Nền hiếu học lạc hậu: Lệch lạc trong học tập
GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, việc học tập đang có nhiều biểu hiện lệch lạc và rất cần những chính sách mới phù hợp hơn.
GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, nói: Tôi từng rất ngạc nhiên khi đến dạy ở trường Laval (Canada) thấy một nửa lớp là các bạn trẻ, một nửa là ông già, bà già gồm giáo sư, nhà ngoại giao, bà nội trợ và thợ ảnh. Khi hỏi mới biết, họ đến học vì nhu cầu môn tiếng Việt trong công việc và đời sống của mình.
Vì học để sống và làm việc nên tất cả học tập rất chăm chỉ. Họ cũng có mã số sinh viên, đóng học phí và phải đi thi cùng với sinh viên bình thường. Tại Pháp, tình hình cũng tương tự. Như vậy có thể thấy, xã hội học tập của các nước rất đúng nghĩa là học tập suốt đời, để sống và làm việc.
Sinh viên đến tìm việc tại hội chợ việc làm. Ảnh:Tiền Phong.
Ở nước ta, hệ tại chức, chẳng hạn, là một biểu hiện lệch lạc của xã hội học tập, nơi người ta cũng học tập suốt đời nhưng là đi học một chương trình vắn tắt, thuê người đến điểm danh hoặc đi học hộ (khá phổ biến); thậm chí người ta còn thuê người đi thi hộ.
Cách học của người trẻ cũng học là học chứ học không phải để phục vụ cuộc sống của mình. Việc học có thể miêu tả như sau: Con cái đi học thì cha mẹ cố “đùn” con lên để đạt bằng cấp cao nhất cho bằng người. Về phần con cái, cha mẹ cho đi học thì đi học, học để lên lớp, để … vào đại học (ĐH).
Nhiều người cho rằng, đây là hệ quả của nền học tập ứng thí có từ thời phong kiến tại Việt Nam – học để thi, để làm quan. Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan, người Việt Nam vốn hiếu học từ xa xưa và trong một nền giáo dục ứng thí như thế, từng có những người hiếu học thực sự, học để sống tốt hơn, làm việc tốt hơn như các ông Lương Thế Vinh và Vũ Hữu.
Những nhà Toán học thời xưa của Việt Nam, đã viết được sách toán có nhiều phép tính như của người châu Âu trong khi nhà trường ngày trước không dạy Toán học. Hiện có tới 178.000 cử nhân không có việc làm nhưng người ta vẫn đua nhau vào ĐH!
Mở trường ồ ạt “giết chết” phân luồng
Chúng ta đã hô hào phân luồng từ khá lâu nhằm phân tán dòng người lao vào trường ĐH và tản ra trường nghề. Nhưng hãy xem, chúng ta đã làm gì với phân luồng? Bộ GD&ĐT phân ban theo kiểu… phân luồng ra các khối A, B, C, D. Sau này phân luồng có biến hóa đôi chút nhưng cũng chỉ là gắn với…thi ĐH. Hơn thế, phân luồng cũng chỉ có một quy định chung chung là: Học hết THCS thì học sinh có thể đi học trung cấp… mà “có thể” thì không bắt buộc phải làm và không làm được triệt để.
Nhìn ra ngoài, Đức và một số nước châu Âu phân luồng ngay sau tiểu học; đến trung học thì học sinh đã được chia vào học 3 loại trường trung học: hệ 6 năm dành cho những học sinh có khả năng, học chương trình nặng và học xong có thể vào ĐH; hệ 5 năm dành cho học sinh học xong vào được trường cao đẳng kỹ thuật; hệ 4 năm -xong đi học trung cấp hoặc học nghề. Phân ban của họ gắn với thị trường lao động rõ ràng và học sinh có năng lực thực sự mới được đi học ĐH.
Phân ban của ta không gắn với phân luồng mà còn chịu sự tréo ngoe vì chính sách này phá chính sách kia. Đó là chính sách mở trường. Sau tiểu học, học sinh lên học trung học cơ sở và bị “đủn” lên học tiếp trường trung học phổ thông (THPT)- trường THPT dân lập, trường THPT tư thục được mở ra nhiều như nấm, ai sẽ chịu đi học nghề?
Cánh cửa phân luồng thứ nhất đã bị đóng lại như vậy. Khi học hết THPT, cơ hội phân luồng thứ hai cũng mất theo, do quá nhiều trường ĐH, CĐ (gần 500 trường) được mở, đến nỗi không lấy đâu ra người học thì nói gì đến phân luồng đi học nghề!
Video đang HOT
GS Nguyễn Minh Thuyết. Ảnh: Tiền Phong.
Chính sách nhân lực lạc hậu
Học lạc hậu (để làm quan) và học lệch lạc (không đúng với mục đích học tập) có nhiều nguyên nhân. Một là chính sách nhân lực của ta đã chú ý bằng cấp quá nhiều. Muốn làm chuyên viên chính phải có chứng chỉ này chứng chỉ kia. Trả lương cho cán bộ cũng phụ thuộc bằng cấp rất nhiều: học CĐ lương thấp hơn ĐH; học ĐH lương thấp hơn người học sau ĐH khiến cho hiện nay người ta còn nháo nhào đi học sau ĐH, mới sinh ra cảnh thạc sĩ còn không có việc làm. Trong cơn lốc học hành ấy, ai sẽ đi học nghề để chấp nhận lương thấp?
Hai là, quan niệm chung của xã hội về mục tiêu học tập còn chung chung: học để xây dựng đất nước, để tiến thân, học đi đôi với hành … khiến cả người học lẫn người dạy cũng chưa thấm. Để dạy cho nhàn thân thì người dạy đọc-chép; để có thành tích cao thì trước mùa thi, Giám đốc Sở GD&ĐT được nhắc nhở về tỷ lệ tốt nghiệp…
Để giải bài toán hiếu học lệch lạc này phải tìm cách khắc phục từ việc lớn như chính sách tuyển dụng, bổ nhiệm của nhà nước đến việc phân luồng của Bộ GD&ĐT; tâm lý của người dân và của xã hội sẽ thay đổi theo chính sách. Kinh tế phát triển, thị trường lao động đủ lớn để thu hút người lao động thì người ta sẽ đi học kiểu khác!
Theo Hồ Thu/Tiền Phong
PGS Văn Như Cương: 'Háo danh chứ không phải hiếu học'
Nhà giáo lão thành Văn Như Cương, Chủ tịch Hội đồng quản trị trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội nói như vậy khi đề cập sự hiếu học trong xã hội ngày nay.
Ông Văn Như Cương nói: Thích học, hiếu học là truyền thống lâu đời của dân ta và là một truyền thống tốt đẹp. Bên cạnh đó là truyền thống tôn sư trọng đạo.
Thời phong kiến, phụ huynh cho con đi học chủ yếu mong muốn con biết chữ để biết nghĩa, biết cách sống, biết đối nhân xử thế, tuy cũng có một bộ phận nhỏ học để làm quan.
Thí sinh đăng ký xét tuyển đại học hệ chính quy năm 2015 ngày cuối cùng tại ĐH Công Đoàn-Hà Nội.
Hết thời phong kiến, dân tộc ta chuyển sang chủ nghĩa lý lịch, lúc đó bằng cấp cao không được ưu tiên. Nhưng gần đây khi chuyển sang cơ chế thị trường, hiếu học nhuốm một màu sắc khác, hiếu học mang chủ nghĩa bằng cấp. Đây chính là nguyên nhân đẩy tính hiếu học sang hướng khác.
- Hiếu học nhuốm màu sắc khác! Ông có thể nói rõ hơn về điều này?
- Không những thế, học ngành không thích nhưng vẫn mong vào ĐH còn mục tiêu học để làm gì không cần quan tâm. Nên mới có chuyện vào ĐH chọn ngành chọn nghề rất lạ.
Quy định của Bộ GD&ĐT năm nay cho phép thí sinh chọn một trường có 4 nguyện vọng vào khoa này khoa kia, chứng tỏ ngay trong quan niệm của Bộ cũng chỉ cần vào được ĐH.
Tại sao không phải là chọn ngành, chọn một nghề yêu thích? Mục tiêu cuối cùng chỉ là vào ĐH để có bằng. Đó là một cách tư duy rất lạc hậu. Trong khi đó, ai cũng biết ĐH không phải là con đường duy nhất để lập nghiệp.
- Điều đó có thể hiểu là gì, thưa ông?
- Là mục đích của hiếu học để có danh hão. Quan niệm này tôi không biết có từ khi nào. Giới thiệu đại biểu mà quên không kèm giáo sư, tiến sĩ là rất phiền. Cardvisit cũng phải đủ chức danh. Đây là háo danh chứ không phải hiếu học. Đi học vì cái danh đó. Đi học ĐH, thậm chí cao hơn là để oai, không phải để cải thiện đời sống, nâng cao kiến thức.
Mục đích học không ổn. Đó là quan niệm của dân nhưng cấu trúc hệ thống giáo dục cũng làm người dân củng cố được chuyện đó! ĐH mọc ra như nấm, đôi lúc biết trường ĐH đó chất lượng không tốt nhưng cứ tặc lưỡi mà học. Đến khi ra trường, vấp phải sự phản đối của đơn vị sử dụng lao động thì xã hội lại lên án. Chính vì vậy, con số thất nghiệp ngày càng tăng.
Nhà giáo Văn Như Cương. Ảnh: Tiền Phong.
- Ông có tin vào con số thất nghiệp được công bố hiện nay không, thưa ông?
- Tôi không trực tiếp thống kê nhưng tôi nghĩ con số đó là thực.
- Xã hội phải gánh hậu quả gì với bệnh háo danh này, thưa ông?
- Hậu quả rõ nhất là năng suất thấp, không làm được việc. Tôi không ngạc nhiên là lương của Singapore cao hơn chục lần vì năng suất lao động của người Việt thấp hơn họ 15 lần. Chưa nói đến trình độ, thái độ làm việc của lao động Việt Nam cũng chưa ổn. Nói sáng vác ô đi tối vác về là rất đúng. Những người ngồi ở bộ phận hành chính sự nghiệp một ngày làm được mấy công việc?
- Tư tưởng đó xuất phát từ đâu, thưa ông?
- Do cách bổ nhiệm, sử dụng cán bộ. Một thời gian dài chúng ta tuyển dụng của cán bộ không có phỏng vấn. Chỉ xét hồ sơ đưa lên.
- Sự hiếu học lạc hậu như ông nói có biểu hiện ở bậc phổ thông không?
- Nó được thể hiện trong ý thức của mỗi phụ huynh. Họ muốn con em mình học hết tiểu học sẽ lên THCS, học hết THCS phải lên THPT, học hết THPT phải vào ĐH. Như vậy, tư tưởng toàn xã hội là đi một đường thẳng từ lớp 1 đến ĐH cho có bằng cử nhân. Nếu có bằng cử nhân mà chưa có việc thì học thạc sĩ cho oai!
- Tư tưởng này làm công tác phân luồng rất khó?
- Đúng là rất khó. Bộ GD&ĐT đưa ra phần luồng nếu không cẩn thận vẫn không thực hiện được. Thay đổi quan điểm hiểu học một cách tiến bộ của dân quả thực không dễ.
- Ông hiến kế như thế nào để giải quyết được thực trạng này?
- Một là phải tổ chức hệ thống trường dạy nghề quy củ, bài bản, hiệu quả. Phải có chính sách đãi ngộ để cho người học từng bước thay đổi quan niệm việc học.
Ngoài ra, để thay đổi tư duy này, đôi lúc cũng phải áp đặt và ở cấp THPT phải có sự phân nhánh và có sự phân loại học sinh. Hệ thống các trường cũng phải linh hoạt hơn.
- Có cần cấu trúc lại hệ thống giáo dục phổ thông, thưa ông?
- Tôi nghĩ cần phải cấu trúc lại. Đổi mới chương trình SGK hiện nay mới chỉ tập trung phân hóa học sinh, không phải phân luồng, nó chỉ là một nhánh của phân luồng.
Do đó, tôi đề nghị lên THPT phải phân nhánh và lên ĐH phải làm quyết liệt hơn, chỉ một số trường đào tạo nghiên cứu còn lại phải là đào tạo ứng dụng, đào tạo nghề nghiệp. Hiếu học là tốt, phát huy tinh thần này nhưng mục tiêu lạc hậu thì cần phải thay đổi.
Tôi rất muốn những người được đào tạo sống tốt với nghề của mình. Chúng ta phải có những người thợ tốt thì mới hội nhập được. Hiện nay, thợ đào tạo cũng không ra thợ. Đó là bất lợi của Việt Nam khi hội nhập với ASEAN.
Với cách đào tạo thầy không ra thầy, thợ không ra thợ, chỉ một thời gian nữa, lao động của Việt Nam chỉ làm những công việc đơn giản, còn lại thợ bậc cao cũng phải thuê.
"Là mục đích của hiếu học để có danh hão, quan niệm này tôi không biết có từ khi nào. Giới thiệu đại biểu mà quên không kèm giáo sư, tiến sĩ là rất phiền. Card visit cũng phải đủ chức danh. Đây là háo danh chứ không phải hiếu học. Đi học vì cái danh đó. Đi học ĐH, thậm chí cao hơn là để oai, không phải để cải thiện đời sống, nâng cao kiến thức. Mục đích học không ổn. Đó là quan niệm của dân nhưng cấu trúc hệ thống giáo dục cũng làm người dân củng cố được chuyện đó!".
PGS Văn Như Cương
Theo Hoa Ban/Tiền Phong
Kiến nghị có giờ đọc sách trong nhà trường Trung bình mỗi người Việt Nam đọc 0,8 cuốn sách/năm. Đây là con số từ một khảo sát được nêu trong một hội thảo do Bộ GD-ĐT tổ chức. Thực trạng giới trẻ nói chung và học sinh trong các nhà trường phổ thông "nói không" với sách, ngoài sách giáo khoa, đã được lãnh đạo Bộ GD-ĐT thừa nhận và xem là...