Mỹ đề phòng trường hợp Trung Quốc “bắt chước” Nga
Theo “The Weekly Standard”, qua cuộc khủng hoảng chính trị Ukraine người ta mới nhận ra Bắc Kinh vẫn còn kém xa Moscow trong giải quyết các sự vụ quốc tế.
Bài viết cho biết, hiện nay Mỹ đang đau đầu với 1 cường quốc luôn bất mãn với hiện trạng thế giới kể từ sau chiến tranh lạnh đến nay, kiên trì với quan điểm là trật tự địa – chính trị phải “lấy mình làm trung tâm”, ấp ủ những lo ngại về tình hình trật tự, an ninh trên thế giới. Quốc gia bí ẩn này là cường quốc nào?
Trước khi Nga tiến quân vào Crimea, đáp án hiển nhiên phải là Trung Quốc. Tuy nhiên sau khi Nga không tốn một viên đạn mà thu hồi được Crimea, trở thành quốc gia số 1 về “chủ nghĩa xét lại” (xét lại lịch sử để thu hồi Crimea) thì Trung Quốc chỉ còn là thứ yếu trong con mắt của Mỹ.
Hiện nay, Moscow mới xứng đáng là đối thủ số 1, khiến cả Washington và EU quay cuồng mà không làm gì được.
Trung Quốc đương nhiên không phải là Nga, tuy hai bên có nhiều khác biệt nhưng cũng có những điểm chung nhất định.
Video đang HOT
Từ khi Liên Xô giải thể đến nay, Moscow luôn không cam chịu là một cường quốc tầm trung trong nhóm các nước sở hữu vũ khí hạt nhân. Tổng thống Nga Putin đã từng gọi sự kiện Liên bang Xô viết giải thể là “thảm họa địa – chính trị lớn nhất thế kỷ 20″.
Về phần mình, Trung Quốc cảm thấy Mỹ, NATO và Nhật Bản luôn muốn “dìm” mình từ địa vị cường quốc số 1 châu Á trở lại một quốc gia bạc nhược như “vũng lầy trăm năm” trước. Vì thế giữ vững địa vị là một trong những cường quốc hàng đầu thế giới là một mục tiêu trọng tâm của Bắc Kinh.
Trung Quốc đang nỗ lực hiện đại hóa hải quân để phá thế kiềm tỏa của Mỹ
Bất luận là Nga hay là Trung Quốc, quan điểm lịch sử về trật tự thế giới của 2 nước đang thúc đẩy sự biến chuyển về chính sách, hòng làm thay đổi cán cân lực lượng toàn cầu và khu vực. Các nhà lãnh đạo của cả 2 nước đều tin rằng, chính trị quốc tế là một trò chơi có tổng bằng 0, tức là không có kẻ thắng, kẻ bại, không có đồng minh hoặc địch thủ vĩnh viễn, mà chỉ có những lợi ích mà 1 bên thu được.
Bắc Kinh hoan hỉ đưa ra thuyết “2 cánh”, nhưng ngay cả “Mối quan hệ kiểu nước lớn” mà họ đưa ra với Washington dường như cũng chỉ nhằm mục đích giúp Trung Quốc “thuận buồm xuôi gió”, trở thành bá chủ thế giới.
Hệ tư tưởng, cảm giác bị đối xử bất công và sự tính toán cẩn thận về quyền lực là động lực thúc đẩy Nga và Trung Quốc hành động. Đồng thời, 2 nước cũng có chung mối lo lắng về an ninh các tuyến đường biển của mình.
Kinh tế Trung Quốc chủ yếu phụ thuộc vào nguồn năng lượng và giao dịch hàng hóa bằng đường biển, mà quyền kiểm soát các tuyến vận tải biển ở Ấn Độ Dương và châu Á – Thái Bình Dương lại nằm trong tay Mỹ. Bắc Kinh nỗ lực hiện đại hóa hải quân và bành trướng lãnh thổ trên biển, cũng chủ yếu là để phá vỡ cái vòng cương tỏa của Whashington.
Vấn đề quan trọng là tại sao Nga làm được những việc “kinh thiên động địa” mà Trung Quốc lại không? Sự khác biệt về chính trị trong nước của Nga và Trung Quốc là câu trả lời rõ ràng nhất. Nga có tiềm lực kém hơn Trung Quốc nhưng lại có người lãnh đạo xuất sắc, còn Bắc Kinh có tiềm lực mạnh hơn Nga rất nhiều nhưng không có người cầm đầu mạnh mẽ và quyết đoán. Cho đến nay, Trung Quốc chủ yếu vẫn là “hành xử thận trọng và tìm kiếm nhận thức chung”.
Chiến hạm hải quân Mỹ và Trung Quốc trong một cuộc tập trận
Chiến lược an ninh quốc gia của Mỹ cần phải chấp nhận một điều, Nga và Trung Quốc là những kẻ theo “chủ nghĩa hoài nghi”, mà đặc trưng chính của nó là sự pha trộn giữa “kiêu hãnh” và cảm giác bất an, được bắt nguồn từ điều kiện địa lý không thuận lợi và sự hưng thịnh trong thời gian dài của Mỹ. Cả Moscow và Bắc Kinh đều nhận thấy, tương lai của họ không thể bị phớt lờ như vậy.
Bắc Kinh hiện rất quan tâm đến quyết tâm và lòng tin của Mỹ. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc hiện đang đặt câu hỏi và đang tự giải đáp là: “Liệu trật tự châu Âu từ sau thời kỳ chiến tranh lạnh đến nay, hiện đã có thể thay đổi? Có hay không và có thể thăm dò đâu là &’giới hạn đỏ’ của Mỹ?”.
Giải đáp được câu hỏi này, Bắc Kinh tiếp tục “đặt vấn đề” cho mình: “Liệu Trung Quốc có thể tạo ra một tiền lệ, tiến hành các hoạt động quân sự để bảo vệ Hoa kiều ở hải ngoại hay không”? Hoặc là vấn đề có nên li gián Washington và các đồng minh châu Á của họ là Seuol và Tokyo hay không?
Bài báo của “The Weekly Standard” kết luận, Mỹ nên bắt đầu hành động, làm sao để các câu trả lời của Trung Quốc đều là mang tính chất “phủ định”. Mặc dù đối phó với Nga, những lựa chọn của Mỹ tương đối hạn chế nhưng ở châu Á – Thái Bình Dương, Mỹ vẫn có thể tránh được một “sự đã rồi”.
Tiềm lực quốc gia và địa vị của Trung Quốc đang ngày một được nâng cao, cho nên Washington phải không ngừng đề ra và thực hiện các chiến lược nhằm bao vậy cô lập Trung Quốc, bảo đảm tất cả các cường quốc xung quanh Bắc Kinh đều là các đồng minh của Mỹ và dặc biệt là phải ngăn chặn cái “tiền lệ” của Trung Quốc, chỉ một lần Bắc Kinh nhận thấy mình có thể “muốn làm gì thì làm” thì sẽ rất khó kiềm chế.
Theo Báo Đất Việt