Nếu Mỹ không trở lại Biển Đông với sức mạnh, chớ ngạc nhiên với Trung Quốc
Hoa Kỳ đã quá nhút nhát trong việc đảm bảo những hành vi đơn phương thay đổi hiện trạng bằng vũ lực hoặc ép buộc đều phải trả giá.
Diễn văn duyệt binh của Tập Cận Bình cho thấy điều gì về Biển Đông?Donald Trump phản ứng ra sao nếu Trung Quốc đánh chìm tàu láng giềng?Ngoại trưởng Rosario: Việt Nam-Philippines sẽ ký đối tác chiến lược
Patrick M. Cronin, nguyên Giám đốc Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc gia tại Đại học Quốc phòng quốc gia, nguyên Trợ lý Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ ngày 5/9 bình luận trên The National Interes, nếu Mỹ không chuẩn bị sẵn sàng trở lại Biển Đông với sức mạnh và nguyên tắc thì đừng ngạc nhiên khi Trung Quốc có cơ hội tận dụng nhảy vào thế chỗ do khoảng trống quyền lực.
Hải quân Hoa Kỳ, hình minh họa. Ảnh: The National Interest.
Trung Quốc thay đổi tối đa hiện trạng trước phiên tòa xử đường lưỡi bò
Biển Đông với căng thẳng và nguy cơ xung đột tiềm ẩn sẽ đòi hỏi một chính sách đối ngoại của Mỹ thực tế hơn với sức mạnh toàn diện, sự tham gia sâu sắc và các nguyên tắc lâu dài. Bởi lẽ Biển Đông đã là trung tâm sân khấu cạnh tranh hàng hải ở châu Á. Trung Quốc đang theo đuổi yêu sách chủ quyền – hàng hải (vô lý, phi pháp) của họ một cách từng bước nhưng “không thể lay chuyển”.
Ngay từ năm 2010 Trung Quốc độc đoán đã bóng gió rằng Biển Đông là “lợi ích cốt lõi” của họ làm dấy lên những mối lo ngại chính đáng về chủ quyền, hàng hải và an ninh của các nước Đông Nam Á ven Biển Đông. Với khoảng 90% khối lượng thương mại toàn cầu đi qua đường biển và hơn 1/3 trong số đó đi qua Biển Đông, vùng biển này đang trở thành trung tâm tích tụ quân sự của Trung Quốc.
Niềm tin mới của Trung Quốc về sự giàu có và quyền lực của họ kết hợp với một tư thế ngày càng hung hăng ở hải ngoại đã được thể hiện sống động trong hoạt động (lao vào) tranh chấp ở Biển Đông. Mặc dù Trung Quốc không phải bên duy nhất “thay đổi nguyên trạng” ở Biển Đông, nhưng rõ ràng hành động thay đổi nguyên trạng của Bắc Kinh có quy mô, tốc độ, diện tích và mức nghiêm trọng lớn nhất.
Bắc Kinh đang phải dùng đến thủ đoạn cưỡng chế để thay đổi các sự kiện ngoài thực địa để chiếm ưu thế thực tế. Họ trộn lẫn giữa áp lực quân sự với áp lực từ lực lượng thực thi pháp luật, có sự hỗ trợ mạnh mẽ trên các mặt kinh tế, thông tin, luật pháp và chiến tranh tâm lý. Trong 2 năm qua, Trung Quốc đã bồi lấp, xây dựng bất hợp pháp 3000 mẫu Anh đảo nhân tạo ở Biển Đông, nhiều hơn 17 lần so với tổng diện tích cải tạo của tất cả các bên yêu sách còn lại suốt 40 năm qua, chiếm 95% diện tích bồi lấp nhân tạo ở Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam).
Trong quá trình bồi lấp vội vàng, cỗ máy nạo vét khổng lồ của Trung Quốc đã gây ra thiệt hại đáng kể cho hệ sinh thái biển mong manh. Đáng buồn hơn là mục đích hoạt động bồi lấp, xây dựng đảo nhân tạo bất hợp pháp này là để chứng minh yêu cầu pháp lý mong manh (vô căn cứ), đó là đường lưỡi bò bao trùm hầu hết Biển Đông. Bắc Kinh chắc chắn muốn củng cố vị thế của mình trước năm tới, khi Tòa Trọng tài thường trực xét xử vụ kiện đường lưỡi bò do Philippines khởi xướng.
Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Washington Times.
Video đang HOT
Chiến lược xoay trục của Tổng thống Obama vẫn “nửa vời”
Thông qua việc gia tăng các hoạt động bành trướng và thủ đoạn cắt lát xúc xích, Trung Quốc đang mở ra những vùng ảnh hưởng trên Biển Đông. Điều này gây ra sự lo lắng của các nước láng giềng. Đồng thời dư luận khu vực cũng hoài nghi khả năng Hoa Kỳ sẽ trở thành trung gian trung thực và đối trọng hiệu quả trước hoạt động bành trướng của Trung Quốc.
Một đường băng hơn 3000 mét trên đá Chữ Thập có thể trở thành bệ phóng cho bất kỳ máy bay quân sự nào của Trung Quốc. Gần đây Bắc Kinh đã tiến hành tập trận quy mô lớn trên Biển Đông với 100 tàu chiến và bắn 100 tên lửa. Hành vi phô diễn sức mạnh quân sự này có mục đích đe dọa láng giềng. Trước sự huênh hoang của Trung Quốc trên biển, các đồng minh và đối tác của Mỹ ở châu Á quan ngại họ bị “bỏ rơi” hơn là cạm bẫy.
Các nước này muốn Hoa Kỳ hiện diện khẳng định cam kết ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc. Không giống như Hoa Đông nơi Mỹ cam kết bảo vệ Senkaku nếu bị Trung Quốc tấn công, Biển Đông đã có nhiều cơ hội hơn cho chủ nghĩa phiêu lưu của giới lãnh đạo Trung Quốc. Tổ chức khu vực duy nhất – ASEAN có thể cung cấp sự hỗ trợ về chính trị và kinh tế hữu ích, nhưng sự đồng thuận lại quá mong manh mỗi khi đối mặt với các thách thức an ninh.
Trong khi chiến lược tái cân bằng sang châu Á – Thái Bình Dương của chính quyền Obama có ý nghĩa địa chiến lược ưu việt thì trên thực tế nó đang được triển khai một cách nửa vời do sự khan hiếm nguồn lực. Hiệp định Đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) vẫn chưa hoàn thành. Những nỗ lực ngoại giao như yêu cầu lặp đi lặp lại của ASEAN về ngăn chặn hành vi bồi lấp, xây dựng đảo nhân tạo ở Biển Đông hay kêu gọi đàm phán ký kết COC dận chân tại chỗ và ít cơ hội đạt được.
Ngay cả sức mạnh cốt lõi của Hoa Kỳ, sức mạnh quân sự vẫn được cảm nhận bởi nhiều đối tác như một tài sản hao mòn. Điệp khúc triển khai 60% tài sản quân sự hải quân Hoa Kỳ sang châu A – Thái Bình Dương vẫn lặp đi lặp lại do suy giảm kích thước các hạm đội, sự xói mòn ổn định của quyền lực biển của Hoa Kỳ mà không có bất kỳ con số chính xác nào về các tàu.
Một số người Mỹ thậm chí còn cô gắng coi thường vấn đề này bằng cách tuyên bố, Mỹ không nên đi đến chiến tranh ở một nhóm bãi đá xa xôi. Chắc chắn là không ai muốn chiến tranh, nhưng đe dọa ở Biển Đông ảnh hưởng nhiều đến sự ổn định khu vực trong tương lai cũng như trật tự quốc tế, luật pháp trên biển.
Chiến hạm USS Fort Worth Hoa Kỳ tuần tra Biển Đông. Ảnh: Bloomberg.
Giải pháp nào cho chiến lược xoay trục của Mỹ, chống Trung Quốc bành trướng thôn tính Biển Đông?
Hoa Kỳ có thể bù đắp cho sự suy giảm kích thước các hạm đội thông qua sự hiện diện liên tục và cam kết hoạt động. Về lâu dài, Washington cần làm việc với các đối tác về cách thức chống lại sự cưỡng ép và khả năng chống truy cập ngày càng tăng của Trung Quốc. Để làm được điều này, những động thái quân sự sẽ cần phải được tích hợp trong một chiến lược kinh tế – chính trị lớn hơn.
Trung Quốc sẽ chẳng ấn tượng gì với những nước nói nhiều hơn làm. Trong khi đó Bắc Kinh tiếp tục quân sự hóa (bất hợp pháp) Biển Đông, các đồng minh và đối tác của Mỹ thì muốn biết rằng chính sách của Washington dựa trên nền tảng sức mạnh nào.
Singapore đã cung cấp chỗ đứng chân quan trọng cho hải quân Mỹ mà hiện tại bao gồm một số tàu Littoral Combat. Mỹ đang chờ Tòa án Tối cao Philippines kết luận Hiệp định Hợp tác quốc phòng Mỹ – Philippines mở rộng là phù hợp với hiến pháp.
Văn bản này được thông qua sẽ mở đường cho Thủy quân lục chiến, máy bay và tàu chiến Mỹ quay lại Philippines hỗ trợ đào tạo, xây dựng năng lực và khả năng phòng thủ trên biển. Truy cập các căn cứ và tham gia tích cực có thể bù đắp việc thiếu các căn cứ quân sự thường trú ở Biển Đông cũng như quy mô lực lượng. Đây là nguồn lực rất cần thiết với Hoa Kỳ ở Biển Đông.
Quốc hội Mỹ cũng đã giúp đỡ Nhà Trắng với năm tài khóa mới dành 425 triệu USD để phát triển năng lực tuần tra phòng thủ trên biển cho các nước ven Biển Đông. Đây là một bước đi đúng hướng nhằm ngăn chặn chủ nghĩa phiêu lưu. Chia sẻ thông tin để tạo ra nhận thức chung về hàng hải và minh bạch hơn là ưu tiên quan trọng hàng đầu trong việc củng cố năng lực của khu vực chống các hành vi cưỡng chế.
Trong cuộc khủng hoảng Scarborough năm 2012 Hoa Kỳ đã quá nhút nhát trong việc đảm bảo những hành vi đơn phương thay đổi hiện trạng bằng vũ lực hoặc ép buộc đều phải trả giá. Tương tự như vậy, tháng 7 năm nay máy bay P-8 của hải quân Mỹ vẫn né tránh không bay vào phạm vi 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng bất hợp pháp trên 7 bãi đá ở Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam, Trung Quốc xâm lược và chiếm đóng trái phép từ năm 1988, 1995 đến nay).
Về mặt pháp lý quốc tế, các bãi đá mà Trung Quốc bồi lấp bất hợp pháp chỉ có tối đa 500 mét vùng an toàn, ngoài ra là không phận – vùng biển quốc tế mà tàu, máy bay các nước có quyền qua lại tự do không ai được ngăn cản. Hoa Kỳ cần khắc phục điều này càng sớm càng tốt, dù chắc chắn rằng Trung Quốc trang bị đầy đủ vũ khí cho các đảo nhân tạo.
Mục đích của các hoạt động tuần tra hàng hải, hàng không này của Mỹ không phải để khiêu khích Trung Quốc, mà là nhấn mạnh tiêu chuẩn và luật pháp quốc tế. Hoa Kỳ không quan tâm đến chiến tranh mà quan tâm đến ổn định, luật pháp, trật tự và tự do. Nhưng nếu Mỹ không sẵn sàng quay lại Biển Đông với sức mạnh thì không nên ngạc nhiên khi Trung Quốc nhảy vào thế khoảng trống quyền lực. Chấp nhận một Trung Quốc trỗi dậy không nên bao gồm chấp nhận những nỗ lực đảo lộn trật tự khu vực thông qua ức hiếp nước nhỏ.
Hồng Thủy
Theo giaoduc
Tranh chấp Biển Đông: Ốc sên nghênh chiến lưỡi bò
Trong lúc Philippines khởi binh một "cuộc chiến ốc sên" theo phương thức hòa bình, hợp pháp tại Tòa Trọng tài Thường trực La Haye (The Hague - Hà Lan), thì Trung Quốc vũ bão chạy đua thay đổi hiện trạng trên Biển Đông. Ai sẽ giành chiến thắng?
Phiên tòa tại La Haye. (Ảnh: Rappler)
Trên thực tế Trung Quốc đã công khai "tẩy chay" các phiên tòa của Tòa Trọng tài thường trực (PCA) trong vụ kiện của Philippines. Tuy nhiên, bất chấp sự trịnh thượng và tỏ ra xem nhẹ tòa của Trung Quốc, PCA vẫn tiếp tục trao cho Bắc Kinh cơ hội phản hồi trước những tuyên bố, tranh luận của Manila, từ bộ hồ sơ khổng lồ dài 10 chương được Philippines đệ trình lên vào tháng 3/2014, đến những tài liệu mới được bổ sung trong tháng 7 năm nay.
Các thẩm phán của tòa trọng tài vẫn luôn thể hiện sự thiện chí với việc Trung Quốc tham dự quá trình xét xử "vào bất kì thời điểm nào". Điều này vừa lí giải tiến trình kéo dài của tòa trọng tài trong vụ kiện Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc, lại vừa cho thấy vụ kiện Philippines - Trung Quốc về những tranh chấp trên Biển Đông là một vụ kiện pháp lý với hồi kết mở.
Một trong những nhân tố làm phức tạp thêm vụ kiện Philippines - Trung Quốc là tình thế tiến thoái lưỡng nan của Tòa Trọng tài. Dù điều 9 của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982 cho phép các phiên xét xử tiếp tục diễn ra với sự vắng mặt của một bên, song PCA vẫn phải hết sức cân nhắc tính hợp pháp của toàn bộ quá trình.
Về phía Trung Quốc, động thái duy nhất tính đến nay là việc nước này vào ngày 7/12/2014 đưa ra một văn bản trực tiếp đặt câu hỏi về tính phù hợp của Tòa Trọng tài cũng như năng lực xét xử những tranh chấp ở Biển Đông theo cơ chế của UNCLOS.
Nếu Philippines giành thắng lợi trong việc tranh luận về tính thẩm quyền của tòa theo ít nhất một vài tuyên bố của quốc gia này, hành trình đi đến một phán quyết cuối cùng tại La Haye lẽ dĩ nhiên chắc chắn cũng sẽ làm họ tiêu tốn không ít thời gian.
Để xúc tiến vụ kiện, Philippines cũng đã đề nghị tòa đồng thời phân xử tính thẩm quyền của tòa lẫn những vấn đề tồn tại trong vụ kiện của Philippines. Song đề nghị này đã bị tòa bác bỏ.
Trong khi đó, Hải quân Mỹ, lực lượng hải quân hùng mạnh nhất trên thế giới, dù xem các điều khoản liên quan UNCLOS là một vấn đề mang tính tập quán quốc tế, song quốc gia này hiện vẫn chưa thông qua UNCLOS với tuyên bố hiệp ước này không có lợi cho kinh tế và an ninh của Mỹ.
Thế cho nên, điều tòa trọng tài không hề muốn mạo hiểm là việc làm một phép thử với lời đe dọa ngầm sẽ rút khỏi UNCLOS của Trung Quốc.
Bởi dù muốn bảo vệ những tuyên bố của Philippines trước những hành vi vi phạm pháp luật trắng trợn của Trung Quốc trên Biển Đông, tòa cũng lại càng muốn bảo đảm các cường quốc sẽ không hoàn toàn bị ghẻ lạnh vì trên thực tế trật tự toàn cầu được chính những quốc gia này củng cố.
Một trong những giới hạn về mặt nguyên tắc cơ bản của Tòa Trọng tài là việc tòa không thể đưa ra phán quyết thẩm quyền với vấn đề sở hữu cũng như các tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Điều tòa có thể làm là chất vấn giá trị pháp lý của tuyên bố đường chín đoạn gây tranh cãi của Trung Quốc cũng như những đảo nhân tạo mà nước này xây dựng trái phép trên Biển Đông.
Đảo nhân tạo của Trung Quốc trên bãi Gạc Ma, quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền Việt Nam. (Ảnh: SIA)
Trong chưa đầy hai năm, Trung Quốc được cho đã cải tạo 810ha trên Biển Đông. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter, diện tích cải tạo Trung Quốc đã thực hiện lớn "hơn của tất cả các quốc gia khác cộng lại... và hơn toàn bộ lịch sử của khu vực".
Điều đáng lo là, cùng với việc bắt đầu lấn át không phận và biển cả trong khu vực, Trung Quốc thậm chí còn cố cản trở hoạt động trùng tu của Philippines và tạo ra mối đe dọa tới những con đường tiếp tế trong khu vực của quốc đảo này.
Trên thực tế tất cả các bên có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông đều có động thái củng cố vị trí trên biển. Luật quốc tế không cấm các quốc gia tiếp tục các hoạt động này, cụ thể là tôn tạo và duy trì những công trình đã tồn tại trên những khu vực chiếm cứ, chừng nào những công trình này không làm thay đổi vĩnh viễn bản chất của những địa điểm trên, trái ngược với việc Trung Quốc đang ngang nhiên thực hiện khi biến các bãi nửa nổi nửa chìm, đá thành các đảo nhân tạo.
Rõ ràng, một cuộc chiến thật sự đang diễn ra trên Biển Đông. Cần nhận thấy rằng, những tranh chấp ở Biển Đông không phải là tranh chấp về đạo lý và là trận chiến của các luật sư. Điều đang diễn ra ở Biển Đông là những tính toán có quan hệ đến lợi ích quốc gia và tính toàn vẹn lãnh thổ trong cuộc đấu trí của những chiến lược gia tinh khôn trên thế giới.
Theo Anh Minh / Huffington Post
baotintuc.vn
Trung Quốc liên tục bị quốc tế "bêu" tên Thời gian gần đây, Trung Quốc liên tục bị "bêu" tên tại các diễn đàn, hội nghị về an ninh, Biển Đông, cũng như bị giới chính khách, quân sự chỉ trích, nhắc nhở về các hành động hung hăng, cứng rắn của nước này trong tranh chấp ở Biển Đông. Hoạt động xây dựng đảo nhân tạo phi pháp của Trung Quốc...