Một siêu Trái Đất mới đang thành hình trên bầu trời
Một siêu Trái Đất “sơ sinh” quay quanh ngôi sao trẻ TW Hydrae đã tiết lộ nơi ẩn náu của nó trước “mắt thần” của đài quan sát ALMA.
Theo Sky and Telescope, nhóm tác giả dẫn đầu bởi TS Tomohiro Yoshida từ Đài quan sát thiên văn quốc gia Nhật Bản đã xác định được một hành tinh mới có khối lượng gấp 4 lần Trái Đất xung quanh một ngôi sao mới 8 triệu năm tuổi tên TW Hydrae.
Cụ thể hơn, họ tìm ra dấu hiệu của khí sốc bên trong đĩa tiền hành tinh của TW Hydrae thông qua dữ liệu của ALMA, một giao thoa kế thiên văn cực mạnh gồm 66 kính thiên văn vô tuyến đặt tại sa mạc Atacama phía Bắc Chile.
HÌnh ảnh phóng to từ dữ liệu ALMA cho thấy ngôi sao trẻ nằm giữa một đĩa tiền hành tinh lớn cùng một khoảng trống mờ đang được tạo nên bởi siêu Trái Đất “sơ sinh” – Ảnh: ALMA
Khi các hành tinh đang phát triển thu thập khí và bụi, chúng cũng giải phóng vật chất vào môi trường xung quanh dưới dạng luồng phản lực.
Khí sốc mà “mắt thần” ALMA ghi nhận chính là luồng vật chất này, đang lao ra rất mạnh và đập vào môi trường xung quanh, tạo nên những cú sốc kích hoạt sự hình thành các phân tử như lưu huỳnh monoxit (SO), thứ mà các đài thiên văn có thể nắm bắt.
Các nỗ lực đo lường luồng vật chất này cũng giúp các nhà khoa học ước tính được khối lượng, kích cỡ của hành tinh non trẻ đang ra đời.
Dựa vào vị trí phát hiện khí sốc cũng như khoảng trống giữa đĩa tiền hành tinh mà siêu Trái Đất trẻ tạo nên, các nhà khoa học cũng biết khoảng cách giữa hành tinh này và sao mẹ là khoảng 42 đơn vị thiên văn (AU), tức 42 lần khoảng cách Mặt Trời – Trái Đất.
Ngôi sao trẻ TW Hydrae cách Trái Đất khoảng 200 triệu năm ánh sáng và là ngôi sao có đĩa tiền hành tinh gần nhất mà nhân loại biết đến.
Đĩa này vốn chỉ xuất hiện trong một thời gian ngắn khi ngôi sao đó còn trẻ. Toàn bộ vật liệu từ đĩa này sẽ dần kết tụ lại thành các hành tinh của nó.
Vì vậy, một ngôi sao đang trong thời kỳ có đĩa tiền hành tinh là một mục tiêu thiên văn hiếm có và thú vị.
Nhìn chung, công trình này củng cố thêm một bằng chứng nữa về sự hiện diện của một hành tinh mới của TW Hydrae và chúng ta có thể mong đợi các quan sát trong tương lai có thể giúp theo dõi sự phát triển của các hành tinh tiềm năng trong hệ này.
Đó cũng là cách để nhân loại có cái nhìn “ngược thời gian” về Trái Đất thuở sơ khai, khi nó chập chững kết tụ từ đĩa tiền hành tinh của Mặt Trời.
Tìm ra hành tinh đáng sợ có thể có sự sống
Một số hành tinh mà trước đây các nhà khoa học cho là "địa ngục" lại có thể là thế giới sự sống tiềm năng.
Theo Sci-News, một nghiên cứu mới dẫn đầu bởi GS Caroline Dorn từ ETH Zurich (Thụy Sĩ) cho thấy những siêu Trái Đất sở hữu đại dương magma khổng lồ và bầu không khí cực ẩm ướt thật ra là dạng hành tinh sống được tiềm năng mà chúng ta đã bỏ qua.
Các siêu Trái Đất bao phủ bởi đại dương magma có thể là thế giới sống được trong tương lai - Minh họa AI: Anh Thư
Các nghiên cứu về sinh học thiên văn thường tìm kiếm sự sống nơi các thế giới có môi trường ôn hòa, có gì đó giống với Trái Đất.
Vì vậy, các hành tinh bao phủ bởi đại dương magma hay dạng hành tinh mà các phép đo khối lượng, mật độ cho thấy tỉ lệ nước quá cao thường bị bỏ qua.
Như nhiều nghiên cứu trước đây cho thấy nước cần cho sự sống, nhưng quá nhiều nước - ví dụ các thế giới đại dương - thì lại kìm hãm khả năng phát sinh và tiến hóa của sự sống.
Thế nhưng bài công bố trên tạp chi Nature Astronomy chỉ ra những "hành tinh đại dương" có thể chỉ có nước trên bề mặt tương đương Trái Đất, bởi một lượng lớn nước đã bị thu vào lõi.
Đại dương magma của chúng cũng tương tự đại dương magma của Trái Đất sơ khai và nước hòa tan rất tốt trong các đại dương magma này.
Chúng cũng có lõi sắt. Lõi này cần thời gian để phát triển, một phần lớn sắt ban đầu vốn cũng bị mắc kẹt trong magma.
Chính lượng sắt này đã kết hợp với các phân tử nước, kéo chúng cùng chìm xuống lõi theo thời gian.
Chính một ít nước của Trái Đất cũng bị giấu vào lõi theo cách đó. Với các hành tinh to lớn hơn - các siêu Trái Đất to khoảng 6 lần địa cầu trở lên - nước càng dễ bị giấu vào lõi hơn.
Trong một số trường hợp nhất định, sắt có thể hấp thụ lượng nước nhiều hơn silicat tới 70 lần.
Do vậy, tìm thấy một hành tinh mà các phép đo cho thấy chúng có tỉ lệ nước cao, không có nghĩa là nước đó ngập ngụa trên bề mặt.
Và nếu vỏ ngoài của hành tinh đó có thể nguội đi và đông đặc lại như Trái Đất hàng tỉ năm trước, nước hòa tan trong đại dương magma có thể thoát khí và nổi lên bề mặt trong quá trình đó.
Nói cách khác, một số siêu Trái Đất tưởng chừng như địa ngục thật ra chỉ đang trải qua quá trình tiến hóa hành tinh giống thế giới của chúng ta trong liên đại Hỏa Thành, khi quả cầu lửa ban đầu dần nguội đi và dần trở thành thế giới sống được.
Vì vậy, nhóm tác giả kết luận rằng ngay cả những hành tinh có hàm lượng nước tương đối cao cũng có khả năng phát triển các điều kiện sống giống như Trái Đất.
Như vậy, các thế giới đại dương khổng lồ, tương đối "già" như Trái Đất có thể là mục tiêu tiếp theo cho cuộc săn tìm sự sống ngoài hành tinh.
Bí mật "lạnh người" mới về cách Trái Đất ra đời Thứ giúp sự sống tồn tại trên Trái Đất hóa ra có nguồn gốc từ cái chết của một loại hành tinh chưa toàn vẹn của "vùng âm u" trong hệ Mặt Trời. Một nghiên cứu dẫn đầu bởi Đại học Heidelberg (Đức) đã đưa ra một lát cắt bất ngờ về buổi bình minh của hệ Mặt Trời, khi Trái Đất hoàn...