Nếu cô… còn dạy toán lớp em, em xin nghỉ giáo viên chủ nhiệm
Vũ khí của giáo viên ngoài những thứ trừu tượng như nhân cách, trình độ… còn có những thứ rất thật, đó là điểm số và xử phạt học trò.
Cuộc họp sơ kết cuối kỳ một trở nên “khốc liệt” khi đến phần xếp loại thi đua lớp học. Sau khi cô Tổng phụ trách đọc xếp loại thi đua của các lớp, tranh luận bắt đầu nổ ra.
Đầu tiên là ý kiến của đại diện giáo viên chủ nhiệm khối 6 “Sau khi có kết quả kì I, chúng tôi nhận được lời phàn nàn của rất nhiều phụ huynh, con cái họ đang học sinh giỏi, xuất sắc ở Tiểu học, nay bị tụt hạng, phần lớn do điểm môn toán thấp, kéo xuống.
Trong khi đó 100% học sinh đi học thêm toán tại trường; đề nghị cô giải thích lý do để chúng tôi còn trả lời với phụ huynh vào kì họp giữa năm sắp tới”.
Được lời, cô M. giáo viên chủ nhiệm lớp 9 phát biểu “Em cũng đồng cảm với thầy…, lớp em năm nay chỉ có 1 học sinh giỏi, 14 học sinh yếu, kém, cũng tại vì điểm toán của cô …; vì thế lớp tụt về hạng chót, bao công sức của em bám lớp từ đầu năm bỗng chốc đổ sông, đổ biển.
Nếu cô … còn dạy toán lớp em, cứ tổng kết như học kì I, em xin nhà trường cho em nghỉ giáo viên chủ nhiệm”.
(Hình minh họa: NOP/Tuyengiao.vn)
Khi đồng nghiệp “tước vũ khí” của nhau!
Vũ khí của giáo viên ngoài những thứ trừu tượng như nhân cách, trình độ… còn có những thứ rất thật, đó là điểm số và xử phạt học trò.
Học trò đạt điểm nào, ghi điểm đó, vừa giúp trò tự đánh giá, vừa là “vũ khí” diệt giặc dốt của giáo viên.
Học trò vi phạm kỷ luật trong tiết học, giáo viên có quyền ghi sổ đầu bài, phản ánh hiện tượng, xếp loại giờ dạy không đạt, cùng giáo viên chủ nhiệm chấn chỉnh lớp học là cách xử phạt tối thiểu nhất.
Trước áp lực của “điểm số ảo”, ta nghe không ít chuyện bi hài mà phụ huynh gửi đến “Cô ơi, xin cô nâng điểm cho cháu, không có giấy khen thì nhà em mang mặt mo đi họp họ”; “Cả cơ quan, con ai cũng nhận thưởng, cháu không được giấy khen, chẳng biết chúng em còn dám đi làm…” v.v…
Chuyện cả lớp đều được “nhận giấy khen” hay 99% học sinh khá giỏi không còn hiếm. Vũ khí “điểm” của giáo viên đã hoàn toàn bị “tước đoạt” trước nhu cầu “sống ảo” của phụ huynh, của xã hội chạy theo “thành tích ảo”.
Bệnh thành tích đó cũng nằm trong chính “nội tâm” nhà trường, bị “trói buộc” bởi chỉ tiêu thi đua; việc đánh giá “đúng năng lực” của học trò dường như “không còn đúng”; làm thật, không còn được tôn vinh, nói cách khác vũ khí điểm số của giáo viên đã bị chính đồng nghiệp “tước đoạt”!
Có nhiều giáo viên tâm sự “Dạy xong tiết, biết lớp không đạt giờ A, nhưng vẫn cho đại giờ A, nếu giờ B lớp lại bị trừ thi đua, gặp giáo viên chủ nhiệm “ngại” lắm”.
Việc xử phạt học trò vi phạm đơn giản nhất là “ghi sổ đầu bài”, đánh giá tiết dạy đã hoàn toàn bị “tước đoạt”.
Phần đại đa số giáo viên đều tốt, thế nhưng cũng có bộ phận không nhỏ “tha hóa”, ít nhất là “tha hóa” vì thành tích của bản thân; chính vì thế, họ muốn học trò của mình có “điểm đẹp”, gây áp lực lên đồng nghiệp, góp phần làm bệnh thành tích càng trầm trọng.
Chính bản thân tự tước vũ khí của mình
Video đang HOT
Có giáo viên “cao thủ dạy thêm” từng hào hứng tâm sự: “Thời nay, đừng khắt khe với học trò; nó thích điểm cao, cứ cho nó, nó thích mình, nó đi học thêm, lợi cả đôi đường”.
Vấn đề không phải học sinh nào muốn điểm cao là được, chỉ học sinh đi học thêm thầy mới được điểm cao!
Vũ khí của “thầy giáo” trở thành “công cụ” của mình chứ không còn dùng để “diệt giặc dốt”!
Bệnh thành tích đang vô cùng trầm trọng, do chỉ tiêu thi đua, do cơ chế khen thưởng …là chủ yếu; nhưng khách quan mà nói cũng vì sự “ích kỷ” của không ít giáo viên chúng ta.
Hãy trả lại cho đồng nghiệp quyền được đánh giá trung thực học trò, cũng là cách góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, thể hiện một nhà giáo tốt.
Lê Mai
Theo giaoduc.net
Sợ uy quyền của giáo viên, phụ huynh thỏa hiệp với chuyện dạy thêm trái phép
Một giáo viên hơn 50 tuổi đời nhưng lại sử dụng những chiêu trò bạo hành tâm lý của một đứa trẻ 7 tuổi. Điều đó đã vượt qua giới hạn của đạo đức nhà giáo.
"Bạo hành" tâm lý học sinh vì không đi học thêm
Trong quá trình đấu tranh với những lớp dạy thêm, hành vi dạy thêm trái phép, phóng viên nhận được nhiều phản ánh của phụ huynh.
Câu chuyện dưới đây được một phụ huynh tại Hà Nội chia sẻ. Thông qua câu chuyện này có thế thấy việc sử dụng nhiều chiêu trò bắt ép, bạo hành thể xác và tinh thần vì chuyện dạy thêm, học thêm cần được lên án.
Rất tiếc, do yêu cầu từ phía gia đình cho nên chúng tôi phải giữ kín thông tin về học sinh và ngôi trường mà em đang theo học.
Lý do là gia đình sợ con cái bị trù dập, đi học bị các cô ghét nên lựa chọn cách hòa giải.
Phóng viên đặt câu hỏi: "Vậy còn 3 năm học nữa con mới lên cấp 2. Gia đình chấp nhận để con như thế nào hay sao?".
Người mẹ lặng im không nói gì còn bà ngoại bé gạt đi: "Gia đình không muốn làm lớn chuyện. Nếu cô giáo nhận lỗi chúng tôi cũng không muốn chuyện bé xé ra to".
Câu trả lời của bà ngoại bé phản ánh đúng tâm lý của nhiều phụ huynh. Tâm lý sợ uy quyền, chấp nhận cửa dưới trong một mối quan hệ xin - cho đang tồn tại ở các trường công lập.
Nếu không dạy học sinh chính khóa, giáo viên mở lớp dạy thêm có ai học không? (Ảnh:N.D)
Em N.T.V, hiện đang là học sinh lớp 2 tại một trường tiểu học (quận Thanh Xuân, Hà Nội), gia đình phản ánh em nhiều lần bị cô giáo chủ nhiệm bạo hành tinh thần vì không đi học thêm.
Kể về chuyện này, chị V.T.M, phụ huynh của em V. nói: "Hôm đấy tôi đang đi làm thì thấy con gọi điện vào số di động. Hỏi con thì con bảo con trốn vào nhà vệ sinh để gọi điện cho mẹ.
Cháu nói bị cô chủ nhiệm xé vở và đánh vào tay. Nói đến đây con khóc nức nở. Khi về nhà tôi có hỏi cháu vì sao bị cô xé vở. Cháu kể rằng con không biết vì sao cô xé vở.
Khi cô xé vở thì vô tình làm rơi tờ giấy trắng xuống đất. Sau giờ ra chơi cô thấy dưới đất có tờ giấy trắng. Cô phạt con tội vứt rác ra lớp đánh vào tay con".
Uy quyền của giáo viên là lý do phụ huynh cho con đi học thêm (Ảnh:N.D)
Theo chị M. việc con mình bị cô giáo chủ nhiệm đối xử khắt khe hơn so với các bạn là do cháu không đi học thêm.
Chọ M. nói: "Cả lớp chỉ có mình con tôi không đi học thêm tại nhà cô. Do sức học của cháu cũng tốt và sức khỏe lại yếu nên gia đình ngay từ đầu đã nói với cô là không cho cháu đi học thêm nhiều.
Cháu kể lại nhiều lần cô cư xử và có những lời lẽ không đúng mực với con trẻ. Lấy ví dụ một lần cô đứng trước lớp nói: Đề bài lần này yêu cầu kể một câu chuyện về bố, bạn V. không cần làm vì bạn V. không có bố.
Lý do là chồng tôi mất khi con còn nhỏ. Khi cô nói như vậy các bạn khác đều quay sang hỏi: Ơ thế V. không có bố à?
Tôi không thể tưởng tượng một giáo viên đã hơn 50 tuổi lại có thể cư xử và dùng những thứ gọi là nhục mạ để đánh vào tâm lý của một đứa trẻ".
Sau tất cả những vấn đề mà con mình phải chịu đựng, chị M. đến trường và gặp trực tiếp giáo viên để nói chuyện. Tuy nhiên khi gặp thì cô này chối: "Khi đó tôi cũng không biết mình bị làm sao khi làm như vậy?".
Vì mục đích có học sinh đi học thêm, nhiều giáo viên sử dụng những chiêu trò không đúng đắn (Ảnh:Vũ Phương)
Chính câu trả lời bàng quan và vô trách nhiệm đã khiến cho chị M. muốn tìm đến báo chí để phản ánh.
Thế nhưng việc này bị gia đình đặc biệt là bà ngoại của cháu V. lại phản đối rất gay gắt:
"Chuyện đã giải quyết xong rồi. Cô giáo cũng nói là xin lỗi cháu và không làm như thế nữa. Gia đình tôi không muốn làm to chuyện".
Đáng tiếc nữa ông ngoại cháu V. cả một đời chiến đấu cho sự công bằng, chiến đấu vì quyền lợi của trẻ nhỏ. Cuối cùng lại không thể bảo vệ chính đứa cháu của mình.
Một người bà con khi biết chuyện đành cảm thán: "Điều khốn khổ nhất là đi bảo vệ người ngoài mà không bảo vệ được người thân của mình. Suy cho cùng tư duy sợ bị quyền uy không loại trừ bất kỳ ai".
Quyền uy của giáo viên dạy thêm và nỗi sợ của phụ huynh
Mặc dù rất xót xa cho trường hợp của cháu V. nhưng vì tôn trọng quyết định của gia đình nên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam không đi sâu vào vụ việc.
Tuy nhiên xin được kể câu chuyện này cũng để hỏi chính các bậc phụ huynh có con đang học tại trường công lập: Lý do gì mà phụ huynh lại sợ quyền uy của giáo viên, nhà trường đến vậy?
Trong khi đó con cái đi học cũng cơm đóng gạo góp.
Nhưng khi có chuyện phụ huynh thường lựa chọn cách im lặng hoặc giải quyết hòa bình như trường hợp của cháu V.
Ở đây tư tưởng của người bà ngoại vẫn còn nặng nề mối quan hệ xin - cho, chấp nhận cửa dưới.
Nói về việc dạy thêm, các gia đình hoàn toàn có thể tự quyết trong việc có cho con đi học hay không? Quyết định đó phụ thuộc vào nhiều yếu tố như điều kiện kinh tế, mong muốn của học sinh và quan trọng nhất là chất lượng.
Nếu có thể chúng tôi xin được đặt câu hỏi cho giáo viên kia và rất nhiều giáo viên đang dạy thêm trái phép khác: Nếu không dựa vào danh nghĩa trường công lập, không dựa vào danh nghĩa giáo viên của trường, giáo viên chủ nhiệm. Liệu học sinh có lựa chọn đến lớp học thêm của các thầy cô hay không?
Phụ huynh cần thay đổi nhận thức thì vấn nạn dạy thêm trái phép mới bị dẹp bỏ (Ảnh:Vũ Phương)
Tâm lý sợ của phụ huynh xuất phát từ thói uy quyền trong trường học. Bản thân câu trả lời: "Tôi không nhớ gì cả, tôi không biết vì sao lúc đó lại làm vậy?" cũng thể hiện thái độ coi thường phụ huynh của giáo viên. Một câu trả lời cho có, cho xong.
Nhưng xin thưa, nếu giáo viên đó dạy ở các trường tư chắc chắn sẽ bị đuổi việc ngay lập tức. Đó cũng là mặt trái lớn nhất đang tồn tại trong các trường công lập: Mối quan hệ bất bình đẳng, ban phát, xin cho.
Khi đi sâu tìm hiểu vấn đề dạy thêm trái phép, chúng tôi nhận ra rằng vấn đề này không thể nào được giải quyết nếu vị thế của phụ huynh - giáo viên chưa bình đẳng. Vì thế mới có thói hành xử bạo hành thể xác, tinh thần.
Nếu phụ huynh không có tiếng nói, vẫn sợ uy quyền nhà trường như vậy rất khó để dẹp vấn nạn dạy thêm trái phép.
Dạy thêm giờ là để làm giàu (Ảnh:N.D)
Thầy Nguyễn Phú Cường, Chủ tịch hội đồng các trường Lômônôxốp Hà Nội cũng thẳng thắn nói:
"Việc dạy thêm trái phép vì sao chỉ xuất hiện ở các trường công mà xuất hiện rất ít ở các trường tư. Nguyên nhân là do ở trường công mối quan hệ còn nặng bao cấp, xin - cho. Vì thế phụ huynh sợ uy quyền giáo viên, nhà trường.
Còn ở trường tư đơn thuần là mối quan hệ giữa người dùng dịch vụ và cung cấp dịch vụ. Nếu phụ huynh không thích có thể không cho con đi học thêm".
Nam Dương
Theo giaoduc.net
Phụ huynh xin điểm dễ từ chối, đồng nghiệp xin biết làm sao đây? Cho điểm thì áy náy lương tâm khi không công bằng với nhiều học sinh khác. Không cho thì khó nhìn mặt đồng nghiệp khi "vào đụng, ra chạm" hằng ngày. Gần kết thúc học kỳ 1, giáo viên thường nói vui: "Lại đến mùa xin điểm". Nhiều thầy cô cho biết, đôi khi lâm vào tình trạng khó xử bởi người xin...