Mùa hè, gia đình có người cao tuổi nên biết những điều này
Theo các bác sĩ, nắng nóng kéo dài hoặc mưa nắng thất thường trong mùa hè là nguyên nhân hàng đầu khiến người cao tuổi (NCT) hay gặp các vấn đề về sức khỏe, nhất là các bệnh liên quan đến tim mạch, hô hấp, tiêu hóa, xương khớp.
Do vậy, người thân trong gia đình cần hiểu và giúp NCT chủ động phòng ngừa để tránh những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra.
Người cao tuổi cần kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ mắc bệnh cũng như duy trì thói quen sinh hoạt điều độ để đảm bảo sức khỏe. Ảnh minh họa
Đột quỵ là mối đe dọa nguy hiểm nhất
Mới đây, việc một cụ ông khoảng 70 tuổi đột ngột tử vong ngoài trời nắng khi đang ăn dở bát cơm trên đường Yên Phụ (quận Ba Đình, Hà Nội) đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về những nguy cơ NCT có thể phải đối mặt trong những ngày hè này.
Thực tế, tại Bệnh viện Bạch Mai, trong đợt nắng nóng kỷ lục cuối tháng 4, đầu tháng 5 vừa qua, mỗi ngày khoa Cấp cứu A9 của bệnh viện đã tiếp nhận hàng chục trường hợp đến cấp cứu do bị đột quỵ, trong đó, phần lớn là những người trung niên và NCT. Các dấu hiệu của đột quỵ là rối loạn ý thức, méo miệng, nói khó, thậm chí không nói được, đột ngột mất thị lực, liệt nửa cơ thể, vận động khó khăn, chóng mặt bất thường, đau đầu dữ dội… Nếu không được đưa vào viện cấp cứu kịp thời trong “thời gian vàng”, NCT rất dễ rơi vào nguy kịch, thậm chí tử vong.
Một nguy cơ khác mà NCT cũng hay gặp phải trong những ngày hè oi bức là tình trạng bị sốc nhiệt. Chẳng hạn, khi đang từ ngoài nắng về, NCT lập tức tắm ngay để “hạ hỏa” hay đang từ phòng điều hòa, ô tô kín bước ra bên ngoài trời nắng gắt… Những điều này dẫn đến việc chênh lệch nhiệt độ giữa cơ thể NCT và môi trường bên ngoài khiến NCT khó thích nghi. Trường hợp nhẹ có thể gây hoa mắt, chóng mặt tạm thời hoặc gây viêm đường hô hấp trên, như viêm họng, viêm mũi. Nếu nặng NCT có thể bị viêm phế quản, viêm phổi và các bệnh lý đường hô hấp khác.
PGS.TS Nguyễn Văn Chi, Phó Trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, nắng nóng tác động rất nhiều đến sức khỏe của con người. Nóng quá gây căng thẳng, thậm chí quên uống thuốc, quên đi khám… làm cho tình trạng bất ổn của người bệnh tăng lên cũng như làm gia tăng nguy cơ tái phát các bệnh mãn tính khác. Bên cạnh đó, môi trường, nhiệt độ vượt quá ngưỡng cơ thể chịu đựng có thể xảy ra nhiều biến cố. Những đối tượng, nhất là những NCT mắc các bệnh mãn tính có yếu tố nguy cơ cao như cao huyết áp, tiểu đường, mỡ máu, rối loạn nhịp tim, hút thuốc lá, lạm dụng bia rượu, béo phì… khi gặp điều kiện thời tiết nắng nóng, rất dễ bị đột quỵ. Các chuyên gia nhận định, đột quỵ được coi là mối đe dọa nguy hiểm nhất đối với NCT, nhất là trong những ngày tiết trời nắng nóng.
Ngoài nguy cơ bị đột quỵ cũng như tái phát các bệnh mãn tính, theo BS Nguyễn Xuân Tú, Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Tim Hà Nội), mùa hè, NCT thường ra mồ hôi nhiều, nếu không uống đủ nước hoặc ăn ít rau, canh thì cơ thể sẽ bị mất nước và chất điện giải. Mất nhiều nước sẽ ảnh hưởng lớn đến hệ tim mạch, có thể làm tim đập nhanh hơn, huyết áp có thể bị tụt. Do đó, khi thời tiết nắng nóng bất thường có những bệnh nhân vừa xuất viện đã phải nhập viện trở lại do khó thở, mất nước.
Nhiệt cao, ẩm lớn, mưa nắng thất thường của mùa hè còn khiến đồ ăn, thức uống rất dễ hỏng, ôi thiu, nhiễm khuẩn… gây ra tiêu chảy cấp. Nếu NCT bị tiêu chảy cấp mà không được bù nước, điện giải kịp thời, nguy cơ tử vong rất cao. Mặt khác, mùa nắng nóng, NCT cũng hay mắc các bệnh viêm da dị ứng gây ngứa. Ngứa có khi không chỉ ở một vùng của da mà lan ra nhiều nơi, thậm chí có trường hợp NCT bị viêm da dị ứng nhiễm trùng gây mưng mủ, lở loét toàn thân.
Video đang HOT
Kiểm soát nguy cơ sinh hoạt khoa học
Theo TS.BS Nguyễn Trung Anh, Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương, ở NCT biểu hiện bệnh thường dễ bị nhầm lẫn, khó nhận diện nên nhiều gia đình và ngay cả bệnh nhân thường chủ quan, bỏ qua triệu chứng nhẹ. Chính vì vậy, nhiều bệnh nhân cao tuổi nhập viện khi bệnh đã tiến triển nặng, cộng thêm bệnh mạn tính ở tuổi già rất nguy hiểm.
Cũng theo chuyên gia lão khoa này, khi có dấu hiệu nhiễm bệnh, NCT cần được đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời, tránh tự ý sử dụng thuốc tùy tiện. Với những NCT mắc bệnh tim mạch, huyết áp, đái tháo đường… cần tuân thủ việc dùng thuốc, kiểm soát huyết áp, đường huyết theo đúng hướng dẫn của bác sĩ. Người thân trong gia đình có thể trang bị máy đo huyết áp cá nhân để theo dõi huyết áp của NCT cũng như các thành viên trong gia đình, tránh tình trạng huyết áp quá cao hoặc quá thấp đều gây nguy hiểm đến sức khỏe.
Riêng với bệnh liên quan đến đường tiêu hóa và hô hấp, để phòng bệnh, NCT không nên dùng thức ăn để lâu ngày trong tủ lạnh, thức ăn tái, rau sống rửa không kỹ, uống nước ở các quán vỉa hè. Đặc biệt, những ngày nắng nóng, NCT phải chú ý mặc quần áo thoáng mát, không ăn đồ quá lạnh, đồ khó tiêu; ăn nhiều chất xơ, rau xanh, các loại trái cây tươi đồng thời kết hợp uống nhiều nước để bảo đảm đủ chất dinh dưỡng, tăng sức đề kháng của cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh.
Bên cạnh đó, trong những ngày nhiệt cao, nắng gắt, NCT cần hạn chế ra ngoài trời nắng trong khoảng thời gian từ 10h đến 16h. Trong trường hợp thật sự cần thiết phải ra ngoài, NCT cần đội mũ vành rộng, đeo kính râm, mặc áo dài tay để tránh ánh nắng trực tiếp. Ngay cả khi ở trong nhà cũng cần chú ý, không để nhiệt độ điều hòa quá thấp so với nhiệt độ ngoài trời. Trước khi ra khỏi phòng điều hòa, cần tăng nhiệt độ hoặc tắt điều hòa, ngồi nghỉ trong phòng để cơ thể từ từ thích nghi, tránh sốc nhiệt.
Để nâng cao sức khỏe, NCT nên tập thể dục hàng ngày đều đặn. Không nên chọn những phương pháp tập thể dục vượt quá sức mình. Tập thể dục bằng các động tác nhẹ nhàng, dễ thực hiện, nhưng thông dụng nhất, dễ thực hiện nhất vẫn là đi bộ. Tuy nhiên, không phải mọi NCT đều có thể đi bộ, vì còn tùy thuộc nhiều điều kiện kèm theo như sức khỏe còn tốt, không mắc một số bệnh như bệnh mạch vành, bệnh hen suyễn nặng, bệnh xương khớp nặng. Đối với NCT còn khỏe mạnh thì mỗi ngày nên có tổng số giờ đi bộ khoảng 60 phút, nên chia làm 2 – 3 lần.
Thận trọng việc dùng kháng sinh cho người cao tuổi
Theo các chuyên gia, việc dùng kháng sinh cho NCT phải hết sức thận trọng bởi ở hầu hết NCT, mọi chức năng của cơ thể đều bị suy giảm, tuổi càng cao, sức khỏe càng yếu, kể cả hệ thống miễn dịch. Đặc biệt, hiện nay tình trạng kháng kháng sinh xảy ra rất nhiều ở NCT, có những trường hợp bệnh nhân nhập viện bị kháng tất cả các loại kháng sinh, điều đó đồng nghĩa với việc cơ hội chữa trị cho những bệnh nhân này còn rất ít.
Theo giadinh.net
Người mắc bệnh hen, tập thể dục không đúng cách dễ đột quỵ?
Tập thể dục rất tốt cho sức khỏe nhưng cần phải đúng cách, nhất là trong những ngày hè nóng bức như hiện nay. Và người bệnh bị hen suyễn nếu tập gắng sức rất dễ ảnh hưởng sức khỏe, thậm chí đột quỵ ngay khi tập.
Mỗi người cần có một phương pháp tập luyện riêng cho chính mình nếu mắc hen. Ảnh minh họa
Nhập viện sau khi chạy bộ
Cách đây hai năm, bà Nguyễn Thị Toan (ở Hà Nội) bị hen suyễn, bác sỹ dặn sau khi xuất viện phải chú ý đến việc luyện tập thể dục để tránh dễ phát bệnh. Từ đó bà thường chạy bộ mỗi ngày.
Những hôm thời tiết nóng đến 40 độ, bà cũng vẫn chạy như thường ngày. Sau buổi tập, bà cảm thấy mệt hơn. Tối đến bà thấy người khó chịu, bệnh hen suyễn càng nặng hơn nên gia đình vội đưa vào viện. Nhờ vào viện kịp thời, tình trạng của bà đã nhanh chóng được kiểm soát. Bà cho biết, bác sỹ nói nguyên nhân chính dẫn đến cơn hen suyễn tái phát chính là vì tập thể dục cường độ cao sau khi bị cảm lạnh.
ThS.BS Nguyễn Văn Phú, Phó Giám đốc Bệnh viện Thể thao Việt Nam, Trưởng tiểu ban Y tế phục vụ các Đội tuyển Quốc gia cho biết, thời tiết nắng nóng luôn là nguy cơ gây ra những tai biến, đặc biệt là khi tập luyện thể thao. Người ta có thể không đột quỵ vì tim mạch nhưng có thể gặp hiện tượng say nắng, say nóng, sốc nhiệt. Với những người mang bệnh lý hen khi luyện tập trong thời tiết quá nóng, gánh nặng càng tăng lên. Nguy cơ bị tai biến, chấn thương, thậm chí đột quỵ tử vong là điều dễ sảy ra.
Đã có quy định với nhiệt độ tập luyện trên 32 độ C là phải có phương tiện bảo vệ, biện pháp phòng ngừa bằng cách bổ sung nước thường xuyên, kiểm soát khối lượng tập phù hợp. Đây là lời khuyên với những người khỏe chứ chưa nói đến những người mang yếu tố bệnh hen.
Bởi vậy, mọi người nên tránh tập gắng sức, thay đổi bài tập một cách đột ngột hay kéo dài thời gian tập quá dài vì sẽ khiến cơ thể không kịp thích nghi dẫn đến những hiểm họa khôn lường cho sức khỏe.
Theo Hội hô hấp TP Hồ Chí Minh, tuy gắng sức là yếu tố có thể làm cơn hen khởi phát nhưng không vì thế mà bệnh nhân hen không được gắng sức, không được tập luyện, thi đấu thể dục thể thao. Ngược lại, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng việc tập luyện thể lực lâu dài sẽ góp phần giúp kiểm soát bệnh hen tốt hơn và giảm được tỷ lệ nhập viện vì hen. Chỉ có điều cần chú ý, mọi người cần lựa chọn môn cũng như kiểm soát được lượng tập trong chừng mực mà cơ thể có thể chịu đựng được, không gắng sức quá mức.
Khi thấy xuất hiện các triệu chứng như đau ngực, khó thở nhiều, đau chân kiểu co thắt, cảm giác choáng váng, lảo đảo, vã mồ hôi phải ngưng tập. Nên hỏi ý kiến bác sĩ để có những lời khuyên và trợ giúp thích hợp trước khi tiếp tục tập vận động.
Cần kiểm tra sức khỏe trước khi lựa chọn tập luyện
ThS.BS Nguyễn Văn Phú cho biết thêm, bệnh hen có nhiều thể loại nên đầu tiên phải đi khám để xác định xem nguyên nhân gây bệnh hen là do đâu.
Có những người bị hen khi có những tác nhân từ phía bên ngoài môi trường, như bụi phấn, thức ăn, dị vật nào đó... Họ sẽ không thể tập luyện được ngoài trời mà phải ở trong phòng. Hoặc không được tiếp xúc với điều kiện khói bụi mà những người bình thường khác vẫn tập. Những người này cần có điều kiện tập luyện riêng, nếu không cơn hen sẽ khởi phát.
Nhóm hai là những người bị cơn hen, đặc biệt cơn hen gắn với bệnh tim mạch. Khi tập luyện gắng sức hoặc tới mức độ nào đó, cơn hen sẽ xuất hiện. Điều này trong thể thao thành tích cao, thể thao quần chúng gặp rất nhiều. Vận động viên vừa phải điều trị hen vừa phải thi đấu thể thao đã có nhiều ghi nhận. Nếu tập luyện cần xác định cường độ vận động phù hợp với cá nhân họ để tránh vượt qua ngưỡng đó.
Nhóm thứ ba liên quan đến tuổi bị bệnh. Ví dụ bị hen kéo dài, người cao tuổi... Những người này cần phải có chế độ tập luyện riêng và theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ.
"Không có chế độ tập luyện chung nào cho những người bị hen cả. Người bị hen phải tập theo cách chỉ riêng cá thể họ để đáp ứng được. Mục đích của tập luyện thể thao là hướng đến cải thiện sức khỏe. Để cải thiện sức khỏe phải tập luyện trong ngưỡng chịu đựng nhất định. Ngưỡng chịu đựng này ở người bị hen không được đo lường thông thường như tất cả người khác mà cần có cách kiểm tra riêng. Thời gian, tần số, khối lượng tập luyện phải căn cứ vào diễn biến bệnh. Một khi đã mang yếu tố bệnh hen trước khi bắt đầu tập luyện nhất thiết phải có kiểm tra sức khỏe, đánh giá nguyên nhân bệnh lý và biện pháp phòng tránh phù hợp sau mới bước vào tập luyện", BS Nguyễn Văn Phú nhấn mạnh.
Cũng theo BS Nguyễn Văn Phú, để đảm bảo sức khỏe khi tập luyện thể thao ngày nắng nóng cần lưu ý: Đảm bảo bồi phụ đủ nước, các chất muối điện giải trong suốt quá trình tập luyện. Về nguyên tắc không được chờ đến lúc khát mới bổ sung nước. Từ lúc kết thúc bài tập cho đến buổi tập sau theo dõi trạng thái chung của cơ thể, nếu màu sắc nước tiểu bình thường là cơ thể đã bù nước đủ.
Đảm bảo giấc ngủ. Dù tập luyện trong thời tiết nóng có những phản ứng bất lợi với cơ thể. Nhiều người mất ngủ do nắng nóng quá. Mất ngủ cộng với tập luyện gắng sức sẽ dễ gây ảnh hưởng sức khỏe.
Cần chia nhỏ khối lượng tập luyện. Chẳng hạn, trước có thể chơi tenis 2 - 3 tiếng/ buổi, trong điều kiện thời tiết nắng nóng cần giảm đi, có thể chơi nửa tiếng xong nghỉ rồi chơi tiếp.
Lựa chọn điều kiện tập luyện phù hợp. Ví dụ thay đổi giờ tập, khu vực tập luyện để tránh tác động nhiệt độ nắng nóng. Vào mùa hè, bạn nên tránh tập vào giờ nắng cao điểm. Tránh thời điểm từ 10-16h vì lúc này nhiệt độ cao nhất, sức nóng mạnh dễ khiến bạn bị kiệt sức, choáng. Nên tập vào sáng sớm hoặc chiều tối, tối là khoảng thời gian nhiệt độ đã giảm xuống, giúp bạn tập tốt, hiệu quả hơn.
Các chuyên gia khuyến cáo, khi tập luyện thể thao mà thấy có những triệu chứng chóng mặt, buôn nôn, nhức đâu, mỏi mệt... thi đây là những triệu chứng báo hiệu cho biêt đã tập sai cách hoặc cơ thê đang mât nhiêu nước. Khi đó cần ngừng tập, tìm chỗ mát để nghỉ ngơi, bổ sung nước.
Theo giadinh.net
Muốn chữa bệnh xương cốt, tập theo cách này ở công viên Không khó để bắt gặp hình ảnh những người cao tuổi Trung Quốc treo mình lủng lẳng trên những thiết bị tập thể dục ở các công viên. Ảnh: Reuters "Thói quen tập luyện như vậy giúp tôi chữa các vấn đề về xương sống. Tôi không muốn dùng thuốc", bà Song Lianyun nói với Pear Video, đồng thời cho biết bà thường...