Mỹ xem xét lập quân chủng thứ 6 chuyên về tác chiến mạng
Bên cạnh lục quân, không quân, hải quân, thủy quân lục chiến, và tuần duyên, quân đội Mỹ có thể sẽ có thêm quân chủng tác chiến mạng độc lập.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Obama đang xem xét nâng vị thế của Bộ chỉ huy mạng (Cybercom) của Mỹ và tách đơn vị này ra khỏi Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) trong bối cảnh các vụ tấn công mạng cùng việc phòng thủ trước các cuộc tấn công này đang ngày càng phổ biến trong tác chiến hiện đại.
Khu vực tổng hành dinh NSA và Cybercom. Ảnh: NSA.
Chiến tranh hiện đại có một mặt trận mới đang nổi lên, không phải là chiến trường theo nghĩa đen trước đây. Chiến tranh mạng và cuộc chạy đua vũ trang số tiếp tục phát triển, trở thành mối đe dọa với nhiều nước trên thế giới.
Vào tháng 6/2016, NATO chính thức thừa nhận không gian mạng là một “mảng tác chiến” mà ở đó có xảy ra các xung đột.
Để đối phó với nguy cơ đang gia tăng này, các lãnh đạo thế giới đang đánh giá và cập nhật cách tiếp cận của họ đối với chiến tranh mạng, chuẩn bị cho trận chiến cả trực tuyến lẫn ngoài thực địa.
Chuyên môn hóa
Video đang HOT
Chính quyền Obama xem xét nâng cấp Bộ chỉ huy mạng và tách đơn vị này ra khỏi NSA là nhằm tạo thế vững chắc cho Mỹ trong cuộc đối đầu với các cuộc tấn công mạng.
Nếu việc nâng cấp này diễn ra, Bộ chỉ huy mạng của Lầu Năm Góc sẽ có thêm thẩm quyền và sự chủ động trong vấn đề an ninh mạng.
Động thái nâng cấp này có nhiều ý nghĩa trong bối cảnh Lầu Năm Góc đã đẩy mạnh hoạt động tấn công mạng nhằm vào tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) nhưng chưa thể phá tan hoạt động của chúng. Ngoài ra, nó còn ý nghĩa ở chỗ có báo cáo cho rằng Lầu Năm Góc “chưa xác định rõ vai trò và trách nhiệm của mình trong các sự cố về mạng”.
Theo một bài báo của Reuters, việc nâng cấp vị thế của Bộ chỉ huy mạng sẽ mang lại cho đơn vị này thêm quyền hành để phát triển các loại vũ khí mạng nhằm ngăn cản các cuộc tấn công và trừng phạt các tên tội phạm mạng tấn công nước Mỹ, bao gồm tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS.
John Pironti, chủ tịch của IP Architects, LLC, cho biết động thái trên sẽ gửi tới toàn thế giới một thông điệp mạnh mẽ rằng Mỹ xem hoạt động mạng là một lĩnh vực chiến lược trong quân đội.
Pironti nói: “Điều này sẽ tạo thuận lợi cho việc huấn luyện, tuyển dụng cụ thể, và cải thiện năng lực tác chiến của các sĩ quan chuyên sử dụng vũ khí liên quan đến mạng cũng như nâng cao năng lực tấn công và phòng thủ trong không gian mạng… Đồng thời, điều này sẽ cho phép cung cấp tài chính độc lập, phát triển và duy trì năng lực, cũng như giám sát các năng lực mạng của quân đội”.
Ewan Lawson, nghiên cứu viên cao cấp tại viện RUSI, cho biết: “NSA chủ yếu là một cơ quan thu thập thông tin tình báo chiến lược còn Cybercom là một bộ chỉ huy chiến tranh”.
Kế hoạch mà Nhà Trắng đang xem xét không dừng lại ở việc tách Cybercom khỏi NSA mà còn xây dựng bộ chỉ huy này theo hướng một Bộ chỉ huy tác chiến thống nhất (UCC).
UCC là bộ chỉ huy liên hợp cung cấp sự chỉ huy và kiểm soát các lực lượng quân sự chỉ dựa trên địa lý và chức năng cụ thể, bất kể quân chủng.
Bộ chỉ huy mạng sẽ na ná Bộ chỉ huy Thái Bình Dương (chịu trách nhiệm về khu vực châu Á-Thái Bình Dương) và Bộ chỉ huy Vận tải (chuyên quản lý hệ thống vận tải quốc phòng toàn cầu).
Thách thức
Một trong các thách thức khi có quy chế mới cho Bộ chỉ huy mạng là cần phải có quy tắc tác chiến chi tiết đảm bảo cơ quan chỉ huy mới này không thực hiện tấn công khi chưa có sự cho phép của Bộ trưởng Quốc phòng và Tổng thống Mỹ.
Một nguy cơ nữa là việc các tổ chức khác kể cả Bộ Quốc phòng sẽ ít chú ý đến an ninh mạng nội bộ của bản thân mình do họ mặc định rằng có người khác bảo vệ cho họ rồi.
Cả NSA và Bộ chỉ huy mạng hiện đều đóng ở Fort Meade, Maryland, dưới quyền lãnh đạo của Đô đốc Hải quân Michael S. Rogers./.
Theo VOV
Quân đội Mỹ chuẩn bị nâng cấp Bộ Tư lệnh tác chiến mạng
Chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama đang chuẩn bị nâng cấp Bộ Tư lệnh tác chiến mạng thuộc Lầu Năm Góc, một dấu hiệu cho thấy Mỹ đang đặt trọng tâm nhiều hơn vào phát triển các vũ khí mạng để răn đe các cuộc tấn công, trừng phạt những đối tượng xâm nhập vào các mạng máy tính của Mỹ, đồng thời để ngăn chặn các đối tượng thù nghịch như nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Ngày 5/8, phóng viên TTXVN tại Mỹ đưa tin theo kế hoạch đang được Nhà Trắng xem xét, Bộ Tư lệnh tác chiến Mạng sẽ trở thành một "bộ tư lệnh thống nhất" tương đương với các phân nhánh tác chiến của Quân đội Mỹ như Bộ Chỉ huy Trung tâm (CENTCOM) hoặc Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương (PACOM).
Về mặt nghiệp vụ, Bộ Tư lệnh tác chiến Mạng sẽ tách khỏi Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA)-cơ quan tình báo chịu trách nhiệm thu thập tín hiệu điện tử, nghe lén... Theo đó, các chỉ huy của Bộ Tư lệnh tác chiến Mạng sẽ có tiếng nói lớn hơn trong việc quyết định sử dụng các công cụ mạng (cả tấn công và phòng thủ) vào các cuộc xung đột trong tương lai.
Ảnh minh họa. (Nguồn: gizhub.com)
Một cựu quan chức tình báo Mỹ cấp cao cho biết kế hoạch trên phản ánh vai trò ngày càng tăng của tác chiến mạng trong chiến tranh hiện đại, cũng như việc phân công nhiệm vụ khác nhau giữa Bộ Tư lệnh tác chiến Mạng và NSA.
Bộ Tư lệnh tác chiến Mạng được thành lập năm 2010, hiện trực thuộc Bộ Chỉ huy Chiến lược Mỹ (STRATCOM), cơ quan chịu trách nhiệm giám sát các hoạt động vũ trụ quân sự, vũ khí hạt nhân và phòng thủ tên lửa.
Theo Vietnam