New Zealand áp đặt lệnh phong toả 3 ngày trên toàn quốc
Ngày 17/8, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern đã ban bố một lệnh phong toả trên quy mô toàn quốc sau khi một ca mắc mới COVID-19 được phát hiện tại Auckland, thành phố lớn nhất nước này.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Auckland, New Zealand. Ảnh: AFP/TTXVN
Cụ thể, lệnh phong toả sẽ bắt đầu có hiệu lực từ tối 17/8 và kéo dài trong 3 ngày. Riêng ở thành phố Auckland và vùng Coromandel lân cận, lệnh phong toả có hiệu lực trong 7 ngày. Trong phát biểu trên truyền hình, bà Ardern nêu rõ: “Chúng ta có thể phải chứng kiến dịch có thể xảy ra như ở nơi khác nếu chúng ta không thể kiểm soát được mọi việc. Chúng ta chỉ có một cơ hội”.
Giới chức New Zealand nghi ngờ ca mắc mới trong cộng đồng ở thành phố Auckland do biến thể Delta gây ra. Đến ngày 18/8 mới có kết quả xét nghiệm trong phòng thí nghiệm về việc liệu ca này có liên quan tới biến thể Delta hay không.
Video đang HOT
Theo giới chức New Zealand, nguyên nhân chính khiến Thủ tướng Ardern ra quyết định mạnh mẽ như vậy là do ca mắc mới ở Auckland không có liên quan tới các ca cách ly có quản lý và các ca cách ly sau khi nhập cảnh.
New Zealand không ghi nhận ca lây nhiễm mới nào trong cộng đồng trong 6 tháng qua. Kể từ khi dịch bệnh bùng phát đến nay, New Zealand ghi nhận 26 ca tử vong do COVID-19 trong tổng số 5 triệu dân của nước này.
Cùng ngày, giới chức Australia cho biết “có sự lo ngại lớn” về dịch bệnh COVID-19 bùng phát trong cộng đồng thổ dân dễ bị tổn thương, buộc giới chức phải triển khai quân đội tới hỗ trợ công tác tiêm chủng cho phần lớn cộng đồng chưa được tiêm chủng này.
Các ca mắc COVID-19 liên quan tới biến thể Delta bắt đầu bùng phát tại thành phố Sydney cách đây 2 tháng và lan ra toàn bang miền Tây New South Wales trong những ngày gần đây. Theo giới chức y tế bang, phần lớn trong số 116 bệnh nhân COVID-19 ở bang này là các thổ dân Australia. Đây là đợt dịch bệnh bùng phát mạnh đầu tiên ở các cộng đồng thổ dân kể từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu ở nước này.
Theo Bộ trưởng Y tế Australia, Greg Hunt, ít nhất 5 nhóm các chuyên gia quân y sẽ tới vùng này từ ngày 18/8 để hỗ trợ nỗ lực tiêm chủng. Hiện chỉ có 15% trong tổng số các thổ dân trên toàn Australia đã được tiêm phòng COVID-19 đầy đủ.
Kể từ giữa tháng 6 đến nay, hơn 8.600 ca mắc COVID-19 đã được ghi nhận ở Sydney, nâng tổng số ca bệnh trên toàn quốc lên hơn 39.000 ca. Trong khi đó, hơn một nửa trong 25 triệu dân của Australia đang trong tình trạng phong toả, trong đó có thành phố Sydney đã phong tỏa 2 tháng.
Thành phố đáng sống nhất thế giới là Auckland, Osaka, Adelaide
Đại dịch COVID-19 đã làm xáo trộn bảng xếp hạng những thành phố đáng sống nhất trên thế giới do tổ chức Economist Intelligence Unit (EIU) bình chọn hằng năm, theo đó đưa thành phố Auckland của New Zealand lên vị trí đầu bảng, "soán ngôi" của thủ đô Vienna của Áo.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Auckland, New Zealand, ngày 12/8/2020. Ảnh: THX/TTXVN
Lần gần đây nhất Auckland lọt tốp 10 thành phố đáng sống nhất trên thế giới là vào năm 2017 với vị trí thứ 8. Thứ hạng của Auckland chủ yếu đến từ thành công của New Zealand trong kiểm soát đại dịch COVID-19. EIU đánh giá: "Các biện pháp phong tỏa cứng rắn của New Zealand đã giúp nước này có thể mở cửa trở lại. Người dân các thành phố như Auckland và Wellington có thể tận hưởng cuộc sống như trước khi đại dịch bùng phát".
Xếp ngay sau Auckland là thành phố Osaka của Nhật Bản, tiếp đến là thành phố Adelaide của Australia. Cùng với Auckland, thủ đô Wellington của New Zealand cũng được vinh danh ở tốp đầu với vị trí thứ 4. Đáng chú ý, quốc gia láng giềng của New Zealand là Australia có tới 4 đại diện lọt tốp 10.
Bị Auckland thế chỗ, thủ đô Vienna của Áo rớt khỏi tốp 10 xuống vị trí thứ 12. Thành phố này trước đó liên tục dẫn đầu bảng xếp hạng kể từ năm 2018.
Như vậy, năm nay, châu Âu chỉ có hai đại diện trong tốp 10 thành phố đáng sống nhất là Zurich và Geneva, đều ở Thụy Sĩ, với vị trí lần lượt là thứ 7 và thứ 8. Lý do mà EIU đưa ra là khả năng ứng phó đại dịch COVID-19 của "Lục địa già" bị đánh giá thấp hơn khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Bảng xếp hạng của EIU - đánh giá 140 thành phố trên thế giới, dựa trên 5 tiêu chí gồm sự ổn định, chăm sóc sức khỏe, văn hóa-môi trường, giáo dục và cơ sở hạ tầng.
Lần gần nhất EIU tổ chức xếp hạng là vào năm 2019. Bảng xếp hạng năm 2020 không được thực hiện do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
New Zealand nói 'ngày càng khó hòa giải' với Trung Quốc Thủ tướng New Zealand cho hay khác biệt trong quan hệ với Trung Quốc ngày càng khó hòa giải khi Bắc Kinh thay đổi vai trò trên trường quốc tế. "Không thể không lưu tâm rằng khi vai trò của Trung Quốc ngày càng lớn mạnh và thay đổi trên trường quốc tế, sự khác biệt giữa các hệ thống của chúng ta,...