Mỹ Trung, long tranh hổ đấu âm thầm
Trên Thái Bình dương, hai cuộc tập trận do Mỹ dẫn đầu đang cùng diễn ra với ý nghĩa hoàn toàn trái ngược. Một tượng trưng cho hy vọng Trung Quốc trỗi dậy hòa bình; và một là sự đề phòng, là kế hoạch B nếu mọi thứ đi sai hướng một cách khủng khiếp.
Binh sĩ Philippines di chuyển qua một phương tiện tấn công đổ bộ của quân đội Mỹ trong cuộc tập trận CARAT.
Andrew Browne, cây bút đứng chuyên mục Trung Quốc của tờ WSJ đánh giá về thực tế an ninh ở châu Á Thái bình dương, qua những hoạt động quân sự của Mỹ và Trung Quốc, trong bối cảnh một thế lực mới đang nổi lên thách thức vị trí của thế lực cũ.
Về phía đông, ở vùng biển ngoài khơi quần đảo Hawaii, các tàu Trung Quốc đang tham gia cuộc tập trận hải quân Vành đai Thái Bình Dương RIMPAC do Mỹ tổ chức. RIMPAC 2014, kết thúc vào ngày 1/8, là cuộc tập trận hải quân đa quốc gia lớn nhất thế giới và đây là lần đầu tiên Trung Quốc góp mặt.
Đó là một dấu hiệu tích cực xuất hiện trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đang gia tăng xung quanh sự mạnh mẽ của Bắc Kinh trong vấn đề chủ quyền trên Biển Đông và biển Hoa Đông. Bằng việc điều 4 tàu, trong đó có tàu bệnh viện Peace Ark, Trung Quốc đang gửi đi tín hiệu về một hướng tiếp cận hợp tác hơn tới Mỹ và các quốc gia Thái Bình Dương láng giềng.
Về phía tây, cách nơi diễn ra RIMPAC hơn 8.000 km, cuộc tập trận Hợp tác huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu trên biển (CARAT) ở ngoài khơi quốc đảo Philippines lại phát đi một thông điệp rất khác biệt.
Các binh sĩ Mỹ và Philippines đã tham gia các bài tập bắn đạn thật ở ngoài khơi vịnh Subic, nơi từng là căn cứ hải quân lớn nhất của Mỹ ở nước ngoài. Những cảng nước sâu và sân bay nơi đây sẵn sàng hoạt động trở lại một lần nữa khi Philippines đang phải chống lại những hành động mà họ gọi là xâm lấn lãnh thổ của Trung Quốc.
Subic còn có vai trò quan trọng trong chiến lược “xoay trục” sang châu Á của tổng thống Mỹ Obama nhằm trấn an các quốc gia đồng minh đang cảm thấy bị Bắc Kinh bắt nạt. Subic còn nằm gần bãi cạn Scarborough, một khu vực có nguồn thủy sản phong phú, từng bị Trung Quốc đoạt quyền quản lý từ tay Philippines vào năm 2012.
Các chỉ huy Mỹ và Philippines đều cho rằng CARAT, dự kiến kết thúc vào cuối tuần này, không có liên quan tới những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc. Nhưng ý nghĩa của cuộc tập trận đã rõ ràng. Nếu RIMPAC là tượng trưng cho hy vọng của Mỹ về một Trung Quốc trỗi dậy hòa bình thì CARAT chính là một sự phòng trừ, một kế hoạch B cho hành động quân sự nếu mọi thứ đi sai hướng.
Các thủy thủ thuộc hải quân Trung Quốc đứng chờ bên cạnh tàu bệnh viện Peace Ark, một trong 4 tàu của Trung Quốc tham gia RIMPAC.
Vòng xoáy đối đầu bất tận
Sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ đòi hỏi mạnh mẽ một giải pháp hòa bình.
Tuy nhiên, các nhà phân tích quân sự phương Tây đều đồng thuận rằng những biện pháp mà Mỹ và Trung Quốc đang thực hiện để tăng cường khả năng phòng thủ bản thân trước sự đe dọa từ đối phương đang tạo ra mối đe dọa đối với hòa bình.
Mỗi biện pháp quân sự sẽ làm phát sinh một biện pháp quân sự để đối phó, cứ thế trong vòng xoáy bất tận. Các chuyên gia quan hệ quốc tế gọi đây là sự “bế tắc an ninh”. Đó cũng chính là tình trạng Mỹ và Trung Quốc đang vướng phải.
Video đang HOT
Bắc Kinh xem việc Washington tăng cường hợp tác quân sự với các đồng minh châu Á, như Philippines, nằm trong kế hoạch kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc, ngăn cản Trung Quốc khẳng định cái gọi là chủ quyền mà nước này tự cho là hợp pháp. Điều này thúc đẩy Trung Quốc theo đuổi một cách quyết liệt sứ mệnh nhằm đẩy quân lực Mỹ ra khỏi khu vực Tây Thái Bình Dương.
Để đạt được điều này, Trung Quốc đang tích lũy nhiều vũ khí tinh vi, như tên lửa dẫn đường có độ chính xác cao và có thể nhắm tới các căn cứ cùng tàu của Mỹ trong khu vực, tàu ngầm siêu êm, khả năng tác chiến qua mạng cũng như trong không gian.
Trong khi đó, Mỹ không thể chấp nhận được cảm giác bị đẩy ra khỏi cuộc chơi. Bởi uy thế của Mỹ, với vai trò là siêu cường, dựa vào khả năng điều quân và khí tài tới mọi ngóc ngách trên Trái Đất mà không bị cản trở. Nếu không đưa quyền lực tới Tây Thái Bình Dương, Mỹ rõ ràng không thể thực hiện tốt cam kết bảo vệ Philippines cũng như các đồng minh khác.
Do đó, Washington đang tăng cường các kế hoạch có thể được sử dụng để đối phó với nỗ lực của Trung Quốc. Một trong số này, được gọi là khái niệm Chiến tranh Hải – Không, cho phép tấn công tàn phá các mục tiêu ở ngay giai đoạn đầu chiến sự để loại bỏ hệ thống phóng tên lửa, trung tâm chỉ huy và kiểm soát. Tuy nhiên, Lầu Năm Góc cho biết Chiến tranh Hải – Không không nhằm đến một quốc gia cụ thể nào cả.
Và mọi thứ sẽ tiếp diễn như vậy. Đối với các chiến lược gia quân sự hai bên, đó chỉ là những bước nhảy ngắn từ các kịch bản như trên tới một cuộc chiến tranh hạt nhân thực sự.
Cuộc tranh đua cực kỳ nguy hiểm này không bao giờ được chính thức nói ra. Mỹ cố hết sức để tránh mo tả Trung Quốc như một mối đe dọa về quân sự, mà muốn Trung Quốc đảm nhận vai trò lớn hơn và “có trách nhiệm’ trong các vấn đề toàn cầu. Còn Trung Quốc, về mặt lý thuyết, vẫn hoan nghênh sự hiện diện của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương. Trong cuộc họp thượng đỉnh giữa hai nước diễn ra năm ngoái ở Sunnylands, California, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh với Tổng thống Barack Obama rằng ông mong muốn “một kiểu quan hệ nước lớn mới” để tránh xảy ra chiến tranh tàn hại, hậu quả khi một cường quốc mới nổi thách thức một cường quốc hiện tại.
Chuẩn đô đốc Hải quân Mỹ Mark C. Montgomery phát biểu tuần trước trên hàng không mẫu hạm USS George Washington cho rằng mối quan hệ quân sự với Trung Quốc trong những năm qua được cải thiện một cách “khiêm tốn”.
Sự lạc quan nhưng thận trọng này đã được ông Daniel Russel, Trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương phản ảnh trong phiên điều trần của Quốc hội Mỹ vài ngày trước đó. Ông Russel bác bỏ quan điểm cho rằng Mỹ và Trung Quốc đang trong một cuộc Chiến tranh Lạnh và kết thúc trong xung đột. Các nhà lãnh đạo hai bên “có đầy đủ nhận thức về nguy cơ đối đầu chiến lược không mong muốn giữa một thế lực mới nổi và một thế lực sẵn có”, ông nói. Có thể là như vậy. Cái nguy hiểm của sự tích tụ quyền lực là nó có vòng đời và logic riêng của nó. Hy vọng hòa bình có thể đang tăng ở Hawaii nhưng tiếng súng tập trận từ Vịnh Subic dội lại lại bày tỏ một thực tế đáng lo ngại.
Theo Vnexpress
Bloomberg: Trung Quốc tăng cường sức mạnh "cơ bắp", Mỹ quan ngại vấn đề nội bộ Bắc Kinh
Trang Bloomberg của Mỹ ngày 29/06/2014 đăng tải bài viết có tiêu đề: "Trong khi Trung Quốc tập trung tăng cường sức mạnh cơ bắp thì Obama lại quan ngại về điểm yếu của đối phương" cho biết, trong khi Trung Quốc triển khai nhiều máy bay đọ sức với Nhật, hành xử vô nhân đạo với tàu của Việt Nam trên Biển Đông, phớt lờ phản đối của thế giới... thì điều khiến Obama quan ngại nhất hiện nay chính là sự suy yếu của Bắc Kinh.
Mức tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc hiện nay được cho là đang ở mức thấp nhất trong vòng 24 năm qua. Giữa bối cảnh như vậy, vấn đề nội bộ của Trung Quốc đang ngày càng được quan tâm, chú ý. Trong khi người dân Mỹ đang tỏ ra quan ngại về việc có thể sẽ bị một cường quốc mới nổi vượt mặt thì Tổng thống của họ lại đang lo lắng về sự bất ổn định của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Tổng thống Obama trong một cuộc phỏng vấn cách đây không lâu cho biết, nhìn từ nhiều phương diện, nếu Trung Quốc bắt đầu suy yếu, như vậy đối với Mỹ là một vấn đề lớn về an ninh quốc gia.
Du khách đi bộ trong nhà ga xe lửa Nam Bắc Kinh (Ảnh: Bloomberg)
Không ai mong đợi điều như vậy xảy ra, tuy nhiên Bắc Kinh thực sự đang đối mặt với nhiều vấn đề dễ dàng dẫn đến bất ổn. Sau hơn 30 năm phát triển, thu nhập bình quân của người Trung Quốc đã tăng gấp 17 lần so với năm 1978, nhưng các rủi ro cũng theo đó tăng lên. Kenneth Liebertha - chuyên trách các vấn đề Châu Á thời Tổng thống Clinton cho biết: "Trung Quốc đang trải qua một sự chuyển đổi lớn trong quá trình xây dựng xã hội hiện đại hóa, nhưng mỗi trường hợp đều phát sinh bất ổn xã hội. Mỗi một điều họ thực hiện, tốc độ, quy mô và phạm vi chuyển đổi đều chưa có quốc gia nào thử nghiệm qua".
Kết quả như thế nào thì đều ảnh hưởng đến Mỹ. Trung Quốc đang là chủ nợ lớn nhất của Mỹ với gần 1.300 tỷ USD trái phiếu trong tay. Năm 2013, thương mại hai chiều Trung Quốc - Mỹ đạt 562 tỷ USD, tăng 38% so với 5 năm trước. Liebertha nói, trong trường hợp tiêu cực như vậy, nếu phát sinh sự bất ổn lớn có thể sẽ dẫn đến làn sóng người tỵ nạn, thậm chí là mối đe dọa đối với sự kiểm soát khoảng 250 đầu đạn hạt nhân của Trung Quốc, ông nói: "Đây không phải là điều mà Mỹ mong muốn ở tương lai".
Nhân viên cấp cao của Trung tâm An ninh Mỹ - Ratner cho biết: "Mỹ rất mong muốn hỗ trợ cho sự ổn định và tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. Mỹ sẽ không làm tổn hại đến các hoạt động kinh tế và chính trị ổn định của Trung Quốc, một phần là vì làm như vậy sẽ không có lợi cho lợi ích của chính Mỹ".
Đối thoại Mỹ - Trung
Mức độ hợp tác của hai nước sẽ được thể hiện trong Đối thoại Chiến lược và Kinh tế được tổ chức trong hai ngày 09-10/07/2014. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jacob Lew và Ngoại trưởng John Kerry cũng Phó Thủ tướng Trung Quốc Uông Dương và Ủy viên quốc vụ viện Dương Khiết Trì sẽ là đồng chủ tịch.
Ngay thời điểm các quan chức Mỹ đến Bắc Kinh tham dự cuộc đối thoại, Trung Quốc vẫn đang phải đối mặt với các thách thức do công cuộc hiện đại hóa "lộn xộn" của mình gây ra. Mỗi tháng, tại Trung Quốc, có hơn 1 triệu người di cư từ các vùng công thôn đến các thành phố, để lại mọi thứ thân thuộc vì một tương lai không hề chắc chắn.
Từ năm 2004, số người sinh sống tại các đô thị của Trung Quốc đã tăng thêm 200 triệu người, tương đương dân số của Brazil, và chính phủ nước này còn lên kế hoạch đưa thêm nhiều người đến thành phố hơn nữa. Đến năm 2030, Trung Quốc sẽ có 1 tỷ cư dân thành phố, tăng lên từ con số 730 triệu người hiện nay, theo Ngân hàng Thế giới.
Thỏa thuận ngầm
Lieberthal nhận định, trong khi việc di chuyển từ các khu vực nông thôn đến thành thị khiến thu thập tăng lên, nó lại tạo nên sự mất ổn định và xa lánh về mặt xã hội.
Kể từ cuộc biểu tình Thiên An Môn năm 1898, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã duy trì ổn định xã hội với sự tăng trưởng kinh tế và chế độ độc tài. Nền tảng của trật tự xã hội là một sự thỏa thuận ngầm: Đảng Cộng sản Trung Quốc duy trì quyền lực độc quyền và đổi lại sẽ đưa tới mức sống tốt hơn.
Thỏa thuận này đang gặp áp lực. Các tác động về môi trường - tình trạng ô nhiễm không khí mà một cố vấn chính phủ từng nhận định là "không thể chịu đựng được" cùng với tình trạng thiếu nước - đã làm xói mòn quan niệm rằng cuộc sống đang được cải thiện. Vào tháng 05/2014, tại thành phố Hàng Châu, 60 người đã bị bắt sau khi các cuộc biểu tình phản đối đề xuất xây dựng một lò đốt rác biến thành cuộc ẩu đả với cảnh sát và các xe hơi riêng bị lật ngược theo tờ Nhân dân Nhật Báo.
Chính phủ Trung Quốc đang tham gia vào một quá trình chuyển đổi sang một mô hình kinh tế khác, yêu cầu quá trình thay đổi lối sống chậm hơn, tăng trưởng bền vững hơn so với con số trung bình 10% hàng năm từ năm 2005 - 2011.
Ngành bất động sản TQ mà Societe Generale SA cho rằng đó là nỗi rủi ro lớn nhất đối với nền kinh tế TQ hiện đang phải đối mặt với tình trạng dư thừa trong bối cảnh giá cả đang giảm (nhiều chuyên gia gọi đây là bong bóng bất động sản)
Làm chậm quá trình tăng trưởng
"Phần lớn sự ổn định tại Trung Quốc phụ thuộc vào sự tăng trưởng, vì vậy cơ sở hợp pháp của Đảng Cộng sản Trung Quốc khá hẹp", Yasheng Huang, người sáng lập China Lab tại Viện Công nghệ Massachusetts nhận định, "Có thể sự bất ổn sẽ gia tăng đáng kể khi tăng trưởng chậm lại".
Trong quý một, tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình cả năm của Trung Quốc đã giảm xuống còn 7,4% và đến năm 2026 con số này chỉ còn 5%, theo Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Hội đồng Nhà nước và Ngân hàng Thế giới. Điều xảy đến sau sự phát triển kéo dài ba thập kỷ: khoảng cách giàu nghèo tại Trung Quốc lớn hơn Mỹ, theo một nghiên cứu mới đây của Đại học Michigan.
Các cải cách kinh tế nhằm mục đích trao cho các lực lượng thị trường một vai trò quyết định trong việc phân bổ nguồn lực sẽ khiến các cá nhân và tổ chức hưởng lợi từ hệ thống hiện tại gặp bất lợi. Việc cho phép giá lao động, vốn và năng lượng tăng lên có thể "thách thức cam kết về quá trình cải cách của các nhà lãnh đạo cấp cao", Barry Naughton, một chuyên gia về Trung Quốc tại Đại học California, San Diego, nhận định.
Sự phụ thuộc tín dụng
Nhiệm vụ trở nên phức tạp do sự cần thiết phải xóa bỏ sự phụ thuộc về tín dụng của nền kinh tế. Theo một báo cáo ngày 12/06/2014 của Ngân hàng Standard Chartered từ khủng hoảng tài chính năm 2008, nợ của Trung Quốc đã tăng lên tới 245% tổng sản phẩm quốc nội.
Các lãnh đạo của Trung Quốc có những mối lo lắng riêng của họ. Tập Cận Bình đã thực hiện một chiến dịch chống tham nhũng nhằm vào các quan chức quân đội và quan chức đảng cấp cao, có thể là cuộc đàn áp lớn nhất trong lịch sử.
Nạn nhân mới nhất của cuộc thanh trừng nạn tham nhũng là ông Lưu Thiết Nam, cựu Phó chủ tịch Ủy ban Kế hoạch Nhà nước. Cụ thể, các công tố viên cho biết ông Lưu sẽ bị kết tội nhận hối lộ. Ông Lưu, 59 tuổi, đã thừa nhận cáo buộc của các công tố viên là "đã nhận khoản tiền hối lộ rất lớn".
Tuy nhiên, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã quản lý để đưa một đất nước với 1,3 tỷ dân phát triển từ tình trạng thiếu thốn đến thịnh vượng. Martin Whyte, một nhà xã hội học tại Đại học Harvard, đã so sánh số liệu khảo sát về thái độ của người Trung Quốc vào năm 2009 và 2004 và không tìm thấy bằng chứng nào về cái mà ông gọi là quan điểm "núi lửa xã hội".
Gạt bỏ Mỹ
"Thái độ chấp nhận sự bất bình đẳng hiện nay vẫn còn phổ biến mặc cho khoảng cách thu nhập tại Trung Quốc vẫn tiếp tục tăng lên", ông kết luận.
Sự giàu có của Trung Quốc đã chuyển sang vị thế quân sự mạnh mẽ hơn và hung hăng hơn. Máy bay chiến đấu của Trung Quốc đã bay sát các máy bay giám sát của Nhật Bản trên khu vực các quần đảo đang tranh chấp tại Biển Hoa Đông trong khi các tàu hải quân Trung Quốc tấn công tàu Việt Nam tại Biển Đông.
Đầu tháng 06/2014, Trung Quốc đã sôi sục tại một hội nghị an ninh khu vực tại Singapore. Thiếu tướng Zhu Chenghu, giáo sư tại Đại học Quốc phòng Trung Quốc, đã cảnh báo các đồng minh của Mỹ ở Châu Á không nên mong chờ vào sự hiện diện của Mỹ trong khu vực.
Giải quyết các mối nghi ngờ
Thay vì chỉ ra mối quan tâm chính đối với sự ổn định của Trung Quốc, các nhận định của Tổng thống Obama có thể phản ánh một nỗ lực nhằm giải quyết các nghi ngờ của lãnh đạo Trung Quốc về quyết định chú ý hơn đến Châu Á của tổng thống, theo Andrew Nathan, chuyên gia Trung Quốc tại Đại học Columbia tại New York.
Các lãnh đạo Trung Quốc xem kế hoạch "tái cân bằng" của Obama là dấu hiệu cho thấy ông muốn ngăn chặn sự xuất hiện của một siêu cường quốc đối thủ. Bằng cách nhấn mạnh nguyên tắc của Mỹ đối với một Trung Quốc thống nhất và thịnh vượng, Obama có thể cố gắng giảm bớt các lo lắng như vậy.
Các lãnh đạo Trung Quốc nhận thấy điểm yếu của họ. Mặc dù chính phủ đã ngưng phát hành báo cáo biểu tình chính thức từ năm 2005, rõ ràng tình trạng mất trật tự vẫn xảy ra hằng ngày. Sun Liping, giáo sư tại Đại học Tsinghua, ước tính đã có khoảng 180.000 cuộc biểu tình, đình công, bạo động và "hàng loạt sự cố" vào năm 2010, tăng gấp hai lần so với năm 2006.
"Họ phải đối mặt với các thách thức trật tự xã hội rất nghiêm trọng", Murray Scot Tanner, nhà khoa học cấp cao tại Bộ phận Nghiên cứu Trung Quốc thuộc CNA Corp., một nhóm nghiên cứu tại Arlington, Virginia, nhận định. "Và một vài vấn đề trong số đó đang ngày càng trở nên nghiêm trọng".
Thanh Vân (dịch theo Bloomberg)
Theo NTD