Một người nhiễm virus corona có thể lây cho 2,2 người
Tại hội nghị trực tuyến với 700 điểm cầu nhằm hướng dẫn điều trị, phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona chủng mới (nCoV), đại diện WHO cho biết một người nhiễm nCoV có thể lây cho 2,2 người, trong khi một ca sởi lây cho 12-18 người.
Sáng 8-2, Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị trực tuyến với 700 điểm cầu nhằm tập huấn, hướng dẫn điều trị, phòng, chống bệnh do virus corona chủng mới (nCoV) cho các bệnh viện từ trung ương đến các bệnh viện tuyến huyện.
Bệnh nhân nhiễm virus corona được điều trị, cách ly ngay tại bệnh viện tuyến huyện – Ảnh: Lê Hảo
Theo đại diện của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), phần lớn bệnh nhân có biểu hiện nhẹ, trung niên và cao tuổi nguy cơ mắc bệnh hơn và ít ca bệnh được ghi nhận ở trẻ nhỏ. Tỉ lệ tử vong do nCoV là 2% nhẹ hơn SARS (10%), MerCoV (36%). Các ca tử vong do nCoV đều ở Vũ Hán, hai ca ngoài Trung Quốc đại lục cũng từ Vũ Hán về.
Cũng theo các nghiên cứu của WHO, một người nhiễm nCoV lây cho 2,2 người trong khi một ca sởi lây cho 12-18 người. “Báo hằng ngày về các ca bệnh chỉ là tảng băng nổi và nhiều người có thể mắc bệnh mà không có biểu hiện bệnh. Do đó cần chú trọng ngăn lây qua tiếp xúc, giọt bắn. Nên đứng cách xa nguồn lây từ 1-2 m để tránh nguy cơ nhiễm và chú ý che miệng khi ho hắt hơi. Khi đeo khẩu trang, chúng ta phòng bệnh cho người khác nếu có biểu hiện bệnh và nếu giữ khoảng cách 1-2 m thì nguy cơ sẽ giảm xuống. Rửa tay sạch là biện pháp kinh điển nhưng hiệu quả cao” – WHO khuyến cáo.
WHO cũng cho biết đã cung cấp trên 6.500 mồi (sinh phẩm) để xét nghiệm virus corona mới tại Việt Nam, Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản cũng đã cung cấp rất nhiều mẫu xét nghiệm chuẩn để thực hiện xét nghiệm virus coroa chủng mới.
Quang cảnh hội nghị
Video đang HOT
Vì sao không sốt, ho vẫn nhiễm virus corona?
nCoV tồn tại trong cơ thể khoảng 3-4 tuần
GS-TS Nguyễn Văn Kính, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho biết nCoV tồn tại trong cơ thể khoảng 3-4 tuần kể từ khi xâm nhập. Ngoài môi trường, nCoV rất dễ bị chết bởi ánh sáng, tia cực tím và nhiệt độ cao. Ở môi trường lạnh, ẩm và bề mặt kim loại nCoV có thể tồn tại 1-3 ngày.
PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, cho biết Bộ Y tế đã hướng dẫn các bệnh viện chuẩn bị nguồn lực tùy mức độ của dịch, hướng dẫn các bệnh viện các tuyến cách lấy mẫu, bảo quản mẫu… Đây là bệnh truyền nhiễm nhóm A nên bảo quản mẫu phải đảm bảo an toàn sinh học. Việc điều trị theo phương châm 4 tại chỗ (quản lý, sàng lọc bệnh nhân từ tuyến xã và điều trị bệnh nhân nhẹ từ tuyến huyện) do nguồn lây từ khắp nơi, đối tượng nghi nhiễm đến từ nhiều nước.
Tại hội nghị, các chuyên gia cũng chia sẻ điểm đáng chú ý trong sàng lọc và phát hiện trường hợp mới nhất là bệnh nhân thứ 13, có kết quả xét nghiệm sáng định dương tính tối ngày 7-2. Trước đó, bệnh nhân này không sốt, không ho, không có biểu hiện bệnh nhưng vẫn nhiễm virus corona. Vì vậy thời gian ủ bệnh có phải 14 ngày như các hướng dẫn trước đây hay không, hay thời gian ủ bệnh kéo dài hơn, biểu hiện bệnh bao gồm những gì?.
Về trường hợp không có dấu hiệu bệnh vẫn nhiễm virus corona, ông Khuê cho biết đây là một chủng virus mới, ở Trung Quốc đã ghi nhận hàng trăm ca tử vong nhưng Việt Nam chỉ có một ca nặng (bệnh nhân 66 tuổi người Trung Quốc), còn lại đa số biểu hiện nhẹ, vì thế bệnh cảnh rất đa dạng, có người bệnh nặng, người bị nhẹ, ít biểu hiện hay chỉ hơi mỏi mệt. Có bệnh nhân biểu hiện bệnh rầm rộ, có người lại nhẹ như bệnh nhân 28 tuổi Li Zichao (người Trung Quốc phát hiện mắc bệnh tại Việt Nam), chỉ 2-3 ngày sau đã âm tính với virus. Vì thế, giai đoạn nhẹ nên giữ bệnh nhân điều trị ở tuyến huyện. “Đơn cử như tại huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc đang điều trị 4 bệnh nhân có hiểu hiện nhẹ với sự hỗ trợ của tuyến trên. Trường hợp nặng hơn sẽ chuyển lên bệnh viện tỉnh hoặc trung ương. Nếu phát hiện các ca bệnh ở các địa phương khác cũng nên xử lý tương tự, hạn chế việc di chuyển bệnh nhân để cắt đứt nguồn lây” – ông Khuê lưu ý.
Diễn biến dịch nCoV trên thế giới
Virus nCoV bị tiêu diệt khi rửa tay xà phòng
PGS-TS Nguyễn Việt Hùng, Trưởng Khoa chống nhiễm khuẩn, Bệnh viện Bạch Mai, lưu ý về thông khí tự nhiên tại buồng bệnh. Có thể kết hợp thông khí cưỡng chế môi trường an toàn. Cần đảm bảo khử khuẩn và thu gom dụng cụ chất thải, đồ vật y tế… PGS Hùng cũng nhấn mạnh việc rửa tay rất quan trọng phòng nhiễm khuẩn nCoV và phòng các bệnh truyền nhiễm khác như cúm, sởi và giảm tử vong cho bệnh nhân. Virus nCoV bị tiêu diệt khi rửa tay xà phòng. Đặc biệt, không lạm dụng găng tay vì có thể lại chủ quan, không rửa tay.
D.Thu
Theo nld.com.vn
Khi có dịch Corona, cần tiếp nhận, cách ly, điều trị triệt để ca bệnh tại địa phương
Sáng nay (8/2), Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc hướng dẫn điều trị và phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra. Hà Tĩnh tổ chức điểm cầu ở tỉnh và 13 huyện, thị, thành phố.
Giám đốc Sở Y tế Lê Ngọc Châu - Phó Trưởng BCĐ phòng chống virus Corona tỉnh chủ trì điểm cầu Hà Tĩnh.
Tại hội nghị, Bộ Y tế đã cập nhật diễn biến mới của dịch Corona trên thế giới và Việt Nam. Thời gian qua, ngành y tế Việt Nam đã giám sát 603 trường hợp, có 13 người dương tính với Corona, hiện đã có 3 trường hồi phục, khỏi bệnh, các trường hợp còn lại đang được điều trị trong tình trang ổn định.
Về kế hoạch đáp ứng với từng cấp độ dịch, hiện nay, Việt Nam đã lên kịch bản cho 4 cấp độ dịch và xây dựng kế hoạch ứng phó chi tiết cho từng cấp độ, nhất là liên quan đến công tác thông tin tuyên truyền, giám sát dự phòng, điều trị và chuẩn bị nhân lực, vật tư y tế... phục vụ phòng chống dịch.
Các chuyên gia y tế hướng dẫn điều trị các triệu chứng của bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona gây ra.
Về việc chỉ đạo, quản lý và phân tuyến điều trị virus Corona, PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục Trưởng cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) thông tin, hiện nay, Bộ Y tế đã xây dựng được hướng dẫn chẩn đoán và điều trị virus Corona; hướng dẫn phòng và kiểm soát lây nhiễm virus.
Khi có dịch ở các cấp độ, cần tuân thủ phương án 4 tại chỗ; thực hiện tiếp nhận, thu dung, điều trị, quản lý ca bệnh và theo dõi, cách ly triệt để tại địa phương (từ bệnh viện tuyến huyện trở lên); phối hợp với các chuyên khoa trong điều trị các bệnh kèm theo của người bệnh; các đội cơ động hỗ trợ khi cần thiết, chỉ chuyển tuyến khi vượt quá khả năng...
Các đại biểu tham dự tại điểm cầu Hà Tĩnh
Về chẩn đoán, điều trị dự phòng virus Corona, GS.TS Nguyễn Văn Kinh - Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cho biết: Khi chẩn đoán virus Corona thì cần sàng lọc luôn cả cúm vì đây thời điểm dịch cúm mùa và triệu chứng 2 loại này rất giống nhau. Các ca nghi ngờ thì phải nhập viện làm xét nghiệm, cách ly tại giường bệnh và tiến hành tập trung điều trị các triệu chứng của bệnh như: hạ sốt, giảm ho....; giữ vệ sinh đường hô hấp, giữ ấm họng.
Đặc biệt, cần tư vấn, hỗ trợ tâm lý cho bệnh nhân và gia đình bệnh nhân nhận thức đúng về bệnh; theo dõi chặt chẽ các dấu hiệu sinh tồn, phát hiện suy hô hấp, suy tuần hoàn để kịp thời ứng phó. Việc điều trị suy hô hấp phải áp dụng chiến lược bảo vệ đường thở thông qua việc sử dụng liệu pháp oxy với nhiều mức độ khác nhau.
Tại hội nghị, chuyên gia y tế cũng đã trao đổi các biện pháp dự phòng xâm nhập, lây nhiễm của virus Corona trong cộng đồng, trong cơ sở y tế; cập nhật xử lý sốc nhiễm trùng, suy hô hấp cấp ở người lớn khi nhiễm virus...
Bộ Y tế cũng đã chính thức khai trương trang thông tin của Bộ về dịch Corona để cập nhật tình hình dịch cũng như các phần mềm ứng dụng hỗ trợ, tư vấn các giải pháp phòng chống dịch cho người dân.
Theo baohatinh
Việt Nam tự tin có kỹ thuật, năng lực để chẩn đoán virus corona Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Việt Nam tự tin có kỹ thuật, năng lực, sinh phẩm để chẩn đoán bệnh do virus corona gây ra. Sáng 8/2, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị về triển khai công tác hướng dẫn điều trị, phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới...