“Né” nghiên cứu khoa học
Nhiều trường có hàng trăm giảng viên trình độ sau ĐH nhưng số công trình nghiên cứu khoa học (NCKH) chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vì nhiều lý do khác nhau, giảng viên đang “né” NCKH trong khi đây là nhiệm vụ bắt buộc.
Theo quy định, giảng viên mỗi năm phải đảm bảo 900 giờ giảng dạy, 500 giờ NCKH. NCKH là một tiêu chí đánh giá lao động giảng viên. Thế nhưng, nhiều trường ĐH, CĐ với quy mô hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn SV suốt một năm không có đề tài NCKH nào.
Giảng viên và công trình nghiên cứu khoa học chế tạo thiết bị Test chip và IC của mình. Đây là một trong số khá ít sản phẩm từ nghiên cứu khoa học của giảng viên Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn. (Ảnh: Như Hùng)
“Trả nợ” bằng giờ dạy
Theo thống kê, Trường ĐH Hồng Bàng có 32 PGS, GS, 31 tiến sĩ và 62 thạc sĩ nhưng trong năm học vừa qua, trường này chỉ có sáu công trình NCKH cấp cơ sở (cấp trường), không có công trình cấp thành phố hay nhà nước. Tương tự, Trường ĐH Văn Lang có 9 GS, PGS, 30 tiến sĩ và 151 thạc sĩ nhưng chỉ có một công trình NCKH cấp thành phố. Khá hơn một ít, Trường ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM có hai đề tài cấp bộ, ba đề tài cấp thành phố và 30 đề tài cấp cơ sở. Lực lượng giảng viên của trường này khá hùng hậu khi có 21 GS, PGS, 75 tiến sĩ và 178 thạc sĩ. Trường ĐH Tài chính marketing cũng chỉ có một đề tài cấp thành phố và 14 đề tài cấp cơ sở, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM có ba công trình cấp bộ và 64 công trình cấp cơ sở, ĐH Công nghệ Sài Gòn có bốn công trình cấp cơ sở và một công trình cấp thành phố…
TS Phạm Thị Ly (ĐH Quốc gia TP.HCM) cho biết do tỉ lệ sinh viên/giảng viên quá cao nên nhiều giảng viên phải chạy sô giảng dạy (có giảng viên dạy 2.000 giờ/năm), không còn thời gian nghiên cứu. Điều bất hợp lý tại VN đó là khoảng 2/3 người có học hàm học vị cao lại chủ yếu làm công tác quản lý chứ không tham gia trực tiếp việc giảng dạy, nghiên cứu. Hơn nữa, kinh phí NCKH được cấp không theo những tiêu chí rõ ràng minh bạch, năng lực nghiên cứu của giảng viên và nghiên cứu viên còn hạn chế, lương bổng thấp… cũng khiến giảng viên không mặn mà nghiên cứu.
GS.TS Đỗ Văn Dũng, phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, dẫn ra những khó khăn vướng mắc đối với công tác NCKH ở các trường ĐH hiện nay: “Thực tế nhiều trường không đảm bảo đủ cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm cho giảng viên làm nghiên cứu. Một bộ phận giảng viên chưa đủ kiến thức cũng như thiếu ngoại ngữ để nghiên cứu. Giảng viên bây giờ cũng rất bận rộn giảng dạy, ngày càng xa rời thực tế các xí nghiệp, công ty, không biết xí nghiệp đang cần gì”.
Video đang HOT
Một giảng viên Trường ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM cho biết trường có quy định giờ dạy và giờ NCKH đối với giảng viên, nhưng giảng viên không nghiên cứu mà “trả nợ” bằng giờ dạy. Theo giảng viên này, kinh phí cấp cho việc nghiên cứu rất ít ỏi, thù lao ít trong khi thời gian nghiên cứu một đề tài lại khá dài và tốn nhiều công sức. Do đó giảng viên chấp nhận bị hạ một bậc thi đua ở trường nhưng có thời gian dạy thêm, thu nhập sẽ cao hơn NCKH. Bản thân ông đăng ký viết giáo trình từ đầu năm đến nay vẫn chưa được trường duyệt.
Trong khi đó, một giảng viên kinh tế đang “chạy sô” ở hai trường CĐ tư thục không mấy áy náy khi cho biết anh chỉ đến dạy, hưởng lương theo giờ dạy, chưa bao giờ được yêu cầu hay bắt buộc phải có tham gia nghiên cứu. Ở trường tư, đội ngũ giảng dạy cơ hữu còn chưa đủ nói gì đến công trình NCKH!
NCKH kiểu… đối phó
Việc áp dụng chế độ làm việc của giảng viên theo quy định của Bộ GD-ĐT, theo nhiều trường là bất khả thi, gắng gượng thì lại làm theo kiểu đối phó. GS.TS Đỗ Văn Dũng nói: “Ai cũng biết NCKH phải song hành với giảng dạy nhưng các quy định hiện nay chúng ta đang tự làm khó mình. Do bắt buộc phải có NCKH mới được tính thi đua, không nghiên cứu bị trừ tiền… dẫn đến việc NCKH nhiều nơi làm không thực chất. Muốn làm tốt và thực chất những việc này phải dài hơi chứ không phải làm theo quy định là phong trào vọt lên liền”.
Hiệu trưởng một trường ĐH ngoài công lập tại TP.HCM nhìn nhận: đúng là số lượng công trình NCKH của trường còn quá ít so với đội ngũ hiện có. Tuy vậy ông này cho rằng đặc thù trường ĐH ngoài công lập khác với trường công lập, đội ngũ đang trong quá trình xây dựng và chủ yếu đáp ứng nhu cầu giảng dạy. Trường chủ trương chỉ cấp kinh phí cho các công trình nghiên cứu có tính ứng dụng cao vì kinh phí hạn hẹp. Và trong bối cảnh như vậy, ông này thẳng thắn: đành rằng có quy định thời gian nghiên cứu, giảng dạy đối với giảng viên nhưng những người có học hàm học vị, có kinh nghiệm giảng dạy thì tội gì trường không quy đổi giờ nghiên cứu thành giờ giảng dạy.
Lý giải về số lượng công trình NCKH của trường quá ít, ông Trịnh Hữu Chung – trợ lý hiệu trưởng Trường ĐH Hồng Bàng – cho rằng trường chỉ tập trung cho hoạt động NCKH của sinh viên, kinh phí nghiên cứu cũng tập trung cho đối tượng này. Đối với giảng viên, trường khuyến khích thầy cô nghiên cứu. Tuy nhiên việc nghiên cứu của giảng viên cũng gặp nhiều khó khăn do tập trung chuyên môn quản lý, giảng dạy quá nhiều, một số thầy cô khá lớn tuổi nên cũng khó khăn trong việc NCKH.
Theo Minh Giảng – Phúc Điền
Tuổi Trẻ
Kỳ cuối: Mạnh ai nấy làm
Sự phát triển ồ ạt đã làm lộ ra nhiều cái yếu và thiếu của công tác quy hoạch và quản lý các trường tư.
Hệ thống trường tư thục hiện đang thể hiện sự phân tầng khá rõ về quy mô đào tạo, điều kiện cơ sở vật chất và uy tín đối với xã hội.
Học sinh lớp 10A1 Trường THPT tư thục Việt Thanh (Q.Tân Bình, TP.HCM) trong giờ thực hành môn lý - Ảnh: Như Hùng
Phân tốp
Ở bậc phổ thông, chỉ riêng tại TP.HCM, tính theo số học sinh, hiện nay các trường như Nguyễn Khuyến, Thanh Bình, Trương Vĩnh Ký, Trí Đức, Hồng Đức, Ngô Thời Nhiệm... luôn ổn định trong tốp những trường tư có số lượng học sinh đông nhất, từ 1.000-6.000 học sinh. Trong đó có nhiều trường rất kén chọn người học. Điểm chung của các trường này đều là những trường có thâm niên, uy tín, ổn định nền nếp, không phải vất vả tìm kiếm học sinh. Nhóm trường này luôn tự tin với nguồn tuyển từ chính "tên tuổi" của trường, học sinh cũ ra trường giới thiệu học sinh mới đến.
Một số trường quy mô nhỏ hơn (500-1.000 học sinh) nhưng hoạt động khá ổn định với số lượng học sinh không biến động nhiều nhờ có sự đầu tư tốt. Trong số những trường mới thành lập trong 3-5 năm trở lại đây, rất nhiều trường có số học sinh khoảng 100-200. Cá biệt có trường chỉ có 33 học sinh. Đầu năm học mới này, hàng chục trường cho biết chỉ tuyển sinh lèo tèo và tổng số học sinh giảm nhiều so với năm trước.
Xét về số lượng, hệ thống trường tư bậc THPT nhiều xấp xỉ số trường công trên địa bàn TP.HCM. Nhưng hệ thống trường này còn thiếu quá nhiều điều để có thể phát triển bền vững. Ông Phạm Thanh Tâm, hiệu trưởng Trường THPT tư thục Hồng Đức, tâm tư: "Để phát triển một trường tư khó hơn trường công. Trong đó việc tổ chức nội trú, kinh nghiệm quản lý là điều rất cần thiết nhưng các trường tư mạnh ai nấy làm, không ai chia sẻ với ai...".
Đó là chưa kể ở nhiều trường tư còn thiếu cả quan điểm giáo dục đúng nghĩa. Một cán bộ quản lý một trường tư ở TP.HCM nói: "Có một thời kỳ phụ huynh ào ạt đưa con về thành phố với mơ ước được học trường thị thành, con mình sẽ đậu ĐH. Nhiều nhà đầu tư ảo tưởng cứ có tiền có đất sẽ có học sinh và có lợi nhuận. Không phải nhà đầu tư nào cũng nhắm đến mục đích giáo dục con người, bao giờ họ cũng hướng đến lợi nhuận".
Gánh nặng xã hội
Dĩ nhiên, trường "ba không" sẽ không thể mãi tồn tại. TS Nguyễn Kim Dung - phó viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM - cho rằng những trường tư, không có được hướng giải quyết khó khăn dẫn đến ngưng hoạt động là điều hết sức bình thường. Vì thực tế đã cho thấy những lứa sinh viên của một trường không đáp ứng được công việc sau khi tốt nghiệp thì chuyện người học quay lưng với trường đó là điều tất yếu. Điều này cho thấy "người tiêu dùng" - người học đã có sự lựa chọn thông minh hơn khi chọn trường để gửi gắm tương lai, phát triển bản thân. "Đây thật sự là tín hiệu đáng mừng. Nếu các trường kém chất lượng mà vẫn cứ được người học lựa chọn, vẫn sống tốt mới đáng lo ngại hơn" - TS Dung khẳng định.
Đồng tình với quan điểm này, PGS.TS Đỗ Văn Dũng - phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM - đánh giá không ít trường tư ngay từ buổi đầu tuyển sinh cả ngàn chỉ tiêu nhưng không đủ trường lớp phải thuê mướn phòng học, giảng viên ở các trường công tổ chức giảng dạy cho sinh viên. Thậm chí có một số trường tư ở TP.HCM để "giảm thiểu chi phí, tối đa lợi nhuận" đã tự liên hệ với giảng viên ở trường công mướn phòng thực hành nhưng không ký hợp đồng với nhà trường tổ chức dạy chui vào buổi tối hoặc những cuối tuần.
"Với hiện trạng ở các trường tư như vậy thì làm sao đào tạo có chất lượng được. Rõ ràng người học đã bị lừa nhưng chắc chắn họ chỉ lừa được một lần. Trong thời buổi kinh tế thị trường hiện nay, sinh viên cũng giống như sản phẩm hàng hóa của các công ty, nếu hàng kém chất lượng sẽ không có người mua, trường không có người học phải đóng cửa" - ông Dũng nói.
PGS.TS Trần Cảnh Vinh, nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, đúc kết việc các trường tư đang ngắc ngoải là quy luật của thị trường và chứng minh một thực tế không thể làm giáo dục theo kiểu "ăn xổi ở thì". "Đã qua rồi thời những người toan tính kinh doanh giáo dục chỉ lo kiếm lợi nhuận mà không quan tâm đến chất lượng vẫn dễ dàng sống khỏe. Môi trường cạnh tranh trong giáo dục bây giờ và thời gian tới sẽ rất khắc nghiệt. Nếu mở trường mà chất lượng kém chắc chắn sẽ không thu hút được người học và không tồn tại được" - ông Vinh khẳng định.
Theo tuổi trẻ
Những ngôi trường "ba không" Tuyển sinh khó khăn, nhiều trường thường kêu ca do chính sách tuyển sinh thắt chặt, do người học ngày càng khó tính hơn, yêu cầu cao hơn. Sở GD-ĐT TP.HCM đã quyết định đình chỉ hoạt động một năm đối với Trường THCS-THPT Khai Trí - Ảnh: Như Hùng Số lượng trường tư tăng và phát triển đến chóng mặt. Phụ huynh,...