Nga bắn siêu tên lửa “nắm đấm thép” tiêu diệt mục tiêu cách 5.500 km
Nga công bố video ghi lại bài thử nghiệm tên lửa đạn đạo liên lục địa Topol-M, vũ khí có khả năng mang đầu đạn hạt nhân và có sức công phá cực “khủng”, được ví như “nắm đấm thép”.
Theo Sputnik, Bộ Quốc phòng Nga ngày 30/9 đã đăng tải đoạn video ghi lại vụ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa Topol-M vào cùng ngày từ một cơ sở thuộc trung tâm vũ trụ Plesetsk.
Trung tâm này nằm ở Mirny, Arkhangelsk Oblast, cách 800 km so với Moscow và 200 km so với thành phố cảng Arkhangelsk về phía nam.
Theo thông báo, tên lửa này đã mang theo một đầu đạn giả và bay tới tiêu diệt mục tiêu ở bán đảo Kamchatka, khu vực nằm cách Mirny 9 múi giờ, tương đương với khoảng hơn 5.500 km.
Vụ thử nghiệm được thực hiện để xác nhận khả năng tác chiến của hệ thống tên lửa Topol-M.
Tên lửa Topol-M của Nga (Ảnh: AFP)
Topol-M là hệ thống tên lửa đạn đạo chiến thuật liên lục địa phát triển từ cuối những năm 1980, đầu những năm 1990 và là tên lửa đầu tiên được phát triển sau khi Liên Xô tan rã. RS-12M Topol còn được NATO gọi là SS-25 Sickle và sở hữu tầm bắn tối đa lên tới 10.000 km.
Theo Sputnik, một tên lửa Topol-M thông thường có thể mang đầu đạn với sức công phá 800 kiloton, tương đương với 800.000 tấn thuốc nổ TNT. Sức mạnh phá hủy của Topol-M được cho là gấp khoảng 40 lần so với quả bom nguyên tử mà Mỹ ném xuống Nagasaki, Nhật Bản vào năm 1945.
Hãng tin RIA từng trích lời một cựu quan chức quân đội Nga cho biết một quả Topol-M có thể “chấp” từ 5-7 quả tên lửa đánh chặn trên đất liền của đối phương, nên nó được gọi là “nắm đấm thép” trong quân đội Nga.
Theo dantri
Cảnh báo "sắc lạnh" về sức mạnh hạt nhân Triều Tiên
Một chuyên gia từ Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm đã ước tính rằng Triều Tiên có thể tăng gấp đôi kho đầu đạn hạt nhân vào năm tới.
Chuyên gia Dan Smith thuộc Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) dự đoán rằng Bình Nhưỡng sẽ có từ 30 đến 40 đầu đạn hạt nhân có thể sẵn sàng sử dụng vào năm 2020, tờ Chosun Ilbo của Hàn Quốc đưa tin, trích dẫn bài phát biểu của ông tại dinh thự của Đại sứ Thụy Điển tại Seoul, Hàn Quốc.
Các chuyên gia quốc tế vẫn hết sức lo ngại sức mạnh hạt nhân của Triều Tiên. Ảnh: AP.
Báo cáo trước đây của SIPRI chỉ ra rằng Triều Tiên sở hữu 20 đến 30 đầu đạn trong kho vũ khí của mình, tăng từ con số 10-20 đầu đạn năm 2018. Do đó, ước tính của chuyên gia Smith cho thấy Bình Nhưỡng vẫn không ngừng phát triển vũ khí hạt nhân trong bối cảnh đang tiến hành các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa với Mỹ.
"Mặc dù vậy, thành thật mà nói, có rất nhiều điều không chắc chắn liên quan đến ước tính của chúng tôi về khả năng hạt nhân tiềm tàng của Triều Tiên. Và điều đó chủ yếu là do Triều Tiên không tiết lộ về năng lực của mình, chuyên gia của SIPRI, Shannon Kile, một trong những nhà phân tích hàng đầu thế giới về chương trình hạt nhân của Triều Tiên, trước đó đã thừa nhận với đài truyền hình quốc gia Thụy Điển SVT.
Về phần mình, chuyên gia Smith nói rằng Washington và Bình Nhưỡng trước hết cần phải nhất trí cách xác định các khái niệm. Định nghĩa về phi hạt nhân hóa là "một vấn đề lớn cần được giải quyết" bởi vì đây không chỉ là vấn đề kỹ thuật mà còn là "vấn đề chính trị lớn", ông nói thêm. Theo Smith, "chìa khóa quyết định để mở khóa các vấn đề, không nằm trong tay Hàn Quốc, mà nằm trong tay người Mỹ".
Trong khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã có nhiều cuộc hội đàm với cá nhân ông Trump và cả hai bên đã đồng ý rằng phải phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên, hai bên lại có cách tiếp cận khác nhau về quá trình này. Các quan chức Mỹ định nghĩa phi hạt nhân hóa là sự kết thúc của chương trình vũ khí hạt nhân Triều Tiên, trong khi Triều Tiên định nghĩa phi hạt nhân hóa là việc quân đội Mỹ rời khỏi Bán đảo Triều Tiên.
Trong bối cảnh căng thẳng về hạt nhân của nước này, Triều Tiên đã nhiều lần nhấn mạnh rằng họ muốn hướng đến sự phát triển kinh tế. Triều Tiên hiện đang chịu lệnh trừng phạt toàn cầu nghiêm ngặt nhất trong lịch sử sau vụ thử vũ khí hạt nhân năm 2017.
Theo báo cáo gần đây của SIPRI, Pakistan, Trung Quốc, Ấn Độ và Israel cũng đã tăng số lượng đầu đạn hạt nhân trong năm qua.
Quý Hoàng
Theo toquoc
OIC họp bất thường về tuyên bố sáp nhập Bờ Tây của Israel OIC sẽ nhóm họp tại Jeddah, thành phố cảng của Saudi Arabia, để thảo luận những tuyên bố của Israel về ý định sáp nhập Thung lũng Jordan và những khu định cư tại Bờ Tây vào quốc gia Do Thái này. Binh sỹ Israel gác tại tiền đồn ở thung lũng Jordan, nằm giữa thành phố Beit Shean và Khu Bờ Tây...