Năm câu hỏi phổ biến khi du học thạc sĩ tại Anh
Trần Mỹ Ngọc, 22 tuổi, đang học thạc sĩ tại Đại học Oxford (trường top 1 thế giới theo THE 2021), giải đáp năm câu hỏi phổ biến khi du học Anh.
Ngọc quê Hải Phòng, là cựu sinh viên Đại học Melbourne, trường top 1 tại Australia. Sau khi giành 11 học bổng thạc sĩ tại 7 đại học tại Vương quốc Anh, tháng 9/2020, Ngọc nhập học Đại học Oxford, được hỗ trợ 25% học phí.
Khi nào cần học thạc sĩ?
Nhiều bạn muốn học thạc sĩ ngay sau khi tốt nghiệp đại học, người khác lại muốn có vài năm kinh nghiệm trước khi nghiên cứu. Mỗi người có lộ trình riêng, nhưng cần dựa vào ngành học mình chọn và yêu cầu của nó.
Chẳng hạn, mình học ngành Ngôn ngữ, liên quan trực tiếp đến ngôn ngữ và giảng dạy nên kiến thức lý thuyết rất quan trọng. Mình cần nắm chắc lý thuyết trước khi thực hành nên đã quyết định học thạc sĩ ngay sau khi tốt nghiệp cử nhân.
Tuy nhiên, một số ngành đòi hỏi kinh nghiệm cao như kỹ sư, thiết kế… cần nhiều kinh nghiệm thực tiễn trước khi học tiếp lý thuyết. Những người muốn theo đuổi các ngành này nên đi làm 4-5 năm trước khi quay trở lại học tập, nghiên cứu. Khi đó, lý thuyết học được sẽ giúp người học mở mang và hiểu biết chuyên sâu hơn.
Mỹ Ngọc tại Đại học Oxford, tháng 10/2020. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Master of Coursework hay Master of Philosophy?
Khi quyết định học thạc sĩ, nhiều bạn phân vân lựa chọn Coureswork hay Philosophy. Đây là hai khóa học chính, có tính chất khác nhau tương đối rõ rệt.
Với Master of Coursework, bạn sẽ được học với giáo sư, người hướng dẫn. Những thầy cô này sẽ “cầm tay chỉ việc” khi bạn làm bài luận tốt nghiệp. Nếu chọn khóa học này, bạn sẽ được thực hành khá nhiều, dù ngành học nghiêng về lý thuyết nhiều hơn như Ngôn ngữ của mình. Sau một năm, khóa học Coursework có thể giúp bạn tạo ra được một sản phẩm, công trình mang dấu ấn cá nhân.
Còn Master of Philosophy lại nghiêng về nghiên cứu. Bạn nên chọn loại này nếu muốn học lên tiến sĩ, muốn dùng một năm học thạc sĩ để chọn đề tài theo đuổi trong bốn năm tiếp theo.
Nên chọn trường nào để học thạc sĩ?
Mình đã chia ra ba nhóm tiêu chí chính trong việc chọn trường. Thứ nhất là về thế mạnh của trường. Bạn cần xác định trường đó có thế mạnh về ngành bạn định theo đuổi hay không. Chẳng hạn, mình dành bốn năm học cử nhân tại Đại học Melbourne, trường rất nổi tiếng về y khoa, giáo dục. Nếu bạn muốn học thiết kế, RMIT là lựa chọn tốt hơn.
Khi tốt nghiệp, khả năng xin việc của bạn còn phụ thuộc vào điểm số, kinh nghiệm và nhiều yếu tốt khác, nhưng nếu đặt mọi thứ ngang bằng, những bạn tốt nghiệp ngành thiết kế của RMIT sẽ được đánh giá cao hơn Melbourne. Trước khi chọn trường, bạn cần tham khảo bảng xếp hạng, tập trung vào tiêu chí ngành nghề, tránh chỉ nhìn vào đánh giá chung vì mỗi trường sẽ có thế mạnh khác nhau.
Thứ hai là ngành học và học phí . Khi mình nghiên cứu các khóa học về ngôn ngữ, một số trường ngoài cho học bổng còn cung cấp cấu trúc khóa học. Mình rất thích làm việc nên muốn có thể vừa làm vừa học. Dựa vào cấu trúc, mình có thể biết khóa học nào phù hợp với lịch trình cá nhân và chủ động sắp xếp thời gian.
Khi nhận được đề nghị học bổng của Oxford, mình thấy trường không yêu cầu học nhiều lý thuyết, cho phép mình đặt lịch gặp với người hướng dẫn khi nào mình sắp xếp được thời gian chứ không lên sẵn lịch. Mình cảm thấy có thể chủ động thời gian nên rất ưng ý với những đề nghị này.
Ngoài ra, học phí cũng là yếu tố bạn nên cân nhắc vì liên quan trực tiếp tới học bổng. Nhiều trường học phí cao nhưng cho học bổng lớn, ngược lại trường học phí vừa phải lại ít học bổng. Để lựa chọn tiêu chí phù hợp, bạn nên căn cứ vào những yếu tố mình đề cập phía trên và khả năng tài chính của gia đình.
Video đang HOT
Thứ ba là sự hỗ trợ của trường (students support) . Khi mình nhận học bổng của Oxford, kỳ học đúng ra năm sau mới bắt đầu. Tuy nhiên, mình quyết định nhập học năm nay vì trường hỗ trợ quá tốt. Thay vì chỉ có một người hướng dẫn, trường cho hai giảng viên giúp đỡ tại hai lĩnh vực mình quan tâm là công nghệ và giáo dục vì biết du học sinh đang gặp khó khăn. Mình thấy sự hỗ trợ này không phải lúc nào và không phải ai cũng có nên đã quyết định nắm bắt cơ hội này.
Ngoài ra, gói hỗ trợ của trường còn cung cấp nhiều yếu tố khác như tổ chức nhiều sự kiện để sinh viên chuẩn bị trước khi sang trường. Thời điểm chuẩn bị nhập học, mình gần như phải họp với khoa và trường mỗi ngày. Mình nghĩ đây là cách kết nối rất tốt và trường rất quan tâm đến sinh viên nên đã lựa chọn Oxford.
Mỹ Ngọc tại thành phố Edinburgh, Vương quốc Anh, năm 2018. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Cần chuẩn bị gì cho hồ sơ?
Các đại học tại Anh yêu cầu bộ hồ sơ gồm năm yếu tố chính. Tuy nhiên, mình sẽ chia thành hai mảng là chuẩn bị lâu dài và ngắn hạn để giúp các bạn dễ hình dung.
Về lâu dài, bạn cần chuẩn bị GPA (điểm trung bình học tập) và thư giới thiệu. Điểm số đạt được trong bốn năm đại học không thể có trong ngày một, ngày hai nên nếu dự định du học, bạn nên chú ý học từ sớm. GPA cao giúp bạn giành học bổng giá trị lớn. Thư giới thiệu từ thầy cô bạn cũng không thể tự quyết về mặt thời gian. Mình từng phải đợi thư giới thiệu từ trưởng khoa của Melbourne khá lâu nên để không lỡ kỳ apply, bạn cần chủ động trong việc này từ sớm.
Bên cạnh đó, trong khoảng 2-6 tháng trước khi quyết định du học, bạn cần chuẩn bị bài luận, chủ đề sẽ nghiên cứu trong một năm học thạc sĩ và sample. Với sample, bạn có thể nộp một bài luận từng được điểm cao hoặc một nghiên cứu đã được xuất bản, nhìn chung là thứ để hội đồng thấy bạn từng hoàn thành một nghiên cứu cụ thể. Việc này cho thấy bạn có khả năng thực hiện nghiên cứu ở trường mà không cần quá nhiều sự trợ giúp vì thầy cô sẽ không muốn nhận một người lơ mơ, không biết gì về nghiên cứu.
Đi theo đam mê hay ngành học phổ biến?
Nhiều đàn em khóa dưới đã hỏi mình câu hỏi này và mình cho rằng chúng ta không cần lựa chọn giữa ngành yêu thích với tương lai bản thân. Hiện nay, mọi ngành học đều có sự giao thoa, liên quan lẫn nhau.
Mình là giáo viên nhưng không chỉ đi dạy, về nhà, chuẩn bị giáo án. Ngoài thời gian đó, mình chuẩn bị và chia sẻ tài liệu trên nền tảng mạng xã hội và các kênh truyền thông. Trở thành giáo viên hay bất cứ ngành nghề nào không có nghĩa bạn phải từ bỏ kiến thức và kinh nghiệm ở lĩnh vực khác.
Mình luôn nghĩ nên có đam mê và theo đuổi nó, trở thành cá nhân ưu tú trong cộng đồng thì sớm muộn bạn sẽ tìm được chỗ đứng, có công việc đem lại thu nhập tốt.
Giáo sư Marco Abbiati thông tin về hệ thống giáo dục, văn bằng của Italy
Luật hiện hành ở Italy rất chặt chẽ, mỗi khóa đào tạo Cử nhân hay Thạc sĩ đều được định danh bằng một mã số với số tín chỉ tương ứng là 180 và 120.
Dự án Recoasia là dự án Erasmus KA2 nâng cao năng lực nhằm hỗ trợ và thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực công nhận chứng chỉ, văn bằng quốc gia giữa các cơ sở giáo dục đại học và Trung tâm NARIC của Châu Á với các nước thuộc Châu Âu. Tham gia dự án có 5 đối tác Châu Âu và 15 đối tác Châu Á (Việt Nam, Thái Lan, Mông Cổ, Campuchia, Srilanka) trong số đó bao gồm Trường Đại học Hà Nội.
Nhóm nghiên cứu thuộc dự án Erasmus RecoAsia đã tiến hành phỏng vấn Giáo sư Marco Abbiati - Giảng viên Đại học Tổng hợp Bologna (trường đại học đầu tiên của châu Âu) và hiện đang là Tùy viên khoa học tại Đại sứ quán Italy ở Hà Nội - về một số vấn đề thuộc dự án có liên quan đến hệ thống giáo dục đại học và văn bằng của Italy nói riêng và của các nước EU nói chung.
Giáo sư Marco Abbiati. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Xin chào Giáo sư.
Giáo sư Marco Abbiati : Vâng, xin chào các bạn đồng nghiệp ở Trường Đại học Hà Nội.
Như Giáo sư đã biết, trước đây thị trường các nước nói tiếng Anh là lựa chọn số một cho sinh viên du học ở các bậc đào tạo khác nhau nhưng trong mười năm trở lại đây, du học ở các nước EU nói chung và Italy nói riêng đã trở nên phổ biến hơn.
Để thị trường EU và Italy hấp dẫn hơn với người học, chúng tôi thấy cần giới thiệu rõ hơn về hệ thống giáo dục đại học của các nước trong Khu vực Giáo dục đại học châu Âu. Chúng tôi hy vọng trong nhiệm kỳ lần này ở Việt Nam, Ngài có thể cung cấp cho chúng tôi nhiều thông tin bổ ích. Chúng tôi xin phép được bắt đầu với hệ thống giáo dục đại học của Italy.
Hệ thống giáo dục đại học của Italy có những khóa học cấp bằng nào và các loại bằng đó là gì, thưa Giáo sư?
Giáo sư Marco Abbiati: Trước đây hệ thống giáo dục đại học của Italy có hai khóa đào tạo cấp bằng là Diploma Universitario (thời gian đào tạo 2-3 năm) và Diploma di Laurea (thời gian đào tạo 4-6 năm). Hiện nay, những văn bằng này được gọi là văn bằng theo hệ giáo dục đại học cũ. Kể từ khi tham gia Tiến trình Bologna (1999), hệ thống giáo dục đại học của Italy được chia thành 3 chu kỳ/giai đoạn:
- Giai đoạn 1: Laurea Triennale - Đại học (kéo dài 3 năm): 180 ECTS (tín chỉ châu Âu)
- Giai đoạn 2: Laurea Magistrale - Thạc sĩ (kéo dài 2 năm): 120 ECTS
- Giai đoạn 3: Dottorato di Ricerca - Tiến sĩ (kéo dài ít nhất 3 năm)
Người học sau khi hoàn thành chương trình của giai đoạn 1 sẽ được cấp Bằng Đại học (Laurea) và được công nhận học vị Cử nhân (Dottore), hoàn thành giai đoạn 2 sẽ được cấp Bằng Thạc sĩ (Laurea Magistrale/ Laurea Specialistica/ Laurea a Ciclo Unico) và được công nhận học vị Thạc sĩ (Dottore Magistrale).
Bên cạnh đó, còn có một loại văn bằng thứ ba (kết hợp cả Laurea Triennale và Laurea Magistrale) mang tên Laurea a Ciclo Unico, chỉ áp dụng cho một số ngành như Y, Dược, Luật, Kiến trúc, với tổng thời lượng 300 ECTS và kéo dài 5 năm liên tục sau khi tốt nghiệp phổ thông.
Sau khi hoàn thành giai đoạn 2, người học có thể tiếp tục giai đoạn 3 và hoàn thành giai đoạn này sẽ được cấp Bằng Tiến sĩ (Dottorato di Ricerca) và được công nhận học vị Tiến sĩ (Dottore di Ricerca).
Giáo sư Marco Abbiati chụp ảnh lưu niệm với giáo viên và sinh viên của Trung tâm Ngôn ngữ văn hóa Italia và Phát triển hợp tác - Trường Đại học Hà Nội. Ảnh: Trung tâm Ngôn ngữ văn hóa Italia cung cấp
Trong quá trình triển khai dự án RecoAsia, chúng tôi thấy có nhiều loại văn bằng khác nhau như Diploma di Master universitario di I livello (MUI), Diploma di Master universitario di II livello (MUII), Diploma di Specializzazione. Vậy Ngài có thể giải thích rõ sự khác biệt giữa những văn bằng này?
Giáo sư Marco Abbiati : Ngoài 3 khóa học cấp bằng chính thức như tôi vừa đề cập, các trường đại học ở Italy còn tổ chức một số lượng có hạn các khóa đào tạo nâng cao kiến thức chuyên ngành.
Để mở một khóa đào tạo cấp bằng, các cơ sở giáo dục đại học phải được CUN - Hội đồng giáo dục đại học quốc gia Italy - và Bộ Giáo dục đại học và Nghiên cứu Italy thông qua, cấp mã ngành và chịu kiểm định quốc gia định kỳ.
Một góc trường đại học Bologna. Ảnh: Trung tâm Ngôn ngữ văn hóa Italia cung cấp
Các trường đại học có thể mở các khóa đào tạo khác nhằm bồi dưỡng kiến thức chuyên ngành nhưng chứng chỉ của những khóa học này không tương đương với bất cứ văn bằng nào. Master Universitario là một ví dụ.
Đây là chứng chỉ của những khóa học định hướng nghề do các trường đại học tự mở (hoặc liên kết với doanh nghiệp) và tự chịu trách nhiệm về chương trình đào tạo.
Những khóa học này có thời gian đào tạo từ một đến vài năm, do cơ sở đào tạo tự kiểm tra chất lượng, mà không chịu sự kiểm định quốc gia. Master Universitario gồm hai loại: MUI (điều kiện đầu vào là bằng Đại học - Laurea Triennale), và MUII (điều kiện đầu vào thường là bằng Thạc sĩ- Laurea Magistrale).
Sau khi hoàn thành những khóa học này, người học được cấp chứng chỉ gọi là Diploma di Master nhưng không được công nhận bất kỳ học vị nào. MUI không tương đương với bằng Thạc sĩ và không thể là điều kiện để học lên giai đoạn cao hơn, dù nằm ở chu kỳ 2 và khung trình độ 7.
Tương tự như vậy, dù nằm ở chu kỳ 3 và khung trình độ 8 nhưng MUII không tương đương với bằng Tiến sĩ và chỉ được xem như một khóa học bổ trợ, cung cấp cho người học thêm kiến thức chuyên ngành.
Như vậy ở đây có sự hiểu lầm với thuật ngữ "Master" trong hệ thống giáo dục của các nước nói tiếng Anh. Vậy làm thế nào để không bị nhầm lẫn khi công nhận văn bằng, đặc biệt với những văn bằng trong hệ thống giáo dục của Italy có sử dụng từ này?
Giáo sư Marco Abbiati : Nhầm lẫn chỉ có thể xảy ra trong quá trình dịch văn bằng. Luật hiện hành ở Italy rất chặt chẽ, mỗi khóa đào tạo Cử nhân hay Thạc sĩ đều được định danh bằng một mã số với số tín chỉ tương ứng là 180 và 120. MUI và MUII không được cấp mã ngành đào tạo và thường có số tín chỉ không cố định.
Trên trang web của các cơ sở giáo dục đại học đều có thông tin mô tả rõ về khóa học, thời gian đào tạo, hình thức đào tạo, yêu cầu đầu vào, văn bằng được cấp, thậm chí cả phụ lục văn bằng. Tất cả các khóa đào tạo Cử nhân - Laurea Triennale của Italy đều có mã ngành bắt đầu bằng chữ L (ví dụ CLASSE L01: Cử nhân về Di sản văn hóa) trong khi khóa đào tạo Thạc sĩ - Laurea Magistrale có mã ngành là LM (ví dụ CLASSE LM49 - Thạc sĩ về Quản lý hệ thống du lịch văn hóa).
Thưa Giáo sư, vậy MUII và Diploma di Specializzazione giống nhau và khác nhau ở điểm nào và có tương đương với bằng Tiến sĩ hay không?
Giáo sư Marco Abbiati: Điểm giống nhau là ba khóa đào tạo này đều ở chu kỳ 3, khung trình độ 8, với điều kiện đầu vào là bằng Thạc sĩ - Laurea Magistrale. Tuy nhiên MUII và Diploma di Specializzazione chỉ là chứng chỉ đào tạo theo định hướng nghề, không hề tương đương với bằng Tiến sĩ - Dottorato di Ricerca.
Ngoài ra, khóa đào tạo cấp Diploma di Specializzazione là do các trường đào tạo chuyên ngành (trực thuộc các trường đại học) tổ chức và chỉ mở cho các ngành như Y, Kiến trúc, Di sản văn hóa, Tâm lý học... và kéo dài ít nhất hai năm thay vì ít nhất một năm như đối với MUII.
Trường đại học Bologna. Ảnh: Trung tâm Ngôn ngữ văn hóa Italia cung cấp
Italy là quốc gia nổi tiếng về âm nhạc, hội họa, múa, thời trang.... và nhu cầu học các ngành nghệ thuật này mỗi năm một tăng cao. Các ngành này đều có quá trình đào tạo dài hơi, vậy bằng cấp của các ngành này sẽ được công nhận như thế nào?
Giáo sư Marco Abbiati : Italy và các nước trong Khu vực Giáo dục đại học châu Âu có hệ thống AFAM. Các trường thuộc hệ thống AFAM thực hiện các hoạt động đào tạo, nghiên cứu và sản xuất trong các lĩnh vực nghệ thuật như: visual art (nghệ thuật thị giác bao gồm hội họa, điêu khắc, nhiếp ảnh, điện ảnh, thiết kế...) âm nhạc, múa và kịch.
Hiện tại, hệ thống này gồm 145 trường trong đó có 82 trường công lập và 63 trường ngoài công lập. Văn bằng do các cơ sở đào tạo thuộc hệ thống AFAM cấp tương đương với văn bằng trong hệ thống đào tạo tín chỉ và gồm 3 giai đoạn của Tiến trình Bologna. Tuy nhiên do tính đặc thù của khối ngành này, giữa các cơ sở đào tạo sẽ có quy định khác nhau về điều kiện đầu vào và chương trình đào tạo.
Giờ chúng tôi đã hiểu rõ các khái niệm về hệ thống giáo dục cũng như văn bằng của Italy. Xin phép hỏi Ngài một câu hỏi cuối cùng: Ngài có lời khuyên gì với sinh viên Việt Nam muốn du học ở Italy?
Giáo sư Marco Abbiati: Các bạn cần xác định rõ mục đích trước khi đi du học. Khóa học nào cũng để có kiến thức nhưng có khóa học sẽ cung cấp kiến thức chuyên ngành định hướng nghề nghiệp như MUI, MUII, còn để có văn bằng được công nhận học vị các bạn cần chọn các khóa đào tạo Cử nhân (Laurea triennale), Thạc sĩ (Laurea Magistrale/ Laurea Magistrale a Ciclo Unico/ Laurea Specialistica) và Tiến sĩ (Dottorato di Ricerca). Tôi hy vọng qua những giải thích của mình, các bạn trẻ sẽ tự tin để lựa chọn đất nước của chúng tôi và các khóa học đúng với mục tiêu và kỳ vọng.
Xin chân thành cảm ơn Ngài về những thông tin quý báu mà Ngài đã cung cấp. Chúng tôi tin tưởng rằng sự đóng góp của Ngài sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa hợp tác giữa Việt Nam và Italy trong lĩnh vực giáo dục nhất là giáo dục đại học. Chúng tôi hy vọng sẽ tiếp tục nhận được sự giúp đỡ từ phía Ngài và Đại sứ quán Italy tại Việt Nam trong quá trình thực hiện dự án nói riêng cũng như trong việc thực hiện quốc tế hóa giáo dục đại học nói chung.
Giáo sư Marco Abbiati: Cảm ơn các bạn đã tạo điều kiện cho tôi được thực hiện một trong những nhiệm vụ của Tùy viên Khoa học và tôi khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ bất kỳ khi nào các bạn cần.
Bí quyết "săn" học bổng và kinh nghiệm du học châu Âu Tại "Ngày hội Giáo dục Châu Âu" 2020, các cựu du học sinh xuất sắc sẽ chia sẻ những kinh nghiệm thực tế khi tìm học bổng, du học và làm việc tại những quốc gia Châu Âu, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19. Đây là những nội dung sẽ được chia sẻ tại "Ngày hội Giáo dục châu Âu" do Phái...