Muốn dạy đạo đức cho trẻ, người lớn phải làm gương
1. “Năm nay em học lớp 5, em đã được cô giáo dạy cho những bài học đạo đức làm người. Đó là phải có trách nhiệm về việc làm của mình.”
Tâm sự của một học sinh Trường tiểu học Nguyễn Đức Cảnh, quận 5, TP.HCM đã khiến nhiều đại biểu (tại hội thảo “Vai trò của giáo viên trong việc giáo dục tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cho học sinh” do Ban tuyên giáo – Phòng GD-ĐT và Trung tâm Bồi dưỡng chính trị quận 5 phối hợp tổ chức) giật mình.
Bạn nói tiếp: “Em nghĩ trong cuộc đời của chúng ta có những người có trách nhiệm nhưng có những người không thừa nhận việc làm của mình giống như ba em. Mẹ em kể ba cưới mẹ đến khi mẹ mang thai thì ba đi với một cô gái khác.
Em luôn tự hỏi tại sao lại có những người như vậy trong xã hội. Vào những ngày lễ mẹ dắt em đi ăn và nói: “Phải chi có ba ở đây” rồi mẹ rơm rớm nước mắt. Từ đó khi em làm việc gì sai em đều nhận lỗi với mẹ. Em mong muốn trên thế giới này ai cũng biết nhận trách nhiệm về việc làm của mình”.
Ảnh minh họa
2. Lý giải về tình trạng đạo đức của một bộ phận học sinh ngày càng giảm sút, cô Nguyễn Mai Hoa, giáo viên Trường tiểu học Bàu Sen, quận 5, cho rằng: “Có nhiều nguyên nhân. Trong đó, một số cha mẹ học sinh quá bận rộn với công việc, thiếu gương mẫu, ông bà cha mẹ chửi mắng lẫn nhau; thậm chí còn nuông chiều con cái một cách thiếu văn hóa dẫn đến tình trạng học sinh vô lễ với người trên, nhiều em không vâng lời ông bà, bố mẹ, lười lao động, lười học… Trong giao tiếp thì nói năng thô lỗ, cộc cằn”.
Ở nhà như thế, vào trường học thì: “Một số thầy cô giáo chỉ quan tâm đến việc truyền thụ kiến thức văn hóa, chưa thật sự chú trọng đến việc giảng dạy đạo đức cho học sinh. Có giáo viên do chịu áp lực từ nhiều phía đã không tự chủ được trong việc ứng xử với học sinh, lạm dụng quyền lực của người thầy gây không khí căng thẳng trong lớp học” – cô Hoa phân tích.
Video đang HOT
3. Không phải ngẫu nhiên mà ý kiến của cô giáo Nguyễn Kim Anh, Trường tiểu học Chính Nghĩa, quận 5, đã nhận được sự đồng tình của nhiều đại biểu tại hội thảo: “Trẻ em còn nhỏ tuổi, còn nhiều điều chưa hiểu hết nhưng quan sát của các em thì không bao giờ bị giới hạn. Mắt các em vẫn nhìn thấy tất cả những gì người lớn làm, tai các em đều nghe hết những gì người lớn nói.
Chỉ có bộ não của các em tiếp nhận và xử lý sự việc không hoàn chỉnh như chúng ta. Và nguy hiểm hơn, các em tiếp nhận, ghi nhớ những cái xấu nhiều và nhanh hơn tiếp nhận cái tốt. Một lời giảng của thầy cô các em mất nhiều lần mới nhớ, nhưng một câu chửi thề thì các em lập tức nhớ ngay và khó quên. Vì vậy, muốn dạy đạo đức cho trẻ thì người lớn phải làm gương trước”.
Theo Tuoitre
Dạy đạo đức ở trường: Nhồi nhét kiến thức 'cao siêu'
Có một nghịch lý là học sinh lớp 11 và 12 không có tiết học đạo đức nào, trong khi chương trình giáo dục công dân chỉ có ở lớp 10 (29 tiết/năm) rất nặng nề.
Nội dung khó thuyết phục học sinh.
Văn phòng Chủ tịch nước đang thực hiện một cuộc khảo sát trực tiếp ở 15 tỉnh thành trên cả nước về việc dạy đạo đức cho học sinh. Đây là vấn đề được lãnh đạo nhà nước xem trọng hàng đầu trong công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục- đào tạo sắp tới.
Không những thời lượng rất ít mà môn đạo đức, giáo dục công dân ở bậc phổ thông có nhiều bài học ôm đồm, không sát thực tế. Đây là thực tế mà ông Nguyễn Chí Thành, trợ lý Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, rút ra từ các cuộc khảo sát do đoàn của văn phòng Chủ tịch nước thực hiện tại nhiều trường phổ thông.
Điều này cũng được chính những người thực hiện chương trình xác nhận. Bà Mai Nhị Hà, phòng giáo dục tiểu học Sở GD-ĐT Hà Nội, cho hay: "Môn đạo đức chỉ chiếm thời lượng 1 tiết/tuần ở bậc tiểu học. Trong khi đó, chương trình lại thiết kế một bài học trong 2 tiết".
Cũng theo bà Hà, thời lượng đã ít nhưng nội dung sách giáo khoa môn học này lại rất ôm đồm và có nhiều bài học không sát thực tế cuộc sống. Ví dụ, có bài "Hợp tác với học sinh quốc tế", học sinh ở một số quận nội thành còn có thể có cơ hội thực hành, còn học sinh ngoại thành thì... chịu. Tương tự, có bài yêu cầu các em tìm hiểu về Liên Hiệp Quốc. Bà Hà cho rằng khái niệm này đến giáo viên còn lờ mờ nữa là học sinh.
Bên cạnh đó, có những bài cần thiết nhưng khi đưa vào lại không đến nơi đến chốn. Bà Hà nêu ví dụ: "Có bài dạy các em phải chào hỏi, nhưng lại không hề dạy phải chào thế nào cho đúng lúc, đúng cách, đúng đối tượng".
Bà Nguyễn Thị Hiền, Hiệu trưởng trường tiểu học Đoàn Thị Điểm, Hà Nội, cũng chung nhận định: "Thời gian cho môn học đạo đức chưa đủ cho mỗi bài học, nhiều nội dung còn nghiêng về lý thuyết, giáo điều, khó thuyết phục học sinh trong quá trình giảng dạy".
Bà Lý Thị Lương, Hiệu trưởng trường THCS Ngô Sỹ Liên, Hà Nội, cho rằng thực tế trong các trường học môn giáo dục công dân chỉ chiếm 3,4-3,7% thời lượng các môn học, trong khi vấn đề rèn đức, rèn người lại là vấn đề quan trọng hàng đầu. Vì vậy, bên cạnh việc giáo dụcđạo đức cho học sinh qua môn học này, nhà trường phải kết hợp với các bộ môn khác cùng các hoạt động ngoại khóa, sinh hoạt tập thể...
Ở bậc THPT, nhiều giáo viên chỉ ra nghịch lý khi học sinh lớp 11 và 12 không có tiết học đạo đức nào. Chương trình giáo dục công dân chỉ có ở lớp 10 (29 tiết/năm) mà rất nặng nề về kiến thức với 2 phần triết học và đạo đức gồm các nội dung trừu tượng, hàn lâm. Chẳng hạn như các phạm trù đạo đức cơ bản, khái niệm và các giá trị đạo đức; vật chất, ý thức, tồn tại xã hội, ý thức xã hội, phương pháp luận biện chứng...
Chính điều này làm học sinh thiếu hứng thú và hiệu quả giáo dục không cao. Đã vậy, trước dư luận xã hội, ngành GD-ĐT còn thường xuyên bổ sung rất nhiều nội dung "thời sự" theo kiểu hở đâu vá đó, như: giáo dục an toàn giao thông, giáo dụcphòng, chống HIV/AIDS, phòng chống tham nhũng... vào môn giáo dục công dân.
Việc giảng dạy đạo đức, kỹ năng ứng xử trước cuộc sống cho học sinh vẫn còn bị xem nhẹ.
Ngơ ngác khi đối diện cuộc sống thật
Một trong những kỹ năng cơ bản mà môn học này hướng tới là người học biết vận dụng kiến thức đã học để nhận xét, đánh giá các hiện tượng, các sự kiện, các vấn đề trong thực tiễn cuộc sống phù hợp với lứa tuổi; biết lựa chọn và thực hiện các hành vi ứng xử phù hợp...
Tuy nhiên, các chuyên gia đã chỉ ra rằng, do quá tham nhồi nhét các kiến thức cao siêu, những bài học nặng tính rao giảng lý thuyết nên học sinh vẫn ngơ ngác khi phải đối mặt thực tiễn cuộc sống, dẫn đến việc thiếu khả năng ứng xử thích hợp.
Ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, băn khoăn: "Đưa nhiều thứ vào môn giáo dục đạo đức trong nhà trường nhưng dường như lại chưa có chiều sâu nên học sinh vẫn thiếu những kỹ năng để vượt qua những tình huống khác nhau của cuộc sống".
Ông Thống chia sẻ: "Năm học vừa qua, vụ việc khiến chúng tôi suy nghĩ mãi là phản ứng quá mức của một nữ học sinh ngoan của trường THCS Tiền Phong, huyện Mê Linh. Chỉ vì mất khoản tiền quỹ lớp 500.000 đồng để chúc mừng các thầy cô nhân dịp 20/11, nữ sinh này đã quyết định tự tử. Nếu nhà trường, gia đình sớm tiếp cận được suy nghĩ của học sinh đó để đưa ra những biện pháp định hướng khắc phục đúng đắn thì chúng ta đã không mất đi một học sinh ngoan".
Tiến sĩ Phạm Mạnh Hà, Khoa tâm lý trường ĐH Khoa học xã hội - Nhân văn Hà Nội, phụ trách phòng tư vấn học đường trường THCS Ngô Sỹ Liên, khẳng định: "Vấn đề là học sinh đang ở độ tuổi chưa ổn định về tâm lý nhưng lại tập trung quá nhiều cho việc học kiến thức mà thiếu văn hóa ứng xử, cách đối mặt với những điều không may của cuộc sống".
Nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc dạy đạo đức theo hướng tạo cho người học có những ứng xử thích hợp trước các tình huống trong cuộc sống chứ không phải là những khái niệm khô khan, bà Trần Thị Hải Yến, trường THCS Alpha (Hà Nội), nhận định: "Bài học chỉ có ích khi chính học sinh thấy điều đó là cần thiết chứ không phải tất cả đều phải học một bài nặng tính rao giảng đạo đức như nhau".
Trước thực tế này, bà Lý Thị Lương và nhiều giáo viên khác đề nghị môn đạo đứckhông nên dạy quá nhiều bài học lý thuyết như hiện nay, mà phải hướng đến những điều thực tiễn, có giá trị mới đạt hiệu quả.
Theo Thanh Niên
Tiểu học: Rèn cảm xúc, đừng rèn điểm số Học sinh tiểu học cần được bồi dưỡng cảm xúc, rèn luyện đạo đức, nhân cách hơn là học để luôn có điểm đẹp. Trong đợt giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua tại TP.HCM về chất lượng chương trình, sách giáo khoa, Ban giám hiệu Trường Tiểu học Lương Định Của (quận 3) đã nêu nhiều nội dung...