Mua thịt lợn Mỹ, Pháp nhập 26.000 đồng/kg ở đâu?
Thịt lợn nhập khẩu được rao chủ yếu trên các kênh bán hàng online và cửa hàng bán các loại thịt nhập khẩu. Tuy nhiên, giá bán lại cao gấp 3-5 lần so với giá trung bình về cảng.
Trong 11 tháng đầu năm 2019, lượng thịt lợn từ Ba Lan, Đức, Pháp, Mỹ, Hà Lan… nhập về Việt Nam đạt hơn 111.000 tấn với kim ngạch 124 triệu USD. Tính ra, giá nhập bình quân mặt hàng này 1.117 USD/tấn, tương đương 25.950-26.000 đồng/kg.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), thịt lợn nhập khẩu phải chịu các mức thuế quy định nên bán ra phổ biến 33.000-35.000 đồng/kg. Tuy nhiên, nhiều người tiêu dùng cho biết không thấy loại thịt lợn nhập khẩu xuất hiện trên thị trường.
Việt Nam chủ yếu nhập khẩu thịt lợn từ các nước có ngành chăn nuôi phát triển như Ba Lan, Đức, Pháp, Mỹ và Hà Lan.
Khó mua thịt lợn nhập, nhiều siêu thị nói không bán
Từ ngày giá thịt lợn tăng cao, gia đình chị Hương (38 tuổi, quận Hà Đông, Hà Nội) ít sử dụng loại thực phẩm này. Thu nhập hai vợ chồng khoảng 20 triệu đồng/tháng khiến chị phải cân nhắc xem hôm nay ăn gì, cân đối với các khoản phải chi tiêu.
Ít mua thịt lợn, chị Hương chuyển sang mua các loại thịt khác như bò, gà, vịt hay cá để thay đổi khẩu phần ăn hàng ngày. So với tuần trước, giá thịt lợn hiện đã giảm 10.000-20.000 đồng/kg tùy phần, dao động 150.000-290.000 đồng/kg nhưng theo chị Hương, giá vẫn quá cao.
Khi phóng viên thông tin thịt lợn nhập từ các nước phát triển về Việt Nam có giá thấp hơn nhiều thịt lợn trong nước, chị Hương cho biết chưa từng thấy ai bán loại thịt lợn này bao giờ và chị không biết mua ở đâu.
Nhiều độc giả của Zing.vn cũng có chung câu hỏi với chị Hương. “Giá chỉ có 30.000 đồng/kg thịt heo, chỗ nào bán chỉ tôi mua ăn Tết”, “Không thấy thịt heo nhập giá 26.000 đồng/kg ở đâu bán cả, ai chỉ cho tôi địa chỉ mua đi”, là một số bình luận.
Liên hệ với BigC, đại diện siêu thị khẳng định không bán thịt lợn nhập khẩu. Trong khi đó, VinMart chia sẻ sẽ tính đến phương án nhập khẩu nếu Tết này thiếu thịt lợn, nhưng hiện tại chỉ bán thịt lợn trong nước.
Đại diện Saigon Co.op thì cho rằng “thịt lợn nhập khẩu để dự phòng khi nào thịt nội địa khan hàng, hiện chỉ bán ở một số siêu thị, còn lại vẫn ưu tiên hàng trong nước”.
Video đang HOT
“Người tiêu dùng Việt Nam có thói quen dùng thịt nóng (tươi sống) nên chúng tôi không bán thịt lợn nhập khẩu. Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay, thịt lợn nhập khẩu sẽ an toàn hơn”, một doanh nghiệp cho hay.
Tại một số chợ dân sinh ở Hà Nội, tiểu thương đều khẳng định bán thịt lợn nuôi trong nước.
Thịt lợn nhập bán ra gấp 3-5 lần giá về cảng, ra Tết mới có hàng
Tìm kiếm trên thị trường, sản phẩm thịt lợn nhập khẩu được rao chủ yếu trên các kênh bán hàng online và cửa hàng bán các loại thịt nhập khẩu.
Anh Nguyễn Kim Tuấn, chủ một cửa hàng bán các loại thịt nhập khẩu tại quận Gò Vấp, TP.HCM, cho biết thịt lợn cửa hàng anh nhập từ Brazil, Australia và Canada.
Cụ thể, sườn cốt lết Brazil có giá 110.000 đồng/kg, thịt ba rọi với da nguyên tảng giá 145.000 đồng/kg, sườn sụn non mỏng thịt 97.000 đồng/kg, loại dày thịt là 170.000 đồng/kg, nạc vai có giá 125.000 đồng/kg.
Mức giá này thấp hơn 30-40% so với thịt lợn trong nước đang bán tại các chợ và siêu thị. Tuy nhiên, lại cao gấp 3-5 lần tùy thành phẩm so với giá nhập về cảng Việt Nam.
Giá thịt lợn nội địa tại một số siêu thị ngày 4/1. Đồ họa: Lan Anh.
“Phụ phẩm như chân giò, móng giò, gan, thận mà các nước xuất khẩu do họ không ăn thì mới rẻ, còn bộ phận của con lợn mà họ ăn thì mình nhập giá khá cao”, anh Tuấn chia sẻ.
Giai đoạn này đang khan hàng và bận nhiều việc, anh Tuấn sẵn sàng từ chối khách sỉ mới hoặc phải ship tỉnh với số lượng không lớn.
“Một số cửa hàng tại Hà Nội lấy lại thịt lợn bên tôi, mỗi chuyến chở ra thường 5-10 tấn, bằng container. Chứ giờ sỉ số lượng không lớn chúng tôi không nhận, còn mua lẻ thì có thể tìm đến các đại lý phân phối thịt lợn nhập khẩu”, anh Tuấn nói.
Anh Tuấn khẳng định hàng nhập khẩu đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, hương vị thịt có phần không giống thịt lợn trong nước. Thêm nữa, sau khi rã đông, thịt lợn không còn giữ được độ ngọt như hàng tươi sống.
Đại diện một cửa hàng khác chuyên cung cấp thực phẩm nhập khẩu tại Đông Anh, Hà Nội cho biết thịt lợn nhập về Việt Nam được nhiều nhà hàng, quán ăn tiêu thụ. Cơ sở này nhập khẩu lợn từ nhiều nước như Ba Lan, Tây Ban Nha hay Australia.
Theo đó, tim, sườn nhập khẩu thường được các quán cơm mua về; nhiều quán bún lấy xương và móng giò, chân giò. Các quán lẩu, nướng mua nầm lợn về chế biến. Trong khi đó, mỡ lợn và thịt lợn xay nhập khẩu được nhiều cơ sở chế biến nhập về làm xúc xích.
Tuy nhiên, thời điểm cuối năm, cửa hàng này không còn thịt lợn nhập để bán. Nhiều đại lý phân phối thịt lợn nhập khẩu khác cũng hẹn khách ra Tết liên hệ lại mua hàng.
Vì sao thịt lợn nhập về Việt Nam với giá rẻ?
Cục Xuất nhập khẩu cho biết thịt lợn được nhập chủ yếu từ Ba Lan, Đức, Pháp, Mỹ, Hà Lan,… Các nước này có ngành chăn nuôi rất phát triển, quy mô chăn nuôi công nghiệp lớn nên chi phí, giá thành thấp.
Bên cạnh đó, cơ cấu chủng loại thịt lợn nhập khẩu về Việt Nam có nhóm thịt thứ phẩm giá thấp như xương, chân giò, móng giò, mỡ và nội tạng… Doanh nghiệp nhập nhiều về làm thực phẩm chế biến, đẩy giá nhập khẩu thịt lợn bình quân xuống mức thấp.
Tại Mỹ và các nước tiên tiến, khi giết thịt một con lợn, họ chỉ ăn từ phần vai trở xuống đến hết phần ba chỉ và trước phần mông. Còn lại đầu, chân, nội tạng và mông sẽ bỏ.
Trao đổi với Zing.vn, luật sư Trần Ngọc Trung, cố vấn cao cấp của Công ty Luật Baker & McKenzie, nhận định giá bán thịt lợn nhập gấp 3-5 lần giá về cảng do chi phí doanh nghiệp bỏ ra lớn, cũng có thể doanh nghiệp thu lợi nhiều.
“Trước khi thịt lợn nhập đến tay người tiêu dùng, doanh nghiệp phải chịu chi phí về hệ thống phân phối, vận chuyển, bảo quản, dự phòng rủi ro thực phẩm,… Tất nhiên, không loại trừ việc doanh nghiệp lấy lãi nhiều. Nếu như nhập 26.000 đồng/kg mà bán hơn 100.000 đồng/kg như thế thì rõ ràng lợi nhuận quá cao”, luật sư Trung nói.
Theo ông Trung, còn trường hợp doanh nghiệp khai báo không đúng giá nhập khẩu đầu vào, mục đích giảm một phần thuế. Tuy nhiên, khả năng này thấp do thịt đông lạnh đang phải chịu thuế 10%, thịt tươi và ướp lạnh chịu thuế 25%, không cao hơn nhiều so với thuế thu nhập doanh nghiệp (20%).
“Nếu khai báo thấp giá trị đầu vào ở khâu nhập khẩu, mức thuế sẽ giảm. Điều này giúp tăng lợi nhuận của doanh nghiệp. Chuyển giá như vậy chỉ có lợi khi thuế nhập khẩu cao hơn nhiều so với thuế thu nhập doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc khai giảm trị giá đầu vào của doanh nghiệp thuộc trách nhiệm của cơ quan hải quan và chưa có đủ dữ liệu để kết luận”, ông Trung nói.
Hiện nay, có khoảng 140 doanh nghiệp Việt Nam đang thực hiện nhập khẩu thịt lợn từ 19 nước, với 1.641 doanh nghiệp nước ngoài được phép xuất khẩu thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn vào Việt Nam.
Theo Zing
Thịt lợn Ba Lan, Đức, Mỹ... nhập về Việt Nam tăng mạnh, giá chỉ hơn 25.000 đồng/kg
Thịt lợn nhập khẩu khi đưa ra thị trường giá khoảng 33.000 - 35.000 đồng/kg do phải chịu nhiều mức thuế (thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng 5%, chi phí, thủ tục nhập khẩu, bảo quản kho lạnh...).
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu của Tổng cục thống kê cho biết, đàn lợn cả nước đến tháng 11/2019 giảm mạnh 22% so với cùng thời điểm năm trước và sản lượng năm 2019 giảm 13,6% so với năm 2018.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản lượng thịt lợn năm 2019 giảm khoảng 200 - 380 nghìn tấn, tương đương từ 7 - 10% so với năm 2018 do diễn biến phức tạp của tình hình bệnh Dịch tả lợn Châu Phi.
Tại thị trường trong nước, nhu cầu thịt lợn cũng đang tăng nhanh vào dịp cuối năm và giáp Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020, việc nhập khẩu thịt lợn trong tháng 10 và tháng 11 năm 2019 đã có chiều hướng tăng mạnh.
Riêng trong tháng 11/2019, lượng thịt lợn nhập khẩu đạt hơn 15 nghìn tấn với kim ngạch 15,9 triệu USD, tăng 164% về lượng và 113% về kim ngạch so với tháng 11 năm 2018. Tính chung trong 11 tháng năm 2019, nhập khẩu thịt lợn của nước ta đạt hơn 111 nghìn tấn với kim ngạch 124 triệu USD, tăng 108% về lượng và 97% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2018. Cơ cấu chủng loại thịt lợn nhập khẩu về Việt Nam chủ yếu là thịt cốt-lết, thịt cắt miếng, chân giò, móng giò, xương..., từ các nước có ngành chăn nuôi phát triển như Ba Lan, Đức, Pháp, Mỹ, Hà Lan...
Biểu đồ nhập khẩu thịt lợn của Việt Nam qua các tháng trong năm 2019. ĐVT: Lượng: tấn; Giá NKBQ: USD/tấn.
Giá nhập khẩu bình quân mặt hàng này trong 11 tháng năm 2019 là 1.117 USD/tấn, tương đương khoảng 25.950 - 26.000 đồng/kg. Thịt lợn nhập khẩu khi đưa ra thị trường phải chịu nhiều mức thuế (thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng 5%, chi phí, thủ tục nhập khẩu, bảo quản kho lạnh...), tương đương khoảng 33.000 - 35.000 đồng/kg. Tuy nhiên, từ tháng 11 đến nay, giá nhập khẩu đã có xu hướng tăng so với thời điểm các tháng trước đó do nhu cầu ngày càng đang tăng mạnh. Thịt lợn nhập khẩu từ các nước vào Việt Nam hiện đều đang chịu thuế MFN với thịt đông lạnh là 10%, với thịt tươi và ướp lạnh là 25%. Đối với các nước đã có FTA với Việt Nam như Úc, New Zealand, Nhật Bản, Liên bang Nga, Mexico... mức thuế nhập khẩu vào khoảng từ 3 - 21%.
Do đó, để góp phần bình ổn nguồn cung và giá thịt lợn tại thị trường trong nước ở thời điểm hiện nay, đặc biệt là trước và sau Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020, Cục Xuất nhập khẩu đã đề nghị Thương vụ Việt Nam tại các quốc gia, vùng lãnh thổ chủ động tổ chức làm việc, trao đổi với Hiệp hội và các doanh nghiệp xuất khẩu thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn có uy tín ở nước sở tại để cung cấp thông tin và kết nối với các doanh nghiệp nhập khẩu của Việt Nam; phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Cục Thú y trong hoạt động nhập khẩu để đa dạng hóa nguồn cung thịt lợn, đảm bảo phù hợp với cam kết quốc tế và diễn biến cung cầu trong nước tùy từng thời điểm.
Ngoài ra, Cục cũng đã đề nghị các Sở Công Thương và lực lượng Quản lý thị trường tại khu vực biên giới thực hiện nghiêm các biện pháp tăng cường kiểm soát việc vận chuyển, mua bán trái phép lợn sống và các sản phẩm từ lợn qua biên giới trên địa bàn theo Công văn số 1052/XNK-NS ngày 14/10/2019 của Cục Xuất nhập khẩu và Công văn số 10/BCĐDTLCP ngày 16/10/2019 của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống Dịch tả lợn Châu Phi; theo dõi sát diễn biến hoạt động thương mại và trao đổi cư dân biên giới đối với hàng hóa nông, thủy sản nói riêng cũng như đối với lợn sống và các sản phẩm từ thịt lợn để phối hợp với cơ quan chức năng trên địa bàn chủ động ứng phó với hiện tượng vận chuyển, mua bán trái phép, chống đầu cơ, tích trữ, gây bất ổn đến tình hình thị trường trong nước.
Theo khảo sát của Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), trong những ngày đầu năm 2020, giá lợn hơi đang có xu hướng tiếp tục giảm nhẹ 1.000-2.000 đồng/kg tại các tỉnh phía Bắc (giá lợn hơi tại Hưng Yên giảm nhẹ 1.000 đồng/kg xuống 94.000 đồng/kg; Hà Nam xuống 92.000 - 93.000 đồng; Hà Nội, Quảng Ninh, Thái Bình, Tuyên Quang, Sơn La, giá phổ biến là 93.000 đồng/kg). Nhìn chung, dù giá lợn tại khu vực miền Bắc vẫn ở mức cao nhất cả nước, dao động 90.000 - 95.000 đồng/kg, nhưng đà tăng đã chững lại và bắt đầu đang điều chỉnh giảm. Các doanh nghiệp bán lẻ, phân phối trên địa bàn các thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh đều khẳng định tiếp tục đồng hành trong việc bình ổn mặt hàng thịt lợn.
Theo Tổ Quốc
Thịt lợn nhập khẩu chỉ 26.000 đồng/kg, giá lợn hơi trong nước gần 100.000 đồng/kg Giá nhập khẩu bình quân mặt hàng thịt lợn về Việt Nam chỉ khoảng 26.000 đồng/kg, sau khi cộng thêm thuế phí, giá đưa ra thị trường là 33.000-35.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá lợn hơi trong nước đang ở mức 90.000-95.000 đồng/kg, và đang giảm nhẹ. Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương cho biết, nhu cầu thịt lợn đang tăng nhanh...