Nam Định: Cám cảnh nuôi cá mú đặc sản, con nào cũng to vẫn phải nằm ao bởi không ai mua
Cá mú đặc sản liên tục rớt giá, khiến nhiều hộ nuôi loài cá đặc sản này ở ven biển huyện Nghĩa Hưng (tỉnh Nam Định) đứng trước nguy cơ thua lỗ nặng. Không bán được cá mú, nhiều hộ đành bấm bụng nuôi báo cô với nổi lo mỗi ngày.
Cá đặc sản bán không có người mua
Phóng viên báo điện tử DANVIET.VN có mặt tại vùng nuôi cá mú của huyện Nghĩa Hưng (Nam Định). Diện tích nuôi loài cá mú ở đây hiện lên tới hàng ngàn ha. Đi đến đâu, chúng tôi cũng nghe người nuôi cá mú than vãn vì gọi mối lái đến bán không có ai mua, trên khuôn mặt ai cũng hiện rõ vẻ lo âu.
Những con cá mú nuôi ở huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định dân nuôi đã to lắm rồi mà bán không được, đành vẫn phải để nằm im trong ao và tiếp tục phải bỏ tiền ra mua thức ăn, công chăm sóc…
Bà con nông dân nuôi cá mú đặc sản ở huyện Nghĩa Hưng (tỉnh Nam Định) cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến giá cá liên tục giảm sâu.
Hiện giá bán cá mú đã chạm đáy nhưng cũng không có người mua. Để giảm thiểu thu lỗ, bà con chỉ còn cách cho cá mú ăn cầm chừng đợi người đến mua. Ai cũng sốt ruột chờ đợi thương lái và chỉ mong đàn cá không lăn ra chết.
Hơn 3 tháng nay, gia đình anh Trần Minh Trình (ở xã Nghĩa Hải, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định) chạy ngược chạy xuôi tìm đầu ra cho đàn cá mú nuôi trong dầm. Nhưng gọi bao nhiêu cuộc điện thoại, kết nối với bao nhiêu thương lái kết quả nhận lại vẫn chỉ là những cái lắc đầu.
Hơn 2 tấn cá mú của gia đình anh Trình đã quá lứa vẫn phải nằm dưới ao. Không bán được, hàng ngày đàn cá vẫn ngốn một khoản chi phí thức ăn lớn, hiện tại vốn liếng gia đình anh cạn kiệt vì đàn cá.
Dù giá cá mú đã chạm đáy nhưng anh Trình, xã Nghĩa Hải, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định vẫn chưa thể nào bán hết 2 tấn cá đã quá lứa của gia đình mình.
Anh Trình ngậm ngùi cho biết, trước đây, giá cá mú luôn giữ ở mức ổn định. Có thời điểm giá cá mú lên tới 260.000 đồng/kg. Nhưng từ khi xuất hiện dịch Covid -19, giá cá mú giảm còn 150.000 đồng/kg, sau đó giảm còn dưới 120.000 đồng/kg. Giá bán cá mú thấp “sập sàn” là vậy nhưng cũng chẳng có ai mua.
“Để giảm thiểu thu lỗ, tôi cũng gọi một số mối thân quen để bán nhưng ai cũng lắc đầu không mua, suốt ruột tôi tìm đến một số mối khác nhưng cũng trong tình trạng tương tự. “Con Covid” nó làm dân nuôi cá đặc sản chúng tôi khốn khổ…”, anh Trình buồn bã nói.
Người nuôi cá mú đối diện nguy cơ thua lỗ nặng
Theo anh Trình, với giá bán cá mú 115.000 đồng/kg như hiện tại thì người nuôi cá mú như anh thua lỗ nặng. Chưa kể cá không bán được, mất thêm chi phí thức ăn hàng ngày, nuôi càng kéo dài thì người nuôi càng lỗ thêm.
Video đang HOT
“Nếu như trước kia ngày nào tôi cũng đi mua cá mồi về cho cá mú ăn thì bây giờ 2 ngày tôi mới cho cá mú ăn một lần. Gọi là cho ăn vậy nhưng thực chất là cho cá mú ăn cầm hơi thôi, chờ người đến mua. Nếu mà cho cá mú ăn thả ga thì người nuôi chúng tôi chỉ còn mức bán nhà”, anh Trình ngậm ngùi nói.
May mắn hơn, anh Trần Văn Hưởng ở khu 5, thị trấn Rạng Đông, huyện Nghĩa Hưng (Nam Định) đã xuất bán được hơn 4 tấn cá mú đợt trước và sau Tết với giá 155.000 đồng/kg. Hiện dưới ao nhà anh còn hơn 3 tấn cá mú cũng đến tuổi xuất bán, ngày nào anh cũng suốt ruột nghe ngóng giá cả.
Theo nhiều nông dân nuôi cá mú đặc sản ở huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định, trong lịch sử, chưa bao giờ giá cá mú giảm xuống dưới mức 120 ngàn đồng/kg.
Theo anh Hưởng, giá thành sản xuất 1kg cá mú thương phẩm hết khoảng 150.000 đồng, nuôi gần 2 năm mới được thu hoạch. Mà giá bán cá mú thấp hơn giá thành rất nhiều như này thì mỗi tấn cá bán ra người nuôi lỗ cả mấy chục triệu đồng. Nuôi cá vừa vất vả lại bị lỗ, năm nay là một năm quá buồn với người nuôi cá.
“Các năm trước cũng có thời điểm giá cá mú rớt xuống thấp, nhưng vẫn duy trì ở mức trên 170.000 đồng/kg trong thời gian ngắn rồi lại tăng mạnh và giữ ở mức ổn định trên 200.000 đồng/kg. Nhưng từ đầu năm đến nay, giá cá mú giảm kỷ lục và khó bán. Nếu cứ đà này thì người nuôi cá như chúng tôi thua lỗ nặng nề”, anh Hưởng thở dài than với phóng viên.
Ông Hoàng Văn Tuynh, chủ một cơ sở chuyên thu mua cá mú ở huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định cho biết, hiện tại do dịch Covid-19 nên sức tiêu thụ cá mú của thị trường rất hạn chế, lượng cá mú ông thu mua và bán ra giảm hơn 60% so với trước dịch.
Nhiều hộ nuôi cá mú ở huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định đang lo lắng, lúng túng không biết xử lý thế nào đối với đàn cá mú nuôi đã quá lứa, con nào cũng to bự…
“Tình hình do dịch Covid-19 nên mỗi ngày cơ sở của tôi chỉ cung cấp cho thị trường Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh… cũng chỉ được 1-2 tạ cá mú, ngày nào nhiều cũng chỉ tầm 4-5 tạ. Hiện sức mua cá mú cũng rất hạn chế. Thay vì mua hết cả ao cá mú cho bà con như trước, đợt này thương lái chúng tôi chỉ mua từng ít một. Mà dịch giã thế, người nuôi cá thua lỗ, chúng tôi buôn bán ế ẩm cũng chẳng sung sướng gì”, ông Tuynh chia sẻ.
Lý giải về giá cá mú rớt thê thảm, ông Tuynh cho hay, hiện nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19 (virus corona chủng mới), khách sạn, các nhà hàng, quán nhậu, quán ăn… đang dừng hoạt động hoặc không có khách là nguyên nhân chính khiến giá cá mú đầu ra gặp khó, mặc dù giá cá mú chạm đáy chỉ còn 115.000 đồng/kg.
Niềm tự hào trái cây Hà Tĩnh- bưởi Phúc Trạch rớt giá thê thảm
Giá bưởi Phúc Trạch, một đạc sản quý và là sản phẩm chủ lực của nông nghiệp huyện miền núi Hương Khê (Hà Tĩnh) đang rớt giá thảm hại khiến người dân thiệt đơn thiệt kép.
Giá bưởi giảm hơn một nửa
Ông Trần Quốc Khánh - Chủ tịch UBND xã Phúc Trạch, một trong những xã có diện tích trồng giống bưởi Phúc Trạch lớn nhất của huyện Hương Khê buồn bã cho biết, chưa bao giờ bưởi Phúc Trạch xuống giá thấp nhất như năm nay.
Theo ông Khánh, dù thời tiết năm nay diễn biến có phần tiêu cực, nắng gắt kéo dài, tuy nhiên bưởi vẫn đậu quả nhiều, sản lượng cao hơn. Niềm vui được mùa bưởi đã không diễn ra khi giá bưởi giảm sâu.
Theo đó, trong khi những năm trước, giá bán sỉ bưởi tại vườn dao động từ khoảng 40.000-60.000 đồng/quả, cao điểm có những năm đạt từ 120.000 - 140.000 đồng/quả, nhưng năm nay bưởi bán sỉ tại vườn giảm xuống chỉ còn khoảng 30.000 - 35.000 đồng/quả.
Từ mức giá cao nhất 120.000 đồng/quả tại gốc, bưởi Phúc Trạch hiện giảm xuống chỉ còn 30.000 đồng/quả.
Theo ông Trần Đình Lâm, Bí thư Đảng ủy xã Lộc Yên, giá bưởi năm nay rớt rất sâu, chỉ còn từ 25.000 - 30.000 đồng/quả. Với giá này thì 1.600 hộ trồng bưởi với diện tích khoảng 270ha của xã sẽ chịu thiệt hại rất nặng nề.
"Năm 2019, người dân toàn xã có nguồn thu trên 50 tỷ đồng từ bưởi Phúc Trạch. Tuy nhiên, năm nay tổng thu sẽ chỉ đạt khoảng 25 tỷ đồng, giảm 50%. Chưa bao giờ người trồng bưởi thất thu nặng như vụ bưởi năm nay"- ông Lâm buồn bã nói.
Nỗi buồn thất bát vụ bưởi thể hiện rõ trên khuôn mặt của ông Nguyễn Xuân Chinh, trú ở thôn Yên Bình, xã Lộc Yên. Năm 2019, vườn bưởi đã mang lại nguồn thu cho gia đình ông Chinh hơn 100 triệu đồng. Năm nay vụ bưởi kết thúc, ông Chinh chỉ thu được 50 triệu đồng.
"Năm trước giá bán đạt gần 40.000 đồng/quả tận gốc, nhưng năm nay giá chỉ còn 20.000 đồng, cao nhất là 25.000 đồng/quả. Giá thấp đã đành, thương lái đến thu mua con chê ỏng chê ẻo"- ông Chinh buồn bã nói.
Người trồng bưởi Phúc Trạch vào mùa.
Còn chị Nguyễn Thị Phượng (trú xóm 8, cùng xã Lộc Yên) cho biết, hơn 20 năm nay chị làm nghề bán bưởi đặc sản nhưng chưa thấy năm nào giá bưởi giảm sâu như năm nay.
"Mỗi năm bán giá sỉ từ 40.000 đồng đến 60.000 đồng/quả. Giá bán lẻ có năm lên tới từ 100.000 đồng đến 150.000 đồng/quả. Nhưng năm nay giá bưởi rớt sâu, có quả bán được từ 6.000 đồng, cao nhất là 30.000 đồng/quả, giá sỉ", chị Phượng nói.
Ông Lê Quang Vinh, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Hương Khê cho biết, năm nay sản lượng bưởi Phúc Trạch cao hơn năm ngoái, ước tính đạt 21.000 tấn (năm 2019 đạt hơn 12.000 tấn).
"Năm nay bưởi đậu quả nhiều, sản lượng cao hơn nhưng giá bưởi lại rớt do dịch bệnh. Hằng năm bưởi mua tại vườn có giá sỉ khoảng 40.000 đồng/quả, có những năm bán lẻ 120.000 đồng/quả. Năm nay giảm xuống chỉ còn trung bình khoảng 30.000 đồng"- ông Vinh thông tin.
Theo ông Vinh và lãnh đạo các xã, việc giá bưởi giảm sâu khiến người trồng bưởi sẽ gặp rất nhiều khó khăn bởi chi phí đầu tư, nhất là chi phí cho chống đợt nắng hạn kéo dài vừa qua rất cao. Nhiều hộ đầu tư đến hàng chục triệu đồng thiết bị, máy móc để chống nắng hạn.
Đâu là nguyên nhân?
Theo các cơ quan chức trách tại huyện Hương Khê, có 3 nguyên nhân khiến đặc sản bưởi Phúc Trạch giảm giá sâu, gây thất thu nặng nề.
Đầu tiên là tác động rất lớn từ dịch bệnh. Đại dịch Covid-19 khiến một bộ phận lớn tiểu thương, hay du khách hạn chế đi lại, không còn tìm đến địa bàn để thu mua bưởi. "Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên bưởi được tiêu thụ ít hơn, đặc biệt là những khó khăn trong công tác vận chuyển", ông Lê Quang Vinh nói.
Theo chính quyền xã Lộc Yên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên tiểu thương đến tận vườn thu mua bưởi như thế này đã giảm rất nhiều.
Thực tế, hiện việc thu mua bưởi tại vườn, đặc biệt "chợ bưởi" tại khu vực Ga Hương Phố (thị trấn Hương Khê) - một đầu mối quan trọng đưa bưởi đi khắp cả nước - cũng kém sôi động hẳn so với mọi năm.
Tiếp đến, đó là bưởi Phúc Trạch chính gốc tiếp tục bị "bưởi Phúc Trạch nhái" trà trộn, gây thiệt hại nặng nề.
Ông Trần Đình Lâm - Bí thư Đảng ủy xã Lộc Yên cho hay: "Hiện nay một lượng lớn bưởi từ các địa phương khác, thậm chí từ miền xuôi chở ngược lên trà trộn, ăn theo thương hiệu bưởi Phúc Trạch. Giá rẻ, chỉ mười mấy ngàn/quả, khiến giá bưởi Phúc Trạch chính gốc cũng buộc phải giảm theo nếu không muốn chịu cảnh ế ẩm, đổ bỏ".
Cơ quan chức trách tại Hương Khê phản ánh, bưởi Phúc Trạch chính gốc bị "bưởi Phúc Trạch nhái" trà trộn tại chợ bưởi tự phát gây thiệt hại nặng nề cho bà con.
Ông Lê Quang Vinh cũng thừa nhận một thực trạng khiến cơ quan chức trách tại huyện Hương Khê rất đau đầu, đó là bưởi từ vùng khác đưa lên trà trộn, ăn theo thương hiệu bưởi Phúc Trạch.
"Cứ hình dung toàn tỉnh có 2.400 hecta bưởi, trong đó có 1.900 hecta cho quả, thì bưởi Phúc Trạch chỉ đạt một nửa trong số này, còn lại được trồng từ vùng khác. Việc chợ bưởi tự phát, bưởi nhiều nơi trà trộn không chỉ gây thiệt hại cho người trồng bưởi Phúc Trạch, mà còn gây không ít khó khăn cho việc bảo vệ thương hiệu thứ quả đặc sản này", ông Vinh nói.
Giải pháp mà ông Vinh nêu ra là thời gian tới cơ quan chức trách của huyện và chính quyền địa phương sẽ hỗ trợ người trồng bưởi Phúc Trạch dán tem nhãn, tem truy xuất chỉ dẫn địa lý để người tiêu dùng dễ dàng phân biệt.
Và nguyên nhân cuối cùng là tình trạng người dân thu hoạch vội do lo sợ thời tiết mưa bão có thể xẩy ra. Ông Trần Đình Lâm - Bí thư Đảng ủy xã Lộc Yên cho hay, dù chính quyền địa phương đã có khuyến cáo người dân bình tĩnh, chọn đúng thời điểm để thu hoạch bưởi nhằm đạt giá bán cao nhất. Tuy nhiên khuyến cáo ấy đã không ngăn được bà con thu hoạch bưởi sớm.
"Do lo ngại thời tiết mưa bão nên một bộ phận lớn bà con cho thu hoạch sớm, hộ này thu hoạch tác động đến hộ kia. Chưa chính vụ nên tiểu thương áp giá, bưởi bán không được giá cũng là điều dễ hiểu"- ông Lâm phân tích thêm.
Nam Định: Nuôi ếch nhảy bộp bộp, la liệt con to, con nhỏ, 9X bỏ túi gần nửa tỷ mỗi năm Sau 5 năm gắn bó với nghề nuôi ếch, đến nay anh Trần Văn Quân (29 tuổi) ở đội 7, xã Nghĩa Hùng, huyện Nghĩa Hưng (Nam Định) đã có trong tay một cơ sở chuyên nuôi ếch giống và nuôi ếch thịt quy mô lớn, mỗi năm cho doanh thu hàng tỷ đồng. Học xong cấp 2, Quân theo bố làm nghề...