Một số nguyên tắc sử dụng vitamin và các chất khoáng
Vitamin và các chất khoáng là những yếu tố rất cần thiết cho sức khoẻ. Đây là những phần không thể thiếu được để duy trì sự sống. So với các loại thực phẩm hay ngũ cốc thì khối lượng các vitamin hay các khoáng chất cần là rất nhỏ nên nó còn được gọi là các yếu tố vi lượng. Tuy nhiên, rất nhiều người đã lạm dụng các vitamin cũng như các chất khoáng mà không thấy hết được hậu quả xấu của việc làm này.
Nguyên nhân của tình trạng trên do các vitamin và các chất khoáng thường được bán một cách tự do không cần đơn thuốc kết hợp với việc quảng cáo, tuyên truyền không chính xác về tác dụng nên trong thực tế đã tạo ra sự lạm dụng, gây nên những tai biến, thậm chí rất nghiêm trọng do thừa các chất khoáng. Việc hiểu biết một số nguyên tắc cơ bản trong sử dụng một số loại vitamin cũng như các khoáng chất sẽ góp phần tăng cường việc sử dụng có hiệu quả và phòng ngừa được các tai biến đáng tiếc do lạm dụng thuốc.
Các vitamin và chất khoáng luôn có sẵn trong lương thực và thực phẩm (như gạo, rau quả, thịt, cá, sữa…), vì vậy những người bình thường (không có các bệnh lý tiêu hóa…), có chế độ ăn bình thường (không phải ăn kiêng), với các loại lương thực và thực phẩm đảm bảo chất lượng thì không bao giờ thiếu và không cần phải bổ sung.
Những nguyên nhân chủ yếu gây thiếu vitamin và các chất khoáng:
- Do cung cấp thiếu: chủ yếu do chất lượng của lương thực và thực phẩm không đảm bảo như: gạo bị mốc, rau quả bị úa, héo hoặc do chế biến không đúng (ví dụ vitamin C bị nhiệt độ phá hủy; vitamin B1 bị chất kiềm phá hủy…), đặc biệt ở những người nghiện rượu (người nghiện rượu thường ăn uống thiếu chất; rượu làm tổn thương cơ quan tiêu hoá làm giảm khả năng hấp thu các vitamin nhóm B và rượu gây nên xơ gan).
- Do rối loạn hấp thu: tiêu chảy kéo dài, nghiện rượu; bệnh lý dạ dày – tá tràng. Đặc biệt ở những người cao tuổi, do sự giảm chức năng của cơ quan tiêu hoá như giảm tiết dịch mật, dịch tụy, dịch dạ dày kết hợp với tình trạng giảm nhu động ruột, táo bón dẫn đến cản trở hấp thu các chất.
- Do nhu cầu của cơ thể tăng: phụ nữ có thai, cho con bú; thiếu niên tuổi dậy thì, sau khi bị bệnh nặng. Những trường hợp này có thể bổ sung bằng chế độ ăn uống, chỉ dùng thuốc uống hoặc tiêm khi không ăn được do rối loạn tiêu hoá hoặc ăn không đủ (do mệt mỏi, chán ăn…).
Xử trí khi thiếu vitamin và các chất khoáng
Trước hết phải xử trí các nguyên nhân dẫn đến thiếu vitamin như đã nêu trên. Thường thì ít có hiện tượng thiếu đơn độc một chất, vì vậy việc bổ sung vitamin dưới dạng hỗn hợp sẽ có hiệu quả hơn dùng các loại riêng biệt. Tỷ lệ phối hợp các vitamin và chất khoáng khác nhau trên từng loại sản phẩm của các hãng khác nhau. Do vậy khi lựa chọn phải căn cứ vào nguyên nhân gây thiếu để bổ sung cho phù hợp.
Ngũ cốc chứa nhiều vitamin B1.
Những nguyên nhân chủ yếu gây thừa vitamin và hậu quả
Nguyên nhân: hầu hết thừa là do sự lạm dụng vitamin và các chất khoáng dưới dạng thuốc. Cần phải nhắc lại rằng, những người khoẻ mạnh, không có rối loạn tiêu hoá, hấp thu và ăn với chế độ ăn bình thường thì không bao giờ phải dùng thêm vitamin cùng các khoáng chất dưới dạng thuốc. Nếu các đối tượng này thường xuyên uống vitamin, đặc biệt vitamin tan trong dầu (vitamin A, D) thì dễ gặp các rối loạn do thừa vitamin.
Hậu quả của thừa một số vitamin thường gặp:
- Trẻ em dưới 1 tuổi khoẻ mạnh, nếu uống thường xuyên lượng vitamin D với liều trtên 400UI/ngày sẽ dẫn đến tăng calci máu, thậm chí dẫn đến suy thận và tử vong.
- Nếu trẻ em dưới 4 tuổi thường xuyên uống vitamin A liều 5.000 đơn vị/ngày sẽ gây nên các triệu chứng ngộ độc mạn tính với các biểu hiện như ban đỏ, viêm da tróc vảy, viêm niêm mạc miệng hay đau các xương. Đối với phụ nữ có thai, dùng như vậy sẽ có nguy cơ thừa vitamin A và gây quái thai. Với liều vitamin A 100.000 đơn vị/ngày có thể gây tăng áp lực sọ não, co giật ở trẻ nhỏ.
Video đang HOT
- Vitamin B (đặc biệt hỗn hợp viên vitamin 3B được dùng khá phổ biến) liều cao sẽ gây nên thừa vitamin B6 làm rối loạn thần kinh cảm giác; thừa vitamin B12 sẽ xuất hiện triệu chứng của thừa coban gây tăng sản tuyến giáp, tăng hồng cầu quá mức…
- Vitamin C khi dùng thường xuyên ở liều cao sẽ dẫn đến các dấu hiệu ngộ độc như: tiêu chảy, loét đường tiêu hoá, sỏi thận; dạng tiêm tĩnh mạch có thể gây rối loạn đông máu, giảm sức bền của hồng cầu.
- Thừa các yếu tố vi lượng sẽ dẫn đến các hậu quả nghiêm trọng hơn so với các vitamin. Thừa sắt sẽ dẫn đến ngộ độc sắt có thể dẫn tới tử vong. Thừa iốt (liều trên 6mg/ngày) gây ức chế hoạt động của tuyến giáp, ở người mẹ mang thai sẽ dẫn đến thiểu năng giáp sơ sinh, trẻ sẽ bị chứng đần độn.
Muốn tránh được các hậu quả do dùng không đúng vitamin và các chất khoáng, trước hết cần phải hiểu rõ một nguyên tắc: nếu không thấy thiếu thì không dùng; không được coi vitamin và các khoáng chất là “thuốc bổ” mà muốn khoẻ thì dùng. Chính vì vậy, khi cảm thấy có vấn đề về sức khoẻ, biện pháp tốt nhất là cần đi khám và tư vấn về sức khoẻ. Thầy thuốc sẽ thăm khám và làm các xét nghiệm bổ sung cần thiết để xác định tình trạng sức khoẻ và có các chỉ dẫn cần thiết. Tuyệt đối không nên tự ý dùng các vitamin và khoáng chất, đặc biệt các loại phối hợp, liều cao và dùng dài ngày.
TS. Nguyễn Hải
Theo Sức Khỏe Đời Sống
6 loại thực phẩm lấy đi chất khoáng của xương
Bạn có biết, một vài thực phẩm bạn ăn thực sự có khả năng lấy đi những khoáng chất giúp xương chắc khỏe hay hạn chế sự tái tạo của xương đấy.
Những gì bạn ăn đóng một vai trò quan trọng trong việc tiếp nhận các chất dinh dưỡng có lợi cho hệ xương của bạn. Tuy nhiên, một vài món ăn thực sự có khả năng lấy đi những khoáng chất giúp xương chắc khỏe hay hạn chế sự tái tạo của xương.
1. Muối
Theo nghiên cứu của các nhà dinh dưỡng học: muối là một trong những tác nhân lấy đi lượng lớn Canxi từ xương - nguyên nhân chính làm suy yếu hệ thống xương của bạn. Các nghiên cứu cho thấy cứ 2.300 mg Natri có trong muối sẽ lấy đi của cơ thể 40 mg Canxi.
Các nhà khoa học cũng tiến hành so sánh những phụ nữ ở độ tuổi mãn kinh với những phụ nữ ở những lứa tuổi khác. Những người này thường có chế độ ăn uống với hàm lượng muối cao hơn và điều đó đồng nghĩa với việc họ sẽ bị mất một lượng khoáng chất trong xương lớn hơn những phụ nữ khác.
Các nghiên cứu khác về thói quen ăn uống của người Mỹ cho thấy 75% lượng Natri cơ thể con người tiếp nhận từ thực phẩm chế biến sẵn chứ không phải từ muối ăn.
Lời khuyên:
Cách nhanh nhất, hiệu quả nhất ngoài việc cắt giảm trực tiếp lượng muối trong bữa ăn hàng ngày là hạn chế các loại thực phẩm chế biến sẵn.
Các loại thực phẩm nên tránh bao gồm thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn đông lạnh, súp đóng hộp, bánh pizza, rau đóng hộp và các loại thức ăn nhanh như bánh mì kẹp thịt và khoai tây chiên...
2. Nước giải khát
Chất gây suy yếu xương chủ yếu trong nước có ga thường là a xit Phosphoric. Chất này gia tăng nhanh khi canxi được bài tiết trong nước tiểu. Nước ngọt chỉ đơn thuần giúp bạn thỏa mãn cơn khát mà không cung cấp bất kỳ chất dinh dưỡng nào cho cơ thể như khi bạn uống sữa hoặc nước trái cây.
Lời khuyên:
Thay vì uống nước có ga, bạn hãy thử uống một ly sữa để bổ sung canxi hoặc một ly nước cam với lượng vitamin D đáng kể, hay một ly smoothie cùng với sữa chua.
Hoặc đơn giản chỉ là nước khoáng kết hợp với chế độ ăn uống có hàm lượng các chất dinh dưỡng cao. Điều đó rất tốt cho hệ xương của bạn.
3. Caffeine
Caffeine không tác động mạnh tới xương như muối, nhưng hoạt động lọc canxi từ xương của caffeine là tương tự. Cứ mỗi 100 mg caffeine (có trong một cốc café cỡ nhỏ tới trung bình), cơ thể sẽ khiến bạn mất đi 6 mg canxi.
Lượng canxi mất đi tuy không nhiều, nhưng nó có thể sẽ trở thành vấn đề nếu bạn có xu hướng không thay thế các loại đồ uống được cho là lành mạnh đối với hệ xương (như sữa hay nước trái cây) bằng những đồ uống có chứa caffeine (như trà và cà phê).
Lời khuyên:
Giới hạn bản thân với 1-2 tách cà phê vào buổi sáng, sau đó sử dụng các đồ uống khác không chứa caffeine. Thêm sữa vào cà phê cũng sẽ giúp bạn bù đắp được phần nào lượng canxi bị mất.
4. Vitamin A
Các kết quả nghiên cứu cho thấy sự tồn tại của vitamin A trong nhiều loại thực phẩm như trứng, bơ, sữa béo, gan và trong các loại thực phẩm bổ sung vitamin. Đây là loại vitamin quan trọng đối với hệ thống miễn dịch của cơ thể.
Các nghiên cứu cho thấy chế độ ăn uống hàng ngày của người Mỹ chứa hàm lượng vitamin A cao (5.000 IU/ ngày), cao nhiều hơn so với khuyến cáo của các chuyên gia dinh dưỡng.
Đồng thời, phân tích chế độ dinh dưỡng hàng ngày của phụ nữ ở độ tuổi mãn kinh cho thấy những người hấp thụ lượng vitamin A cao hơn 5.000 IU một ngày có tỷ lệ bị gẫy xương cao gấp đôi những phụ nữ chỉ hấp thụ ít hơn 1.600 IU mỗi ngày.
Lời khuyên:
Thay đổi thói quen ăn uống với các sản phẩm sữa ít béo hoặc không béo, hạn chế ăn lòng đỏ trứng vì hầu hết lượng vitamin A có trong trứng đều tập trung tại lòng đỏ. Ngoài ra kiểm tra loại vitamin tổng hợp mà bạn đang sử dụng, nếu có hàm lượng vitamin A cao nên chuyển sang một loại khác.
5. Rượu
Rượu có thể coi là rào cản canxi, nó ngăn không cho cơ thể hấp thụ các chất khoáng hỗ trợ cho xây dựng xương từ nguồn thực phẩm bạn ăn vào.
Đặc biệt, các loại rượu nặng còn tác động tiêu cực tới xương bằng cách ngăn cản quá trình tái tạo các tế bào xương. Do đó, uống rượu không những làm xương suy yếu mà còn cản trở quá trình chữa bệnh khi bạn không may bị một vết nứt ở xương.
Lời khuyên:
Giới hạn lượng đồ uống có cồn bạn sử dụng trong một ngày bất kể là bia, rượu vang, hay rượu mạnh.
6. Hydro hóa dầu
Các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng quá trình Hydro hóa (là quá trình biến dầu thực vật từ dạng lỏng sang dạng rắn) có trong các loại dầu được sử dụng rộng rãi trong ngành công nghiệp thực phẩm, là nguyên nhân làm suy giảm các vitamin K tự nhiên - đây là nhân tố cần thiết giúp cho xương chắc khoẻ.
Lượng vitamin K nhiều nhất được tìm thấy trong các loại rau lá xanh, các loại dầu thực vật như dầu hạt cải và dầu ô liu. Tuy nhiên, lượng vitamin K trong 2 loại dầu này khá nhỏ bé - một muỗng canh dầu hạt cải chỉ chứa 20 microgram vitamin K, một muỗng canh dầu ô liu chứa 6 microgram.
Lời khuyên:
Nếu các loại thực phẩm nướng như bánh nướng xốp, cookies thường xuyên có mặt trong thực đơn của bạn, bạn nên lưu ý về loại dầu được sử dụng khi nướng bánh.
Các nhà dinh dưỡng học khuyên bạn nên sử dụng dầu hạt cải khi có thể và đừng quên đọc nhãn khi chọn mua các loại dầu này để tránh mua phải dầu Hydro hóa.
(Theo PLXH)
Nước tinh khiết, nước khoáng: Tưởng lợi hóa hại Nhiều gia đình đã sử dụng nước tinh khiết, nước khoáng với ý nghĩ những loại nước này sạch, đảm bảo vệ sinh, an toàn cho sức khỏe. Thế nhưng, các chuyên gia về dinh dưỡng, hóa học lại cho rằng dùng nước tinh khiết, nước khoáng nhiều sẽ không tốt cho sức khỏe. Mất hết chất Trên thị trường có rất nhiều...