Mỹ cảnh báo Israel về tình huống tái chiếm đóng Gaza hậu xung đột
Tổng thống Mỹ Joe Biden từng cảnh báo rằng, việc Israel chiếm đóng Gaza hậu xung đột sẽ là một sai lầm.
Hôm 7/11, người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ, John Kirby, cho biết, Tổng thống nước này Joe Biden không ủng hộ việc Israel chiếm đóng quân sự ở Dải Gaza sau khi chiến tranh Israel-Hamas kết thúc.
Ông Biden tin rằng, việc Israel tái chiếm đóng Gaza “không phải là điều đúng đắn”.
Phát biểu được đưa ra một ngày sau khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nói với ABC News rằng, Tel Aviv sẽ chịu trách nhiệm về an ninh chung ở Gaza sau chiến tranh trong “một khoảng thời gian không xác định”.
Ông Kirby cho biết, cần phải có các cuộc thảo luận “lành mạnh” về việc Gaza sẽ như thế nào và việc quản lý Gaza ra sao sau cuộc xung đột .
Quân đội Israel trong chiến dịch tấn công trên bộ ở Gaza. Nguồn: IDF.
Người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ cho biết, Washington đồng ý với Israel là Gaza sẽ không thể giống như vào ngày 6/10, nghĩa là trước thời điểm xảy ra cuộc xung đột, dưới sự kiểm soát của nhóm Hồi giáo vũ trang Hamas.
Vào tháng trước, trong cuộc phỏng vấn với chương trình “60 Minutes” của CBS, ông Biden đã cảnh báo rằng, việc Israel chiếm đóng Gaza sẽ là một “sai lầm lớn”. Vào thời điểm đó, Đại sứ Israel tại Mỹ, Michael Herzog, nói với CNN rằng, Tel Aviv không có ý định chiếm đóng Gaza sau khi xung đột kết thúc.
Nói với CNN hôm 7/11, Mark Regev, cố vấn cấp cao của Thủ tướng Netanyahu, cho biết, khi kết thúc xung đột và loại bỏ Hamas ở Gaza, sẽ phải có sự hiện diện an ninh của Israel tại đây. “Nhưng điều đó không có nghĩa là Israel đang tái chiếm đóng Gaza, điều đó không có nghĩa là Israel ở đó để cai trị người dân Gaza.”, ông Regev nói.
Người Palestine buộc phải sơ tán trước các cuộc tấn công tàn khốc ở phía bắc Gaza. Ảnh: Eyad Baba/ AP.
Mỹ và các đồng minh phương Tây từng lưu ý những người đồng cấp Israel rằng, Tel Aviv nên có mục tiêu rõ ràng khi làm suy yếu Hamas và nên tìm cách tránh sự chiếm đóng lâu dài ở Dải Gaza.
Các quan chức Mỹ trước đó nói, họ không hiểu rõ ý định của Israel ở Gaza và tin rằng Hamas sẽ khó bị tiêu diệt hoàn toàn.
Ông Kirby cho biết, bất chấp những khác biệt giữa Mỹ và Israel, trong cuộc gọi hôm 6/11 với Thủ tướng Netanyahu, ông Biden vẫn tái khẳng định sự ủng hộ đối với Israel.
“Một trong những điều mà Tổng thống đã nói rõ với Thủ tướng Netanyahu là chúng tôi sẽ tiếp tục sát cánh cùng Israel. Chúng tôi sẽ tiếp tục đảm bảo rằng họ có được sự hỗ trợ an ninh cần thiết, các công cụ, vũ khí và khả năng truy đuổi Hamas. Điều đó đã không thay đổi kể từ ngày 7/10 và cũng sẽ không thay đổi trong tương lai.”, ông Kirby tuyên bố.
Video đang HOT
Liên quan đến vấn đề hậu xung đột ở Gaza, hôm 1/11, các thượng nghị sĩ Mỹ Chris Van Hollen và Richard Blumenthal xác nhận, Washington đang thảo luận bước đầu khả năng gửi lực lượng đa quốc gia đến Dải Gaza sau khi loại bỏ Hamas tại đây; lưu ý, lực lượng này sẽ không bao gồm quân đội Mỹ.
“Có những cuộc thảo luận đang diễn ra liên quan đến khả năng thành lập một lực lượng quốc tế… tuy nhiên vẫn chỉ là ý kiến sơ bộ và mong manh.”, ông Van Hollen nói với Politico, cho rằng, cần phải có một lực lượng đa quốc gia ở Gaza như giải pháp tình thế trong giai đoạn chuyển tiếp trước khi thực hiện những bước đi tiếp theo.
Trong khi đó, thượng nghị sĩ Blumenthal lưu ý, trong chuyến thăm Israel vào tháng 10, phái đoàn Quốc hội Mỹ đã thảo luận về khả năng đưa lực lượng vũ trang Ả Rập Saudi vào thành phần lực lượng quốc tế này, bao gồm vai trò hỗ trợ chính quyền Palestine trong việc quản trị và tái thiết Gaza, cũng như hướng tới một nhà nước độc lập. Tuy nhiên, ông lưu ý, chưa hề nghe nói tới việc quân đội Mỹ sẽ tới Gaza như một phần của cuộc thảo luận.
Người dân chạy trốn sau các cuộc không kích của Israel vào một khu phố trong trại tị nạn al-Maghazi trung tâm Gaza ngày 6/11. Ảnh: Yasser Qudih/AFP.
Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ Ben Cardin, người đã tới Trung Đông hồi tháng 10 cho biết, các nhà lập pháp đã thảo luận với các quan chức Israel về cách quản lý viện trợ và an ninh ở Gaza hậu chiến tranh.
Israel đã tiến hành chiến dịch tấn công quy mô lớn vào Dải Gaza của người Palestine để đáp trả cuộc đột kích ngày 7/11 của Hamas vào miền Nam nước này, khiến khoảng 1.400 người thiệt mạng, chủ yếu là dân thường, bắt giữ khoảng hơn 240 con tin.
Theo cơ quan y tế Palestine, cuộc bắn phá của Israel vào Gaza một tháng qua đã giết chết ít nhất 10.328 người, trong đó có 4.237 trẻ em.
Cùng với các cuộc bắn phá không ngừng nghỉ, Israel đã áp đặt một cuộc bao vây ở Gaza, hạn chế nghiêm ngặt khả năng tiếp cận thực phẩm, nước, điện và nguồn cung cấp nhiên liệu cho hơn 2,3 triệu người bị mắc kẹt trong khu vực bị phong tỏa.
Một đứa trẻ Palestine được điều trị vết thương sau một cuộc không kích chết người của Israel ở Khan Younis, Gaza hôm 7/11. Ảnh: Ahmad Hasaballah/Getty.
Cả Israel và Hamas đều bác bỏ áp lực ngày càng tăng của quốc tế kêu gọi ngừng bắn. Israel nói rằng Hamas cần phóng thích con tin trước, trong khi Hamas tuyên bố sẽ không thả con tin hoặc ngừng chiến đấu trong khi Gaza đang bị tấn công.
Bất chấp áp lực ngừng bắn từ cộng đồng quốc tế, hơn một tuần qua, quân đội Israel đã tiến hành cuộc tấn công trên bộ, cắt đôi lãnh thổ và bao vây thành phố Gaza.
Nhà Trắng cho biết, hôm 7/11, Phó Tổng thống Kamala Harris đã điện đàm với Tổng thống Israel Isaac Herzog, nơi bà nhắc lại sự ủng hộ của mình đối với quyền bảo vệ công dân của Israel và chống khủng bố sau cuộc tấn công kinh hoàng của Hamas. Bà Harris cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ mạng sống dân thường và tôn trọng luật nhân đạo quốc tế ở Gaza.
Cùng ngày, Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo đã mô tả các cuộc tấn công của Israel vào cơ sở hạ tầng dân sự ở Gaza là “không cân xứng” và “không thể chấp nhận được”, khi ông nhắc đến cuộc tấn công của Israel vào trại tị nạn Jabalya vào ngày 31/10 phá hủy nhiều tòa nhà dân cư và khiến hàng chục thường dân thiệt mạng với mục tiêu tiêu diệt một vài kẻ khủng bố.
Người dân Palestine cầm cờ trắng khi tháo chạy về phía nam Gaza. Ảnh: Bashar Taleb /AFP /Getty.
Phát ngôn viên của Tổ chức Y tế Thế giới, Christian Lindmeier, cho biết, ít nhất 16 nhân viên y tế đã thiệt mạng khi đang làm nhiệm vụ ở Gaza. Tình hình thiếu thuốc men và vật tư y tế tại dải đất bị bao vây đã buộc bác sĩ phải thực hiện các ca phẫu thuật, bao gồm cắt cụt chi, mà không gây mê.
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres cho biết, 89 nhân viên của Cơ quan cứu trợ người tị nạn Palestine ở Cận Đông (UNRWA) đã thiệt mạng, 26 nhân viên khác bị thương, kể từ khi cuộc chiến Israel-Hamas bắt đầu cách đây một tháng.
Trong khi Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC) cho biết, đoàn xe nhân đạo của họ đã bị tấn công khi đang vận chuyển vật tư y tế thiết yếu cho các cơ sở y tế ở Gaza.
Theo ICRC, hai chiếc xe tải đã bị hư hỏng trong vụ tấn công và một tài xế bị thương nhẹ.
Những chiến thuật đằng sau cuộc tấn công trên bộ ban đầu của Israel
Quy mô hạn chế ban đầu của cuộc tấn công trên bộ vào Dải Gaza giúp Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) tận dụng lợi thế về hỏa lực trước phong trào Hamas, đồng thời giảm thiểu rủi ro.
Các xe tăng Merkava của Israel di chuyển ở Dải Gaza ngày 29/10. Ảnh: Getty Images
Israel đã đáp trả vụ tấn công tàn khốc của Hamas vào ngày 7/10 bằng cuộc huy động lớn nhất trong lịch sử quốc gia. Nhưng theo tờ Financial Times, khi xe tăng và binh sĩ nước này tiến vào Gaza vào cuối tuần này, đó không phải là một cuộc tấn công toàn diện quy mô lớn như nhiều người dự báo. Thủ tướng Benjamin Netanyahu gọi đây là "giai đoạn thứ hai" của cuộc chiến với Hamas.
Về vấn đề này, một số quan chức đương nhiệm và nghỉ hưu nhận định phạm vi hạn chế của cuộc tấn công ban đầu của Israel đã phản ánh nhiều yếu tố phức tạp. Nhưng trên hết, Israel muốn tối đa hóa lợi thế về hỏa lực trước Hamas và giảm thiểu thương vong cho chính mình, đồng thời cố gắng tránh lôi kéo các đối thủ khác vào cuộc chiến.
Ở cấp độ chiến thuật, cuộc tiến quân nhỏ hơn dự kiến có nghĩa là lực lượng mặt đất có thể dễ dàng được hỗ trợ từ trên không. Sự hỗ trợ này là rất quan trọng để IDF tiến vào các khu vực phía Bắc Gaza, nơi Hamas đã dành nhiều năm để xây dựng thành lũy phòng thủ.
Ông Amir Avivi, cựu Phó chỉ huy Sư đoàn Gaza của quân đội Israel, nói: "Chúng tôi sẽ không mạo hiểm. Khi điều động binh lính, chúng tôi sẽ tấn công với lượng pháo khổng lồ cùng 50 máy bay trên đầu sẽ tiêu diệt bất cứ thứ gì chuyển động".
Các quan chức cho biết giao tranh ở Gaza sẽ rất căng thẳng. Hamas đã được huấn luyện để chiến đấu trong môi trường đô thị và đã xây dựng một mạng lưới đường hầm khổng lồ mang tên "Tàu điện ngầm Gaza", giúp di chuyển máy bay chiến đấu và vũ khí mà không bị phát hiện. Phong trào Hồi giáo này cũng có một kho vũ khí chống tăng và các thiết bị nổ tự chế.
Để chuẩn bị cho trận chiến sắp tới, quân đội Israel ngày 29/9 đã giao chiến với các tay súng Hamas chạy ra từ một đường hầm gần cửa khẩu biên giới Erez.
Ông Eyal Hulata, người đứng đầu Hội đồng An ninh Quốc gia Israel lưu ý rằng điều tồi tệ hơn chiến đấu ở địa hình đô thị là chiến đấu trên đống đổ nát của địa hình đô thị. Có rất nhiều vị trí thích hợp để ẩn nấp và phục kích.
"Khi quân đội Israel đứng yên, họ dễ bị tổn thương hơn. Đó là lý do tại sao họ di chuyển chậm nhưng liên tục, rất cẩn thận trong việc bảo vệ những nơi họ đã có mặt", ông kết luận.
Lực lượng Phòng vệ Israel đã rất kín tiếng về vấn đề triển khai chính xác cho một trong những chiến dịch quan trọng nhất hàng thập kỷ. Nhưng giới chức địa phương cho biết việc xây dựng lực lượng dần dần nhằm mục đích làm giảm khả năng nhóm Hezbollah ở Liban tham gia cuộc xung đột ở Gaza lần này.
Theo một nhân vật nắm rõ kế hoạch chiến đấu của Israel, việc đưa ít quân hơn vào Gaza đồng nghĩa với quân lực có thể được triển khai dễ dàng hơn ở phía Bắc nếu Hezbollah tham chiến.
Một nhà ngoại giao phương Tây cho biết: "Tôi nghĩ thông điệp gửi đến người Israel về cuộc tấn công trên bộ là rất có chủ ý. Họ lo ngại rằng Hezbollah và Iran có thể coi cuộc tấn công trên bộ là nguyên nhân gây ra một sự leo thang nào đó, đó là lý do tại sao họ không gọi đây là một cuộc tấn công trên bộ".
Quân đội Israeli pháo kích vào các mục tiêu ở Gaza ngày 29/10. Ảnh: EPA-EFE
Ông Yakov Amidror, thành viên Viện An ninh Quốc gia Do Thái của Mỹ, lại cho rằng cuộc tấn công giới hạn ban đầu này cũng phản ánh cam kết của Thủ tướng Benjamin Netanyahu trong việc xóa bỏ Hamas khỏi Dải Gaza là một mục tiêu quá lớn, không thể hoàn thành trong một sớm, một chiều.
Theo chuyên gia trên, mục tiêu đó không phải là chiến thuật có thể đạt được ngay nay mai. Ông dự kiến chiến dịch này sẽ kéo dài từ sáu tháng đến một năm. Ông Amidror nhận định về chiến thuật, sự thận trọng đó là nhằm bảo toàn lực lượng khi mục tiêu cuối cùng quá lớn nên dù thế nào đi nữa, nó cũng không thể nhanh chóng đạt được.
Một số nhà quan sát khác lại cho rằng quy mô của cuộc tấn công ban đầu là dấu hiệu cho thấy Israel đang hướng tới một điều gì đó ít tham vọng hơn là lật đổ Hamas.
"Có vẻ như mục tiêu của họ không phải là loại bỏ hoàn toàn Hamas khỏi Gaza. Thay vào đó, có vẻ như họ đang muốn làm suy thoái cơ sở hạ tầng quân sự và tiêu diệt giới lãnh đạo. Nhưng trung thực mà nói, họ vẫn chưa thực sự nói rõ mục tiêu cuối cùng là gì, có thể vì họ chưa thực sự tìm ra nó", một nhà ngoại giao phương Tây nói.
Chính phủ Israel đã khẳng định sẽ không bị ảnh hưởng bởi áp lực quốc tế về kiềm chế lực lượng vũ trang trước khi họ đánh bại Hamas. Các bộ trưởng Israel cũng cho rằng các cuộc tấn công trên bộ ban đầu sẽ làm tăng áp lực buộc lực lượng Hamas phải thả trên 230 con tin bị bắt ngày 7/10.
Ngày 28/10, ông Benny Gantz, thành viên nội các chiến tranh của Israel, nói rằng: "Trong cuộc chiến này không có 'đồng hồ cát ngoại giao' mà là một chiếc đồng hồ chiến dịch cùng với lời cam kết đưa những người bị bắt cóc trở về. Chúng tôi sẽ lắng nghe các đối tác nhưng chúng tôi sẽ làm những gì phù hợp".
Những người khác thì ít chắc chắn hơn. Cựu Thủ tướng Ehud Olmert, người giám sát các hoạt động quân sự lớn trên bộ ở Gaza và Liban, cho biết Israel có lẽ còn ít thời gian hơn so với dự tính của nội các chiến tranh để hiện thực hóa các mục tiêu, dựa trên những hình ảnh về sự tàn phá trên diện rộng ở Gaza.
Theo các quan chức Palestine, các cuộc tấn công của Israel đã khiến trên 8.000 người thiệt mạng và trên 20.000 người bị thương. Liên hợp quốc cảnh báo rằng quyết định của Israel trong việc ngừng cung cấp điện, nhiên liệu, nước và hàng hóa cho Gaza đã đẩy dải đất này đến bờ vực sụp đổ nhân đạo.
Cuộc đột kích ban đầu của Israel vào Gaza diễn ra gần khu vực Beit Hanoun ở phía Bắc Gaza và khu vực Bureij ở trung tâm của dải đất này. Các nhà phân tích cho rằng cách tiếp cận này cho thấy Israel đang cố gắng dần dần bao vây thành phố Gaza, nơi mà Tel Aviv tuyên bố là căn cứ tập trung phần lớn cơ sở hạ tầng quân sự của Hamas.
Ông Amos Harel, phóng viên quân sự và là tác giả cuốn sách về xung đột Israel-Palestine, cho biết lực lượng Israel đã di chuyển 3 - 4km vào bên trong Gaza, nhưng chưa chiến đấu trong đô thị. Và mục đích của họ dường như là gây áp lực, buộc các tay súng Hamas ra khỏi đường hầm để tấn công.
Người nắm rõ kế hoạch chiến đấu của Israel cho biết tính đến sáng 29/10, sức kháng cự mà Israel gặp phải không "lớn" và không rõ tại sao Hamas không bắn thêm tên lửa chống tăng vào xe bọc thép của IDF khi họ tiến vào Gaza.
Tuy nhiên, nhiều nhân vật khác cảnh báo không nên chủ quan về phản ứng của Hamas ở giai đoạn đầu này, đặc biệt là khi tình báo Israel đã không phát hiện ra âm mưu tấn công xuyên biên giới của nhóm này vào hồi đầu tháng.
Ông Eyal Hulata, người đứng đầu Hội đồng An ninh Quốc gia Israel, kết luận: "Mọi thứ xảy ra kể từ ngày 7/10 là một bất ngờ lớn. Vì vậy, tôi sẽ rất cẩn thận khi đánh giá những gì Hamas có thể và không thể làm".
Cơ quan y tế ở Gaza thống kê số người Palestine thiệt mạng như thế nào Cơ quan y tế Gaza do Hamas kiểm soát là nguồn tin chính thức duy nhất về số lượng người Palestine thương vong tại Gaza trong bối cảnh xung đột Israel -Hamas căng thẳng hiện nay. Người Palestine chuyển nạn nhân bị thương sau cuộc oanh kích của Israel xuống Dải Gaza, ngày 7/11. Ảnh: AFP/TTXVN Trong bối cảnh xung đột, mạng viễn...