NATO tái khẳng định mục tiêu trong cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine
Ngày 4/8, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương ( NATO) đã tái khẳng định mục tiêu của liên minh này trong cuộc xung đột hiện nay giữa Nga và Ukraine.
Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg. Ảnh: RT
Hãng tin RT dẫn lời Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết một trong những mục tiêu chính của NATO trong cuộc xung đột ở Ukraine là ngăn chặn “một cuộc chiến tranh toàn diện” với Nga.
Phát biểu khi đang có chuyến thăm Na Uy, Tổng Thư ký Stoltenberg nêu rõ: “Trong cuộc xung đột này, NATO có hai nhiệm vụ: ủng hộ Ukraine và ngăn chặn cuộc chiến này leo thang thành một cuộc chiến toàn diện giữa NATO và Nga”.
Ông Stoltenberg miêu tả cuộc xung đột Nga – Ukraine là “tình huống nguy hiểm nhất tại châu Âu kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ 2″, đồng thời nhấn mạnh việc không để Moskva giành chiến thắng trong cuộc xung đột này. Ông nói: “Nếu Nga giành chiến thắng trong cuộc chiến với Ukraine, Điện Kremlin sẽ tin rằng vũ lực có hiệu quả và các nước láng giềng khác có thể là trường hợp tiếp theo”.
Kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ngày 24/4 tới nay, Ukraine đã đều đặn nhận viện trợ quân sự từ các nước thành viên NATO, với hàng tỷ USD vũ khí được chuyển cho chính quyền Kiev.
Moskva kịch liệt lên án hành động này, cho rằng điều đó chỉ khiến leo thang và kéo dài cuộc xung đột. Nga đồng thời tuyên bố các chuyến hàng vũ khí viện trợ của phương Tây trên lãnh thổ Ukraine là mục tiêu hợp pháp của các lực lượng vũ trang Nga.
Hồi tháng 7, trong một cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin RT, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói rằng việc phương Tây “bơm” vũ khí cho Ukraine sẽ khiến Kiev “sử dụng những vũ khí này theo hướng rủi ro nhiều hơn và không có được bất kỳ bước đi mang tính xây dựng này”.
Video đang HOT
Trong khi đó, Tổng Thư ký NATO Stoltenberg khẳng định Tổng thống Nga Vladimir Putin rốt cuộc đã không đạt được các mục đích đề ra khi phát động chiến dịch ở Ukraine. NATO thay vì giảm qui mô hiện diện tại Đông Âu và giảm tốc quá trình mở rộng, liên minh này đang ngày càng “mạnh mẽ và đoàn kết hơn”, biểu hiện là việc sắp kết nạp thêm hai thành viên mới Thụy Điển và Phần Lan.
Ông Stoltenberg nhấn mạnh việc tăng cường phòng thủ rìa phía đông của liên minh là cần thiết, trong bối cảnh NATO đã triển khai các nỗ lực nhằm ngăn chặn chiến thắng của Nga ở Ukraine. Tuy nhiên, quan chức này cũng tuyên bố NATo “không là một bên tham chiến trong cuộc xung đột” và sẽ không điều động binh sĩ tới Ukraine; liên minh này không có nghĩa vụ can thiệp vào cuộc xung đột do Ukraine không phải là một quốc gia thành viên.
Tại Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Madrid (Tây Ban Nha) cuối tháng 6, liên minh này cũng thông qua khái niệm chiến lược mới và nhất trí mời Thụy Điển và Phần Lan gia nhập. Khái niệm chiến lược mới của NATO xác định các mối đe dọa và thách thức chính cho an ninh khu vực và vạch ra đường hướng giải quyết những thách thức đó. Khái niệm chiến lược được đưa ra nhằm định hướng chính sách của NATO trong những năm tới. Ngoài ra, NATO quyết định tăng lực lượng ở trạng thái sẵn sàng cao lên mức trên 300.000 quân.
Tổng Thư ký Stoltenberg trước đó cho biết “bản thiết kế quân sự mới” sẽ “nâng cấp mạnh mẽ” hệ thống phòng thủ phía đông của khối. Ông Stoltenberg cho biết một số nhóm tác chiến của NATO ở Đông Âu sẽ được tăng cường lên “cấp lữ đoàn”. Lực lượng phản ứng nhanh của NATO là sự kết hợp của các khí tài trên bộ, trên biển và trên không được thiết kế để triển khai nhanh chóng trong trường hợp bị tấn công.
Nội dung tuyên bố chung của NATO nhấn mạnh việc Phần Lan và Thụy Điển trở thành thành viên giúp “NATO an toàn hơn, mạnh mẽ hơn và khu vực châu Âu – Đại Tây Dương ổn định hơn”. Liên minh quân sự này cũng dự định tăng cường hiện diện quân sự ở vùng Bắc Âu, tổ chức thêm các cuộc tập trận quân sự và tuần tra hải quân trên biển Baltic để đảm bảo an ninh cho hai nước này.
Những khó khăn, thách thức mới với quân đội Đức
NATO đang tự tái trang bị và Đức tiếp tục cung cấp 15.000 binh sĩ sẵn sàng chiến đấu cho lực lượng phản ứng nhanh của liên minh ở sườn phía Đông.
Nhưng điều này cũng khiến quân đội Đức gặp rất nhiều khó khăn, thách thức.
Các binh sĩ Đức thuộc Nhóm chiến đấu tăng cường hiện diện phía trước của NATO (eFP-Bataillon). Ảnh: DPA
Lực lượng Ứng phó NATO là "bức tường lửa" của liên minh. Các đơn vị đa quốc gia thuộc lực lượng này được duy trì liên tục trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu. Trong trường hợp khẩn cấp, các đơn vị đầu tiên của cái thường được gọi là NRF có khả năng di chuyển đến các khu vực khủng hoảng trong vòng 48 giờ, thực hiện các nhiệm vụ trên mặt đất, trên không hoặc trên biển.
NRF hy vọng sẽ có tác dụng răn đe hơn nữa. Tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Madrid cuối tháng trước, liên minh đã quyết định củng cố sườn phía Đông, bằng cách tăng cường ồ ạt lực lượng phản ứng từ 40.000 lên 300.000 binh sĩ sẵn sàng chiến đấu.
Đức sẽ đóng góp 15.000 binh sĩ, Bộ trưởng Quốc phòng nước này Christine Lambrecht thông báo, 3.000 đến 5.000 trong số đó sẽ đóng quân tại Litva. Cho đến nay chỉ có khoảng 1.000 binh sĩ Đức đóng quân ở đó. Ngoài ra, Đức đang cung cấp 65 máy bay và 20 tàu, cũng như các đơn vị lính đặc nhiệm, hoặc biệt kích.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg muốn phần lớn lực lượng phản ứng nhanh mới hoạt động sớm nhất là vào năm tới, một tham vọng có khả năng khiến quân đội Đức chịu áp lực.
Hiện tại, trụ sở NATO ở Brussels đang có nhiều tín hiệu lạc quan hơn sau khi bị Tổng thống Pháp Emmanuel Macron mô tả là "chết não". Nhưng phản ứng ở Đức nghiêm túc hơn. Tình trạng hiện tại của quân đội Đức làm dấy lên nghi ngờ về việc liệu họ có thể đảm đương các nhiệm vụ mới của NATO hay không, đặc biệt là vì lực lượng vũ trang Đức đã bị thu hẹp đáng kể kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.
Những khó khăn của quân đội Đức đã được Bộ trưởng Quốc phòng Christine Lambrecht tiết lộ gần đây nhất trong một cuộc tranh luận tại Quốc hội Đức vào cuối tháng 4 vừa qua. Theo bà Lambrecht, về mặt lý thuyết quân đội Đức có 350 xe chiến đấu bộ binh Puma, nhưng trong đó chỉ có 150 chiếc đang hoạt động thực sự.
Tình hình tương tự với trực thăng chiến đấu Tiger: Trong số 51 chiếc, chỉ có 9 chiếc có thể cất cánh. Ngoài ra còn thiếu áo giáp chống đạn, ba lô và thiết bị nhìn đêm. Ngay cả quân trang mùa Đông cho binh sĩ Đức ở sườn phía Đông của NATO cũng được cho là đang thiếu hụt.
Eva Hgl, Ủy viên quốc phòng Quốc hội Đức và cũng là thành viên đảng Dân chủ xã hội trung tả của Thủ tướng Olaf Scholz, cho rằng việc thúc đẩy NRF sẽ tạo gánh nặng cho quân đội nước này. Bà nói với nhật báo Augsburger Allgemeine: "Có thể thấy trước rằng các yêu cầu đối với Đức sẽ tăng lên. Đối với lực lượng vũ trang Đức, điều này có nghĩa là một thách thức vô cùng lớn và đòi hỏi những nỗ lực lớn về nhân sự, vật chất, trang thiết bị và cơ sở hạ tầng".
Những thách thức lớn
André Wstner, Chủ tịch hiệp hội các lực lượng vũ trang Đức, cũng lưu ý quân đội nước này đang "đối mặt với thách thức to lớn khi đảm nhận nhiệm vụ mới của NATO trong bối cảnh quy mô của quân đội Đức được cho là nhỏ nhất từ trước đến nay".
Lữ đoàn xe tăng của Đức tham gia triển khai ở nước ngoài, bao gồm cả trong đội ngũ NRF của Đức ở Litva. Ảnh: DPA
Ông Wstner cho rằng ngân sách đặc biệt trị giá 100 tỷ euro (102 tỷ USD) dành cho quân đội, được Thủ tướng Scholz công bố ngay sau khi nổ ra xung đột Nga - Ukraine, cũng sẽ không đủ cho việc tái cơ cấu lực lượng. Ông Wstner nói với đài truyền hình công cộng ZDF: "Nếu chúng tôi muốn đạt được những gì NATO đã lên kế hoạch, chúng tôi sẽ cần hơn 200 tỷ euro".
Những gì chính xác sẽ được mua với 100 tỷ euro đó vẫn đang được thảo luận bởi các chiến lược gia của Bộ Quốc phòng Đức, nhưng thực tế là nước này không còn nhiều thời gian. Christian Mlling, chuyên gia chính sách quốc phòng tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Đức cảnh báo: "Thị trường không bắt đầu sản xuất bất cứ thứ gì có sẵn cho đến khi khách hàng thông báo họ muốn mua. Bạn không thể dễ dàng lấy 'một chiếc xe tăng' ra khỏi kệ giống như trong siêu thị. Chúng phải được sản xuất trước".
Trong quá trình gấp rút hiện đại hóa quân đội, một số chuyên gia cho rằng lực lượng vũ trang Đức cũng cần phải có sự thay đổi trong tâm lý. Một trong những nền tảng của chính sách an ninh của Đức sau Chiến tranh thế giới thứ hai là kiềm chế phát triển quân sự, vốn nhận được sự đồng thuận chung cho cả giới chính trị và trong xã hội Đức.
Trong thời bình, nhiều quy trình đã trở nên quá quan liêu và việc ra quyết định diễn ra chậm chạp. Điều này đang đặt ra thách thức. Giờ đây, quân đội Đức phải thay đổi thành một lực lượng chiến đấu có thể chống chọi với những trận chiến ác liệt.
Frank Sauer tại Đại học Quân sự Đức ở Munich cho biết: "Thời thế đang thay đổi một lần nữa. Về nguyên tắc, các lực lượng dự phòng của NATO ở sườn phía Đông của khu vực Baltic chỉ đơn thuần là làm chậm một cuộc xâm lược tiềm tàng vào lãnh thổ NATO để liên minh này có thời gian tổ chức phản ứng. Nhưng với cuộc xung đột Nga - Ukraine, NATO phải có khả năng phòng thủ ngay từ đầu".
Ông Sauer nhận định, đối với quân đội Đức, điều này có ý nghĩa cực kỳ quan trọng vì nó không chỉ giúp tăng cường lực lượng để phòng thủ, mà còn bởi vì "Đức được kỳ vọng là trung tâm chỉ huy và hậu cần, vốn qua đó mọi thứ sẽ được xử lý". Ông Sauer kết luận: "Đây là một cuộc tái cơ cấu chiến lược lớn ở châu Âu với những ảnh hưởng lâu dài đối với lực lượng vũ trang Đức".
Thụy Điển ủng hộ quan điểm vũ khí hạt nhân là cần thiết cho quốc phòng NATO Trong bức thư xin gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Thụy Điển đã ủng hộ vai trò thiết yếu của vũ khí hạt nhân trong cách tiếp cận phòng thủ của liên minh này. Đại sứ hai nước Phần Lan và Thụy Điển tại NATO đã chính thức nộp đơn xin gia nhập khối liên minh quân sự....