Mỹ ghi nhận mức hiệu quả cao của vaccine đậu mùa khỉ
Dữ liệu ban đầu cho thấy vaccine đậu mùa khỉ đã phát huy công dụng tại Mỹ.
Vaccine đậu mùa khỉ Jynneos. Ảnh: AFP
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ cho biết vaccine đậu mùa khỉ có hiệu quả cao trong việc phòng tránh lây nhiễm, ngay từ hai tuần sau khi tiêm liều đầu tiên.
Hãng thông tấn AFP trích dẫn phân tích sơ bộ do cơ quan này đăng tải cho hay từ ngày 31/7 đến ngày 3/9, những người chưa tiêm phòng có nguy cơ mắc bệnh đậu mùa khỉ cao gấp 14 lần so với những người đã tiêm phòng được 14 ngày trở lên sau mũi tiêm đầu tiên. Kết quả đó được dựa trên các trường hợp lây nhiễm trên toàn quốc.
Mỹ đã ghi nhận trên 25.000 trường hợp mắc đậu mùa khỉ trong đợt bùng phát bắt đầu từ tháng 5 năm nay, chủ yếu ảnh hưởng đến những người đàn ông quan hệ tình dục đồng giới.
Phát biểu tại cuộc họp báo, Giám đốc CDC Rochelle Walensky: “Những dữ liệu mới trên đã đem lại cho chúng tôi mức độ lạc quan rằng vaccine đang hoạt động hiệu quả như dự kiến”.
Dù vậy, bà Walensky nói thêm rằng ngay cả khi ghi nhận những dữ liệu đầy hứa hẹn này, CDC vẫn khuyến cao những người có nguy cơ nên tiêm đủ hai liều vaccine Jynneos cách nhau 28 ngày để đảm bảo khả năng miễn dịch lâu dài.
Mỹ đã triển khai tiêm trên 680.000 liều vaccine Jynneos, tập trung nhóm đối tượng nam giới đồng tính và song tính, cũng như những người chuyển giới và đa giới tính.
Phó điều phối viên ứng phó với bệnh đậu mùa khỉ của Nhà Trắng Demetre Daskalakis cho biết chiến lược tiêm chủng đang chuyển sang một giai đoạn mới, trong đó vaccine sẽ được cung cấp cho những người không bị phơi nhiễm từ trước, thay vì sau khi phơi nhiễm.
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ cho người dân tại Los Angeles, California, Mỹ, ngày 27/7. Ảnh: AFP/TTXVN
Ông nói: “Chiến lược mới này có nghĩa là nhiều người có nguy cơ mắc bệnh đậu mùa khỉ ở hiện tại hoặc trong tương lai đều đủ điều kiện để tiêm vaccine”.
Để giảm kỳ thị, chiến lược mới sẽ cho phép các nhân viên y tế tiêm vaccine ở những vùng khó quan sát như vai hoặc lưng trên, thay vì ở bắp tay.
Ngày 23/7, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp y tế cộng đồng do bùng phát bệnh đậu mùa khỉ, sau khi hơn 16.000 ca mắc bệnh được ghi nhận ở 75 nước và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới.
Trước đây, bệnh đậu mùa khỉ chủ yếu lưu hành ở Trung Phi và Tây Phi, nhưng từ tháng 5 vừa qua, bệnh đã xuất hiện ở bên ngoài 2 khu vực này và bắt đầu lây lan nhanh. Đến nay, bệnh đậu mùa khỉ đã lan tới hơn 90 quốc gia và khu vực trên toàn thế giới, với hơn 66.000 ca mắc bệnh và 26 ca tử vong, mặc dù tốc độ lây lan đang chậm lại tại một số “điểm nóng” như châu Âu và Mỹ.
Mặc dù virus gây bệnh đậu mùa khỉ có thể lây nhiễm từ động vật sang người, song các chuyên gia y tế nhấn mạnh sự lây lan toàn cầu gần đây là do tiếp xúc gần với người bệnh. Các triệu chứng điển hình của bệnh đậu mùa khỉ bao gồm sốt, đau đầu, đau nhức cơ, mệt mỏi, sưng hạch bạch huyết, phát ban hoặc tổn thương da. Bệnh đậu mùa khỉ gây ra các nốt phát ban giống như bệnh đậu mùa và để lại sẹo, chủ yếu ở mặt, hậu môn và bộ phận sinh dục.
Những người mắc bệnh có thể lây lan cho người khác khi đã xuất hiện các triệu chứng và virus lây lan qua chất dịch cơ thể (mủ hoặc máu từ các tổn thương da) và các vật dụng mà người mắc bệnh sử dụng.
Ý nghĩa tuyên bố tình trạng khẩn cấp mới nhất ở Mỹ
Giới chuyên gia hy vọng tuyên bố sẽ tăng cường năng lực cho các nhân viên y tế và giúp người dân Mỹ cảnh giác hơn trước mối đe dọa này.
Một điểm tiêm vaccine đậu mùa khỉ tại bang California (Mỹ) hôm 3/8. Ảnh: Bloomberg.
Hôm 4/8, Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ Xavier Becerra chính thức ban bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn quốc do đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ, gần ba tháng sau khi ca bệnh đầu tiên được phát hiện tại bang Massachusetts hôm 18/5.
"Sau khi tham vấn với các quan chức y tế công cộng như cần thiết, tôi, Xavier Becerra, Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh, tuân theo thẩm quyền dựa trên điều 319 của Đạo luật Dịch vụ Y tế Công cộng, quyết định rằng một tình trạng khẩn cấp y tế công cộng đang tồn tại ở quy mô toàn quốc", ông Becerra ra tuyên bố.
Tuyên bố tình trạng khẩn cấp sẽ giúp giới chức y tế Mỹ có thêm nhiều quyền hành nhằm đối phó với dịch bệnh, cũng như tăng cường nhận thức của người dân Mỹ về nguy cơ này.
Tuyên bố tình trạng khẩn cấp có ý nghĩa gì?
Theo quy định của chính quyền liên bang Mỹ, tuyên bố tình trạng y tế khẩn cấp của bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh có giá trị 90 ngày và có thể được gia hạn. Giới chức y tế liên bang Mỹ sẽ có quyền sử dụng quỹ khẩn cấp hay thuê thêm hoặc điều động nhân viên để đối phó với dịch bệnh.
Bên cạnh đó, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cũng sẽ có thêm năng lực tiếp cận với các nhân viên y tế và các bang trong tình trạng khẩn cấp, theo New York Times.
Dù vậy, tuyên bố này không cho Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) quyền cấp phép khẩn cấp vaccine, thuốc và kit xét nghiệm - vốn yêu cầu một tuyên bố khác.
Tuyên bố tình trạng khẩn cấp "sẽ giúp tăng cường xét nghiệm và tăng nhận thức của nhân viên y tế, đặc biệt bên ngoài các thành phố lớn - nơi mức độ nhận thức thấp hơn nhiều", ông Tom Inglesby, Giám đốc Trung tâm An ninh Y tế Johns Hopkins tại Trường Y tế Công cộng Bloomberg, nhận định.
Trong khi đó, nhà dịch tễ học Anne Rimoin tại Đại học California, Los Angeles, thành viên tổ tư vấn của WHO về bệnh đậu mùa khỉ, cho rằng tuyên bố "gửi đi thông điệp mạnh mẽ rằng đây là điều quan trọng và cần đối phó ngay lập tức".
Tình hình đậu mùa khỉ tại Mỹ hiện ra sao?
Kể từ khi ca bệnh đầu tiên được phát hiện, giới chức y tế Mỹ đã xác nhận phát hiện hơn 6.600 ca bệnh đậu mùa khỉ, cao nhất thế giới. Con số thực tế có thể còn cao hơn vì người bệnh thường chỉ được xét nghiệm khi có triệu chứng. Dù vậy, quốc gia này vẫn chưa ghi nhận bất cứ ca tử vong nào vì căn bệnh này trong năm 2022.
Chính phủ Mỹ đã chuyển hơn 600.000 liều vaccine Jynneos ngăn đậu mùa khỉ tới cơ quan y tế các bang và các thành phố từ tháng 5, CNBC đưa tin. Bên cạnh đó, Mỹ cũng đang đặt hàng thêm 5 triệu liều vaccine. Những lô hàng này sẽ được chuyển đến Mỹ cho đến giữa năm 2023.
Dù vậy, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden vẫn hứng chịu nhiều chỉ trích do chậm trễ trong công tác mở rộng tiêm chủng. Nhiều phòng khám tại các thành phố lớn như New York và San Francisco cho biết họ không có đủ vaccine để đáp ứng nhu cầu, theo AP. Một số phòng khám đã phải dừng tiêm mũi thứ hai để đảm bảo nguồn cung mũi thứ nhất.
Mỹ từng tuyên bố tình trạng khẩn cấp về y tế chưa?
Từ đầu thế kỷ XXI đến nay, Mỹ đã năm lần phải ban bố tình trạng khẩn cấp toàn quốc liên quan đến y tế: Dịch cúm H1N1 năm 2009, đợt bùng phát dịch Zika năm 2016, "đại dịch opioid" năm 2017, đại dịch Covid-19 và đợt bùng phát dịch đậu mùa khỉ lần này.
Trong đó, tình trạng khẩn cấp do đại dịch Covid-19 - vốn có hiệu lực từ ngày 31/1/2020 - đã được gia hạn 10 lần và vẫn chưa kết thúc. Tuyên bố gia hạn gần đây nhất được Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ Xavier Becerra công bố hôm 15/7.
Dư luận Mỹ nói gì?
Dư luận Mỹ đã yêu cầu chính phủ hành động mạnh mẽ hơn để đối phó với dịch đậu mùa khỉ trong thời gian gần đây. Một số bang - California, Illinois và New York - đã tự ra tuyên bố tình trạng khẩn cấp của riêng mình.
Hạ nghị sĩ đảng Dân chủ Adam B. Schiff, người đến từ California, hôm 20/7 kêu gọi chính quyền của Tổng thống Biden tăng cường năng lực sản xuất và phân phối vaccine, cũng như đề ra một chiến lược dài hạn để đối phó với virus.
Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Patty Murray, Chủ tịch Ủy ban Y tế Thượng viện Mỹ, thúc đẩy Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh cung cấp thông tin chi tiết về các động thái kiềm chế đợt bùng phát dịch.
Trong khi đó, các nhà vận động vì quyền lợi của người đồng tính đã đề nghị chính phủ tuyên bố tình trạng khẩn cấp từ nhiều tuần trước.
"Hành động này đã quá muộn", ông James Krellenstein, nhà sáng lập PrEP4All - tổ chức vận động nhằm mở rộng điều trị cho những người mắc HIV, bình luận. "Tôi không thực sự hiểu tại sao họ không làm điều này từ nhiều tuần trước.
3 triệu chứng nghiêm trọng của bệnh đậu mùa khỉ mới được phát hiện .Theo tờ nhật báo Anh Express, một nghiên cứu mới đã mở rộng danh sách các triệu chứng bệnh đậu mùa khỉ. Trong đó, 3 triệu chứng nghiêm trọng.
Bang New South Wales triển khai tiêm phòng bệnh đậu mùa khỉ sớm nhất Australia Kể từ ngày 8/8 tới, nhà chức trách y tế bang New South Wales của Australia sẽ bắt đầu triển khai tiêm phòng bệnh đậu mùa khỉ đợt đầu tiên và là đợt tiêm sớm nhất so với các bang khác trên cả nước, trong bối cảnh số ca mắc mới căn bệnh này tiếp tục gia tăng. Vaccine phòng bệnh đậu mùa...