Một tổ chức kiểm định giáo dục đại học: Nên có ít nhất 10 hay 30 kiểm định viên?
Bộ Giáo dục và Đào tạo đang đề xuất 2 phương án về số lượng kiểm định viên trong tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục đại học.
Tại dự thảo Nghị định quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, thay thế Nghị định số 46/2017/NĐ-CP và Nghị định số 135/2018/NĐ-CP, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề xuất bổ sung một số quy định mới liên quan tới nội dung kiểm định chất lượng giáo dục.
Cụ thể, dự thảo Nghị định bổ sung quy định về điều kiện thành lập/cho phép thành lập tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục công lập và tư thục để phù hợp với quy định tại khoản 3 Điều 52 Luật Giáo dục đại học và điểm a khoản 2 Điều 111 Luật Giáo dục.
Ảnh minh họa: Doãn Nhàn
Theo đó, tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục muốn thành lập cần xây dựng đề án về thành lập tổ chức kiểm định. Ngoài ra, đối với các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục công lập cần đáp ứng các điều kiện thành lập đơn vị sự nghiệp công lập quy định tại Nghị định của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập.
Đồng thời, để bảo đảm yêu cầu tại khoản 1 Điều 52 Luật Giáo dục đại học “Tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục độc lập về tổ chức với cơ quan nhà nước và cơ sở giáo dục đại học”, dự thảo Nghị định bổ sung điều kiện như sau:
“Các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục công lập thực hiện kiểm định lĩnh vực giáo dục đại học, ngoài đáp ứng quy định tại khoản 1 và 2 Điều này cần độc lập với cơ quan quản lý nhà nước và cơ sở giáo dục đại học về tài chính, nhân sự, tổ chức bộ máy theo quy định tại Nghị định của Chính phủ đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư.”
Tổ chức kiểm định phải có nguồn lực tài chính để bảo đảm duy trì và phát triển hoạt động
Về điều kiện cho phép hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục, dự thảo bổ sung quy định: “Có nguồn lực tài chính để bảo đảm duy trì và phát triển hoạt động của trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục” để tổ chức kiểm định có trách nhiệm bảo đảm tài chính để duy trì hoạt động của trung tâm (như thuê cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị, trả lương cho kiểm định viên cũng như người lao động và các hoạt động khác để phát triển hoạt động của trung tâm…).
Dự thảo cũng sửa đổi, bổ sung điều kiện về kiểm định viên của tổ chức kiểm định như sau:
Điều kiện về nhân lực đối với kiểm định chất lượng giáo dục đại học:
Phương án 1: Có ít nhất 30 kiểm định viên. Hiện phương án này đang tiếp thu ý kiến của Trưởng ban soạn thảo và một số Bộ, ngành vì điều kiện hiện tại còn đơn giản.
Phương án 2: Có ít nhất 10 kiểm định viên có kinh nghiệm tham gia hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục trong thời gian 05 năm liên tiếp.
Video đang HOT
Ngoài ra, dự thảo Nghị định cũng bổ sung quy định về kiểm định viên giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên. Cụ thể:
“Đối với kiểm định chất lượng đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên: Có ít nhất 05 kiểm định viên”.
Các quy định về đình chỉ hoạt động, giải thể tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục cơ bản được giữ nguyên như quy định hiện hành.
Bổ sung điều kiện đối với tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài
Dự thảo Nghị định bổ sung điều kiện để tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài được công nhận hoạt động ở Việt Nam như sau:
“1. Có tư cách pháp nhân.
2. Được nước sở tại hoặc một hiệp hội quốc tế hợp pháp công nhận hoặc cấp phép hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục hợp pháp.
3. Có thời gian hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục ít nhất 05 năm ở nước sở tại.
4. Có điều lệ, mục đích, phạm vi hoạt động rõ ràng.
5. Số lượng kiểm định viên làm việc cho tổ chức ít nhất 10 kiểm định viên đối với giáo dục đại học; ít nhất 05 kiểm định viên đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên”.
Bộ Giáo dục và Đào tạo lý giải, các quy định này nhằm bảo đảm tư cách pháp lý của tổ chức kiểm định nước ngoài; đồng thời, bảo đảm uy tín, chất lượng và điều kiện để tổ chức kiểm định chất lượng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam.
Học phí đại học ở Mỹ tăng đồng loạt
Tổng học phí và lệ phí tại Đại học Virginia tăng gần 6% cho năm học này, lên khoảng 20.350 USD. Trong khi đó, Đại học Howard đã tăng hơn 7%, lên khoảng 31.050 USD.
Chấm dứt giai đoạn "đóng băng" học phí
Hai trường trên, một công lập và một tư thục, hầu như không tăng học phí trong năm học trước.
Sự thay đổi này nhấn mạnh thực tế: Việc "đóng băng" học phí (giữ nguyên học phí) và những khoản hỗ trợ khác trong hai năm đầu tiên của đại dịch Covid-19 đã kết thúc.
Các trường đại học ở Mỹ đứng trước áp lực tăng học phí. Ảnh: Jabin Botsford/ The Washington Post
Trong bối cảnh lạm phát, các trường cao đẳng và đại học trên khắp nước Mỹ đang thực hiện các bước để củng cố doanh thu và triển khai trở lại các kế hoạch tăng học phí hàng năm, như giai đoạn trước đại dịch.
Giá hàng hóa, khí đốt và tiền thuê nhà cao hơn đang gieo rắc nỗi sợ hãi mới về khả năng chi trả cho giáo dục đại học.
Tia Pitts, 19 tuổi, sinh viên năm thứ hai tại Đại học Howard, cho biết danh sách chi phí phải trả khi quay lại trường học đã khiến cô "hoảng loạn".
"Em phải chi nhiều tiền nhà hơn, mua thêm nhiều vật dụng sinh hoạt, phải chi rất nhiều khoản mà thậm chí còn chưa bao gồm học phí".
Tuy nhiên, một số trường tiếp tục giữ nguyên học phí như Đại học Purdue ở bang Indiana, vẫn ở mức khoảng 10.000 USD cho học phí và lệ phí cơ bản trong thập kỷ qua. Hầu hết các trường đại học công lập ở Virginia đã tuân thủ yêu cầu giữ nguyên học phí của Thống đốc Glenn Youngkin (R), trừ Đại học Virginia.
"Không ai muốn tăng học phí", Giám đốc điều hành của Đại học Virginia Jennifer "J.J." Wagner Davis chia sẻ. "Nhưng đó là một hành động hợp lý sau khi xem xét tất cả các nhu cầu và cố gắng đảm bảo rằng chúng tôi có thể cung cấp trải nghiệm giáo dục xuất sắc nhất".
Thống kê cho thấy toàn bộ học phí và lệ phí cho một sinh viên Virginia hiện nay ước tính cao hơn 5,8% so với năm trước. Mức tăng trước đó, vào mùa thu năm 2021, là 1,5%. Những con số này không bao gồm tiền ăn ở, các chi phí khác, và cũng không bao gồm hỗ trợ tài chính.
Phillip B. Levine, một nhà kinh tế học tại Đại học Wellesley, người đã nghiên cứu về chi phí giáo dục đại học, cho biết giữ nguyên học phí là một vấn đề nan giải đối với các trường bởi việc "đóng băng" học phí sẽ hạn chế những khoản tiền có thể được sử dụng để hỗ trợ tài chính.
"Và tiền đó cần đến từ các gia đình có thu nhập cao hơn", Levine nói.
Trước đó, trên toàn nước Mỹ, học phí tăng không đáng kể khi đại dịch Covid-19 bùng nổ, bởi các trường cạnh tranh để duy trì tuyển sinh trong bối cảnh học trực tuyến.
Theo College Board, học phí và lệ phí tăng trung bình 1,2% đối với các trường đại học công lập vào mùa thu năm 2020 và 1,6% vào mùa thu năm 2021. Đó là những mức tăng thấp nhất, tính theo tỷ lệ phần trăm, kể từ những năm 1970.
Các trường cao đẳng và đại học tư thục cũng tương tự, với mức tăng 1,1% vào năm 2020 và 2,1% vào năm ngoái.
Trong thập kỷ trước đại dịch, dữ liệu của College Board cho thấy mức tăng hàng năm thường là khoảng 3% trong khu vực công và 3,7% trong khu vực tư nhân, trừ năm 2011 khi các trường đại học công lập đã tăng 8,5%.
Giá tiêu dùng gần đây tăng đột biến trên toàn nước Mỹ, với lạm phát lên mức 9,1% vào tháng 6, chỉ giảm nhẹ vào tháng 7, đang làm gián đoạn nguồn tài chính của giáo dục đại học.
Các trường học phải đối mặt với chi phí cao hơn cho các tiện ích, vật dụng và thực phẩm, cơ sở vật chất, đồng thời phải chịu áp lực tăng lương để tránh tình trạng giảng viên, nhân viên bỏ nghề.
Các khoản hỗ trợ giáo dục liên bang cho các trường cao đẳng và đại học đang giảm dần. Tài trợ của nhà nước cho giáo dục đại học công lập - một trụ cột tài chính hỗ trợ giảm học phí trong các tiểu bang - không rõ có thể giữ ổn định trong bao lâu.
Xu hướng chung: tăng
Trong số các trường đại học tư nhân ở Quận Columbia, toàn bộ học phí và các khoản phí bắt buộc đã tăng 3,5% tại Đại học Georgetown, 3,9% tại Đại học Công giáo, 4,2% tại Đại học George Washington, 4,9% tại Đại học Mỹ và 7,4% tại Đại học Howard.
Tại Đại học Maryland, học phí và lệ phí tăng 2,5%, tiền phòng và tiền ăn tăng 9%. Chi phí ước tính cho các bữa ăn ở trường và nhà ở tại thành phố College Park là 14,576 USD, cao hơn nhiều so với học phí và lệ phí trong tiểu bang là 11,232 USD.
Khuôn viên trường Đại học Purdue ở thành phố West Lafayette, bang Indiana vào 2020. Ảnh: AJ Mast/ The Washington Post
Học phí và lệ phí Đại học George Mason ở Bắc Virginia tăng 2,2%, lên khoảng 13,400 USD.
Học phí và lệ phí nhập học của sinh viên năm thứ nhất trong tiểu bang đã tăng khoảng 3% tại các trường đại học Massachusetts và Michigan, khoảng 4% tại các trường đại học California-Berkeley và Minnesota và gần 5% tại các trường đại học Colorado và Connecticut. Đại học Bang Oregon có mức tăng 6%.
Chỉ có Đại học Purdue đi ngược xu hướng đó. Hiệu trưởng Mitchell E. Daniels Jr. đã thông báo giữa nguyên học phí từ năm 2013. Tuy vậy, theo ông Daniels, Đại học Purdue không tránh khỏi áp lực lạm phát, nhưng trường đã thúc đẩy doanh thu thông qua tăng chỉ tiêu tuyển sinh, với 37.800 sinh viên tốt nghiệp vào mùa thu năm ngoái, nhiều hơn khoảng 25% so với năm 2014.
Tuyển sinh Đại học 2022: Thí sinh xác nhận nhập học tăng cao Theo bà Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GDĐT), tính đến sát thời điểm đóng cổng tuyển sinh trực tuyến (ngày 30/9), đã có trên 80% thí sinh trúng tuyển xác nhận nhập học. Các năm trước con số tối đa là 63%. Như vậy, vai trò của việc lọc ảo...