“Nấc” kiến thức giúp đạt điểm từ trung bình đến giỏi môn Hóa học
GD&TĐ – Cô Chu Thị Hoa – Giáo viên Trường THPT Yên Dũng số 2 (Bắc Giang) – chia sẻ những nội dung kiến thức quan trọng thí sinh cần lưu ý với môn Hóa học trong kỳ thi THPT quốc gia.
Kiến thức, kí năng giúp đạt điểm trung bình, điểm khá
Cô Chu Thị Hoa cho biết: Theo đề thi THPT quốc gia 2015, để đạt được điểm trung bình môn Hoá, học sinh chỉ cần làm từ câu 1 đến 40. Các câu hỏi này bao gồm toàn bộ kiến thức trọng tâm cơ bản từ Hoá học lớp 10 đến lớp 12 nhưng ở mức độ nhận biết và hiểu. Các câu tính toán chỉ cần vận dụng phương pháp giải nhanh (bảo toàn nguyên tố hay bảo toàn electron, bao toàn điện tích….) hoặc sử dụng phương trình phản ứng là tìm ngay ra đáp số.
Từ phân tích này, cô Chu Thị Hoa cho rằng, để đạt điểm trung bình và khá môn Hóa học trong kỳ thi THPT quốc gia, học sinh cần:
Video đang HOT
Nắm toàn bộ các kiến thức lý thuyết trọng tâm của các bài từ Hoá học 10 đến lớp 12 ;
Có kĩ năng viết phương trình hoá học cơ bản, và tính toàn theo phương trình;
Có kĩ năng tổng hợp các kiến thức vào một nội dung câu hỏi; kĩ năng sử dụng một số phương pháp giải nhanh bài tập hoá học cơ bản (bảo toàn electron, bảo toàn nguyên tố…); kĩ năng sử dụng máy tính casio đơn giản.
Kiến thức, kí năng giúp đạt điểm giỏi
Để đạt điểm giỏi môn Hóa học thi THPT quốc gia, ngoài các kiến thức và kĩ năng nói trên, cô Chu Thị Hoa lưu ý, học sinh cần thêm kĩ năng phân tích, tư duy, tổng hợp khái quát và một số kĩ xảo khi làm bài trắc nghiệm;
Kĩ năng tìm tòi, phát hiện và quy nạp vấn đề; các nhận xét thông minh từ dữ kiện đề bài cùng với các kiến thức hoá học về chất phải nắm thật sâu. Bên cạnh đó, học sinh cũng cần thạo kĩ năng bấm máy tính và ghi nhớ các số liệu quen thuộc.
Kỹ năng ôn tập lý thuyết Hóa học
Đi vào nội dung cụ thể, cô Chu Thị Hoa đưa ra những lưu ý cần thiết giúp thí sinh ôn tập tốt nội dung lý thuyết Hóa học. Trong đó nhấn mạnh việc đọc và khái quát lí thuyết trọng tâm của từng chương, từng bài.
Với các chất trong hoá vô cơ, học sinh cần nắm tính chất vật lí và hoá học tiêu biểu hoặc phương trình biểu diễn tính chất tiêu biểu của chất đó.
Với các chất hoặc dãy đồng đẳng trong hoá hữu cơ, cần nắm tính chất đặc trưng của nhóm chức gây nên tính chất hoá học của chất từ đó đưa ra cách điều chế và liên hệ ứng dụng
Với các nhóm nguyên tố tiêu biểu VA, VIA, VIIA , IVA, IIA, IA, IIIA và một số nguyên tố nhóm B tiêu biểu, học sinh cần nắm được khái quát, đặc điểm chung của nhóm sau đó đi tìm hiểu chủ yếu về các nguyên tố tiêu biểu của nhóm đó
Kỹ năng ôn tập bài tập Hóa học
Với các bài tập hoá học, cô Chu Thị Hoa cho biết thường gắn liền với các chuyên đề lí thuyết. Mỗi chuyên đề lí thuyết thường có các dạng bài tập đặc trưng đi kèm, do đó với mỗi dạng bài tập cần nắm cách giải đặc trưng của dạng; còn phương pháp chung để giải tất cả bài tập hoá học là biết cách tính toán số mol theo phương trình
Bên cạnh đó, thí sinh lưu ý nắm chắc các dạng bài có thể áp dụng các phương pháp giải nhanh.
Theo GD&TĐ