Nam sinh lớp 11 giành huy chương vàng Olympia Hoá và 20 ngày căng thẳng ôn luyện
Dương cùng các bạn chỉ có 3 tuần để chuẩn bị và dốc toàn lực cho kỳ thi, ngày nào cũng như ngày nào học từ 8h sáng đến 8h tối.
Nguyễn Hoàng Dương, học sinh lớp 11, trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội xuất sắc giành huy chương Vàng tại kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế.
Hơn 20 ngày căng thẳng
7h tối 30/7, căn phòng nhỏ trong khuôn viên Đại học Sư phạm Hà Nội vẫn sáng đèn. Nguyễn Hoàng Dương (học sinh lớp 11, trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) cùng 3 thí sinh khác và 3 thầy cô trong đội tuyển Olympic Hóa học Việt Nam “nín thở” theo dõi lễ công bố kết quả cuộc thi Olympic Hóa học quốc tế lần thứ 52, diễn ra tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Ban tổ chức xướng tên thí sinh theo thứ tự từ bằng khen, huy chương đồng, bạc và vàng. 30 phút đầu tiên trôi qua, tên của 4 thí sinh đội tuyển Việt Nam vẫn chưa được xướng lên, khiến không khí căn phòng trở nên căng thẳng.
Tên thí sinh giành huy chương bạc vẫn không có Việt Nam. Khi đó cả đội tuyển như vỡ òa cảm xúc, vui mừng vì chắc chắn cả cả 4 thí sinh đều được huy chương vàng. Nam sinh Nguyễn Hoàng Dương đạt 94,08/100 điểm, đứng thứ 9 cuộc thi Olympic Hóa học quốc tế năm nay.
Với thành tích xuất sắc ấy, Hoàng Dương mang về cho gia đình, cho trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên và bản thân tấm huy chương vàng danh giá. “Tim em lúc đó như thắt lại vì vừa vui mừng, vừa hồi hộp. Em thở phào nhẹ nhõm vì thành tích đạt được đúng với những gì em kỳ vọng và cố gắng”.
Do ảnh hưởng COVID-19 nên kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế năm nay rất đặc biệt. Kỳ thi lần đầu tiên được tổ chức trực tuyến, vì vậy việc chuẩn bị và quá trình thi khá gấp rút. Tính từ ngày nước chủ nhà Thổ Nhĩ Kỳ công bố vẫn tổ chức kỳ thi cho tới ngày diễn ra chỉ khoảng hơn 20 ngày.
“ Đó là cuộc chạy đua khắc nghiệt. Em chỉ có 3 tuần để chuẩn bị và dốc toàn lực trong khi các năm trước thời gian ôn luyện là 3 tháng. Thời gian không có nhiều, ngày nào em cũng phải học từ 8h sáng đến 8h tối cho đến sát ngày thi”, nam sinh chia sẻ.
Nguyễn Hoàng Dương (học sinh lớp 11, trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội).
Năm nay, Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra 25 mảng kiến thức dự kiến trong kỳ thi. Nói là giới hạn nhưng số lượng kiến thức khổng lồ khiến không chỉ 4 thí sinh mà các thầy cũng chạy đua dạy cấp tốc. Đội tuyển học trực tiếp tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
“Em không nhớ nổi đã làm bao nhiều bài tập Hóa học. Mỗi ngày chúng em cùng nhau làm rất nhiều bài khó. Mỗi người làm theo một cách độc lập, sau đó tìm ra cách giải hay nhất. Chúng em cạnh tranh ngay trong đội tuyển và học những cách làm bài của nhau”, cậu học trò nói.
Đến ngày thi, 4 thí sinh ngồi cách xa nhau trong căn phòng rộng chừng 30-50m2. Phòng có 3 camera phía trước, sau để thầy cô theo dõi và camera online để ban tổ chức quan sát, đảm bảo tuyệt đối không có có gian lận hay khoảng “thời gian chết”.
Sau 5 tiếng làm bài thi, thầy cô sẽ thu bài và scan trực tiếp bài trong phòng thi để gửi cho ban tổ chức ở Thổ Nhĩ Kỳ. Hoàng Dương làm được hết tất cả các câu hỏi, cũng có một số câu em không chắc chắn, nhưng cuối cùng em vẫn vào top 10 thí sinh có điểm cao nhất.
Biến bất lợi thành động lực
Trong kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế năm nay, phần thi thực hành được lược bỏ, các thí sinh chỉ thi phần lý thuyết. Hoàng Dương cho rằng đây là lợi thế rất lớn với Việt Nam. Do đó các thầy cô tập trung ôn luyện với cường độ cao hơn, chuẩn bị kỹ lưỡng cho thí sinh.
Tham gia đội tuyển cùng các anh chị lớn tuổi hơn, Dương học hỏi được nhiều điều. Có người mạnh về tốc độ, kỹ năng giải bài; có người lại mạnh về tư duy; có người mạnh về sự cẩn thận, tỉ mỉ. Điều đó giúp Dương hoàn thiện kĩ năng của bản thân.
Ví như trong quá trình làm bài nam sinh luôn thử tốc độ với người nhanh nhất trong đội. Cậu cũng thử làm chậm hơn để so với người cẩn thận nhất, xem tỷ lệ % lỗi sai là bao nhiêu. Từ đó Dương tìm ra chiến thuật và tốc độ làm bài phù hợp với bản thân.
Hoàng Dương cùng bố mẹ và em trai.
Là người trực tiếp lãnh đội và bồi dưỡng 4 thí sinh tham dự Olympic Hóa học quốc tế năm 2020, PGS TS Nguyễn Mạnh Hà, Trưởng khoa Hóa học, Đại học Sư phạm Hà Nội đánh giá, Hoàng Dương là học trò thông minh, có tình yêu rất lớn với môn Hóa.
Dù là thí sinh gặp bất lợi khi tham gia cuộc thi bởi 3/4 học sinh đội tuyển Việt Nam là học sinh lớp 12, còn Dương mới lớp 11, nhưng quá trình học tập em luôn tìm ra điểm mấu chốt của bài rất sớm. Em luôn trình bày bài khoa học, hiệu quả, không mất nhiều thời gian.
Thêm nữa Dương chịu áp lực từ dư luận và sự kỳ vọng của gia đình, thầy cô và Bộ GD&ĐT. Nhưng có lẽ cũng nhờ áp lực mà Dương biến thành động lực để vươn lên cố gắng nỗ lực tăng tốc không ngừng.
“Trong thời gian ôn luyện đội tuyển, tôi nhận thấy khoảng cách kiến thức của Dương và các bạn gần như không có. Cách em ấy làm bài tập đều rất nhanh và chính xác”, PGS Hà chia sẻ và hy vọng năm 2021, Dương tiếp tục tham đội tuyển và bảo vệ thành công tấm huy chương vàng.
Khổ luyện tạo trái ngọt
Hoàng Dương sinh ra trong gia đình có nền tảng liên quan mật thiết tới Hóa học, bố là PGS.TS Nguyễn Văn Tuấn, Trưởng bộ môn Tâm thần, Đại học Y Hà Nội; còn mẹ là TS.BS Nguyễn Phương Thanh, hiện làm ở tập đoàn Abott của Mỹ.
Từ khi học lớp 8 trường THPT chuyên Hà Nội- Amsterdam, Dương cảm nhận sự thú vị và gần gũi của môn Hóa học. Vì vậy nam sinh thường xuyên đến phòng thí nghiệm. Dương nói e thích Hóa vì “ nó có sự đổi màu, có sự biến chuyển chất này sang chất nọ rất hay”.
Kết thúc năm học lớp 8, 9, Dương xuất sắc cùng lúc đỗ ba trường chuyên Khoa học tự nhiên, chuyên Sư phạm và chuyên Amsterdam. Năm ấy, dù trường chuyên Sư phạm có học bổng toàn phần nhưng Dương chọn chuyên Khoa học tự nhiên.
Đội tuyển Olympic Hóa học Việt Nam năm 2020.
Theo học tại trường, tài năng của Dương sớm được thầy Vi Anh Tuấn, Hiệu phó phát hiện và cho cậu vào học dự thính cùng học sinh lớp 12 chuẩn bị thi học sinh giỏi quốc gia. Cũng nhờ bước đệm đó mà năm 2019 Dương đạt giải Ba môn Hóa kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lần đầu tiên trong lịch sử có học sinh lớp 10 đạt giải.
Năm đó, Dương xác định lớp 11 mới là năm chính để đi thi, nên em luôn giữ tâm lý thoải mái, cố gắng hết sức. Thời gian đầu gặp nhiều kiến thức bài mới, rất khó em khá căng thẳng, mệt mỏi. Nhưng nhờ tình yêu với môn Hóa, sau mỗi bài giải em lại có thêm kiến thức mới. Cứ như vậy Dương say mê và nỗ lực từng ngày. Với Dương đó không chỉ là kỷ niệm mà còn là thử thách khắc nghiệt để tạo ra kim cương cho bản thân.
Chị Nguyễn Phương Thanh, mẹ Dương chia sẻ, từ nhỏ Dương tự lập tốt. Chị chỉ dành thời gian hỏi han xem con muốn gì và kế hoạch của con như thế nào. “Tôi tôn trọng lựa chọn của con”, chị nói.
Tấm huy chương Vàng của cậu học trò được thầy cô 'săn lùng'
Được thầy cô của Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên "săn lùng" từ năm lớp 9, khi còn đang theo học tại cấp 2 trường Ams, Nguyễn Hoàng Dương đã làm nên điều lịch sử.
Nguyễn Hoàng Dương có lẽ là thí sinh đặc biệt của đội tuyển Việt Nam tham dự kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế. Em là thí sinh nhỏ tuổi nhất trong 4 học sinh đoạt huy chương Vàng năm nay.
Trước đó, Dương cũng là học sinh lớp 10 đầu tiên giành giải Ba trong kỳ thi Học sinh giỏi quốc gia môn Hóa học.
Nguyễn Hoàng Dương, học sinh lớp 11, Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên
Thử ngồi dự thính và bước nhảy vọt vào tốp đầu
Từ năm học lớp 9, Dương đã "nổi tiếng" với những thành tích nổi bật ở môn Hóa học, khi đạt giải Nhất cấp quận; Giải ba cấp thành phố môn Hóa học.
Thầy Vi Anh Tuấn, Hiệu phó trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên nhớ lại, thời điểm ấy, khi cán bộ nhà trường đi "lùng sục" ở các trường cấp 2 thì được thầy cô phụ trách đội tuyển của Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam giới thiệu về Dương.
Vì thế, Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên đã mời Hoàng Dương đến tham quan trường, cho em làm quen với các anh chị khóa trên.
Kết thúc năm học lớp 9, Nguyễn Hoàng Dương thi đỗ vào lớp chuyên Hóa của cả Chuyên Sư phạm, Chuyên Hà Nội - Amsterdam và Chuyên Khoa học Tự nhiên. Cuối cùng, em quyết định chọn Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên vì cảm thấy "đó là môi trường thích hợp nhất để phát triển đam mê của mình".
Vào học lớp 10 được vài tháng, nhận thấy Dương có khả năng vượt trội, thầy cô thử cho em ngồi dự thính lớp ôn luyện đội tuyển dự thi học sinh giỏi quốc gia cùng anh chị khóa trên. Chỉ sau 4 tháng, Dương đã đuổi kịp tiến độ của các thành viên trong đội.
Khi thi chọn đội tuyển, điểm của Dương nằm trong tốp đầu, cao hơn một số học sinh lớp 11 và 12. Vì thế, lần đầu tiên trong lịch sử, có một học sinh lớp 10 được chọn đi dự thi học sinh giỏi quốc gia. Năm ấy, Dương giành được giải Ba. Đến năm lớp 11, Dương tiếp tục đi thi và giành được giải Nhất.
"Việc phát hiện và tạo điều kiện sớm là điều quan trọng giúp Dương nhanh chóng phát huy được khả năng", TS. Vi Anh Tuấn nói.
Thành tích "đình đám" trong môn Toán
Sau 11 năm đi học, Dương không còn nhớ hết số giải thưởng đã đạt được.
Khi là học sinh Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam, Nguyễn Hoàng Dương từng giành giải Nhất kỳ thi Toán quốc tế giữa các thành phố (ITOT) lần thứ 37 ở Nga năm lớp 7; Huy chương Đồng kỳ thi Toán quốc tế (IMC) năm lớp 8; Giải Xuất sắc cuộc thi Toán học Úc bậc THCS (AMO) và Top 5% kỳ thi Toán học Hoa Kỳ (AMC) năm lớp 9.
Thế nhưng, khi bắt đầu tiếp xúc với môn Hóa vào năm lớp 8, Dương bỗng cảm thấy yêu và muốn gắn bó. "Năm lớp 8, khi làm các thí nghiệm, em rất thích thú với việc đổi màu của một số chất hay sự biến chuyển từ chất này sang chất khác. Đến khi tự học, tự tìm tòi, em lại càng thấy yêu thích hơn.
Hóa học là một môn thiết thực với đời sống, giúp mình khám phá được cơ thể con người, nghiên cứu ra những vị thuốc, vật liệu mới", Dương nói.
Truyền thống gia đình cũng là một phần cộng hưởng khiến Hoàng Dương muốn gắn bó với môn Hóa. Bố của Dương là PGS.TS Nguyễn Văn Tuấn, Trưởng bộ môn Tâm thần của ĐH Y Hà Nội; mẹ em là TS. BS Nguyễn Phương Thanh, Giám đốc Pháp chế và Quản lý chất lượng ngành Dược phẩm của văn phòng đại diện Tập đoàn Abbott (Mỹ) tại Việt Nam.
"Công việc của bố mẹ em làm trong ngành Y nên liên quan mật thiết đến Hoá. Bố em hay kê các đơn thuốc, đọc nhiều tên vị thuốc nên em nhớ được các tên. Sau này khi học Hoá, em thấy nó cũng gắn liền với các chất hoá học".
Nguyễn Hoàng Dương bên bố mẹ và em trai
Nỗ lực tìm chiến thuật riêng
PGS.TS Nguyễn Ngọc Hà, Chủ nhiệm Khoa Hoá học (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội), người dẫn đoàn Việt Nam tham dự kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế năm nay cho biết, trước kỳ thi, Dương gặp không ít bất lợi.
"Trước tiên là bất lợi về kiến thức, 3/4 học sinh trong đội tuyển Hóa là học sinh lớp 12, có nhiều thời gian học, ôn tập và trải nghiệm hơn. Để đuổi kịp tiến độ của những thành viên cùng đội, Dương đã phải cố gắng nỗ lực không ngừng nghỉ.
Sau 3 tuần ôn luyện, khoảng cách kiến thức của Dương với 3 thành viên còn lại gần như không có. Các bài tập Dương luôn tìm ra mấu chốt của bài sớm, cách giải đều rất nhanh và chính xác", PGS Hà nói.
Bản thân Dương cũng không nhớ nổi mình đã làm bao nhiều bài Hóa. "Mỗi ngày sẽ làm rất nhiều, nhưng quan trọng cả đội sẽ làm những bài khó, tập trung vào chất lượng bài chứ không phải số lượng. Tất cả sẽ cùng giải, sau đó tìm ra cách hay nhất trong 4 người.
Đi thi cùng các anh chị vốn hơn mình một năm và đều rất xuất sắc, em học được nhiều thứ, bởi có người mạnh về tốc độ, kỹ năng làm; có người mạnh về tư duy; có người mạnh về sự cẩn thận.
Vì thế, em luôn thử tốc độ nhanh hơn so với người nhanh nhất, thử làm chậm hơn để so với người cẩn thận nhất để xem phần trăm lỗi sai của mình là bao nhiêu. Qua những lần ấy, em đã tìm ra chiến thuật và tốc độ làm bài phù hợp nhất với bản thân".
Hoàng Dương đánh giá năm nay là một năm có lợi thế rất lớn đối với Việt Nam khi không thi thực hành. "Với lợi thế ấy, thầy cô rất kỳ vọng năm nay toàn đội sẽ giành được nhiều huy chương Vàng", Dương nói.
"Em luôn cố gắng tìm ra chiến thuật riêng cho bản thân", Dương nói.
Buổi lễ trao giải, Dương đến Trường ĐH Sư phạm Hà Nội để ngồi xem cùng thầy cô.
"Đến khi hết giải Bạc không thấy tên Việt Nam, các thầy rất sung sướng vì đoán chắc cả đội tuyển sẽ được huy chương Vàng. Kết quả đúng như dự đoán, cả phòng gồm 4 thí sinh, 3 thầy cô dẫn đoàn và một số thầy bên Bộ GD-ĐT cũng bắt tay nhau. Cảm xúc của em khi ấy rất nhẹ nhõm", Dương kể.
Giờ đây, Dương cho biết sẽ cho phép bản thân "tạm thư giãn" để dành một chút thời gian cho sở thích cá nhân như đá bóng, đánh cờ vua, chơi bóng rổ. Sau thời gian này, Dương sẽ tập trung cho kỳ thi Olympic quốc tế vào năm sau sẽ diễn ra vào Nhật Bản.
"Em rất hy vọng và chờ đợi vào phần thi thực hành năm sau", Dương nói.
Nguyễn Hoàng Dương chơi piano cũng rất giỏi
Tình yêu với Sách
Kể về con trai, chị Nguyễn Phương Thanh (mẹ của Dương) cho biết, Dương rất thích đọc sách. Vì thế, căn nhà có riêng một thư viện để cả nhà cùng sử dụng. Mọi ngóc ngách trong nhà, kể cả nhà vệ sinh cũng đều có sách và truyện.
"Mình cứ tạo cho con niềm đam mê sách một cách đơn giản. Hồi nhỏ, trước khi đi ngủ, mình đều đọc sách cho con nghe".
Vì thế, lên lớp 1 Dương đã tự biết chữ. Cứ như vậy dần trở thành thói quen, Dương yêu sách truyện một cách tự nhiên. Có những cuốn truyện Dương đọc đi đọc lại đến cả vài chục lượt. Có khi bố mẹ không cho đọc truyện nhiều, Dương lại lén vào nhà vệ sinh để ngồi đọc.
Chị Thanh cho rằng, đến tận bây giờ, điều khiến chị mừng nhất là cả hai con của chị đều biết tự lên kế hoạch cho bản thân và vạch ra mục tiêu cho chính mình.
Thưởng 'nóng' 500 triệu đồng cho học sinh đạt huy chương vàng Olympic quốc tế Thành phố Hải Phòng đã thưởng 500 triệu đồng cho học sinh Lý Hải Đăng sau khi em giành huy chương vàng tại kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế. Sáng 1/8, UBND thành phố Hải Phòng tổ chức biểu dương, khen thưởng học sinh Lý Hải Đăng, lớp 12 chuyên Hóa Trường THPT chuyên Trần Phú, đạt Huy chương Vàng tại Olympic...