Một số nước châu Phi đã bước vào giai đoạn đặc hữu của dịch COVID-19
Các nhà khoa học hàng đầu cho biết nhiều quốc gia châu Phi đang bước vào giai đoạn ít nghiêm trọng hơn của đại dịch trong bối cảnh các ca nhiễm biến thể Omicron tăng mạnh.
Người dân ở một trong trại cam tại Nam Phi nghe y tá tư vấn sau khi được tiêm vaccine COVID-19. Ảnh: AP
Theo đài Sputnik (Nga), ông Malawi Kondwani Jambo, nhà miễn dịch học tại Chương trình Nghiên cứu Lâm sàng Malawi-Liverpool-Wellcome Trust, tin rằng ông và các đồng nghiệp đã tìm thấy ánh sáng cuối đường hầm thoát khỏi đại dịch COVID-19.
Năm ngoái, ông Jambo đã bắt đầu nghiên cứu về số lượng người mắc COVID-19 ở Malawi kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Kết quả cho thấy số lượng người Malawi nhiễm virus cao hơn và lan rộng hơn nhiều so với dự đoán của ông Jambo. Nhiều người đã nhiễm bệnh trước khi biến thể Omicron xuất hiện.
Trước khi làn sóng Omicron ập đến, Malawi chưa bị COVID-19 tấn công quá mạnh. Jambo nói: “Vào thời điểm đó, dường như chỉ có gần 10% dân số có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Số ca nhập viện cũng thấp một cách đáng kinh ngạc”.
Điều này đã thúc đẩy Jambo và nhóm nghiên cứu của ông tìm một nguồn thông tin mới. Họ chuyển sự chú ý đến kho lưu trữ máu đã được thu thập trong nhiều tháng. Họ phát hiện ra rằng vào đầu làn sóng COVID-19 thứ 3 mùa hè năm ngoái, khi Malawi chìm trong biến thể Delta, 80% dân số đã mắc bệnh.
Ông dự đoán rằng phần lớn các ca nhiễm này đều không có triệu chứng, có nghĩa là nhiều người bị mắc bệnh không nghiêm trọng đến mức không đi xét nghiệm hoặc đến bệnh viện. Trong khi đó, chỉ có gần 5% người Malawi đã được tiêm phòng đầy đủ. Do vậy, có nhiều khả năng người mắc đã có kháng thể ngăn bệnh nặng từ các biến thể trước đó. Ông Jambo cũng giải thích độ tuổi trung bình của người Malawi chỉ khoảng 18 tuổi, độ tuổi có nguy cơ mắc bệnh nặng và tử vong thấp hơn.
Nhưng quan trọng hơn, ông Jambo nhận thấy điều này có nghĩa là Malawi đang chuyển sang giai đoạn mới và đại dịch có thể sắp đi đến hồi kết. Đó là giai đoạn COVID-19 trở thành bệnh đặc hữu, giống với các dịch bệnh theo mùa, như cảm lạnh hoặc cúm.
Các nhà khoa học cũng tin rằng Malawi chỉ là một trong số các quốc gia ở châu Phi đạt được cột mốc quan trọng này trong cuộc chiến chống lại đại dịch. Các nghiên cứu tương tự đã được thực hiện ở Kenya, Madagascar và Nam Phi. Ông Jambo cho biết trên thực tế, nhiều khu vực ở châu Phi cũng có kết quả tương tự.
Video đang HOT
Giờ đây, khi làn sóng Omicron đang đạt đỉnh trên khắp châu Phi, các quốc gia đều chứng kiến xu hướng dịch bệnh khá giống nhau: ca nhiễm tăng mạnh, trong khi số ca mắc nặng, nhập viện và tử vong rất thấp.
Tuy nhiên, Nam Phi đã không may mắn như vậy. Mặc dù quốc gia này cũng đã thúc đẩy tiêm chủng nhưng dân số của họ già hơn nhiều so với Malawi. Đây cũng là nguyên nhân khiến các bệnh viện ở Nam Phi bị quá tải trong làn sóng Delta hồi mùa hè năm ngoái.
Ông Shabir Madhi, nhà nghiên cứu tại Đại học Witwatersrand cho rằng Nam Phi đã đi được 3/4 quãng đường đại dịch. Sau làn sóng Omicron, có lẽ 80% người Nam Phi đã có khả năng miễn dịch ngăn bệnh nặng và tử vong. Mahdi có cho rằng để kiểm soát dịch bệnh tốt hơn, Nam Phi cần đảm bảo ít nhất 90% người trên 50 tuổi được tiêm chủng đầy đủ.
Ông gợi ý rằng vào thời điểm biến thể tiếp theo xuất hiện, điều quan trọng là không nên hoảng sợ khi ca mắc gia tăng đơn thuần. Chuyên gia này tin rằng gia tăng số ca nhiễm là không thể tránh khỏi. Thay vì ngăn chặn điều đó, giới chức nên tập trung hơn vào khả năng gây bệnh nặng và tử vong.
Thách thức của châu Âu trên đường coi COVID-19 là bệnh đặc hữu
Nhiều quốc gia châu Âu đang bắt đầu coi COVID-19 như một căn bệnh đặc hữu, giống với cúm.
Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm chủng chưa cao, sự xuất hiện của Omicron và nhiều điều chưa rõ về biến thể mới, đang đặt ra thách thức lớn cho khu vực này.
Theo hãng tin Bloomberg, Tây Ban Nha đang đề xuất coi COVID-19 như một căn bệnh đặc hữu, giống bệnh cúm, và trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên kêu gọi người dân sống chung với dịch bệnh. Ý tưởng này đang thu hút sự chú ý và có thể thúc đẩy việc đánh giá lại các chiến lược đối phó với dịch bệnh của chính phủ.
Dù số ca nhiễm tăng kỷ lục, tỷ lệ nhập viện và tử vong thấp hơn của biến thể Omicron đã khiến Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez đưa ra viễn cảnh đầy hy vọng. Hôm 9/1, ông Sanchez cho biết có thể đã đến lúc phải thay đổi cách thức theo dõi sự phát triển của COVID-19, sử dụng chiến lược đối phó với dịch bệnh tương tự như bệnh cúm. Điều đó có nghĩa là coi COVID-19 như một căn bệnh đặc hữu thay vì đại dịch, không đếm số ca mắc và không xét nghiệm tất cả những người có triệu chứng.
"Chúng tôi phải đánh giá sự phát triển của COVID-19 từ đại dịch thành bệnh đặc hữu", ông Sanchez cho biết trong một cuộc phỏng vấn hôm 9/1, đồng thời nói thêm rằng các chính phủ châu Âu có thể cần đánh giá căn bệnh này bằng dữ liệu khác với những thông số được sử dụng từ trước đến nay.
Hôm 9/1, Bộ trưởng Giáo dục Anh Nadhim Zahawi cũng nói rằng Anh đang "trên đường chuyển từ đại dịch sang bệnh đặc hữu".
Trong bối cảnh đó, những quốc gia như Pháp, Đức, Italy và Romania - tất cả đều đang ghi nhận số ca nhiễm trung bình hàng ngày cao nhất từ đầu đại dịch. Ngoài ra, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết hôm 11/1 rằng hơn một nửa dân số châu Âu sẽ nhiễm biến thể Omicron trong hai tháng tới.
Nhưng khi các chính phủ nỗ lực để duy trì mở cửa trường học và giúp các nền kinh tế hoạt động bình thường nhất có thể, tỷ lệ nhập viện thấp hơn có thể thúc đẩy việc xem xét lại các chiến lược đối phó với dịch bệnh.
Trẻ em đi học trở lại sau kỳ nghỉ Giáng sinh ở Madrid. Ảnh: Reuters
Pháp và Đức đang tiếp tục thắt chặt các hạn chế, đặc biệt là đối với những người chưa được tiêm chủng để đối phó với làn sóng dịch mới do biến thể Omicron gây ra. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết ông sẽ "gây khó dễ đến cùng" đối với những người không tiêm vaccine và đang tìm cách yêu cầu xuất trình giấy chứng nhận vaccine để vào các quán bar và nhà hàng, hoặc thậm chí đi tàu hỏa.
Hà Lan đã duy trì một trong những chế độ phong toả nghiêm ngặt nhất ở châu Âu, buộc nhiều nhà hàng và quán bar phải đóng cửa. Tại Italy, chính phủ của Thủ tướng Mario Draghi đã ra lệnh tiêm chủng bắt buộc đối với những người trên 50 tuổi.
"Hầu hết vấn đề mà chúng ta gặp phải hiện nay đều xuất phát từ thực tế là có nhiều người chưa tiêm chủng," Thủ tướng Draghi cho biết tại một cuộc họp báo ở Rome hôm 10/1.
Mặc dù có tỷ lệ mắc COVID-19 cao nhất ở châu Âu, Ireland vẫn duy trì một hệ thống tiêm chủng tự nguyện. Tại Bỉ, Thủ tướng Alexander De Croo cho biết chính phủ muốn cho người dân một sự "lựa chọn tự do".
Trong khi đó, nhiều quốc gia vẫn rút ngắn thời gian cách ly nhằm nỗ lực duy trì hoạt động của các dịch vụ thiết yếu. Mới nhất là Cộng hòa Séc, quốc gia này chỉ yêu cầu những người dương tính với virus SARS-CoV-2 cách ly trong 5 ngày, giảm so với thời gian 2 tuần trước đó.
Anh là nơi đầu tiên ở châu Âu cấm các chuyến bay từ miền nam châu Phi, nơi đầu tiên phát hiện biến thể Omicron. Tuy nhiên, đây là quốc gia đầu tiên ở châu Âu phải hứng chịu làn sóng Omicron. Tương tự, tỷ lệ ca mắc ở Pháp đã vượt Anh, mặc dù nước này đã áp đặt các hạn chế đi lại từ Anh.
Các chuyên gia cho rằng nếu các quốc gia châu Âu đang tính đến việc nới lỏng các hạn chế trong những tuần tới, thì câu chuyện năm ngoái sẽ là một kinh nghiệm để cảnh giác. Đan Mạch đã gỡ bỏ tất cả các hạn chế COVID-19 vào mùa thu năm ngoái, trong khi Hà Lan bỏ tất cả các yêu cầu về khẩu trang. Song cả hai quốc gia này đều hiện có tỷ lệ ca mắc cao nhất ở châu Âu và đã phải tái áp đặt các hạn chế.
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Barcelona, Tây Ban Nha. Ảnh: AFP/TTXVN
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết biến thể Omicron của COVID-19 đang trên đà lây nhiễm cho hơn một nửa dân số châu Âu, nhưng nó vẫn chưa được coi là một căn bệnh lưu hành giống cúm.
Giám đốc WHO tại khu vực châu Âu Hans Kluge nhấn mạnh khu vực này đã ghi nhận trên 7 triệu ca mắc mới trong tuần đầu tiên của năm 2022, tăng hơn gấp đôi trong thời gian 2 tuần.
"Với tốc độ này, Viện Đo lường và Đánh giá Sức khỏe dự báo rằng hơn 50% dân số trong khu vực sẽ nhiễm Omicron trong vòng 6-8 tuần tới", ông Kluge dẫn lời một trung tâm nghiên cứu tại Đại học Washington nói và cho biết 50/53 quốc gia ở châu Âu và Trung Á đã ghi nhận các ca nhiễm Omicron.
Bà Catherine Smallwood, quan chức cấp cao của WHO về châu Âu, cho biết việc chuyển từ đại dịch sang bệnh đặc hữu là "một con đường tắt". Bà nói thêm rằng để coi COVID-19 là bệnh đặc hữu, chúng ta phải duy trì tốc độ lây nhiễm ổn định và có thể dự đoán được điều đó.
"Nhưng chúng ta vẫn còn nhiều điều chưa chắc chắn và Omicron đang lây lan khá nhanh, đặt ra nhiều thách thức mới. Do đó, đây chắc chắn chưa phải lúc để coi COVID-19 là bệnh đặc hữu. Nó có thể trở thành bệnh đặc hữu trong thời gian tới, nhưng việc xác định nó là bệnh đặc hữu trong năm 2022 đang gặp một chút khó khăn trong giai đoạn này".
COVID-19 sẽ trở thành bệnh đặc hữu như thế nào tại tâm dịch Đông Nam Á? Indonesia, quốc gia là tâm dịch của Đông Nam Á, đang thay đổi chiến lược từ "xoá sổ COVID-19" sang kịch bản coi đây là bệnh đặc hữu. Liệu việc thực hiện kế hoạch này có suôn sẻ khi đại dịch vốn chứa đựng nhiều điều khó lường. Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine COVID-19 ở Jakarta, Indonesia hôm 31/8. Ảnh: Reuters...