1,5 bcm cho Azerbaijan.
Nhìn lại chưa đầy 20 năm trước, Turkmenistan đã xuất khẩu từ 40-50 bcm khí đốt sang Nga hàng năm thông qua mạng lưới 5 đường ống ở Trung Á thời Liên Xô.
Vào đầu năm 2009, Turkmenistan hy vọng sẽ chứng kiến doanh số bán khí đốt tăng vọt. Các cuộc đàm phán với tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga đã được tổ chức nhằm thúc đẩy xuất khẩu sang Nga lên 80-90 bcm hàng năm và một dự án xây dựng đường ống thứ tư tới Trung Quốc, có khả năng nâng lượng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc lên 85 bcm, đang tiến triển nhanh chóng.
Nhưng đến tháng 4/2009, trong bối cảnh tranh chấp về giá cả với Nga, một vụ nổ đường ống bí ẩn đã làm gián đoạn hoạt động xuất khẩu khí đốt của Turkmenistan trong mạng khí đốt Trung Á. Khi đường ống được sửa chữa vào năm 2010, Moskva tuyên bố chỉ nhập khẩu không quá 10-12 bcm khí đốt từ Turkmenistan mỗi năm.
Cơ sở năng lượng của Tập đoàn Gazprom ở ngoại ô Moskva, Nga. Ảnh: AFP/TTXVN
Vào tháng 2/2015, Gazprom thông báo rằng họ giảm nhập khẩu khí đốt Turkmenistan hàng năm từ 10 bcm xuống 4 bcm và vào đầu năm 2016, Gazprom cho biết họ sẽ đình chỉ hoàn toàn việc nhập khẩu khí đốt Turkmenistan.
Tại thời điểm đó, Turkmenistan đang rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế và kéo dài cho đến ngày nay. Sau khi Nga hủy bỏ thỏa thuận khí đốt, Turkmenistan chỉ còn lại Trung Quốc là khách hàng duy nhất. Hợp đồng khí đốt dài hạn song phương với Trung Quốc được đặt ra với mức giá cố định, được cho là 187 USD/1.000 mét khối.
Nga vào năm 2019 đã đồng ý tiếp tục nhập khẩu khí đốt của Turkmenistan. Họ đăng ký mua tới 5,5 bcm hàng năm, nhưng với mức giá ít ỏi là 110 USD/1.000 mét khối. Ngoài ra, vào cuối năm 2022, nước láng giềng Uzbekistan, đang gặp phải tình trạng thiếu khí đốt trong mùa đông, đã đạt được thỏa thuận mua khí đốt lên tới 2 bcm mỗi năm.
Có thể nói, trong 15 năm qua, Trung Quốc là khách hàng lớn duy nhất và đôi khi là khách hàng khí đốt duy nhất của Turkmenistan. Từ tháng 12/2009 – 12/2023, Turkmenistan đã vận chuyển hơn 380 bcm sang Trung Quốc.
Với Tuyến A và B của đường ống Trung Á-Trung Quốc (CAC – mỗi tuyến có công suất 15 bcm), cũng như Tuyến C (công suất 25 bcm), tất cả đều hoạt động trong những năm gần đây, Turkmenistan đã xuất khẩu 35-38 bcm sang Trung Quốc hàng năm. Bắc Kinh đã trả cho Turkmenistan 9,6 tỷ USD để mua khí đốt vào năm 2023.
Đối với đường ống CAC thứ tư, cụ thể là Tuyến D (côn suất 30 bcm) – đi qua Uzbekistan, Tajikistan và Kyrgyzstan đến tỉnh Tân Cương phía Tây Trung Quốc – gần như không có tiến triển xây dựng nào trong gần 10 năm qua.
Cuộc cạnh tranh khí đốt mới
Khi xung đột ở Ukraine nổ ra và tháng 2/2022, Nga đã dần mất đi khách hàng khí đốt chính là EU. Trước năm 2022, EU đã mua tới 150-160 bcm khí đốt của Nga hàng năm, trả mức giá cao nhất (gần 2.000 USD/1.000 mét khối vào tháng 11/2021). Đến cuối năm 2023, xuất khẩu khí đốt qua đường ống của Nga sang EU đã giảm 80%.
Nga đã phải “hướng về phía Đông” để giúp bù đắp sự mất mát về doanh thu khí đốt từ châu Âu và nhanh chóng tìm được người mua ở Trung Á. Kazakhstan và Uzbekistan đều trải qua tình trạng thiếu điện nghiêm trọng trong những mùa đông gần đây, một phần là do thiếu khí đốt tự nhiên sản xuất trong nước. Năm 2023, Nga đạt được thỏa thuận xuất khẩu khí đốt sang cả hai nước này. Đến cuối năm, Moskva đã cung cấp 7,25 bcm cho Kazakhstan và 1,22 bcm cho Uzbekistan.
Vào tháng 3 năm nay, Uzbekistan đã đồng ý bắt đầu nhập khẩu tới 11 bcm khí đốt của Nga hàng năm vào năm 2026.
Trong khi đó, Turkmenistan đã bỏ lỡ cơ hội bán gần 20 bcm khí đốt cho các nước láng giềng, trong khi có một câu hỏi đặt ra là Nga sẽ làm gì với lượng khí đốt của Turkmenistan mà họ mua. Vì Nga không cần 5,5 bcm khí đốt từ Turkmenistan mà họ mua, nên lượng khí đốt này chưa rõ sẽ đi về đâu.
Khí đốt của Turkmenistan, như đã lưu ý, chảy đến Nga thông qua hệ thống Trung Á, cùng mạng lưới mà Nga đã dành riêng cho việc vận chuyển khí đốt đến Uzbekistan. Điều đó đặt ra câu hỏi liệu một số khí đốt từ Nga mà Uzbekistan mua có phải là khí đốt của Turkmenistan hay không.
Chuyên gia Pannier kết luận, các động thái của Nga có thể giải thích cho nỗ lực tiếp thị rầm rộ chưa từng có gần đây của Turkmenistan để bán khí đốt. Đã có các cuộc họp thường xuyên, với nhiều sự kết hợp khác nhau giữa những quan chức Turkmenistan, Thổ Nhĩ Kỳ, Azerbaijan và EU về khả năng vận chuyển khí đốt của Turkmenistan tới châu Âu trong hơn hai năm. Tuần trước, các quan chức Pakistan đã nói về việc dẫn khí đốt của Turkmenistan tới bờ biển Arab để vận chuyển đến các thị trường châu Âu.
Những ý tưởng mới này dường như đang đi đúng hướng và có triển vọng tốt, nhưng cho đến nay vẫn chưa có cơ sở hạ tầng để đưa khí đốt của Turkmenistan về phía Tây cho thị trường EU, do đó Turkmenistan có thể sớm rơi vào tình thế rất bấp bênh về xuất khẩu khí đốt.
Hội nghị thượng đỉnh GECF thông qua Tuyên bố Algiers
Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 7 giữa các nguyên thủ quốc gia và chính phủ của Diễn đàn các nước xuất khẩu khí đốt (GECF) đã bế mạc ngày 2/3 tại thủ đô Algiers của Algeria, với việc thông qua tuyên bố Algiers.
Chủ trì buổi lễ, Tổng thống Algeria Abdelmadjid Tebboune đã nhấn mạnh quyết tâm của các nước thành viên trong nỗ lực đạt được thị trường khí đốt tự nhiên cân bằng và đáng tin cậy.
Toàn cảnh Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn các nước xuất khẩu khí đốt (GECF) tại Algiers, Algeria, ngày 2/3/2024. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Algiers, trong Tuyên bố Algiers, GECF nêu bật "mối lo ngại về sự biến động thường xuyên của nhu cầu khí đốt tự nhiên, ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả hoạt động của nền kinh tế toàn cầu".
Tuyên bố nhấn mạnh các nước thành viên quyết tâm hợp tác với tất cả các bên để đạt được thị trường khí đốt tự nhiên cân bằng và đáng tin cậy.
Tuyên bố Algiers còn khẳng định "tầm quan trọng của các hợp đồng khí đốt tự nhiên trung và dài hạn, giá khí đốt tự nhiên công bằng và ổn định cũng như các khoản đầu tư khả thi vào khí đốt tự nhiên để tăng cường an ninh năng lượng và hỗ trợ phát triển các hệ thống năng lượng tái tạo.
Tuyên bố chỉ trích tất cả những hạn chế kinh tế được áp dụng đơn phương mà không có sự chấp thuận trước của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, cũng như việc áp dụng luật pháp và quy định quốc gia ngoài lãnh thổ đối với các quốc gia thành viên GECF, tác động tiêu cực đến việc phát triển và thương mại hóa khí đốt tự nhiên, gây nguy hiểm cho an ninh nguồn cung của loại tài nguyên này.
Tuyên bố Algiers cũng nhấn mạnh "yêu cầu cấp thiết để đảm bảo nhu cầu và nguồn cung, cũng như nhu cầu hợp tác quốc tế cởi mở và minh bạch, để bảo vệ cơ sở hạ tầng khí đốt tự nhiên nhạy cảm và tăng cường khả năng phục hồi trước thiên tai, sự cố kỹ thuật và các mối đe dọa có nguồn gốc nhân tạo, bao gồm cả việc sử dụng công nghệ thông tin truyền thông độc hại".
Iran kêu gọi nước ngoài đầu tư các dự án năng lượng Tổng thống Iran Ebrahim Raisi ngày 2/3 đã mời các nhà đầu tư quốc tế và các quốc gia thành viên của Diễn đàn các nước xuất khẩu khí đốt (GECF) tham gia vào các dự án năng lượng của Tehran. Một cơ sở khai thác dầu của Iran. Ảnh: IRNA/TTXVN Tổng thống Raisi nêu rõ Iran hoan nghênh các thành viên GECF...