Nam Định: Giá cá bống bớp rớt ‘cái bịch’, dân nuôi thua lỗ nặng
Chưa bao giờ giá cá bống bớp nuôi ở Nam Định lại giảm sâu và giảm kéo dài như năm nay. Cá bống bớp thương phẩm liên tục giảm giá mạnh, đang từ 260.000-300.000 đồng/kg xuống còn 170.000-180.000 đồng/kg và chưa có dấu hiệu nhích lên.
Giá cá bống bớp “bốc hơi” một nửa
Nhiều năm trước, cá bống bớp được ví như “con làm giàu” của một số xã ven biển thuộc huyện Nghĩa Hưng (tỉnh Nam Định). Tuy nhiên, 1 năm trở lại đây, nhiều người nuôi cá bống bớp không còn mặn mà chăm sóc, bởi giá cả bấp bênh, dịch bệnh, đầu ra không ổn định.
Hiện giá cá bống bớp thương phẩm trên địa bàn tỉnh Nam Định giảm mạnh, hiện chỉ còn 170.000-180.000 đồng/kg, giảm gần 50% so với cách đây hơn 6 tháng.
Phóng viên có mặt tại vùng nuôi cá bống bớp của huyện Nghĩa Hưng (Nam Định) – một trong những vùng nuôi cá bống bớp lớn nhất tỉnh Nam Định nói riêng và khu vực miền Bắc nói chung. Diện tích nuôi loài cá bống bớp ở huyện Nghĩa Hưng hiện lên tới hàng trăm ha. Đi đến đâu, chúng tôi cũng nghe người nuôi cũng than vãn vì giá cá rớt thê thảm.
Theo những người nuôi cá bống bớp, giá cá bắt đầu giảm từ khi Trung Quốc ngừng hẳn nhập khẩu tiểu ngạch loài cá này. Đây chính là nguyên nhân chính khiến giá cá bống bớp “bốc hơi” mất gần một nửa. Cụ thể, đang từ mức 260.000-300.000 đồng/kg nay xuống còn 170.000 đồng/kg (size cá loại 1). Đây là mức giá thấp và kéo dài kỷ lục từ đầu năm đến nay. Với mức giá này, nhiều hộ nuôi không đạt thì lỗ nặng.
Anh Trần Văn Hưởng (47 tuổi) ở khu 5, thị trấn Rạng Đông, huyện Nghĩa Hưng cho biết, từ năm 2018 trở về trước, giá cá bống bớp giữ ổn định khoảng 260.000 đồng/kg, thậm chí có thời điểm lên tới 330.000 đồng/kg. Tuy nhiên, từ năm 2019, giá bống bớp bỗng nhiên tụt giảm sâu (chỉ còn 170.000-180.000 đồng/kg tùy loại).
Hiện nhiều người nuôi cá bống bớp ở huyện Nghĩa Hưng không còn mặn mà, bởi giá cả bấp bênh, dịch bệnh, đầu ra không ổn định.
Trong khi đó, giá thành sản xuất 1kg cá bống bớp khoảng 200.000 đồng, nuôi hơn 1 năm mới được thu hoạch. Do thua lỗ đã buộc gia đình anh phải chuyển sang nuôi cá mú, bởi đây là đối tượng có giá trị kinh tế cao, tiêu thụ nội địa tốt, không phụ thuộc vào biến động thị trường nước ngoài.
“Các năm trước cũng có thời điểm giá cá rớt xuống thấp, nhưng chỉ duy trì trong thời gian ngắn khoảng hơn 1 tháng rồi lại tăng mạnh và giữ ở mức ổn định trên 260.000 đồng/kg. Nhưng trong năm nay giá cá giảm kỷ lục và kéo dài. Nếu cứ đà này thì ở đây sẽ không còn một hộ nào nuôi loại cá này nữa”, anh Hưởng thở dài than với phóng viên.
Không chỉ các hộ dân nuôi cá bống bớp thương phẩm gặp khó mà các cơ sở ương nuôi cá bống bớp giống và doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản cũng đang chật vật.
“Hiện giá cá bống bớp giống đã giảm gần 50% so với cùng kỳ năm 2018 và hiện chỉ còn khoảng 3.000 đồng/con. Giá giảm mạnh như thế nhưng đầu ra cũng gặp khó bởi các hộ nuôi cá bống bớp thịt ở đây không mặn mà…”, ông Nguyễn Văn Sơn (khu 6, thị trấn Rạng Đông, huyện Nghĩa Hưng) chia sẻ với phóng viên.
Do giá cá bống bớp xuống thấp nên đã buộc gia đình anh Trần Văn Hưởng phải chuyển sang nuôi cá mú để tránh thua lỗ.
Video đang HOT
Đâu là nguyên nhân?
Theo tìm hiểu phóng viên, từ đầu năm nay, Trung Quốc đã siết chặt việc xuất, nhập khẩu nông sản đường tiểu ngạch. Điều này đã khiến cá bống bớp ứ đọng, rớt giá.
Một doanh nghiệp chuyên thu mua và xuất khẩu thủy hải sản sang thị trường Trung Quốc ở tỉnh Nam Định xác nhận vấn đề trên và cho biết, phía Trung Quốc đang muốn Việt Nam phải xuất khẩu thủy hải sản bằng đường chính ngạch, đảm bảo truy xuất nguồn gốc. Nhưng hiện mặt hàng cá bống bớp xuất khẩu chính ngạch bị nhiều rào cản vì chưa đáp ứng các yêu cầu của thị trường này.
“Không chỉ riêng cá bống bớp mà tất cả các mặt hàng thủy hải sản khác muốn xuất khẩu bằng đường tiểu ngạch như trước đây là rất khó, vì Trung Quốc bắt bớ và xử phạt rất nghiêm. Hơn nữa chi phí giờ đi được hàng tiểu ngạch tăng gấp nhiều lần và rủi ro rất lớn “, đại diện doanh nghiệp này tiết lộ với phóng viên.
Thị trường chủ lực của cá bống bớp ở huyện Nghĩa Hưng là xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc nay bị siết chặt.
Lý giải về điều này, ông Nguyễn Văn Sơn (khu 6, thị trấn Rạng Đông, huyện Nghĩa Hưng), chủ một doanh nghiệp chuyên xuất khẩu cá bống bớp sang thị trường Trung Quốc cho biết, có nhiều nguyên nhân khiến con cá bống bớp chưa thể thông quan chính ngạch sang Trung Quốc. Thứ nhất, cá bống bớp chưa nằm trong danh mục thủy sản xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Thứ hai, các lô sản phẩm nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc phải truy xuất được nguồn gốc xuất xứ (nuôi tại các vùng đã được cấp mã số). Thứ ba, phải tuân thủ quy cách đóng gói, tem nhãn, mã vạch theo yêu cầu của phía Trung Quốc. Thứ tư, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam phải được Trung Quốc chấp thuận.
Cũng theo ông Sơn, những năm trước, khi Trung Quốc chưa siết chặt hoạt động thương mại theo đường tiểu ngạch, mỗi ngày doanh nghiệp của ông xuất khoảng 2-3 tấn bống bớp cho đối tác nước bạn. Vậy nhưng, thời điểm này mỗi ngày ông chỉ xuất bán được khoảng 400-500kg chủ yếu là ở thị trường nội địa.
Hiện nay, rất nhiều hộ nuôi cá bống bớp ở huyện Nghĩa Hưng đã chuyển sang nuôi cá mú.
Trao đổi với phóng viên, ông Khương Văn Toàn, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nghĩa Hưng xác nhận và cho biết, hiện diện tích nuôi cá bống bớp của toàn huyện chỉ còn khoảng 200 ha, giảm gần một nửa so với trước đây. Nguyên nhân chính là do các doanh nghiệp thu mua, xuất khẩu cá bống bớp sang Trung Quốc gần như “đóng băng”. Điều này khiến đầu ra gặp khó nên giá cá bống bớp giảm sâu, các hộ nuôi không còn mặn mà với con cá bống bớp và chuyển sang nuôi các loại cá khác.
“Đầu ra của con cá bống bớp gặp khó do thị trường Trung Quốc đã có những yêu cầu nghiêm ngặt đối với các mặt hàng nhập khẩu, siết chặt việc nhập khẩu thương mại nông thủy sản qua đường tiểu ngạch. Trong khi đó nhiều doanh nghiệp thu thủy sản trên địa bàn huyện vốn quen với việc xuất khẩu qua đường tiểu ngạch nên các doanh nghiệp này hầu hết chưa đáp ứng quy định của thị trường Trung Quốc. Trước mắt, chính quyền, ngành chức năng khuyến khích các hộ nuôi trồng thủy sản đa dạng con nuôi…”, ông Khương Văn Toàn thông tin thêm.
Theo PHẠM ANH (Dân Việt)
Thâm nhập kho hàng "lộc trời" lớn nhất miền Bắc
Rươi được người dân Hải Dương gọi là "lộc trời", mỗi năm chỉ có 1 mùa, là thứ đặc sản đắt đỏ nhưng ai cũng mê.
Hơn 20 năm làm nghề buôn "lộc trời", chị Bùi Thị Oanh (Tứ Kỳ - Hải Dương) được ví như bà chủ thua mua rươi lớn nhất miền Bắc. "Tuỳ theo từng thời điểm, nhưng thời điểm ít nhất trong kho hàng chứa khoảng 10 tấn" - chị Oanh cho biết.
Rươi không chỉ được thu mua từ các xã thuộc huyện nhà mà "bà chủ lộc trời" này còn thu mua khắp các tỉnh thành như: Thanh Hoá, Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng....
Chị Oanh cho biết: Rươi vào vụ chỉ có ít ngày trong các tháng 9, tháng 10 hàng năm. Đây là thời điểm thu mua về và xuất đi các tỉnh thành trong nước và Trung Quốc nhiều nhất. Phần còn lại thì sơ chế, bảo quản, tích trữ để duy trì mặt hàng đi quanh năm.
Theo bật mí của bà chủ "lộc trời" này, vào vụ chính, mỗi ngày chị xuất đi thị trường trong nước chừng 7-8 tấn. "Riêng thị trường Trung Quốc thì lớn hơn, ngày nhiều có khi đến 15-17 tấn, tuỳ thuộc vào phía đối tác nhập nhiều hay ít".
Rươi được thu mua ngay tại bờ của các chủ ruộng, sau đó đưa về kho để bảo quản.
"Giá thu mua ngay tại ruộng rươi dao động từ 400.000 - 450.000/1kg tuỳ theo loại rươi đẹp hay xấu, to hay nhỏ. Sau đó đưa về bảo quản tại nhà trước khi xuất ra thị trường".
Nói về cách bảo quản để rươi luôn được tươi sống, khoẻ mạnh trước khi xuất đi, chị Oanh cho biết: Rươi sống dưới đất, ở nền nhiệt độ mát nên khi thu gom về, công việc giữ nhiệt cho rươi khá cầu kỳ.
"Để rươi luôn tươi sống, trước khi đưa vào các ngăn xốp cần phải tắm qua nước mát. Sau đó chia ra mỗi ngăn xuống từ 2,5 - 4 kg/ hộp, thêm nước lạnh khoảng 7-8 độ, kèm theo đó là ngăn đá bên trên" - chị Oanh nói.
Người làm rươi gọi việc giữ nhiệt cho rươi là "ru ngủ" bởi khi rươi ngủ ngoài việc giữ cho rươi được tươi, khoẻ còn không bị giảm lượng dinh dưỡng trong cơ thể chúng.
Tuy thị trường Trung Quốc thu gom rất nhiều, nhưng theo chia sẻ của chị Oanh, đến thời điểm hiện tại các đầu mối như chị chỉ xuất đi bằng đường tiểu ngạch, phụ thuộc vào tiểu thương phía đối tác.
Cũng chính bởi thiếu tính pháp lý nên việc ép giá, phá giá hay số lượng hàng được xuất đi gặp rất nhiều khó khăn. "Mới vào đầu vụ, giá thu mua phía Trung Quốc khá cao, tuy nhiên vào chính vụ, họ ép giá xuống thấp hoạc dừng thu mua mình sẽ thiệt thòi trăm bề".
Hiện tại, thị trường trong nước tiêu thụ không nhiều, tuy nhiên theo tìm hiểu của phóng viên, hiện giá rươi loại 1 ở Hà Nội dao động từ 800.000 đến 900.000/1kg.
Anh Đỗ Hoàng Việt, quê Hải Dương cho biết, năm nào cũng vậy, cứ đến mùa rươi là anh lại lái xe từ Hà Nội về để mua rươi làm quà biếu cho bạn bè.
Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Văn Tân, một chủ ruộng rươi ở Tứ Kỳ cho biết: Người làm rươi chúng tôi phần lớn học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước, từ bản thân chứ không theo khoa học kỹ thuật nào.
"Chúng tôi rất cần những chuyên gia, những nhà khoa học và đặc biệt một đầu ra ổn định để phát triển kinh tế về sản phẩm "lộc trời cho" này" - ông Tân bày tỏ.
Mùa rươi đang vào chính vụ, những ruộng rươi vàng ruộm đang về và mong muốn của những người nông dân nơi đây vẫn cánh cánh hàng đêm: rươi không bị ép giá, bị các thương lái ngừng thu mua...
Theo Dân Việt
Ồ ạt tăng đàn, người nuôi gia cầm lỗ nặng Khi dịch tả heo châu Phi bùng phát, giá heo và sức mua mặt hàng này giảm sút, giới chăn nuôi lao vào tăng mạnh đàn gà, vịt dẫn đến cung vượt cầu Lúc dịch tả heo châu Phi lan rộng, khi giới chăn nuôi quay lưng với con heo, các cơ quan quản lý cũng khuyên người tiêu dùng chọn loại thịt...