Nếu mua sách cho HS mượn mà không xác định đúng nhu cầu thì chỉ làm giàu cho NXB
Đại biểu Phạm Văn Hoà: “Nếu mua sách giáo khoa không xác định đúng nhu cầu, gây lãng phí là làm giàu cho các nhà xuất bản”.
Vừa qua, đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc mua sách giáo khoa và cung cấp cho các thư viện trường học để học sinh mượn đã nhận được sự quan tâm của dư luận.
Cụ thể, Bộ đề xuất Chính phủ phương án trích ngân sách nhà nước 3.500 tỉ đồng năm đầu tiên để mua sách giáo khoa các cấp đưa vào thư viện trường học, đáp ứng 70% nhu cầu. Tiếp theo sẽ bổ sung 20% mỗi năm.
Chính sách nhân văn nhưng cần có giải pháp loại bỏ vấn đề lợi ích nhóm
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, ông rất ủng hộ việc mua sách giáo khoa đưa vào thư viện trường học để học sinh nghèo, khó khăn, học sinh dân tộc thiểu số mượn, đây là một việc làm rất nhân văn.
Tuy nhiên, số sách được mua có đến tay những học sinh đó hay không mới là vấn đề khó, cần giải quyết.
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. (Ảnh: Quochoi.vn)
“Điều khiến chúng ta lo lắng là liệu có xảy ra tình trạng người nghèo, người có nhu cầu lại không mượn được sách hay không.
Hơn nữa, mua sách như vậy liệu có lợi ích nhóm hay không? Nếu mua sách nhiều mà không xác định đúng nhu cầu, không đúng đối tượng, để xảy ra tình trạng lãng phí thì chính là làm giàu cho các nhà xuất bản”, ông Hoà đặt vấn đề.
Đại biểu Phạm Văn Hoà cho biết, theo đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm đầu tiên chi 3.500 tỷ đồng, hằng năm bổ sung thêm 20%. Như vậy mỗi năm lại thêm mấy trăm tỷ để mua sách, đó không phải là con số nhỏ nên cần xem xét kỹ, tính toán chính xác nhu cầu học sinh.
Bên cạnh đó, cần phải xem xét vấn đề giữ gìn, sử dụng sách giáo khoa như thế nào. Sách giáo khoa mua năm nay có thể dùng lại cho năm sau hay không?
Nếu để học sinh viết vào sách, không gìn giữ, chỉ dùng một năm rồi bỏ, năm học sau lại mua mới toàn bộ thì thực sự quá lãng phí.
Sách giáo khoa bị viết, vẽ vào trong thì không thể sử dụng lại. Muốn tiết kiệm phải đặt vấn đề mua sách sử dụng được bao lâu, không thể năm nào ngân sách cũng chi trả mua toàn bộ sách mới cho học sinh mượn để làm lợi cho các nhà xuất bản, điều này là không thể chấp nhận.
Chính vì vậy, khi cho học sinh mượn sách, phải đảm bảo việc giữ gìn để sách được bảo quản trong thư viện, dùng cho học sinh khóa sau.
Video đang HOT
Cần sớm nhận diện điều này để loại bỏ vấn đề lợi ích nhóm trong việc mua sách, đấu thầu và phát hành sách giáo khoa. Phải xem xét thật kỹ, chi li và có sự cam kết rành mạch rõ ràng trong việc mua sách giáo khoa.
Đặc biệt, để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thì cần vận động học sinh, phụ huynh quyên góp sách đã học cho học sinh khóa sau, có thể đưa vào thư viện trường học để dùng trong thời gian dài về sau.
“Khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, chúng ta có nhiều bộ sách giáo khoa, mỗi địa phương, mỗi trường học sử dụng những bộ sách khác nhau. Thậm chí có trường học, một học sinh học các sách bộ môn của 3 bộ sách. Như vậy, việc mua sách cho học sinh mượn cũng không phải chuyện dễ dàng gì.
Nhu cầu đa dạng thì chúng ta lại phải xác định mua bộ sách nào, số sách mua cho học sinh mượn có được tính toán đúng theo nhu cầu thực tế?
Phải thực sự khách quan, công khai trong quá trình thực hiện chính sách, nếu làm được, làm đúng và công bằng, không lãng phí tiền của Nhà nước thì Nhân dân, giáo viên hay phụ huynh học sinh đều đồng tình ủng hộ”, ông Phạm Văn Hoà bày tỏ.
Giữ gìn, kế thừa sách giáo khoa, tránh lãng phí
Chia sẻ với phóng viên về vấn đề mua sách giáo khoa cho học sinh mượn, ông Trần Ngọc Vinh, Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII cho rằng, chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo là đúng, nhưng có một số vấn đề cần lưu tâm nếu triển khai hoạt động này.
Ông Trần Ngọc Vinh, Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII. (Ảnh: Quochoi.vn)
Đầu tiên, cần xác định đối tượng học sinh nào, hộ nghèo hay hoàn cảnh ra sao thì có thể mượn sách?
Quan trọng là phân chia làm sao để sách được đến tận nơi với người cần. Phải khảo sát, thống kê xem tỉnh/thành phố nào có nhiều học sinh nghèo nhất để phân chia tỷ lệ hợp lý. Đặc biệt chú ý đến các tỉnh miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn, đối tượng chính sách, người nghèo, gia đình chính sách, con em thương bệnh binh,… Xem xét kỹ các đối tượng để có sự công bằng.
Cho mượn sách cũng cần tính đến trình tự, thủ tục như thế nào, tổ chức thực hiện ra sao, không cẩn thận sẽ kéo theo những vấn đề bất cập khác. Chủ trương chính sách đúng nhưng triển khai thực tế không phát huy hiệu quả thì sẽ gây ra lãng phí.
Cũng cần có quy chế thoáng, dễ thực hiện để học sinh nghèo thuận lợi trong việc mượn được sách giáo khoa học tập.
“Tuy nhiên, điều tôi băn khoăn là chúng ta có duy trì được mãi việc chi ngân sách để mua sách giáo khoa cho học sinh mượn không? Hay chỉ làm được một năm, làm một cách nửa vời, vì sách giáo khoa của chúng ta thay đổi liên tục, khó có tính kế thừa.
Trong năm học này học sinh dùng bộ sách này nhưng sang năm học tiếp theo lại dùng bộ sách khác.
Đó là lý do cần cân nhắc, tính toán kỹ càng, nếu dành ngân sách để thực hiện thì phải để sách thực sự đến tay người nghèo. Sách giáo khoa phải được sử dụng được ít nhất trong 2-3 năm, tránh lãng phí.
Quá trình triển khai làm sao để tránh vấn đề lợi ích nhóm, tiêu cực”, ông Vinh chia sẻ.
Trong bối cảnh ngân sách còn hạn chế, cần phải có kế hoạch xây dựng thư viện nhà trường bằng việc vận động học sinh ủng hộ sách cũ.
Như vậy mỗi trường học, mỗi địa phương cũng cần chủ động nắm bắt tình hình học sinh để có sự hỗ trợ kịp thời qua việc xây dựng tủ sách, thư viện trường học.
Lạng Sơn: Không để HS thiếu hoặc dùng sách phô tô khi bước vào năm học mới
Nhờ chủ động đặt sách giáo khoa từ sớm, thời điểm này, những bộ sách đã đến tận tay nhiều học sinh vùng núi trong niềm hân hoan, phấn khởi.
Thời điểm này, học sinh ở một số trường vùng núi đã nhận được sách thông qua nhà trường trong niềm hân hoan, phấn khởi. Nhờ sự chỉ đạo kịp thời của ngành giáo dục, sự chủ động của các trường trong công tác đặt sách từ sớm với các đơn vị cung ứng uy tín trên địa bàn mà sách đã đến tay học sinh.
Chủ động đặt sớm để sách giáo khoa đến tay học sinh trước lễ khai giảng
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Phạm Văn Long, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Mường Bú (huyện Mường La, tỉnh Sơn La) cho biết, vừa qua, nhà trường đã nhận được đầy đủ số sách theo đơn đặt hàng và đã phát toàn bộ cho học sinh khối 10.
Sách giáo khoa lớp 10 Chương trình giáo dục phổ thông mới. (Ảnh: Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam).
"Triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, nhà trường xác định công tác chuẩn bị sách giáo khoa cho học trò lớp 10 là nhiệm vụ quan trọng, phải thực hiện từ sớm. Do đó, ngay từ khi nhận chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La, nhà trường đã tiến hành công bố bảng danh mục các đầu sách để học sinh chủ động tìm mua hoặc đăng ký tiếp cận sách giáo khoa thông qua nhà trường.
Nhờ thực hiện sớm công tác đặt hàng sách giáo khoa, chủ động đốc thúc, bám sát việc thực hiện của đơn vị cung ứng, nên thời điểm này, học sinh khối 10 của trường đã nhận đủ sách, đảm bảo thực hiện yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Trong bối cảnh nhiều trường còn đang khó khăn, phụ huynh vất vả tìm mua sách giáo khoa mà chưa được, gần vào năm học vẫn có học sinh chưa đủ bộ sách thì khi được nhận những cuốn sách mới tận tay, đầy đủ, thầy, trò nhà trường rất vui mừng, phấn khởi", thầy Phạm Văn Long bày tỏ niềm vui.
Theo thầy Hiệu trưởng nhà trường, năm học 2022-2023, dựa vào số chỉ tiêu biên chế trường được giao thì cơ bản đủ giáo viên, đáp ứng được yêu cầu đào tạo.
Hiệu trưởng cho biết, trường cách trung tâm thành phố 20km, điều kiện di chuyển, cơ sở hạ tầng khá thuận lợi, trường không có giáo viên bỏ việc, nghỉ việc và chỉ có một số ít thầy cô chuyển trường. Riêng 2 môn Âm nhạc và Mỹ thuật chưa triển khai ngay trong năm học này do trường không có giáo viên và cũng chưa có nguồn tuyển, đây là khó khăn chung của hầu hết các trường trung học phổ thông.
"Về công tác tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho học sinh, trường đặt mục tiêu hoàn thành tiêm mũi 3 trước ngày 5/9.
Cụ thể, theo hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo, trung tâm y tế địa phương đang phối hợp với nhà trường để tổ chức đăng ký danh sách, tiêm chủng cho học sinh. Mỗi ngày, nhà trường đều thông báo rộng rãi thông tin đến học sinh để các em chủ động đi tiêm. Theo đó, học sinh có thể tiêm tại trung tâm y tế địa phương hoặc đăng ký tiêm tại trường. Đa phần, các em đăng ký tiêm tại trường là chủ yếu.
Tiêm vaccine được xem là lá chắn bảo vệ sức khỏe cộng đồng, tạo môi trường học đường an toàn trước tình hình dịch bệnh còn nhiều diễn biến phức tạp. Năm nay, trường có hơn 700 học sinh. Trường phối hợp với trung tâm y tế địa phương trên tinh thần vaccine về đến đâu tiến hành tiêm ngay cho học sinh đến đó, đảm bảo 100% học sinh hoàn thành tiêm mũi 3 trước ngày khai giảng theo đúng kế hoạch", Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Mường Bú cho biết thêm.
Không để học sinh thiếu sách, phải dùng sách phô tô cho năm học mới
Thầy Vũ Trí Hào, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Vũ Lễ (huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn) chia sẻ: "Thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, năm nay, học sinh khối 10 sẽ phải mua sách giáo khoa mới hoàn toàn. Do đó, để kịp thời hỗ trợ học sinh, ngay từ đầu tháng 8, nhà trường đã cho học sinh đăng ký mua sách thông qua nhà trường. Đến thời điểm này, 100% học sinh khối 10 đã nhận được đủ bộ sách giáo khoa theo chương trình mới".
Giờ sinh hoạt ngoài trời của thầy và trò Trường Trung học phổ thông Vũ Lễ (huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn). Ảnh: website nhà trường
Bên cạnh việc chủ động làm việc với đơn vị cung ứng sách, đảm bảo đủ sách cho học sinh, lãnh đạo nhà trường đặc biệt quán triệt thực hiện công tác đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 và các bệnh lưu hành như sốt xuất huyết, cúm A đang diễn biến khó lường, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hướng đến sức khỏe học sinh.
"Về công tác phòng, chống dịch bệnh, trường thực hiện đúng theo các văn bản hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo, của các ban, ngành liên quan, đảm bảo an toàn cho học sinh đến trường. Nhiệm vụ này đã được thực hiện từ những năm học trước, khi dịch COVID-19 bùng phát mạnh, do đó, cán bộ phụ trách đã có kinh nghiệm ứng phó, xử lý, không lúng túng trong mọi tình huống phát sinh.
Bên cạnh đó, nhà trường đã phát động thầy, trò tích cực "ra quân" dọn dẹp, thường xuyên tổng vệ sinh sạch sẽ toàn bộ khuôn viên trường, lớp học để tạo môi trường khang trang, an toàn đón năm học mới", thầy Vũ Trí Hào chia sẻ.
Ghi nhận và đánh giá cao công tác chuẩn bị của một số trường, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Hà Thị Khánh Vân, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn cho biết, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã quán triệt triển khai đến các trường trên địa bàn toàn tỉnh về thực hiện công tác chuẩn bị cho năm học mới.
"Trong đó, sách giáo khoa là nhiệm vụ được Sở nhấn mạnh thực hiện trên tinh thần không để học sinh thiếu sách, dùng sách phô tô khi chính thức vào năm học mới. Nhờ chủ động làm tốt công tác này mà một số trường đã hoàn tất khâu chuẩn bị sách giáo khoa cho học sinh. Đây là một tín hiệu đáng mừng, đáng ghi nhận sự nỗ lực của các trường, nhất là một số trường ở vùng cao.
Về đội ngũ giáo viên, Sở có hướng dẫn cụ thể đến các trường giải quyết tình trạng thừa, thiếu giáo viên. Đối với các môn học theo chương trình giáo dục phổ thông mới, nếu trường chưa đủ điều kiện triển khai môn Âm nhạc và Mỹ thuật thì năm học này tạm thời không đưa vào giảng dạy", Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn chia sẻ.
Công tác phòng, chống dịch cũng được Sở tập trung hướng dẫn thực hiện đồng bộ đến các trường về đảm bảo vệ sinh, khử khuẩn, đẩy mạnh tiêm chủng vaccine phòng COVID-19. Theo đó, thuốc về đến đâu, tiến hành tiêm ngay cho học sinh đến đấy.
"Các trường thực hiện khảo sát, lập danh sách học sinh đăng ký tiêm để phối hợp với trung tâm y tế tại địa phương, tổ chức tiêm đầy đủ cho học sinh các cấp. Theo kế hoạch của Sở, các trường hoàn thành tiêm mũi 3 cho học sinh trong tháng 8. Tuy nhiên, điều này khó khả thi vì còn phụ thuộc nhiều vào tình hình thực tế số lượng thuốc được cấp phát đến từng địa phương và tiến độ đăng ký tiêm của học sinh.
Công tác tiêm chủng ở các trường vùng cao còn chậm và gặp nhiều khó khăn hơn. Do đó, Sở quán triệt các trường chưa tiêm đầy đủ phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thông báo cho học sinh biết và đăng ký, phối hợp tích cực với các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, đảm bảo hoàn thành khi chính thức bước vào năm học mới", cô Hà Thị Khánh Vân, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn nhấn mạnh.
Nhờ sự chủ động, nỗ lực phối hợp với các đơn vị cung ứng uy tín mà đến thời điểm này, một số trường ở vùng cao đã nhận và giao sách cho học trò. Công tác phòng, chống dịch, tiêm chủng cũng đã được đẩy mạnh triển khai đồng bộ, khoa học. Tất cả hứa hẹn một năm học mới với nhiều thuận lợi, hứng khởi, an toàn và hiệu quả.
Chi phí sống đắt đỏ, trẻ em Anh không có sách đọc tại nhà Theo Guardian, một báo cáo cho thấy chi phí sống đắt đỏ có thể ảnh hưởng đến mức độ đọc của trẻ. 51% phụ huynh tham gia khảo sát nói rằng giá sách cao. Cụ thể, báo cáo của tổ chức Nation Literacy Trust cho thấy 18,6% trẻ em ở Anh trong độ tuổi từ 5-8 tuổi không có cơ hội tiếp cận...