Nếu Trung Quốc tiếp tục gây áp lực lên ASEAN sẽ là sai lầm
ASEAN đóng vai trò như một vùng đệm chiến lược đối với Trung Quốc. Nếu ASEAN chia rẽ, Trung Quốc chẳng có lợi lộc gì.
Càng gần ngày Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ra phán quyết vụ Philippines kiện Trung Quốc, dư luận càng quan tâm đến thái độ và phản ứng của các bên liên quan, đặc biệt là ASEAN.
South China Morning Post ngày 8/7 đăng bình luận của các nhà quan sát khu vực và quốc tế về khả năng này. Trong đó đại đa số học giả được hỏi tin rằng, ASEAN sẽ ra một tuyên bố chung về phán quyết của PCA, vấn đề còn lại chỉ là lời lẽ và mức độ thế nào.
Hình minh họa: The Diplomat.
Uy tín và vai trò của ASEAN sẽ bị đe dọa nếu khối không ra được tuyên bố chung, không tìm được lập trường chung với vụ việc này. Alexander Neill, một nhà nghiên cứu quốc tế từ London cho biết:
“Tôi nghĩ rằng ASEAN sẽ mất độ tin cậy nhiều hơn nếu không ra được tuyên bố về phán quyết của Tòa, vì vậy tôi nghĩ rằng có khả năng ASEAN sẽ ra tuyên bố”.
Tiến sĩ Daniel Chua từ Đại học Công nghệ Nanyang Singapore nhận xét, để ASEAN khỏi bị chia rẽ, trách nhiệm này thuộc về các thành viên của khối. ASEAN không thể dựa vào thế lực bên ngoài để tạo sự đoàn kết trong khối.
Giáo sư Carl Thayer từ Học viện Quốc phòng Australia bình luận: “Chắc chắn ASEAN sẽ ra tuyên bố chung, nhưng sự đồng thuận trong ASEAN có thể bị pha loãng bởi thiếu vắng bất kỳ từ ngữ mạnh mẽ nào trỏ đến Trung Quốc”.
Trung Quốc tiếp tục chia rẽ ASEAN sẽ là điều ngu xuẩn
Giáo sư Rommel Banlaoi, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu An ninh quốc gia Philippines nhận định, Trung Quốc đã thành công trong việc sử dụng sức mạnh kinh tế để gây sức ép lên Lào và Campuchia trong các vấn đề “nhạy cảm” liên quan đến lợi ích họ theo đuổi.
Tiến sĩ Jay Batongbacal từ Đại học Philippines cho biết, Hội nghị Đặc biệt Ngoại trưởng ASEAN – Trung Quốc tại Côn Minh phải rút lại tuyên bố chung chỉ cho thấy, Trung Quốc đã tuyệt vọng và ngày càng phải sử dụng đòn bẩy kinh tế với một số nước ASEAN để ngăn cản khối đi đến lập trường thống nhất.
“Trung Quốc có lợi ích nếu ASEAN thống nhất trong giải quyết các vấn đề, thách thức an ninh nhiều mặt ở châu Á. Nhưng họ không muốn thấy ASEAN đoàn kết chống lại (yêu sách và hành động bành trướng của) họ.
Chắc chắn Trung Quốc đang lo lắng về phán quyết sắp tới, vì nó có thể là cơ sở cho một sự thống nhất trong ASEAN với các tranh chấp ở Biển Đông”, Tiến sĩ Jay Batongbacal nói.
Trong khi sự sụp đổ gần đây của việc ASEAN ra tuyên bố chung tại Côn Minh có thể xem là “thành công” của Trung Quốc trong ngắn hạn, nhưng về lâu dài nó chính là dấu hiệu cho thấy ASEAN liên kết lại chống Trung Quốc (bành trướng).
Còn Giáo sư Huang Jing từ Đại học Quốc gia Singapore cảnh báo, nếu Bắc Kinh tiếp tục gây áp lực với các nước ASEAN, nó có thể phản tác dụng khi các nước thành viên dường như đã đứng về phía Hoa Kỳ, kêu gọi Trung Quốc tôn trọng trật tự quốc tế dựa trên luật lệ trước phán quyết của PCA.
Theo ông, Bắc Kinh đã mắc một sai lầm ngu ngốc vào tháng Tư khi tuyên bố, 2 nước ASEAN là Campuchia, Brunei và Lào nhất trí “lập trường 4 điểm” với Bắc Kinh là một chiến thắng ngoại giao.
Video đang HOT
“ASEAN đóng vai trò như một vùng đệm chiến lược đối với Trung Quốc. Nếu ASEAN chia rẽ, Trung Quốc chẳng có lợi lộc gì”, Huang Jing nhận định.
Theo Giáo Dục
Nhật Bản có dọa cắt hết viện trợ nếu Campuchia phản đối phán quyết của PCA?
Truyền thông Trung Quốc định mượn tay Campuchia để "ném đá" chính sách đối ngoại của Nhật Bản trên Biển Đông và ở Đông Nam Á là thủ đoạn ấu trĩ.
Tân Hoa Xã ngày 2/7 đưa tin: "Trong lúc PCA sắp ra phán quyết vụ kiện của Philippines, quan hệ Trung Quốc - Philippines đang bước vào thời điểm chuyển biến tốt đẹp thì có một quốc gia cảm thấy bất an.
Ngày 20/6, Thủ tướng Campuchia Hun Sen khi phát biểu tại lễ tốt nghiệp Học viện Hành chính Quốc gia Campuchia đã nói: Đại sứ của một nước ngoài ASEAN đang gây sức ép với chính phủ Campuchia và các thành viên khác của ASEAN, hy vọng họ sẽ ủng hộ phán quyết của PCA.
Ngày 29/6, Hun Sen lại một lần nữa nhắc lại điều này khi phát biểu, ông công khai chỉ đích danh Đại sứ Nhật Bản tại Campuchia đã đe dọa rút viện trợ kinh tế và lấy đó làm sức ép can thiệp vào vấn đề nội chính của Campuchia.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen, ảnh: poandpo.com.
Hun Sen nói: "Tôi nói cho ông biết, Hun Sen không phải người dễ bị ai đó khuất phục." Thủ tướng Campuchia nhiều lần phẫn nộ vì Nhật Bản lấy cớ rút hết viện trợ kinh tế để can thiệp vào chính sách đối nội, đối ngoại của Campuchia.
Giới phân tích Campuchia cho rằng, việc Nhật Bản và EU không ngừng gây sức ép chính là nguyên nhân chủ yếu khiến Campuchia gần đây nhiều lần lên tiếng ủng hộ lập trường của Trung Quốc ở Biển Đông".
Thời báo Hoàn Cầu hôm nay 4/7 viết: "Thủ tướng Campuchia Hun Sen phát biểu tại lễ tốt nghiệp Học viện Hành chính Quốc gia Campuchia rằng, Đại sứ một nước ngoài khu vực ASEAN tại Campuchia đang gây sức ép với Phnom Penh và các nước Đông Nam Á khác, hy vọng họ sẽ ủng hộ phán quyết của PCA, nếu không Nhật Bản sẽ hủy bỏ viện trợ kinh tế."
Sau đó tờ báo này bắt đầu mổ xẻ theo kiểu quy chụp, bóp méo chính sách đối ngoại của Nhật Bản ở Biển Đông và quan hệ giữa Nhật Bản với ASEAN.
Liệu có chuyện Nhật Bản cắt viện trợ kinh tế nếu Campuchia phản đối phán quyết của PCA như truyền thông nhà nước tuyên truyền, hay lại là một sự bịa đặt có chủ ý nhằm vào nhiều mục đích?
Người viết tìm hiểu vấn đề này trên truyền thông Campuchia thì thấy rằng:
Ngày 30/6 The Phnom Penh Post cho biết, ông Hun Sen chỉ trích Đại sứ Nhật Bản tại Campuchia Yuji Kumamaru rằng, ông không nên đe dọa rút viện trợ của Nhật Bản để làm phép thử, gây ảnh hưởng đến quá trình tư pháp đối với các thành viên phe đối lập và xã hội dân sự Campuchia.
"Tôi đã nói với ngài trước đây, Hun Sen không phải người dễ dàng bị áp lực. Do đó ngài Đại sứ Nhật Bản, xin vui lòng không bày tỏ lo ngại về việc đăng ký cử tri thất bại của chỉ một vài người.
Xin vui lòng đừng nói nhiều nếu ngài muốn hỗ trợ Campuchia. Campuchia dám chơi và không sợ bị mất".
Ông Hun Sen nhấn mạnh, nếu các nước tài trợ hủy bỏ hỗ trợ tài chính của họ cho Campuchia, ông sẽ "giải ngân nguồn vốn từ ngân sách quốc gia" để bù vào các khoản thâm hụt.
Phản ứng lại với ý kiến của Thủ tướng, Đại sứ Yuji Kumamaru ra tuyên bố cho biết, Đại sứ quán Nhật Bản đã có các cuộc đối thoại với Chính phủ và Ủy ban Bầu cử Quốc gia Campuchia cũng như các đảng chính trị về quá trình đăng ký cử tri.
Nhật Bản nhấn mạnh thông điệp rằng, điều quan trọng là tạo ra một môi trường chính trị thuận lợi để đảm bảo cuộc bầu cử được tự do và công bằng.
"Nhật Bản cũng làm rõ quan điểm của mình rằng, chúng tôi muốn thấy sự tin tưởng lẫn nhau và đối thoại giữa đảng cầm quyền với phe đối lập nên được phục hồi nhanh chóng.
Và một môi trường chính trị được tái lập mà các phe đối lập cũng như xã hội dân sự được tham gia một cách tự do và bình thường", tuyên bố của Đại sứ Yuji Kumamaru cho hay.
Đại sứ Nhật Bản tại Campuhcia Yuji Kumamaru trong một lễ ký kết văn kiện hợp tác với nước sở tại, ảnh: lwd.org.kh.
Bình luận những phát biểu của Hun Sen, tác giả cuốn sách "Hun Sen của Campuchia", Sebastian Strangio nói rằng, sự hỗ trợ ngoại giao cho Kem Sokha, Phó Chủ tịch đảng Cứu quốc Campuchia đối lập là một hoạt động khiêu khích đối với Thủ tướng Hun Sen.
Tuy nhiên The Phnom Penh Post lưu ý, Đại sứ Yuji Kumamaru đã không đến gặp Kem Sokha và cũng không đưa ra bất cứ tuyên bố nào công khai chỉ trích chính phủ Campuchia. Ông chỉ có một số ý kiến liên tục về quá trình đăng ký cử tri tại Campuchia chuẩn bị cho cuộc bầu cử Quốc hội vào năm tới.
Bình luận về phát biểu của Thủ tướng Hun Sen, độc giả Don Rennie viết trên The Phnom Penh Post ngày 30/6:
"Tôi không nghĩ rằng bình luận của Thủ tướng là đúng. Thủ tướng cho rằng, nếu các nhà tài trợ rút hỗ trợ tài chính của họ, ông sẽ giải ngân nguồn vốn từ ngân sách quốc gia để bù vào khoản thâm hụt.
Tôi không tin điều này. Nếu có tiền trong ngân sách như thế, tại sao nó không được sử dụng cho các trường học, y tế, cơ sở hạ tầng? Lý do là: Ngân sách không có tiền."
Còn theo Khmer Times ngày 9/6, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định sẽ tiếp tục cấp học bổng cho các quan chức trẻ của Campuchia có nhu cầu sang học tập tại Nhật Bản. Đại sứ Yuji Kumamaru cam kết Nhật Bản sẽ dành cho Campuchia 24 suất học bổng nhà nước trong thời gian 2 năm với quỹ học bổng khoảng 3 triệu USD.
Ngày 15/6 Đại sứ Yuji Kumamaru cùng Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Thủ công mỹ nghệ Campuchia Cham Prasidh đã chủ trì lễ động thổ khởi công xây dựng một nhà máy xử lý nước ở tỉnh Kampot trị giá 21,13 triệu USD đã được Chính phủ Nhật Bản cấp đầy đủ từ trước.
Trước đó, truyền thông Campuchia có đưa tin, Hun Sen nói rằng "có nước ngoài khu vực ASEAN" đang gây áp lực lên Campuchia và các thành viên khác ủng hộ phán quyết của PCA.
Tuy nhiên ông không nói đích danh nước nào, đồng thời không nói đến chuyện: Nếu Campuchia không ủng hộ / tẩy chay phán quyết của PCA thì sẽ hủy bỏ viện trợ kinh tế.
Truyền thông Trung Quốc đang ném đá giấu tay?
Cá nhân người viết cho rằng, qua các nội dung trên có thể rút ra mấy điểm đáng chú ý:
Một là thông tin Nhật Bản dọa rút viện trợ kinh tế nếu Campuchia không ủng hộ / tẩy chay phán quyết của PCA chỉ có trên truyền thông Trung Quốc. Cùng đưa tin về động thái này, báo chí Campuchia không thấy đề cập nội dung trên.
Hai là, vấn đề Nhật đe dọa hủy bỏ viện trợ kinh tế nếu có, thì theo phản ánh của The Phnom Penh Post, chỉ liên quan đến cuộc bầu cử Quốc hội Campuchia năm tới chứ không liên quan gì đến phán quyết của PCA.
Ba là, Đại sứ Nhật Bản Yuji Kumamaru chưa hề công khai chỉ trích Chính phủ Campuchia, đồng thời cũng không công khai đến trụ sở CNRP gặp gỡ Kem Sokha, vấn đề "khiêu khích nhất đối với Hun Sen".
Bốn là, hoạt động viện trợ, hỗ trợ Campuchia xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân đất nước Chùa Tháp của Nhật Bản vẫn diễn ra bình thường.
Năm là, cho đến nay ông Hun Sen đã 3 lần công khai tuyên bố đứng hẳn về phía Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông, sẽ không ủng hộ phán quyết của PCA dự kiến vào ngày 12/7 tới.
Thậm chí ông tuyên bố điều này với cả danh nghĩa của đảng Nhân dân Campuchia cầm quyền (CPP) đúng ngày kỷ niệm thành lập đảng. Nhật Bản vẫn tiếp tục các hoạt động viện trợ và hợp tác, chưa có thông báo nào từ cả hai phía về ảnh hưởng đến hoạt động này vì phán quyết của PCA.
Như vậy, người viết cho rằng dường như bài báo trên Tân Hoa Xã và Thời báo Hoàn Cầu nêu trên đang định mượn lời Hun Sen để thực hiện các hành động phá hoại:
Một là tiếp tục chống lại phán quyết của PCA; Hai là chống lại chính sách đối ngoại của Nhật Bản bằng thủ đoạn cạnh tranh ảnh hưởng không lành mạnh với Tokyo tại Đông Nam Á.
Cá nhân người viết tin rằng, ông Hun Sen và Campuchia ủng hộ hay phản đối thì PCA vẫn ra phán quyết và phán quyết vẫn giữ nguyên giá trị cũng như hiệu lực pháp lý.
Thái độ của Hun Sen và Campuchia với phán quyết của Tòa chỉ phản ánh nhận thức chưa đầy đủ của họ đối với UNCLOS 1982, vai trò, giá trị của luật pháp quốc tế và cơ quan tài phán quốc tế.
Nhưng truyền thông Trung Quốc định mượn tay Campuchia để "ném đá" chính sách đối ngoại của Nhật Bản trên Biển Đông và ở Đông Nam Á là thủ đoạn ấu trĩ và nó chỉ làm xấu thêm hình ảnh của Bắc Kinh trong mắt dư luận khu vực và quốc tế.
Bình luận của Tân Hoa Xã rằng: "Giới phân tích Campuchia cho rằng, việc Nhật Bản và EU không ngừng gây sức ép chính là nguyên nhân chủ yếu khiến Campuchia gần đây nhiều lần lên tiếng ủng hộ lập trường của Trung Quốc ở Biển Đông" theo cá nhân người viết cần phải hiểu ngược lại.
Nguyên nhân chủ yếu khiến ông Hun Sen 3 lần công khai tuyên bố ủng hộ lập trường của Trung Quốc ở Biển Đông nằm ở chính Trung Quốc.
Tân Hoa Xã đang gắp lửa bỏ tay người khi đổ trách nhiệm này cho Nhật Bản.
Nhưng xin được một lần nữa lưu ý, điều này chỉ phản ánh những tiểu xảo ngoại giao của một nước lớn như Trung Quốc chứ không ảnh hưởng gì đến phán quyết của PCA.
Theo Giáo Dục
"Phe hiếu chiến" ở Trung Quốc muốn hất Việt Nam, Philippines khỏi Trường Sa Những "con diều hâu" đang gia tăng ảnh hưởng không chỉ nhấn mạnh vào việc xây dựng một "Vạn Lý Trường Thành" vật lý trên Biển Đông, mà còn cả một bức... Andrew Browne, phóng viên tờ The Wall Street Journal ngày 28/6 bình luận, mặc dù Vạn Lý Trường Thành đã trở thành biểu tượng sức mạnh "ưu việt" của Trung Quốc,...