Mỹ sắp hoàn thành căn cứ quân sự 11 tỷ USD tại Hàn Quốc
Quân đội Mỹ đã tốn tới 30 năm để di chuyển căn cứ quân sự ra khỏi thủ đô Seoul, ra ngoài tầm tấn công của hỏa lực từ Triều Tiên.
Giới chức Mỹ và Hàn Quốc trong lễ cắt băng khai trương căn cứ quân sự Humphreys hồi đầu tháng 7 (Ảnh: EPA)
Một thành phố Mỹ thu nhỏ với 4 trường học, 5 nhà thờ, các nhà hàng ăn và món bia nổi tiếng Budweiser mang đậm phong cách Mỹ nằm giữa lòng một vùng đồng quê Hàn Quốc, vốn nổi tiếng với những vườn nho. Đây là dự án doanh trại quân đội mang tên Humphreys trị giá 11 tỷ USD mà quân đội Mỹ đầu tư xây dựng nhằm đối phó với mối nguy hiểm từ phía bắc của bán đảo Triều Tiên.
Theo Đại tá Scott Mueller, chỉ huy quân đồn trú của trại Humphreys, đây là một trong những dự án doanh trại quân đội ở nước ngoài lớn nhất mà Mỹ từng đầu tư, với những phần trọng điểm của công trình dự kiến sẽ được hoàn tất vào năm 2021. Đây là nỗ lực trong suốt 3 thập niên của Mỹ nhằm đưa căn cứ quân sự ra khỏi tầm tấn công của hỏa lực từ Bình Nhưỡng.
Quân đoàn số 8 của lực lượng quân đội Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc hồi tháng này đã chuyển trụ sở chính về căn cứ trong tháng này. Sẽ có khoảng 25.000 người đồn trú tại đây, bao gồm lính đồn trú, thành viên gia đình của họ và các nhà thầu xây dựng. Sẽ có các khu căn hộ, sân chơi thể thao, công viên nước, sân golf 18 lỗ được xây dựng trong khung cảnh “hòa mình với thiên nhiên”. Thêm vào đó là khu vực giải trí với máy trò chơi điện tử, bàn bida, phi tiêu và quán rượu cho người đủ tuổi.
Bắt đầu từ tháng 8, sẽ có 2 trường tiểu học, 1 trường trung học và 1 trường cấp 3 được xây dựng. Một bênh viện quân đội gồm 68 giường sẽ tọa lạc trong khu căn cứ. Bên cạnh đó, sẽ có một sân bay, bãi huấn luyện xe tăng, và trường bắn. Khi hoàn thành, Trại Humphreys dự kiến sẽ có sức chứa tối đa 1.111 gia đình với 45.500 người.
Video đang HOT
Theo ông Mueller, đây sẽ là công trình hiện đại với công nghệ thông tin liên lạc tiên tiến và địa điểm lý tưởng chống lại mối rủi ro từ sự tấn công của Bình Nhưỡng.
Bình luận về căn cứ quân sự, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA cho biết: “Căn cứ quân sự của Mỹ càng lớn, quân đội Triều Tiên có thể tấn công mục tiêu càng hiệu quả hơn”.
Ngoài ra sự xuất hiện của căn cứ mới mang lại nhiều triển vọng về kinh tế địa phương. Chính quyền tại đây đã xây dựng dự án ga tàu và đường cao tốc 4 làn trị giá 13 triệu USD và một trạm biến áp trị giá 55 triệu USD. Bên ngoài khu căn cứ, các doanh nghiệp địa phương đã không bỏ qua cơ hội kiếm tiền với các dự án bất động sản, cửa hàng ăn, tiệm cắt tóc… với thiết kế và hình thức thể hiện sự thân thiết trong mối quan hệ Hàn – Mỹ.
Tuy nhiên, việc kinh doanh chưa chắc sẽ tốt, một phần do lính đồn trú hiếm khi ra ngoài vì họ đã có đầy đủ mọi thứ trong doanh trại. Thêm vào đó, sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong tình trạng cầu thấp, cung cao cũng khiến doanh thu có thể “dậm chân tại chỗ”. Ngoài ra, cũng có những lo ngại về an ninh, mối quan hệ giữa các binh sĩ Mỹ và người dân địa phương.
Đức Hoàng
Theo SCMP
Trung Quốc xây nhiều công trình ngầm trong căn cứ nước ngoài đầu tiên
Hình ảnh vệ tinh cho thấy căn cứ quân sự của Trung Quốc tại Djibouti lớn hơn so với những nhận định trước đây.
Binh sĩ trên tàu chiến Trung Quốc tại Djibouti. Ảnh: Reuters.
Hai ảnh vệ tinh mới do Stratfor Worldview và Allsource Analysis cung cấp cho thấy căn cứ Trung Quốc ở Djibouti, nằm ở vị trí chiến lược thuộc vùng Sừng Châu Phi, có tới 23.000 m2 dưới lòng đất và được bảo vệ nghiêm ngặt bằng ba lớp hàng rào an ninh, theo CNN.
"Kiểu xây dựng này phù hợp với hoạt động truyền thống của Trung Quốc trong việc kiên cố hóa căn cứ quân sự. Các công trình ngầm sẽ giúp Bắc Kinh che giấu được mọi động thái và bảo vệ phương tiện cùng trang thiết bị quan trọng tại Djibouti", cơ quan phân tích tình báo Stratfor, Mỹ nhận định.
Đầu tháng 7, Trung Quốc triển khai quân đến căn cứ nước ngoài đầu tiên này. Mỹ, Pháp và Nhật hiện cũng duy trì các căn cứ quân sự lâu dài tại Djibouti. Tuy nhiên những căn cứ này không được bảo vệ nghiêm ngặt như của Trung Quốc.
Hiện chưa rõ căn cứ của Trung Quốc có quy mô lớn như thế nào, trong khi căn cứ quân sự của Mỹ tại đây được mở rộng vào năm 2005 với diện tích khoảng hai km2.
"Mặc dù đây chỉ là một căn cứ tương tự căn cứ của các nước khác ở Djibouti, Trung Quốc đã làm theo cách riêng của họ", nhà phân tích cao cấp của Stratfor, Sim Tack cho biết.
Hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc xây dựng nhiều đường hầm trong căn cứ tại Djibouti. Ảnh: CNN.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc quảng bá rằng căn cứ trên là cơ sở để quân đội nước này mang lại hòa bình và an ninh cho khu vực bằng cách cung cấp phương tiện cho hoạt động chống hải tặc và hỗ trợ nhân đạo. Tuy nhiên, hình ảnh chụp ngày 4/7 cho thấy Bắc Kinh vẫn chưa xây dựng các bến tàu, vốn là điều kiện quan trọng cho mục đích mà nước này tuyên bố.
Theo giới phân tích, căn cứ tại Djibouti là một phần trong nỗ lực của Trung Quốc nhằm hiện thực hóa chiến lược "hải quân xanh", dựa trên việc thiết lập một lượng hải quân toàn cầu, có khả năng triển khai các hoạt động trên khắp thế giới. Tuy nhiên, truyền thông nhà nước Trung Quốc bác bỏ nhận định rằng Bắc Kinh đang muốn mở rộng và phô trương sức mạnh.
Nguyễn Hoàng
Theo VNE
Đồng minh Nga lo đối đầu với Mỹ ở Trung Á Kyrgyzstan lo ngại Mỹ kéo rộng ảnh hưởng ở Trung Á bằng đe dọa, hối thúc Nga triển khai thêm quân đội ở sân sau. Trang Newsweek mới đây dẫn lời Tổng thống Kyrgyzstan Almazbek Atambayev cho biết về lo ngại của ông khi bị các quốc gia Trung Á đe dọa vì từ chối cho phép Mỹ đóng quân trên lãnh thổ...