Nam sinh Hà Nội đạt IELTS 9.0 ngay lần thi đầu tiên, chia sẻ bí quyết học độc lạ
Với điểm số thành phần 9.0 Listening, 9.0 Reading, 8.0 Writing và 9.0 Speaking, Nguyễn Quý Anh (17 tuổi) đạt IELTS 9.0 ngay lần thi đầu tiên.
“Em không hề nghi ngờ khả năng của bản thân. Tuy nhiên, việc nhận kết quả 9.0 khiến em khá bất ngờ bởi em không hề quan tâm đến band điểm mà chỉ thi vì IELTS là một trong những tiêu chí để em làm hồ sơ du học,” nam sinh lớp 12 Anh 1, trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam chia sẻ.
Chia sẻ về phương pháp học tập của mình, Quý Anh cho rằng tiếng Anh đơn thuần là một công cụ để sử dụng trong giao tiếp, học tập, công việc và không phải một môn học để “cày cuốc” vì điểm số. Bởi vậy, em hoàn toàn không dành thời gian ôn luyện trước ở trung tâm nào mà đi thi luôn vì em đủ tự tin vào khả năng của mình và tin rằng kỳ thi IELTS có thể đo được khả năng đó một cách khá chính xác.
Nam sinh trường Ams cho hay “Tiếng Anh với em là một quá trình học tập và áp dụng chứ không phải một kỳ thi để chuẩn bị. Khi đã có thể sử dụng thành thạo tiếng Anh trong quá trình học tập và làm việc thì em nghĩ mọi người nên đi thi luôn chứ không nên tốn thời gian học thuộc “chay” từ vựng hay “cày” đề. Thật sự không có bí quyết nào cả, nếu mọi người dùng được thì sẽ thi được”.
Quý Anh thấy phương pháp giảng dạy nhiều nơi còn đặt trọng tâm vào việc học thuộc lòng và ghi nhớ máy móc hơn là áp dụng vào thực tiễn. “Em không thể nói cho tất cả các môn, tuy nhiên riêng với môn tiếng Anh thì em thấy các kỳ thi học sinh giỏi chỉ kiểm tra khả năng làm bài của học sinh chứ chưa kiểm tra khả năng sử dụng ngôn ngữ. Vì vậy mà dù ở lớp 10 và lớp 11 không vào vòng quốc gia trong kỳ thi học sinh giỏi THPT, em vẫn có thể đạt được IELTS 9.0″, Quý Anh cho biết.
“There is no secret ingredient” (Không có một công thức đặt biệt nào cả) là câu nói yêu thích của Quý Anh bởi em cho rằng nó miêu tả chính xác quan điểm của em với việc học ngoại ngữ.
Áp dụng tiếng Anh vào học tập và công việc
Nói về cách áp dụng tiếng Anh vào học tập và làm việc, nam sinh trường Ams cho biết: “Em cho rằng việc học tiếng Anh sẽ tự nhiên nhất nếu mọi người có thể sử dụng nó trong đời sống hàng ngày, theo nhu cầu của bản thân. Cá nhân em có hai lĩnh vực quan tâm chính là Khoa học Máy tính và Khoa học Chính trị, và ở cả hai lĩnh vực này, việc sử dụng tiếng Anh để tiếp thu thông tin đều là tất yếu.
Ví dụ, khi em lập trình các ứng dụng thì việc đọc documentation (tài liệu) của các library (thư viện) đều là tất yếu. Còn với chính trị, có rất nhiều các tài liệu, sách báo, phim ảnh liên quan không có bản dịch tiếng Việt mà chỉ có tiếng Anh. Em đọc các tác phẩm của các tác giả như Marx, Lenin, Michael Parenti, David Harvey, Slavoj Zizek… cũng như nghe rất nhiều các bài phát biểu của các chính trị gia nổi tiếng.
Quý Anh đã gặt hái được nhiều thành tích trong các cuộc thi khoa học kĩ thuật và giải chạy marathon.
Video đang HOT
Các bài phát biểu này nhiều khi còn không nói tiếng Anh mà chỉ có phiên dịch tiếng Anh nhưng chắc cũng đã góp phần cải thiện khả năng nghe của em rất nhiều. Thỉnh thoảng em cũng tập phát biểu bằng cách độc thoại và việc này phần nào giúp em cải thiện kỹ năng Nói.
Riêng về kỹ năng Viết, em thường lên các mạng xã hội như Reddit, Medium và Lemmygrad để viết bài tranh luận về các chủ đề chính trị. Ngoài ra, em cũng tham gia vào các dự án phát triển phần mềm và khi đó thì việc viết tài liệu tiếng Anh giải thích code của mình cho người khác hiểu là bắt buộc”.
Lịch trình sinh hoạt thất thường nhưng hiệu quả
Chia sẻ về đời sống hàng ngày của mình, Quý Anh cho biết em có một lịch sinh hoạt vô cùng đặc biệt: Em làm việc hoàn toàn về đêm.
Quý Anh chia sẻ: “Với những học sinh chuẩn bị hồ sơ đi du học như em, nhiều khi các hoạt động ở ngoài lớp học quan trọng hơn rất nhiều so với ở trường. Bởi vậy, ngày làm việc của em bắt đầu vào 6h chiều khi em ngủ dậy. Sau đó, em thường tập thể dục 1-2 tiếng dưới phòng gym, ăn tối rồi làm việc qua đêm. Sở dĩ có lịch sinh hoạt đặc biệt như vậy bởi vào ban đêm em tỉnh táo và tập trung nhất. Và đó cũng là lúc em làm hầu hết mọi công việc của mình.
Thường thì em làm việc đến tầm 4-5h sáng rồi ngủ 1-2h trước khi thức dậy lúc 6h sáng để ăn sáng và đến trường. Tuy nhiên cũng có những hôm bận hơn và khi đó thì em sẽ làm việc luôn đến sáng. 12h trưa là lúc tan học và em sẽ về nhà ngủ hết chiều.
Mọi người ở trường thường nghĩ em bị thiếu ngủ nhưng không phải. Em vẫn ngủ ít nhất 6 tiếng/ngày, chỉ là lúc em tỉnh nhất là vào ban đêm. Em không khuyến khích mọi người đều sinh hoạt giống mình. Tuy nhiên, việc hoạt động về đêm có thể sẽ hiệu quả hơn với một số người và mọi người có thể thử để biết mình có phù hợp với lối sống này hay không”.
Vừa học tập tốt, vừa chơi thể thao giỏi: Hoàn thành marathon 42km khi mới 17 tuổi
Ngoài khía cạnh học thuật, Quý Anh còn rất yêu thích các môn thể thao đối kháng và một người chơi. Em từng tập Taekwondo, kickboxing, và tennis trước khi chuyển sang chạy marathon.
“Từ nhỏ em đã là một người có tính độc lập cao và yêu thích việc dành thời gian một mình. Những khi cảm thấy bí bách trong cuộc sống, em thường ra ngoài đường đi bộ vòng quanh mà không định hướng. Em vừa đi vừa suy nghĩ các vấn đề về kinh tế, chính trị và triết học, kể cả lúc giữa đêm 2-3h sáng. Nhiều khi không để ý nên em thường đi xa nhà khoảng 5km và phải đi lại 5km về.
Chính việc đi bộ như này đã giúp em cải thiện sức khỏe rất nhiều và cho em khả năng chạy bền đường dài. Năm lớp 8 em chạy giải 10km, lớp 9 em chạy half-marathon 21km và gần đây nhất ngày 16/10 em vừa chạy full-marathon 42km”, Quý Anh tâm sự.
Chia sẻ về dự định tương lai của mình, Quý Anh cho biết trước mắt, em mong muốn học chương trình song bằng Cử nhân và Thạc sĩ 4 năm ở Đại học Northwestern, ngành Khoa học Máy tính và Khoa học Chính trị.
Một số thành tích nổi bật của Nguyễn Quý Anh
- 1540 SAT, 9.0 IELTS.
- AP Calculus BC: 5, AP Statistics: 5, AP Computer Science A: 5, AP Computer Science Principles: 5.
- HCV các cuộc thi AI-JAM US 2021, 2021 INOVA – 45th International Invention Show , và Advanced Innovation Global Competition 2021.
- Tổng Thư ký hội nghị Ams Model United Nations 2021.
- Build On Vietnam 2022 hackathon Semi-Finalist.
- Longbien Marathon 2018 10km Finisher.
- VPBank Hanoi Marathon 2019 21km Finisher.
- VPBank Hanoi Marathon 2022 42km Finisher.
- Giải Nhì Học sinh giỏi tiếng Anh thành phố 2019 – 2020.
- Giải Nhì Học sinh giỏi tiếng Anh thành phố 2021 – 2022.
Bí quyết chinh phục danh hiệu Thủ khoa đầu ra của nam sinh trường ĐH Bách Khoa
Em Lê Minh Tú (SN 2000) là Thủ khoa đầu ra toàn trường ĐH Bách Khoa Hà Nội năm 2022, với điểm GPA 3.89/4.0.
Đây là kết quả nằm ngoài mục tiêu nam sinh tài năng này đề ra.
Em Lê Minh Tú (trái) là Thủ khoa đầu ra toàn trường ĐH Bách Khoa Hà Nội năm 2022
Cách đơn giản nhưng hiệu quả
Lê Minh Tú lựa chọn ngành Công nghệ thông tin trường ĐH Bách Khoa Hà Nội với mong muốn trở thành kỹ sư về công nghệ thông tin. Với quyết tâm thực hiện ước mơ của mình, Tú không ngừng cố gắng trong học tập. Em tự nhủ sẽ nỗ lực học tập hết mình chứ không tự "ép" bản thân phải đạt điểm số cao hay trở thành thủ khoa. Có lẽ, chính vì tâm thế thoải mái đó mà Tú cảm thấy không bị áp lực, từ đó học tập hiệu quả và đạt được kết quả xuất sắc.
Để có được thành tích thủ khoa đầu ra toàn trường ĐH Bách Khoa Hà Nội - ngôi trường nổi tiếng có nhiều nhân tài không hề đơn giản. Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2018, Tú đạt 27,5 điểm, trở thành á khoa toàn tỉnh Thanh Hóa. Tuy nhiên, khi lên ĐH, lớp Tú có rất nhiều người giỏi. Được biết, trong lớp em có đến 50% sinh viên là thủ khoa các tổ hợp, thủ khoa tỉnh thành, đạt nhiều giải thưởng quốc tế... Trước những người bạn tài năng này, Tú có phần áp lực nhưng đã nhanh chóng lấy lại tinh thần. Khi nghe được những lời khuyên ý nghĩa từ giảng viên nhập môn Công nghệ Thông tin, Tú mới hiểu ra vấn đề.
Em chia sẻ, sau 4 năm theo học chuyên ngành của mình, em càng hiểu sâu sắc lời thầy giáo dặn dò. Đó là thời gian đầu, sinh viên sống xa nhà, thay đổi môi trường sống, học tập, phải tự lập... nên sẽ gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, năm thứ nhất ĐH, sinh viên không nên kỳ vọng quá nhiều về bản thân. Điều đó dễ làm cho họ thất vọng khi chưa đạt được mục tiêu đề ra. Điều khó khăn nhất chính là vượt qua chính mình.
Sở hữu điểm GPA cao nhưng Tú lại có bí quyết học khá đơn giản. Tú thừa nhận mình không phải "mọt sách", em vẫn dành nhiều thời gian vui chơi, luyện tập thể dục thể thao, tham gia hoạt động ngoại khóa, đoàn, hội. Tú chia sẻ bản thân luôn đi học đầy đủ, thường ngồi phía trên và ghi chép tỉ mỉ những bài giảng của thầy, cô. Việc ghi chép này giúp Tú định hình được nội dung bài học một cách chi tiết, sâu sắc nhất. Em cũng thường trao đổi với thầy, cô những vấn đề mà mình chưa hiểu để được giải đáp. Điều đó giúp Tú nâng cao kiến thức, đồng thời cũng kích thích sự chủ động, tìm tòi, sáng tạo của em trong học tập. Nếu như nhiều sinh viên thường có thói quen học xong, để đấy đến hôm nào có môn học đó mới ôn lại bài cũ hoặc tối về mới làm bài thì Tú lại có thói quen hoàn thành tất cả bài tập ngay khi học xong. Tú cũng tích cực tìm thêm nhiều bài tập nâng cao để nghiên cứu, mở rộng kiến thức.
Trưởng thành từ thất bại
Đứng trước những kỳ thi, nhiều sinh viên cảm thấy áp lực, mệt mỏi nhưng với Tú, em đã trang bị cho mình kiến thức vững chắc nên tâm lý khá thoải mái. Trong quá trình học, Tú luôn hệ thống các kiến thức một cách khoa học nên trước khi thi hết môn các môn học, Tú chỉ việc rà soát lại lại toàn bộ nội dung và lên kế hoạch ôn tập để không bỏ sót bất kỳ phần kiến thức nào. Điều này xuất phát từ kỷ niệm đáng nhớ của Tú hồi học THCS. Tú gọi đó là "cú sốc" tinh thần lớn.
Chuyện là, năm học lớp 9, khi Tú tham gia 2 cuộc thi học sinh giỏi toán và giải toán bằng máy tính cầm tay, em khá tự tin về khả năng của mình. Tuy nhiên, kết quả, em chỉ đạt giải khuyến khích ở cả 2 cuộc thi. Tú cho rằng lý do khiến em không đạt được kết quả như kỳ vọng chính là vì sự chủ quan. Từ đó, em rút ra bài học cho bản thân. Phải luôn quyết tâm đạt được những mục tiêu mà mình đặt ra nhưng để làm được điều đó thì phải tránh chủ quan trong mọi trường hợp, nhất là học tập và thi cử. Có như thế, khi bắt tay vào thực hiện kế hoạch nào đó, chúng ta sẽ không phải nói hai từ "hối tiếc".
Cũng nhờ bài học đó mà những năm học THPT, Tú không ngừng cố gắng vươn lên và "ẵm" hàng loạt giải thưởng cao. 3 năm THPT, em đều đạt giải nhất Giao thông học đường tỉnh Thanh Hóa và toàn quốc. Bên cạnh đó, Tú đạt giải nhất cuộc thi Giải toán bằng máy tính cầm tay tỉnh Thanh Hóa và toàn quốc; giải nhất cuộc thi Tự hào Việt Nam. Em còn tham gia cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia.
Hiện tại, Tú là kỹ sư giải pháp tại Trung tâm Không gian mạng Viettel. Em cũng có dự định học thạc sĩ tại trường ĐH Bách Khoa Hà Nội trong thời gian tới và mong muốn được tiếp tục theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học. Em hiểu rằng mỗi chặng đường, mỗi cuộc hành trình đều mang lại sự trưởng thành cho mỗi người...
Anh ngữ TalkFirst chia sẻ bí quyết học tiếng Anh giao tiếp hiệu quả cho người mới bắt đầu Tìm hiểu ngay bí quyết học tiếng Anh giao tiếp giúp bạn nâng cao ngữ pháp, từ vựng và các kỹ năng tiếng Anh dành riêng cho người mới bắt đầu, được TalkFirst nghiên cứu qua quá trình đào tạo hàng chục ngàn học viên. 1. Luyện nghe tiếng Anh thường xuyên theo qua video, podcast Ưu điểm của luyện nghe qua video...