Nam thủ khoa và khát vọng ‘người Việt dùng công nghệ Việt’
Trong lễ tốt nghiệp khóa 14 – năm 2020 của trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM), cái tên Phan Ngọc Hưng khiến nhiều người không khỏi trầm trồ khi trở thành một trong ba người họ Phan cùng được vinh danh thủ khoa.
Hưng cũng chính là thủ khoa duy nhất ở khối học viên cao học với điểm số tốt nghiệp lên đến 94,3 điểm (thang điểm 100).
Không chỉ được biết đến với thành tích khủng trong học tập, Phan Ngọc Hưng (sinh năm 1995) còn sở hữu hàng loạt giải thưởng về công nghệ ngay từ thời sinh viên khi đang theo học ngành Công nghệ thông tin.
Như giải nhì (năm 2015) và giải ba (năm 2014, 2016) trong cuộc thi IU Top Coder do Khoa Công nghệ thông tin của Trường tổ chức; giải khuyến khích tại cuộc thi Lập trình sinh viên quốc tế (ACM – ICPC) vòng khu vực Châu Á Thái Bình Dương; giả ba (2016) và giải khuyến khích (năm 2015) ở cuộc thi Olympic tin học sinh viên Việt Nam do Bộ GD&ĐT và Hiệp hội tin học Việt Nam tổ chức.
Năm 2017, Hưng cũng tiếp tục “ẵm” nhiều giải thưởng về nghiên cứu. Và gần đây nhất trong năm 2020, Hưng dành giải nhất Hội nghị khoa học sinh viên do Trường ĐH Quốc tế chủ trì và giải nhì tại Hội thi giải pháp ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trên địa bàn TP.HCM do UBND TP.HCM chủ trì.
Đặc biệt, từ năm 2015 đến năm 2017, dưới sự hướng dẫn của TS. Hà Việt Uyên Synh, Hưng cùng các đồng sự tại nhóm nghiên cứu Thị giác máy tính và Xử lý hình ảnh số của Trường đã tham gia trong dự án thí điểm “Hệ thống giao thông thông minh” do UBND TP.HCM đặt hàng cho trường. Đây là dự án thí điểm thuộc đề án “ứng dụng khoa học và công nghệ giảm ùn tắc giao thông” của UBND TP.HCM.
Ở dự án này, Hưng phụ trách triển khai thuật toán mở rộng nhằm xử lí, phát hiện các phương tiện giao thông chồng chéo và duy trì quy trình phân loại, theo dõi phương tiện. Từ đó, phối hợp với một số kết quả nghiên cứu của các đồng sự, giải pháp sẽ đưa ra bộ đếm cho từng phương tiện.
Công việc này sẽ hỗ trợ dữ liệu cho đơn vị khác với mục đích tính toán, ước lượng thời gian chu kỳ đèn tín hiệu giao thông sao cho phù hợp với lưu lượng giao thông tại các điểm giám sát.
Hiện tại, dự án này đã được bàn giao và đang thí điểm trên đại lộ Võ Văn Kiệt.
Mặc dù sở hữu thành tích khủng trong nghiên cứu nhưng Hưng tiết lộ, khi còn học THCS, Hưng theo chuyên Văn tới khi lên THPT, Hưng lại có duyên với Toán và Vật lý chứ chưa thích thú với Tin học.
Khi chọn ngành để vào ĐH, Hưng chọn ngành Công nghệ thông tin, đơn giản chỉ vì nghĩ đây là ngành có tiềm năng trong tương lai và đây cũng là lĩnh vực mà Hưng nghĩ mình có thể thực hiện tốt các công việc trong khả năng của mình.
Đến khi vào ĐH, dù nằm trong top những bạn có điểm trúng tuyển cao, được tặng học bổng bán phần (50% học phí suốt khóa học) nhưng Hưng lại… mất phương hướng về ngành học.
Video đang HOT
Nhưng may mắn, khi kết thúc kiến thức cơ bản về lý thuyết lập trình ở năm nhất, Hưng bắt đầu tham gia một cuộc thi về thuật toán trong trường để thử sức khả năng của mình.
Đề tài đầu tiên khi đó liên quan về hệ thống giám sát giao thông. Bằng cách áp dụng công thức toán về đạo hàm, Hưng đã xử lý việc xác định vùng quan sát trong hình ảnh thu được qua camera, tức làm sao xác định được vùng xử lý mà ở đó các đối tượng không thay đổi kích thước đáng kể khi ở khoảng cách gần.
“Em cảm thấy rất vui vì lần đầu tiên em ngỡ ra là sau hơn chục năm học toán giờ mới biết kiến thức của nó được sử dụng vào đâu. Bởi lâu nay, em chỉ biết giải toán trên giấy chứ không biết khi áp dụng vào kỹ thuật thì kiến thức toán sẽ nằm ở chỗ nào cả. Từ đó, em tìm được hứng thú học ở ngành này theo hướng nghiên cứu ứng dụng, vì mình làm được gì đó là mình nhìn thấy liền, rất thực tế và trực quan” – Hưng hồ hởi nhớ lại.
Ngay cả đề tài khóa luận tốt nghiệp ĐH, Hưng cũng nghiên cứu về giải pháp nhận diện xe trong điều kiện đường đông sao cho phù hợp với điều kiện giao thông của Việt Nam.
Kết quả, đề tài của em được đánh giá cao và đã được tích hợp vào hệ thống của TP.HCM để chạy thí điểm trên 35 camera của đường Võ Văn Kiệt.
Với kết quả đáng khích lệ ở bậc Đại học, Hưng đã được nhà trường tặng học bổng toàn phần kèm sinh hoạt phí để học cao học tại trường về Kỹ thuật quản lý công nghệ thông tin.
Hưng cũng cho biết thêm, trong các cuộc thi em tham gia, Hưng ấn tượng nhất là “Hội thi Giải pháp ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trên địa bàn TP.HCM năm 2020″ do UBND TP.HCM chỉ đạo và Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM chủ trì tổ chức.
Đây là cuộc thi về nghiên cứu khoa học có tính ứng dụng cao, có sự tham dự của hầu hết các trường đại học trong thành phố cùng với các công ty lớn
Nhóm Hưng gồm 5 người, thực hiện nội dung về thiết kế thuật toán giải quyết bài toán ước lượng lưu lượng giao thông dựa trên các dữ liệu thực tế trong thành phố mà Ban Tổ chức cung cấp.
Giải pháp mà nhóm em đề xuất theo hướng cải tiến các giải pháp trước đây mà nhóm nghiên cứu đã xây dựng xuyên suốt quá trình em học tập, nghiên cứu tại trường, đồng thời tích hợp thêm các kỹ thuật, công nghệ hiện tại để cải thiện kết quả đầu ra, đáp ứng các yêu cầu thực tế. Và nhóm em đã vinh dự dành giải nhì, như một minh chứng về nghiên cứu của em và các bạn cũng đã được bên thứ ba ghi nhận.
Chia sẻ về kinh nghiệm cũng như phương pháp để có thành tích khủng trong cả học tập, rèn luyện lẫn các cuộc thi nghiên cứu, Hưng cho rằng quan trọng nhất là tìm được định hướng cho mình, phải biết học để làm gì, phải thấy ứng dụng được kiến thức để đề xuất các giải pháp thiết thực thì mới thực sự đam mê.
Và với Hưng, người truyền nhiều hứng thú đam mê, nhiệt huyết để Hưng có được những thành quả vừa qua là từ thầy Hà Việt Uyên Synh.
“Thầy đã rèn luyện cho em cả những phẩm chất lẫn năng lực để theo nghiên cứu ứng dụng, giúp em vượt qua những khó khăn khi chuyển từ học kiến thức tự nhiên đơn thuần sang ứng dụng vào kỹ thuật. Thầy giúp em thấy rõ tầm quan trọng của việc lập trình vững vàng cũng như định hướng nghiên cứu xuyên suốt lĩnh vực này trong tương lai. Kể từ đó, em muốn sử dụng kỹ năng và kiến thức của mình để làm ra được gì đó để đóng góp cho xã hội hơn” – Hưng bày tỏ.
Về phương pháp, Hưng cho rằng một trong kỹ năng quan trọng đó là làm việc nhóm. Những người bạn, những đồng sự cùng chí hướng, mỗi người một năng lực sẽ hỗ trợ cho nhau rất nhiều. Từ đó, Hưng tiết kiệm được thời gian trong việc bắt nhịp với các kiến thức mới, công nghệ mới trong lĩnh vực để việc học có hiệu quả nhất, có nhiều thời gian hơn dành cho nghiên cứu riêng.
Thứ hai, theo Hưng là khi học, sau mỗi môn, việc tóm tắt lại kiến thức là kỹ năng giúp chúng ta hệ thống hoá kiến thức một cách liền mạch và dễ ghi nhớ hơn .
Thứ ba là đừng ngại việc đặt câu hỏi với giảng viên, vì thầy cô đều là những người am tường trong lĩnh vực đó.
Thứ 4, theo Hưng là phải kiên trì và có kế hoạch rõ ràng cho từng việc. Như khi làm gì đó em sẽ đặt ra là làm nó trong bao lâu và phải quyết tâm làm theo một cách kiên trì. Có như vậy em mới sắp xếp được các môn học, nghiên cứu, tham gia hoạt động…
Nói về quá trình theo đuổi nghiên cứu về công nghệ, Hưng cho rằng công nghệ ngày càng thay đổi quá nhanh. Hiện nay, nhiều giải pháp trí tuệ nhân tạo đã ứng dụng mọi mặt vào nhiều lĩnh vực như y tế, kỹ thuật, giao thông… Có những cái mình mới biết trước đó chỉ vài năm mà giờ đã lỗi thời rồi, nên em quyết tâm theo hướng nghiên cứu để cải tiến nhiều giải pháp về công nghệ.
Thực ra, khi tốt nghiệp ĐH, Hưng cũng có đắn đo là mình nên đi làm hay học tiếp. Khi đó, em có tạo profile (sơ yếu lý lịch) trên mạng để tìm việc làm. Sau đó, một số đơn vị tuyển dụng đã mời em đến phỏng vấn và đề nghị với mức lương khá cao, khoảng 2.000-3.000 USD/tháng.
Thế nhưng, Hưng suy nghĩ, ở Việt Nam có nhiều bài toán mà có thể chỉ có người Việt Nam mới giải quyết được.
Hưng ví dụ, khi ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào lĩnh vực nào đó, Việt Nam có thể giải quyết bằng cách mua giải pháp có sẵn từ nước ngoài nhưng khó hiệu quả cho điều kiện Việt Nam.
Như hệ thống giám sát giao thông, hầu hết tại các nước đang phát triển, hệ thống giám sát giao thông được áp dụng với tính chất lưu lượng giao thông đại đa số là ô-tô và có thể được trang thị thêm thẻ từ để phục vụ cho mục đích giám sát. Trong khi giao thông Việt Nam chủ yếu là xe máy, mật độ xe dày đặc, nên các loại xe đi lẫn lộn ở các làn đường là không tránh khỏi. Vì vậy, nếu áp dụng các giải pháp này ở Việt Nam, chúng ta sẽ không những không thể khai thác được tính hiệu quả từ công nghệ mà còn gặp nhiều bất cập về hạ tầng cũng như chi phí triển khai….
Do đó, Hưng quyết tâm nghiên cứu lên cao học với học bổng toàn phần tại Trường Và cuối năm 2020, Hưng cũng vừa hoàn thành chương trình Thạc sĩ ngành Quản lý Công nghệ Thông tin với thành tích xuất sắc. Đồng thời, Hưng giành được học bổng trở thành Nghiên cứu sinh của ĐH Tromso (ĐH Bắc Cực Na Uy, trường đại học Top 3 của Na Uy).
“Em nghĩ để làm được điều gì cho đất nước mình, ngoài tinh thần và kỹ năng, thì chuyên môn cũng phải vững vàng nên em quyết tâm học lên cao. Cho đến giờ, em thấy hài lòng với quyết định của mình. Em cũng may mắn khi ba mẹ rất ủng hộ với suy nghĩ và lựa chọn của em. Học xong, em mong muốn được về Việt Nam để cống hiến cho đất nước, để tiếp tục được nghiên cứu, được tham gia đào tạo, phát triển phòng thí nghiệm, truyền đạt kiến thức cho sinh viên” – Hưng nói.
Hưng dự định sẽ dấn thân vào các hướng nghiên cứu tối ưu tính toán, tiết kiệm năng lượng trong trí tuệ nhân tạo, hướng đến xã hội hiện đại, phát triển với môi trường xanh hơn và sạch hơn.
Bộ ba cùng họ Phan được vinh danh thủ khoa tại lễ tốt nghiệp
Phan Cẩm Tiên, Phan Đình Khang, Phan Ngọc Hưng là ba gương mặt cùng tốt nghiệp thủ khoa và được nhà trường vinh danh tại lễ tốt nghiệp lần thứ 14.
Sáng ngày 9-1, Trường Đại học Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) đã tổ chức Lễ tốt nghiệp đại học và sau đại học năm 2020.
Dịp này, gần 1050 sinh viên, học viên thuộc chín khoa và bộ môn của trường chính thức trở thành tân tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân và tân kỹ sư.
Trong đó, 140 tân cử nhân tốt nghiệp từ chương trình liên kết 4 0 với ĐH West of England. Năm 2020, cũng có 5 sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc, 142 sinh viên tốt nghiệp loại giỏi.
PGS.TS Trần Tiến Khoa - Hiệu trưởng nhà trường trao bằng tốt nghiệp cho các học viên tại buổi lễ. Ảnh: PA
Điều đặc biệt trong đợt tốt nghiệp năm nay, ba tân thủ khoa đầu ra của trường và được trường vinh danh đều có chung họ Phan.
Cụ thể đó là Phan Cẩm Tiên, thủ khoa ngành Kinh tế với số điểm 92.2/100; Phan Đình Khang (ngành Kỹ thuật Điều khiển và tự động hóa), thủ khoa tốt nghiệp khối ngành Kỹ thuật với 92.6/100 điểm; Và học viên Phan Ngọc Hưng, thủ khoa ngành Kỹ thuật Quản lý Công nghệ thông tin, tốt nghiệp sau đại học với thành tích xuất sắc. Ngoài có nhiều giải thưởng về nghiên cứu, Hưng cũng đã giành được học bổng toàn phần học lên tiến sĩ ngành Công nghệ Thông tin của Trường ĐH Tromso Bắc Cực Na Uy.
Học viên Phan Ngọc Hưng (một trong ba thủ khoa họ Phan) nhận bằng tốt nghiệp và được vinh danh từ PGS.TS Trần Tiến Khoa - Hiệu trưởng nhà trường. Ảnh: PA
Tại buổi lễ, nhà trường cũng trao huy chương vàng cho 4 em có thành tích ấn tượng nhất. Ngoài ra, trường trao 15 huy chương bạc cho 15 tân cử nhân, tân kỹ sư của 9 khoa, bộ môn với số điểm tốt nghiệp từ 80 điểm đến 89 điểm.
Trường cũng dành phần thưởng tuyên dương 58 nữ kỹ sư tốt nghiệp loại giỏi để tôn vinh những sinh viên nữ học nhóm ngành kỹ thuật.
Được biết, đây là khóa tốt nghiệp thứ 14 của trường và khóa thứ 10 của bậc cao học. Tính đến nay, nhà trường đã đào tạo được tổng cộng 6.396 cử nhân và kỹ sư, 800 thạc sĩ và tiến sĩ. Đặc biệt, đây là năm đầu tiên trường có nghiên cứu sinh nhận bằng tiến sĩ.
Phía nhà trường cũng cho biết, từ năm 2012 đến nay, trung bình mỗi năm, tùy theo ngành, có khoảng 95% sinh viên trường tốt nghiệp có việc làm phù hợp với ngành nghề đào tạo trong vòng một năm sau khi ra trường. Trong đó, trung bình có 28% sinh viên tốt nghiệp đang làm việc tại các công ty, tập đoàn nước ngoài, 35% sinh viên tốt nghiệp làm việc tại các tập đoàn, công ty có yếu tố nước ngoài hoặc liên kết với nước ngoài.
Trước khi tốt nghiệp, 85% sinh viên đã có việc làm Theo khảo sát mới nhất của trường ĐH Hoa Sen, tỉ lệ tân cử nhân toàn trường có việc làm ngay trước sự kiện lễ tốt nghiệp lần thứ 37 được tổng kết trung bình là 84,9 % và tỉ lệ sinh viên có việc làm sau 6 tháng tốt nghiệp những năm gần đây luôn đạt tỉ lệ trên 95%. Trường ĐH...