Năm 2020: “Giáo dục đại học sẽ phát triển nhanh hơn”
Năm 2019 khép lại với những tín hiệu khởi sắc của giáo dục ĐH, trong đó nổi bật nhất là Trường ĐH Tôn Đức Thắng (TDTU) khi xuất hiện nhiều trong các bảng xếp hạng ĐH quốc tế với vị trí các thứ hạng được cải thiện liên tục.
Sinh viên TDTU tự học tại thư viện. Ảnh: TG
Nhân dịp xuân mới Canh Tý, Báo Giáo dục & Thời đại có cuộc trò chuyện với GS Lê Vinh Danh – Hiệu trưởng TDTU.
- Theo ông, những thành tích, những tín hiệu tích cực đáng ghi nhận của TDTU nói riêng và giáo dục đại học (GDĐH) Việt Nam nói chung trong năm 2019 là gì?
Trong năm 2019, GDĐH Việt Namcó rất nhiều khởi sắc. Thứ nhất, tự chủ ĐH đã phát triển mạnh, ít nhất là ở 23 cơ sở GDĐH và đang lan rộng sang nhiều đại học công lập còn lại. Thứ hai, một số đại học đã được xếp hạng vào nhóm những đại học xuất sắc của thế giới và châu Á như: Trường ĐH Tôn Đức Thắng, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TPHCM, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Đà Nẵng, ĐH Huế, Trường ĐH Cần Thơ, và Trường ĐH Duy Tân.
Các đại học Việt Nam nói chung trong các bảng xếp hạng đa số đã tăng trưởng so với năm 2018. Rõ ràng là GDĐH Việt Nam đã tiến lên khá nhanh ở phạm vi khu vực và thế giới. Trong số này, TDTU tăng trưởng ngoạn mục nhất: Tăng 84 bậc để đứng vị trí 207 trong Top 500 đại học tốt nhất châu Á; tăng 462 bậc để đứng vị trí 960 thế giới trong Bảng xếp hạng đại học theo thành tựu học thuật (URAP); là đại diện đầu tiên và duy nhất của Việt Nam vào Top 1.000 đại học xuất sắc nhất thế giới của Bảng xếp hạng đại học Thượng Hải (ARWU) 2019, vốn được xem là khó nhất. Ngoài ra, theo Web of Science, TDTU đứng số 1 Việt Nam và thuộc Top 25 cơ sở nghiên cứu khoa học hàng đầu Đông Nam Á.
GS Lê Vinh Danh – Hiệu trưởng TDTU. Ảnh: TG
TDTU cũng là đại diện duy nhất của Việt Nam được xếp Top 200 đại học phát triển bền vững nhất thế giới bởi UI GreenMetric; và Top 200 đại học có ảnh hưởng nhất đến sự phát triển kinh tế – xã hội toàn cầu (theo Times Higher Education University Impact Rankings).
Video đang HOT
TDTU có mặt trong tất cả các bảng xếp hạng này, cũng như sự tăng hạng nhanh chóng là minh chứng cho sự quản trị đại học xuất sắc, phát triển đúng hướng và bền vững. Đây cũng là thành tựu đáng mừng cho cả hệ thống GDĐH Việt Nam.
Số ĐH Việt Nam tham gia kiểm định trường học, kiểm định chương trình bởi các tổ chức kiểm định GDĐH quốc tế như HCERES, AUN-QA… cũng tăng lên; chứng minh rằng GDĐH Việt Nam đã coi trọng tiêu chuẩn quốc tế trong xây dựng mục tiêu, định hướng phát triển. Đây là điều rất đáng quý bởi mới 5 năm trước đây thôi, đa số các đại học tự thỏa mãn với các đánh giá, kiểm định trong nước; thích “ta tắm ao ta” cho dễ dàng, đỡ suy nghĩ, không phải nhọc nhằn. Sự thay đổi quan điểm này là cả một bước tiến vĩ đại nếu so sánh với những gì từng là thói quen lâu dài của GDĐH Việt Nam cách đây 10 năm, 15 năm trước.
Sự kiện đáng mừng nữa là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH (Luật số 34/2018/QH14) bắt đầu có hiệu lực từ 1/7/2019 sẽ tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ tự chủ ĐH. Có thể đây đó còn những trở ngại, những văn bản dưới Luật, hướng dẫn thi hành chưa kịp thời; nhưng tự chủ ĐH theo Luật đang là con đường mà cả nước cùng đi, cùng tiến về phía trước. Do đó, một vài trở ngại có thể gây ra rủi ro và trì trệ tạm thời, nhưng cản trở nhu cầu tự chủ của cả hệ thống GDĐH Việt Nam là hoàn toàn không thể.
- Những kỳ vọng của ông về GDĐH trong năm 2020?
- Chúng tôi không chỉ kỳ vọng mà còn tin, không riêng TDTU, mà cả GDĐH Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển nhanh hơn, vững chắc hơn nữa trên con đường trở thành những ĐH đẳng cấp quốc tế như ĐH ở các nước tiên tiến.
Cơ sở nào cho điều này? Chúng ta đã có TDTU, một ĐH tự chủ hoàn toàn trong đầu tư và chi thường xuyên từ khi thành lập đến nay. Nhà trường không nhận tài trợ quan trọng nào từ bên ngoài, không ngân sách Nhà nước. Chỉ bằng cơ chế tự chủ và quản trị đại học xuất sắc, trong vòng 22 năm, TDTU đã trở thành đại học số 1 Việt Nam và được xếp vào Top 1000 đại học xuất sắc của thế giới bởi cả ARWU và URAP. Như vậy, tiền hay ngân sách Nhà nước không phải là điều quan trọng nhất để trở thành ĐH đẳng cấp thế giới, mà chính là cơ chế và năng lực quản trị.
Cơ chế thì chúng ta đã có Luật 34/2018/QH14. Chúng ta đang mong chờ một số Luật khác cũng nhanh chóng được sửa theo chỉ đạo của Nghị quyết 19/NQ-TW, đồng bộ với Luật số 34/2018. Trong thời gian quá độ này, cần cho thí điểm để các đại học có thể vận dụng nhằm tiếp tục có đột phá trong cả quản trị lẫn xây dựng cơ chế nội bộ. Một khi điều này được làm khẩn trương trong năm 2020 thì chắc chắn sẽ thêm nhiều ĐH Việt Nam nữa vào Top những ĐH xuất sắc của thế giới, cũng như sẽ có nhiều sự thăng hạng ngoạn mục trong các bảng này.
- Xin cảm ơn ông!
Công Chương (Thực hiện)
Theo giaoducthoidai
Tự chủ đại học: Lối mở cho những bứt phá
Năm 2019 ghi nhận sự thành công của cả hệ thống giáo dục Việt Nam. Trong đó, nổi bật là một số cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) đã có tên trên bảng xếp hạng của thế giới, đồng thời góp phần minh chứng cho sự phát triển của tự chủ đại học là bước đi đúng đắn.
Trường ĐH Lạc Hồng là ĐH duy nhất của Việt Nam vào Top 4 cuộc thi Eco-Shell Marathon London 2019. Ảnh: NVCC
Bứt phá mạnh mẽ
Có thể nói, năm 2019 là một năm ghi nhận nhiều thành tựu nổi bật của Trường ĐH Tôn Đức Thắng (TDTU). Theo GS Lê Vinh Danh - Hiệu trưởng TDTU, trong mục tiêu phát triển, nhà trường đã xác định, thành tựu nghiên cứu khoa học và sáng tạo tri thức là yếu tố quyết định đối với chất lượng của một ĐH. Kết quả này là có tính tất yếu với TDTU, vì suốt 10 năm qua, nhà trường đã đầu tư bài bản và đúng hướng; cũng như áp dụng những chuẩn mực quốc tế trong nghiên cứu khoa học (NCKH).
"Chúng tôi cảm thấy vinh dự và được an ủi khi nỗ lực không ngừng nghỉ của mình đã có kết quả. Vinh dự này cũng thuộc về Việt Nam. Với chính sách tự chủ đại học đúng đắn, Đảng và Nhà nước đã tạo những nền tảng cơ chế thuận lợi nhất cho các ĐH tự chuyển mình vươn lên trong gần 5 năm qua" - GS Lê Vinh Danh chia sẻ.
Ở một khía cạnh khác, PGS.TS Trần Thị Mỹ Diệu - Hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang (VLU), cho rằng trong năm 2019, GDĐH đã có những dấu hiệu rất tích cực để hiện thực hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước về đẩy mạnh xã hội hóa GDĐH. Thực tế cho thấy, mặc dù những e ngại của xã hội về GDĐH ngoài công lập ở một chừng mực nào đó vẫn còn, nhưng trên phương diện thể chế luôn có sự nhất quán, khuyến khích GDĐH ngoài công lập phát triển. Biểu hiện rõ nhất của xu hướng này là sự quy định thống nhất các tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng đào tạo của GDĐH, không phân biệt trường công với trường tư trong Luật GDĐH năm 2012 và năm 2018.
Những quy định đó một mặt đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực trình độ đại học cung ứng cho xã hội, mặt khác góp phần khẳng định chất lượng đào tạo của các trường tư, khẳng định vai trò của các trường tư, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các trường đại học trong quá trình phát triển và do đó khoảng cách giữa GDĐH công lập và ngoài công lập đã dần dần trở nên mờ nhạt.
Ảnh minh họa/ INT
"Năm 2019, sự phân hóa giữa các trường đại học không chỉ trong nội bộ các trường tư, mà đã có sự cạnh tranh phân hóa giữa các trường công với các trường tư. Nhìn nhận của xã hội đã có sự chuyển biến mạnh mẽ: Không phải cứ trường công là chất lượng tốt và theo đó sẽ tuyển sinh dễ dàng. Một số trường tư thục đã trở thành điểm đến của sinh viên và giảng viên" - PGS.TS Trần Thị Mỹ Diệu chia sẻ.
Đó là những thành tích đáng khích lệ, rất quan trọng, góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của kinh tế - xã hội đất nước", TS Nguyễn Vũ Quỳnh chia sẻ. Đồng thời, TS Quỳnh cũng cho rằng, nguyên nhân dẫn tới những thành công của GDĐH trong thời gian qua thì tự chủ đại học chính là nút mở quan trọng. "Nó mở lối cho các cơ sở GDĐH bứt phá: Tự chủ về chương trình, tự chủ về nhân sự với sự tham gia sâu của hội đồng trường, cơ chế tài chính linh hoạt, thúc đẩy giáo dục ngoài công lập phát triển.
TS Nguyễn Vũ Quỳnh
Cũng trong năm 2019, Trường ĐH Lạc Hồng (LHU) luôn tạo được sự chú ý với các cuộc thi khoa học kỹ thuật, đặc biệt là đơn vị đã nhiều năm liền đoạt chức vô địch cuộc thi Robocon toàn quốc. Theo TS Nguyễn Vũ Quỳnh - Phó Hiệu trưởng LHU, một trong những kết quả nổi bật của năm 2019 cho thấy chất lượng GDĐH đang được nâng lên chính là sự công nhận của quốc tế về chất lượng đào tạo.
Động lực để các trường làm mới mình
Những thành tựu đạt được trong năm 2019 sẽ là bước đệm quan trọng, cho phép các ĐH Việt Nam tự tin hội nhập và sánh vai với các ĐH lớn trên thế giới. Vì vậy, việc đổi mới cách dạy và học theo hướng tiệm cận quốc tế, trong đó chú ý đào tạo người học một cách toàn diện cả kỹ năng cứng và kỹ năng mềm, đẩy mạnh thực hiện NCKH và chuyển giao công nghệ sẽ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các trường ĐH Việt Nam trong năm 2020.
PGS.TS Trần Thị Mỹ Diệu - Hiệu trưởng VLU chia sẻ: Với tốc độ phát triển nhanh chóng của công nghệ hiện nay, hy vọng thầy cô và sinh viên cần ý thức rõ yêu cầu thay đổi trong "cách dạy" và "cách học". "Thầy cô phải không ngừng cập nhật kiến thức và những kỹ năng cần thiết, đặc biệt là kỹ năng của người dẫn dắt, ứng dụng CNTT trong giảng dạy để hỗ trợ người học tiếp cận nhiều nhất, nhanh nhất với những thay đổi của công nghệ kỹ thuật. Người học cần có ý thức học chủ động, trải nghiệm nhiều hơn với tâm thế mình cần trở thành công dân toàn cầu trong kỷ nguyên mới này" - PGS.TS Trần Thị Mỹ Diệu tâm sự.
Nói về những kỳ vọng, dự định trong năm 2020, TS Nguyễn Vũ Quỳnh - Phó Hiệu trưởng LHU bày tỏ: "Tùy vào mục tiêu và sứ mệnh của cơ sở GDĐH mà các nhiệm vụ sẽ khác nhau. Bản thân tôi cho rằng, dù là triết lý, sứ mệnh gì thì vẫn phải đặt người học vào vị trí trung tâm của quá trình giáo dục, từ họ và vì họ, bởi vì bản chất của GDĐH là khai phóng.
Trong bối cảnh tác động của cách mạng công nghiệp 4.0, có lẽ thứ cần nhất đối với người học chính là kỹ năng học tập suốt đời" .Ở góc nhìn lạc quan về xã hội hóa và tự chủ trong giáo dục, PGS.TS Thái Bá Cần - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Nguyễn Hoàng, Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Hoa Sen cho rằng: Trong năm 2020, các trường tư sẽ phát triển mạnh mẽ. Bên cạnh đó, các trường tự chủ sẽ phát triển thành công theo hướng trường công nhưng quản lý theo kiểu tư.
Việc các trường ĐH Việt Nam có tên trong bảng xếp hạng quốc tế là tín hiệu đáng mừng, đáng biểu dương. Nhìn chung, mỗi bảng xếp hạng đều có những tiêu chí chất lượng cụ thể và chúng ta đáp ứng được thì người ta mới xếp hạng. Vấn đề còn lại các trường có tên trong bảng xếp hạng đó có tiếp tục duy trì phong độ của mình hay không thì còn phải chờ thời gian đánh giá. - PGS.TS Thái Bá Cần
Công Chương
Theo giaoducthoidai
Trường ĐH Tôn Đức Thắng: 22 SV tốt nghiệp có bài báo khoa học ISI/Scopus Ngày 20/9, Trường ĐH Tôn Đức Thắng (TDTU) làm lễ ra trường và trao bằng tốt nghiệp cho 125 học viên cao học, 1.758 SV bậc đại học. Trong đó, có 117 SV tốt nghiệp đạt loại Giỏi và 22 SV có bài báo khoa học được vào cơ sở dữ liệu ISI/Scopus... GS Lê Vinh Danh - Hiệu trưởng TDTU trao bằng...