Nên bỏ thi THPT quốc gia?
Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 phức tạp như hiện nay, nhiều ý kiến của giáo viên, lãnh đạo trường, chuyên gia giáo dục cho rằng không nên tổ chức thi THPT quốc gia năm nay với nhiều lý do khác nhau.
Học sinh TP.HCM tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2019 – Ảnh: NHƯ HÙNG
Trong đó, lý do lớn nhất được đặt ra là dịch bệnh phức tạp chưa biết khi nào học sinh trở lại trường; chi phí tổ chức cho kỳ thi tốn kém hàng ngàn tỉ đồng; học trực tuyến chỉ là giải pháp tình thế và chất lượng không đồng đều giữa các thí sinh ở các vùng miền…
Đánh giá học sinh cũng là quá trình ba năm học chứ không chỉ ở một vài bài thi THPT quốc gia, nên việc cả nước phải chi hàng ngàn tỉ đồng cho một kỳ thi quốc gia để mục tiêu chính là xét tốt nghiệp theo tôi là không cần thiết.
TS TÔ VĂN PHƯƠNG (trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Nha Trang)
Hàng ngàn tỉ đồng cho kỳ thi
Theo Bộ GD-ĐT, việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 được tính toán mức phí trên 35 tỉ đồng, bao gồm từ việc tập huấn nghiệp vụ thi, ra đề, chi phí địa điểm làm việc, ăn ở, thuê hạ tầng, vận hành, nâng cấp phần mềm quản lý thi, vận chuyển đề, chấm thi, kiểm tra thi.
Riêng số tiền được tính toán mua, thuê máy móc vật tư phục vụ ra đề thi là trên 19 tỉ đồng. Công tác kiểm tra thi với 40 đoàn, mỗi đoàn 5 người/3 ngày thì mức chi phí phải bỏ ra là trên 1,53 tỉ đồng.
Ông Trần Tú Khánh, vụ trưởng Vụ Kế hoạch – tài chính Bộ GD-ĐT, xác nhận riêng tại Bộ GD-ĐT kinh phí tổ chức kỳ thi THPT quốc gia mỗi năm khác nhau, có năm vài ba chục tỉ đồng, có năm 40-50 tỉ đồng nhưng cũng có năm hơn mức này.
Đó là tiền từ Bộ GD-ĐT, còn việc tổ chức thi tại các tỉnh, thành do các tỉnh chi trả. Ngoài ra, theo TS Lê Trường Tùng (ĐH FPT), nếu tính tổng chi phí xã hội thì giả sử mỗi thí sinh 1 triệu đồng, khi đó 1 triệu thí sinh là 1.000 tỉ đồng.
Không cần thiết thi
Thí sinh dự thi THPT quốc gia 2019 tại Hà Nội – Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Video đang HOT
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, tỉ lệ tốt nghiệp hằng năm rất cao, ngay cả năm 2019 khi thay đổi cách thức xét, tỉ lệ này cũng chỉ giảm nhẹ từ trên 97% xuống còn trên 94%. Như vậy, dù không có kỳ thi này, hầu hết học sinh vẫn tốt nghiệp.
TS Tô Văn Phương – trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Nha Trang – nhận định: “Như vậy, xét tổng thể, đa phần học sinh THPT có năng lực đủ để tốt nghiệp. Việc đánh giá học sinh cũng là quá trình ba năm học chứ không chỉ ở một vài bài thi THPT quốc gia, nên việc cả nước phải chi hàng ngàn tỉ đồng cho một kỳ thi quốc gia để mục tiêu chính là xét tốt nghiệp theo tôi là không cần thiết”.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng – hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM – còn cho rằng trong tình hình dịch COVID-19 phức tạp hiện nay, nếu bỏ được kỳ thi THPT quốc gia là điều tốt vì sẽ giảm rủi ro, đỡ tốn kém cho xã hội.
Trong khi theo TS Trần Đình Lý – phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, Luật giáo dục hiện hành quy định học sinh muốn được cấp bằng tốt nghiệp THPT phải thông qua kỳ thi nhưng không nói rõ kỳ thi mang tầm quốc gia. “Do vậy kỳ thi này có thể do trường phổ thông hoặc sở GD-ĐT tổ chức cũng được” – ông Lý nhấn mạnh.
PGS.TS NGUYỄN KIM HỒNG (nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM): Phải sửa Luật giáo dục
Luật giáo dục được Quốc hội thông qua ngày 14-6-2019, sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2020. Tuy nhiên, với thực tế hiện nay cho thấy Luật giáo dục không quy định trường hợp dịch bệnh kéo dài nên chỉ có cách là sửa luật và đây là quyền và trách nhiệm của Quốc hội.
Với thực tế tình hình dịch COVID-19 hiện nay, Bộ GD-ĐT cần phải tính đến cả phương án xấu nhất là chưa thể đi học được cho đến tận tháng 7, việc thi cử sẽ ra sao? Do vậy, Bộ GD-ĐT cần phải xem xét việc kiến nghị Quốc hội sửa đổi Luật giáo dục để có thể bỏ kỳ thi THPT quốc gia ngay trong năm nay.
TS NGUYỄN HOÀNG CHƯƠNG (Lâm Đồng): Giao cho các trường xét tốt nghiệp
Thí sinh dự thi THPT quốc gia 2019 tại TP.HCM – Ảnh: DUYÊN PHAN
Không tổ chức thi, làm sao xét công nhận tốt nghiệp THPT quốc gia năm nay? Có thể áp dụng các phương thức như: giao cho các trường lấy kết quả học kỳ 1 và một bài kiểm tra tập trung (khi học sinh trở lại trường) kết hợp với thái độ học tập, rèn luyện trong năm học, trong đó có giai đoạn học sinh nghỉ học tạm thời. Các trường theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, sở GD-ĐT xét công nhận tốt nghiệp THPT dựa vào kết quả học tập và rèn luyện trong năm học 2019-2020.
Giao xét tốt nghiệp THPT về cho trường nhưng cần tăng cường kiểm tra, giám sát với các tiêu chuẩn, tiêu chí, chỉ số cụ thể, quy trách nhiệm cho người đứng đầu; đồng thời kiểm tra chéo việc thực hiện giữa các đơn vị; thẩm tra, phúc tra lại việc xét công nhận tốt nghiệp, quá trình thực hiện cho nghiêm túc.
Giáo viên TRẦM THANH TUẤN (Trường THPT Long Hiệp, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh): Thời gian học không đồng đều
Có thực tế là thời gian học của học sinh lớp 12 không đồng đều ở các tỉnh thành. Bởi trong thời gian dịch bệnh COVID-19 diễn ra không phải địa phương nào cũng cho học sinh lớp 12 nghỉ học hẳn từ sau Tết Nguyên đán. Do đó, sẽ không có sự công bằng khi học sinh phải thi chung một đề thi mà thời gian học tập lại không đồng đều.
Thứ hai, dẫu đã có sự tinh giản chương trình nhưng khối 12, kiến thức thuộc về học kỳ 2 vẫn còn khá nhiều. Học sinh 12 của những năm học trước, để đáp ứng kỳ thi quốc gia, các em thường phải “chạy nước rút” cho hết chương trình để tiến hành ôn tập. Thế nhưng trước tình hình dịch bệnh diễn ra phức tạp như thế này, các trường học có dám “tăng tiết” giúp học sinh ôn tập như mọi năm hay không?
Một học sinh lớp 12: Lịch học lùi liên tục, chưa có sự chuẩn bị tốt
Nếu giữ kỳ thi THPT, tôi cảm thấy rất hoang mang vì từ đầu năm đến giờ lịch học liên tục lùi, dạy học trực tuyến còn mới nên nhiều bạn không kịp thích ứng, thêm nữa là tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Nếu giờ đột ngột phải đi thi, một kỳ thi mang tính bước ngoặt, thì cả tâm lý lẫn sự chuẩn bị đều không tốt. Tôi không muốn ba năm cấp III miệt mài của mình được gói gọn chỉ trong một kỳ thi mà rõ ràng học sinh chưa có sự chuẩn bị tốt.
Một học sinh tên Linh: Hi vọng kỳ thi diễn ra bình thường
Theo em, nên giữ nguyên kỳ thi THPT quốc gia như hiện nay vì đề thi minh họa kiến thức học kỳ 2 các câu đều rất cơ bản, đa số là kiến thức học kỳ 1. Còn về phần chi phí thi, nếu hủy kỳ thi quốc gia thì các trường ĐH cũng sẽ tổ chức thi riêng để xét tuyển.
Như vậy đối với những bạn ở vùng sâu vùng xa như em, việc tập trung về thành phố thi vào các trường ĐH cũng rất tốn kém. Còn nếu xét học bạ, em lại thấy không công bằng giữa các trường THPT (đặc biệt là các trường chuyên), mức độ kiểm tra khó dễ khác nhau. Em hi vọng sẽ hết dịch sớm và cũng mong kỳ thi diễn ra như bình thường.
TRẦN HUỲNH
Tinh giản chương trình vẫn đảm bảo yêu cầu về kiến thức?
Đối với lớp 6, 7, 8 kiến thức tinh giản khá hợp lý, tuy nhiên ở lớp 9, có những phần kiến thức quan trọng để HS thi vào lớp 10 thì lại tinh giản.
Ngày 3/4 vừa qua, Bộ GD-ĐT đã công bố đề thi tham khảo các môn thi THPT Quốc gia năm 2020 trên cơ sở đã tinh giản nội dung chương trình (CT) học kỳ II năm học này, do HS nghỉ học dài ngày phòng tránh dịch Covid-19. Nhiều giáo viên nhận định đề tham khảo kỳ thi THPT Quốc gia thể hiện tinh thần tinh giản CT, có phần dễ hơn so với đề thi các năm trước song vẫn đảm bảo tính phân loại học sinh.
Đề thi tham khảo THPT Quốc gia vừa công bố cũng đã giảm độ khó.
Bộ GD-ĐT vừa công bố chi tiết giảm tải chương trình các cấp để góp phần giảm áp lực học tập cho học sinh khi thời gian nghỉ học kéo dài hơn 2 tháng. Tuy nhiên, các trường sẽ thực hiện chương trình tinh giản ra sao?
Kiến thức tinh giản đã hợp lý?
Nội dung giảm tải tập trung chủ yếu ở các lớp cuối cấp của mỗi bậc học, đặc biệt là ở bậc trung học. Thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng trường THCS-THPT Lê Quý Đôn (Hà Nội) cho biết: Khi nhận được hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học học kỳ II năm học 2019 - 2020 của Bộ, nhà trường đã tổ chức họp với các tổ bộ môn để bàn bạc, rà soát lại nội dung kiến thức để thực hiện theo đúng nội dung cắt giảm chương trình (CT) của Bộ.
Cụ thể, nội dung giảm tải tập trung vào những phần bài tập có độ khó cao, số lượng bài học trong chương trình giữ nguyên nên vẫn đảm bảo yêu cầu kiến thức của cả năm học. Để đáp ứng yêu cầu, nhà trường tích hợp nội dung kiến thức gần nhau thành một chủ đề, qua đó giúp học sinh (HS) vẫn đảm bảo yêu cầu về lượng kiến thức. CT của chúng ta là đồng tâm xoắn ốc từ dưới lên trên, nên kiến thức ở lớp dưới có thể học ở mức độ nhất định và lên lớp trên vẫn kiến thức đó sẽ được mở rộng, nâng cao.
Cô Vĩnh Hà, tổ Văn, Trường THCS-THPT Lê Quý Đôn (Hà Nội) cho biết: Dựa trên khung chương trình của nhà trường đã xây dựng từ đầu năm và căn cứ vào hướng dẫn giảm tải mới..., tổ bộ môn đã xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp nhất với tình hình thực tế cho HS. Việc giảm tải giúp giáo viên đảm bảo yêu cầu kiến thức của học kỳ II trong điều kiện thời gian eo hẹp. Về cơ bản nội dung giảm tải môn Văn là hợp lý, tuy nhiên còn một vài đơn vị kiến thức cần cân nhắc lại. Ví dụ, bài ẩn dụ lớp 6, khuyến khích HS tự đọc nhưng trên thực tế ẩn dụ sẽ gặp rất nhiều trong các văn bản và các đề kiểm tra, đề thi. Nếu HS không có kiến thức chắc chắn về các kiểu ẩn dụ thì sẽ không thể nhận diện được, vì thế cũng không phân tích được hiệu quả nghệ thuật của biện pháp tu từ này trong đọc - hiểu văn bản và trong đề thi.
Cô Vũ Thị Hòa, Tổ trưởng tổ Tự nhiên, Trường THCS-THPT Lê Quý Đôn cũng băn khoăn cho rằng: Đối với lớp 6, 7, 8 kiến thức tinh giản khá hợp lý, tuy nhiên ở lớp 9, có những phần kiến thức quan trọng để HS thi vào 10 thì lại tinh giản. Như phần công thức nghiệm của phương trình bậc hai, công thức nghiệm thu gọn với luyện tập bị dồn từ 3 tiết thành 1 tiết rất khó dạy. Phần hệ thức Vi-ét phải dạy 10 tiết mới ổn, nhưng lại dồn lại thành 2, 3 tiết thì HS rất khó mở rộng... Đây là những phần kiến thức thực sự quan trọng để thi vào lớp 10. Trong đề thi nếu không tinh giản mà tinh giản trong quá trình dạy thì HS sẽ gặp khó khăn. Trong khi đó, chương về hình không gian thì cần tinh giản vì không có tính kế thừa và trong đề thi cũng không ra phần đó. Đó là một số điểm tinh giản chưa hợp lý. Tuy nhiên theo cô Hòa, các thầy cô vẫn bám theo hướng dẫn của Bộ nhưng dạy theo từng chủ đề để đảm bảo dạy đủ lượng kiến thức yêu cầu.
Ở bậc THPT, với môn Toán học, thầy Ngô Phạm Hưng Thịnh, Tổ trưởng Tổ Toán, Trường THPT Nguyễn Du (TP.HCM), đánh giá nội dung giảm tải tập trung vào những phần bài tập có độ khó cao, số lượng bài học trong chương trình giữ nguyên nên vẫn đảm bảo yêu cầu kiến thức của cả năm học. Với 2 môn Ngữ văn và Tiếng Anh, nhiều giáo viên cũng nhận xét các nội dung tinh giản phù hợp, không ảnh hưởng đến sự liên hệ và tính logic trong chương trình giữa các bậc học.
CT tinh giản của Bộ không cắt giảm kiến thức kiểu cơ học mà cắt giảm theo nguyên tắc yêu cầu tối thiểu cần đạt với mỗi môn học/lớp học, cho phép giáo viên liên kết một số bài học có nội dung liên quan để tổ chức dạy học tích hợp; nhiều bài học trong CT chính khóa được chuyển thành hình thức tự học ở nhà hoặc tự nghiên cứu có sự hướng dẫn của giáo viên.
Giáo viên cần chủ động và linh hoạt
Theo thầy Nguyễn Quốc Bình, để đảm bảo tính logic tổng thể trong CT giữa các bậc học, tính kết nối kiến thức từ tiểu học tới THPT đòi hỏi phải có thời gian và có quá trình thẩm định. Tuy nhiên các chuyên gia, nhà giáo thực hiện việc tinh giản CT chỉ trong một thời gian ngắn, khá gấp gáp nên chúng ta phải chấp nhận có những cái chưa hoàn thiện, chưa khoa học, chưa hợp lý, chưa đảm bảo tính kết nối, hoặc có những cái chúng ta cần giảm lại chưa giảm, có những phần không cần giảm thì lại giảm... "Trong thời gian này, giáo viên không chỉ truyền thụ kiến thức mà còn phải trang bị cho HS năng lực tư duy, kỹ năng. Từ kiến thức đó phát triển năng lực cho HS mới là quan trọng và phát triển năng lực tự học, tự nghiên cứu, tự tìm kiếm kiến thức cũng rất quan trọng..." - thầy Bình nhấn mạnh.
Nhiều giáo viên cũng cho rằng, tinh giản nội dung CT học chỉ là điều kiện cần, quan trọng hơn hết là sự chủ động trong phương pháp tổ chức và truyền đạt kiến thức của giáo viên. Bởi sau hơn 2 tháng nghỉ học ở nhà, khả năng bắt nhịp lại chương trình học của mỗi HS khác nhau. Do đó, CT học cần đảm bảo tính liên tục và cơ hội học tập ngang bằng cho tất cả học sinh.
Bên cạnh đó, đại diện các trường đều cho biết, đề thi minh họa các môn thi của kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia mới được Bộ GD-ĐT công bố là vừa sức, phần nào giúp các trường có thêm cơ sở để tổ chức kế hoạch giảng dạy ở học kỳ II. Trong đó, đề thi tập trung CT học của học kỳ I, lớp 12 nhằm giảm tải áp lực thi cử cho học sinh và giáo viên, song vẫn đảm bảo yêu cầu kiến thức chung trong bối cảnh dịch bệnh.
Việc tinh giản CT cũng thể hiện khá rõ ở đề thi tham khảo kỳ thi THPT Quốc gia vừa công bố cũng đã giảm độ khó. Phần kiến thức của học kỳ II lớp 12 chủ yếu đáp ứng ở mức độ nhận biết, thông hiểu, hoặc vận dụng, còn mức độ vận dụng cao rất ít, thậm chí không có ở một số bộ môn. Theo nhiều giáo viên THPT nhận xét, đề thi tham khảo có cấu trúc tương tự năm trước, không thay đổi gì lớn, tuy nhiên yêu cầu về kiến thức theo các cấp độ có giảm đi. Như vậy, sẽ đảm bảo được tính công bằng cho HS ở các vùng miền khác nhau, có điều kiện học tập khác nhau. Đề thi chỉ tập trung chủ yếu vào kiến thức cơ bản, thậm chí HS tự học cũng có thể làm được bài, tự học dưới sự hướng dẫn của thầy cô./.
"Song song với việc tinh giản CT cần phải có hướng dẫn đề thi vào lớp 10, bởi nhiều thầy trò vẫn còn băn khoăn tinh giản nhưng đề thi vào lớp 10 sẽ thế nào?. Với tình hình dịch bệnh như thế này, chưa biết khi nào HS có thể trở lại trường thì Sở GD-ĐT phải có định hướng đề cương để giáo viên bám vào đó dạy..." - Cô Vũ Thị Hòa, Trường THCS-THPT Lê Quý Đôn.
Thu Hằng
Nhiều lý do không nên tổ chức thi THPT quốc gia Bạn đọc là giáo viên, lãnh đạo nhà trường đã gởi đến Tuổi Trẻ Online phân tích nhiều lý do không nên tổ chức thi THPT quốc gia năm nay. Thí sinh TP.HCM dự thi THPT quốc gia 2019. Ảnh: NGỌC PHƯỢNG TS NGUYỄN HOÀNG CHƯƠNG (LÂM ĐỒNG): Tôi kiến nghị Bộ GD-ĐT không tổ chức thi THPT quốc gia 2020 vì những...