Một tháng để điều chỉnh môn Lịch sử từ lựa chọn sang bắt buộc: Có quá cập rập?
Tổ chức tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán các Sở Giáo dục và Đào tạo về hướng dẫn thực hiện chương trình Lịch sử cũng rất cập rập.
Ngày 11/7/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Kế hoạch 770 /KH- BGDĐT về việc thực hiện môn Lịch sử trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho năm học 2022-2023.
Theo đó, xây dựng, lựa chọn, điều chỉnh, thẩm định chương trình Lịch sử cấp trung học phổ thông phần bắt buộc với thời lượng 52 tiết/năm học (lớp 10, lớp 11, lớp 12) để dạy cho tất cả học sinh.
Bộ Giáo dục và Đào tạo điều chỉnh Lịch sử thành môn học “bắt buộc” khiến nhà trường và học sinh lúng túng. (Ảnh minh họa: P.M)
Xây dựng, tư vấn kỹ nhóm các môn lựa chọn để thích ứng với Sử là môn bắt buộc
Trước ngày 12/7/2022, nhiều trường trung học phổ thông công lập ở Thành phố Hồ Chí minh đã thông báo cho học sinh vừa trúng tuyển vào 10 làm thủ tục nhập học.
Theo tìm hiểu của người viết, trước đó các trường đã xây dựng được một số tổ hợp môn phù hợp với điều kiện của từng đơn vị. Lãnh đạo đã phân công giáo viên tư vấn cho học sinh, phụ huynh học sinh lựa tổ hợp môn khi làm thủ tục nhập học.
Chẳng hạn, Trường Trung học phổ thông Tây Thạnh, quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến 5 tổ hợp (trong số 108 tổ hợp) như sau:
Dự kiến tổ hợp môn của Trường Trung học phổ thông Tây Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh trước khi Lịch sử thành môn bắt buộc. (Ảnh: Hương Ly)
Hay, một trường trung học phổ thông khác ở Thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng các tổ hợp như: môn bắt buộc (Toán, Ngữ văn; Tiếng Anh; Giáo dục thể chất; Giáo dục quốc phòng an ninh; Hoạt động trải nghiệm – hướng nghiệp; Nội dung giáo dục địa phương.
Nhóm các môn lựa chọn: 1) Vật lí – Hóa học- Sinh học – Giáo dục kinh tế và pháp luật – Tin học; 2) Vật lí – Hóa học- Sinh học -Địa lí – Tin học; 3) Vật lí – Hóa học- Sinh học – Lịch sử – Tin học; 4) Lịch sử – Địa lí – Giáo dục kinh tế và pháp luật – Vật lí – Tin học; 5) Lịch sử – Địa lí – Giáo dục kinh tế và pháp luật – Hóa học – Công nghệ (Trồng trọt).
Chuyên đề học tập: chọn 3 chuyên đề của những môn sẽ học (Toán và 2 môn khác).
Video đang HOT
Tuy nhiên, ngay sau khi Lịch sử chính thức là môn học bắt buộc, một số trường đã khẩn trương bố trí lịch tư vấn cho học sinh, phụ huynh trước khi nhận hồ sơ trúng tuyển nhập học.
Ngày 12/7/2022, Trường Trung học phổ thông Tây Thạnh ra thông báo: ngày 14/7 học sinh và phụ huynh học sinh dự buổi tư vấn (chọn tổ hợp môn) dưới sân trường; ngày 15/7 đăng kí hồ sơ nhập học và tổ hợp môn tự chọn bằng hình thức trực tuyến; ngày 18/7 nộp hồ sơ trực tiếp tại trường.
Trường Trung học phổ thông Tây Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh công bố kế hoạch nhận hồ sơ trúng tuyển. (Ảnh: Hương Ly)
Bên cạnh các trường tổ chức các buổi tư vấn rất chi tiết học sinh, phụ huynh về việc lựa chọn, đăng ký tổ hợp môn tự chọn cũng có 1 số em học sinh lớp 10 ở quận Tân Phú cho biết, các em gặp lúng túng khi Lịch sử trở thành môn “bắt buộc”. “Trước đó em chọn tổ hợp Lịch sử – Địa lí – Giáo dục kinh tế và pháp luật – Vật lí – Tin học nhưng nay em vẫn chưa quyết định, chờ thầy cô tư vấn thêm”, học sinh N. chia sẻ.
1 tháng để điều chỉnh Chương trình Lịch sử từ lựa chọn thành bắt buộc
Thứ nhất, Kế hoạch 770 /KH- BGDĐT về việc thực hiện môn Lịch sử trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho năm học 2022-2023 có nêu một trong các nội dung công việc là tổ chức Hội thảo xin ý kiến, tổ chức, các nhà khoa học, giáo viên về Chương trình Lịch sử cấp trung học phổ thông phần bắt buộc với thời lượng 52 tiết/năm học. Thời gian hoàn thành trước ngày 14/8/2022.
Rõ ràng, việc tổ chức hội thảo xin ý kiến, tổ chức, các nhà khoa học, giáo viên về Chương trình Lịch sử cấp trung học phổ thông phần bắt buộc với thời lượng 52 tiết/năm học khó có thể tiến hành một sớm một chiều. Quá trình tổ chức hội thảo, các ý kiến đóng góp sẽ được đánh giá, tiếp thu ra sao khi song song với đó là các công việc chuyên môn cần rất chi tiết, cụ thể để địa phương, các trường triển khai cho kịp vào năm học mới.
Thứ hai, xây dựng, lựa chọn, điều chỉnh, thẩm định Chương trình Lịch sử cấp trung học phổ thông phần bắt buộc với thời lượng 52 tiết/năm học (lớp 10, lớp 11, lớp 12) chỉ trong thời gian khoảng 1 tháng, liệu ban soạn thảo, ban thẩm định có làm kịp tiến độ?
Việc thay đổi Chương trình được tiến hành ở cả 3 năm học, nếu làm không cẩn thận thì rất dễ xảy ra sai sót, bất cập mà hệ lụy là học sinh phải gánh chịu.
Thứ ba, tổ chức tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán các Sở Giáo dục và Đào tạo về hướng dẫn thực hiện chương trình Lịch sử cũng rất cập rập.
Bởi, tổ chức tập huấn phải qua hai công đoạn, cho giáo viên cốt cán và giáo viên đại trà cũng mất một khoảng thời gian nhất định. Giáo viên phải có thời gian đọc sách giáo khoa, nghiên cứu nội dung bài học, trao đổi với đồng nghiệp, dạy thử, rút kinh nghiệm trong tổ chuyên môn thì mới có thể bắt đầu dạy Chương trình mới.
Thứ tư, theo tính toán của một giáo viên ở Thành phố Hồ Chí Minh, việc quy định Lịch sử thành môn “bắt buộc” sẽ xuất hiện 81 tổ hợp môn (thay vì 108 tổ hợp môn như trước).
Sự thay đổi này ảnh hưởng đến nhiều thứ như: việc xây dựng tổ hợp môn học lựa chọn, kế hoạch giáo dục nhà trường, công tác tuyển sinh lớp 10, kế hoạch biên chế năm học (tính toán số tiết/giáo viên, phân công giáo viên).
Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã phản ánh một số ý kiến phụ huynh về việc con em họ không được chọn tổ hợp môn mong muốn, phần nào cho thấy nhà trường cũng đang gặp lúng túng.
Thứ năm, vì Lịch sử trở thành môn “bắt buộc” nên nhóm môn Khoa học xã hội còn lại 2 môn lựa chọn là Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật.
Theo quy định, mỗi nhóm có ít nhất 1 môn lựa chọn nên có khả năng cao học sinh sẽ chọn môn Giáo dục kinh tế và pháp luật, bởi đây là môn thi tốt nghiệp trung học phổ thông dễ đạt điểm cao, kiến thức thực tế, không phải học nhiều.
Minh chứng là, kết quả phân tích phổ điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông môn Giáo dục công dân của cả nước năm 2021 cho thấy, có 534.123 thí sinh tham gia dự thi, trong đó điểm trung bình là 8,37 điểm, điểm trung vị là 8,5 điểm. Điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 9,25. Vậy số phận môn Địa lý sẽ ra sao?
Có thể nhận thấy, việc chuyển môn Lịch sử từ “lựa chọn” thành “bắt buộc” phù hợp với nguyện vọng của đông đảo dư luận xã hội. Tuy nhiên, cũng nảy sinh nhiều lo lắng băn khoăn, trong đó nhà trường, học sinh, phụ huynh chờ đợi nhất là từ năm 2025, kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông và xét tuyển đại học theo hướng nào thì vẫn chưa rõ.
Trường học loay hoay chờ khi 'môn Lịch sử có cả lựa chọn và bắt buộc'
Nhiều trường THPT nói sốt ruột chưa rõ chương trình môn Lịch sử ở bậc THPT mới liệu có được thiết kế gồm cả phần bắt buộc và lựa chọn hay không khi mà năm học mới cận kề.
Một trong những nội dung của Nghị quyết Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV vừa được ban hành là yêu cầu nghiên cứu ý kiến cử tri, nhân dân và đại biểu Quốc hội, thiết kế môn Lịch sử trong Chương trình giáo dục cấp THPT bao gồm cả phần bắt buộc và phần lựa chọn một cách hợp lý, khoa học, đảm bảo hiệu quả cao nhất trong việc giáo dục truyền thống và phát triển nhân cách cho học sinh.
Thông tin này khiến hiệu trưởng nhiều trường THPT lo lắng kế hoạch được xây dựng sẽ bị xáo trộn khi năm học mới cận kề.
Trước đó, theo thiết kế của chương trình giáo dục phổ thông mới được triển khai từ năm học 2022-2023 đối với cấp THPT, học sinh sẽ chỉ còn học 5 môn bắt buộc. Các môn còn lại sẽ được đưa vào danh sách môn lựa chọn theo nhóm. Môn Lịch sử trở thành một trong những môn lựa chọn ở cấp THPT với cụm môn Khoa học xã hội (gồm Lịch sử, Địa lý, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật).
Ảnh minh họa: Lê Anh Dũng.
Một số hiệu trưởng cho hay, nếu chỉ điều chỉnh ở một môn học vẫn có thể ảnh hưởng đến việc xây dựng tổ hợp môn học lựa chọn, kế hoạch giáo dục nhà trường, công tác tuyển sinh lớp 10 và cả kế hoạch biên chế năm học như tính toán số tiết/giáo viên, phân công giáo viên.
Ông Nguyễn Quang Tùng, Hiệu trưởng Trường THCS và THPT M.V.Lômônôxốp (Hà Nội) nói đang chờ phương án cuối cùng được Bộ GD-ĐT đưa ra.
Theo ông Tùng, hiện, dù chưa có thông báo chính thức về việc học sinh khối 10 năm học 2022-2023 - khối đầu tiên học theo chương trình giáo dục phổ thông mới 2018, sẽ học môn Lịch sử bắt buộc và lựa chọn như thế nào, song nhà trường đã phải lên các phương án thay đổi lại so với dự kiến.
Nếu môn Lịch sử bậc THPT được xác định gồm cả phần kiến thức bắt buộc, thì với 11 lớp 10, số tiết môn Lịch sử sẽ tăng ít nhất 11 hoặc 22 tiết/1 tuần (tùy vào phân phối chương trình là 1 hay 2 tiết/tuần).
"Trong trường hợp đó chúng tôi sẽ phải tính đến cả việc tuyển thêm 1 giáo viên môn Lịch sử. Thế nhưng, nếu tuyển vội vàng cũng lo sẽ không có được giáo viên chất lượng khi các trường tư thục sẽ bắt đầu năm học từ khoảng 1/8/2022.
Ngoài ra, nếu tăng số tiết môn Lịch sử thì phải giảm số tiết tăng cường một số môn khác trong các tiết học buổi chiều (Trường THCS và THPT M.V.Lômônôxốp học 2 buổi/ngày -PV). Như vậy, các bộ môn đó phải điều chỉnh lại kế hoạch đã chuẩn bị trong hè".
Ông Tùng cũng băn khoăn liệu có sử dụng được sách giáo khoa đã viết theo chương trình ban đầu hay không.
"Hiện nay, công tác tập huấn chuyên môn của bộ môn Lịch sử vẫn bám theo các bộ sách đã có. Không biết chương trình học bắt buộc có thực sự hấp dẫn giáo viên hay không khi thời gian biên soạn rất ngắn bởi năm học đã rất cận kề".
Cô T., hiệu trưởng một trường THPT ở Hải Phòng cho biết cũng đang chờ đợi hướng dẫn.
"Nhà trường cũng đành chờ đợi có kết luận cuối cùng để tính phương án chuẩn bị triển khai một thể. Với lớp 10 tuyển sinh năm nay, chúng tôi sẽ làm một cuộc tư vấn định hướng đầu cấp, nhưng dự kiến sẽ rất khó khăn".
Cô giáo này cho rằng nếu theo lẽ thường, việc điều chỉnh môn Lịch sử từ lựa chọn sang có cả phần bắt buộc và phần tự chọn thì thiết kế Chương trình phổ thông mới cũng phải thay đổi.
"Có thể sẽ phải sửa số tiết, không chỉ môn học này mà mà còn kéo theo sửa số tiết các môn học khác. Bởi theo thiết kế ban đầu, môn học bắt buộc là 12 tiết/tuần, môn học lựa chọn 10 tiết/tuần, cộng với các chuyên đề học tập, các hoạt động giáo dục địa phương, tổng cộng là 29 tiết/tuần.
Nếu Lịch sử vừa gồm bắt buộc vừa gồm phần tự chọn thì liệu có phải tăng số tiết? Như vậy liệu có phải giảm số tiết của môn học nào trước đây?" - vị hiệu trưởng băn khoăn.
Dù vậy, nữ giáo viên cho biết, điều quan trọng nhất vẫn là cần làm sao để môn Lịch sử được khẳng định bằng cách dạy học, phương pháp giảng dạy, sức hấp dẫn của sách giáo khoa qua việc học sinh hứng thú.
Thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (TP.HCM) nói việc chọn tổ hợp để dạy học, để học không khó nhưng câu hỏi đặt ra là sau 3 năm học theo tổ hợp thì việc chọn này sẽ đi đâu.
"Chúng tôi, giáo viên và phụ huynh rất cần Bộ có câu trả lời để định hướng cho học sinh, bởi giáo dục phải có tầm nhìn dù chỉ là 1 niên khóa, chứ không thể cứ để học rồi đến ngày thi rồi mới chọn lựa", ông Phú nói và trăn trở cũng rất cần câu trả lời cho câu hỏi năm 2025 thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học theo kiểu gì để tư vấn phụ huynh lựa chọn.
Còn thầy Nguyễn Viết Đăng Du, Tổ trưởng môn Lịch sử, Trường THPT Lê Quý Đôn (TP.HCM) thì chờ đợi nội dung thiết kế môn Lịch sử cô đọng, hợp lý, vừa sức để học sinh cảm thấy học Sử không nặng nề.
Theo thầy Du, trong trường hợp nếu là môn học lựa chọn có phần bắt buộc, Bộ GD-ĐT có thể lựa chọn các nội dung cần thiết từ chương trình cũ đề thiết kế ra phần bắt buộc cho học sinh.
Cá nhân thầy Du cho rằng mọi sự thay đổi đều chấp nhận được khi vị trí môn Lịch sử được coi trọng thật sự trong chương trình phổ thông.
Hướng ra nào cho môn lịch sử?: Học lịch sử cũng chính là tìm về bản sắc Học lịch sử dân tộc là để hiểu quá trình dựng nước và giữ nước của cha ông, hiểu lý do tồn tại của dân tộc, từ đó biết rút kinh nghiệm trong quá khứ, sống tốt trong hiện tại và kiến tạo tương lai Chương trình giáo dục phổ thông mới gây chú ý nhiều trong thời gian qua về môn lịch...