Mỹ sở hữu siêu tiêm kích mang bom chùm, có thể phá tan tàu tấn công của Iran?
Tiêm kích F-15E Strike Eagle của Mỹ đã nhận được bom chùm, có thể được sử dụng để ngăn chặn các nhóm tàu Iran ở Vịnh Ba Tư.
Máy bay chiến đấu F-15E Strike Eagle. Ảnh: Sputnik
Không quân Mỹ cho biết các tiêm kích F-15E Strike Eagle, thuộc phi đội viễn chinh 336 đang thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ chiến tranh trên biển, cung cấp hộ tống trên không cho tàu hải quân khi chúng đi qua eo biển Hormuz, Business Insider trích dẫn.
Dù Không quân Mỹ không cung cấp chi tiết về vũ khí mà F-15 mang theo trong các phi vụ tuần tra, nhưng căn cứ vào bức ảnh đăng trên trang web của Không quân Mỹ, Joseph Trevithick, nhà phân tích quân sự thuộc War Zone, một tờ báo điện tử chuyên về quốc phòng, cho biết F-15E đang bay với bom chùm.
Còn theo trang The Drive, một số máy bay đã nhận được hệ thống Wind Corrected Munitions Dispenser (WCMD), thuộc loại bom chùm CBU-103 / B với trang bị bom 202 BLU-97/B Combined Effects Bomblet (CEB) và hệ thống CBU- 105 / B – gồm khoảng 10 quả bom BLU-108 / B Sensor Fuzed Munitions (SFM).
Về mặt lý thuyết, mỗi quả bom chùm CBU-105 có thể tạo ra 40 điểm chết người đối với nhóm tàu thuyền nhỏ của Iran đang tiến đến. Quân đội Mỹ đã lên kế hoạch ngừng sử dụng bom chùm, nhưng kế hoạch này đã bị hoãn cho đến khi tìm ra phương án thay thế.
Video đang HOT
Vào tháng 12/ 2017, Jane’s 360 tuyên bố rằng Lầu Năm Góc sẽ ngừng tiêu hủy bom chùm, để lại quyền sử dụng chúng nếu cần thiết.
Tháng 12/ 2008, 93 quốc gia đã ký một hiệp ước cấm bom chùm. Một số nước trong đó có Hoa Kỳ, Nga, Iran, Trung Quốc và Ấn Độ đã không tham gia thỏa thuận.
Tiêm kích F-15 Eagle bắt đầu hoạt động trong Không quân Mỹ từ năm 1976. Trong suốt 3 thập kỷ, F-15 được xem là “kẻ thống trị” bầu trời cho đến khi tiêm kích tàng hình F-22 Raptor được đưa vào hoạt động.
Nhà phân tích quốc phòng Kyle Mizokami nhận định, ngày nay F-15 vẫn là đối thủ đáng gờm trên bầu trời đối với bất kỳ chiến đấu cơ tiên tiến nào. Eagle là sự kết hợp hoàn hảo giữa 2 động cơ phản lực mạnh mẽ, radar tiên tiến cùng hệ thống vũ khí cực mạnh.
Các phiên bản đầu của F-15 được thiết kế chuyên dụng cho nhiệm vụ chiếm ưu thế trên không. Vũ khí chính của Eagle là 4 tên lửa không đối không tầm trung AIM-7 Sparrow hoặc AIM-120 và 4 tên lửa hồng ngoại AIM-9 Sidewinder. Máy bay được vũ trang một pháo 20 mm 6 nòng dùng cho cận chiến.
Hiện tại, F-15 là trụ cột trong năng lực tấn công mặt đất và chiếm ưu thế trên không của Không quân Mỹ. Chiến đấu cơ này dự kiến sẽ được sử dụng đến năm 2040.
Mộc Miên (T/h)
Theo doisongphapluat
Mỹ triển khai "Chim ăn thịt" F-22 tới Qatar "nắn gân" Iran
Các chiến đấu cơ tàng hình F-22 lần đầu tiên được triển khai tới Qatar. Đây được xem là động thái cũng cố thêm vào việc xây dựng lực lượng của quân đội Mỹ ở vùng Vịnh trong bối cảnh căng thẳng với Iran.
Tuyên bố và các bức ảnh từ Bộ Chỉ huy Trung ương Không quân Mỹ cho thấy các máy bay chiến đấu tàng hình F-22 đã đến căn cứ không quân Al Udeid ở Qatar ngày 28/6.
Không quân Mỹ từ chối tiết lộ họ đã triển khai bao nhiêu máy bay F-22 nhưng trong một bức ảnh, ít nhất 5 chiếc được nhìn thấy tại căn cứ không quân Al Udeid.
Các máy bay chiến đấu tàng hình F-22 Raptor của Không quân đã được triển khai "để bảo vệ các lực lượng và lợi ích của Mỹ", Bộ Chỉ huy Trung ương Không quân Mỹ cho biết.
"Các máy bay này lần đầu tiên được triển khai đến Qatar để bảo vệ các lực lượng và lợi ích của Mỹ trong khu vực" - Không quân Mỹ tuyên bố.
Nhà phân tích quốc phòng, đồng thời là cựu sĩ quan Không quân Úc - Peter Layton, nhận định việc Mỹ triển khai F-22 tới gần Iran là để nhắm vào các hệ thống tên lửa đất đối không của Tehran, đặc biệt là hệ thống S-300.
Động thái trên diễn ra khoảng 1 tuần sau khi tên lửa đất đối không của Iran bắn hạ một máy bay không người lái (UAV) của Mỹ gần eo biển Hormuz. Tehran khẳng định máy bay Mỹ xâm phạm không phận nước này nhưng Washington nói UAV của họ ở phía trên vùng biển quốc tế.
Mỹ cũng đổ lỗi cho Iran về các vụ tấn công 2 tàu chở dầu gần eo biển Hormuz trong tháng này cũng như 4 tàu thương mại ngoài khơi bờ biển Các Tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) vào tháng trước. Tuy nhiên, Tehran bác bỏ cáo buộc.
Sau các vụ tấn công đó, Mỹ triển khai khoảng 2.000 binh sĩ, một nhóm tác chiến tàu sân bay và máy bay ném bom B-52 tới khu vực, đồng thời bổ sung F-22 tới Qatar.
F-22 được biết đến là loại máy bay hai động cơ với khả năng thực hiện cả nhiệm vụ không đối không lẫn không đối đất. Nó được đánh giá là máy bay chiến đấu chiếm ưu thế trên không tốt nhất trong kho vũ khí của Mỹ. Ngoài ra, với tốc độ và khả năng tàng hình, F-22 cũng đóng vai trò là nền tảng chính để không kích mục tiêu của kẻ thù một cách chính xác.
Qatar và Iran nằm về hai phía của Vịnh Ba Tư. Trong đó, căn cứ không quân Al Udeid ở Qatar chứa hơn 11.000 nhân viên quân sự Mỹ và là nơi tập trung nhiều lực lượng nhất của Mỹ tại Trung Đông.
Theo Danviet
Điểm danh những chiến đấu cơ nhanh nhất thế giới Với sự tiến bộ về công nghệ, ngày càng có nhiều chiến đấu cơ "ghi danh" vào kỷ lục thế giới với tốc độ bay ấn tượng. F-117 Nighthawk: Từng được coi là một biểu tượng sức mạnh của Mỹ, "chim ưng đêm" F-117 Nighthawk là máy bay đi vào hoạt động đầu tiên của Mỹ được thiết kế theo công nghệ tàng...