‘Mong bộ trưởng tăng lương để giáo viên toàn tâm, toàn ý dạy học’
“Tăng lương giáo viên còn có thể giúp thu hút sinh viên giỏi vào sư phạm, thay vì điểm chuẩn thấp như hiện nay”, thầy Hà Đình Lực viết.
Bạn bè trong giới giáo viên chia sẻ khá nhiều những kỷ niệm tốt đẹp về tân bộ trưởng ngành giáo dục, chân dung ông cũng toát lên vẻ thiện cảm và tin tưởng. Điều này là khởi đầu thuận lợi vì ấn tượng ban đầu rất quan trọng.
Là giáo viên, tôi mạnh dạn chia sẻ mấy nút thắt của giáo dục với bộ trưởng.
Thầy Hà Đình Lực, giáo viên Maya School (Hà Nội), mong muốn tân bộ trưởng chăm lo cho đội ngũ giáo viên. Ảnh minh họa: Lê Hiếu.
Chăm lo cho giáo viên
Tôi mong bộ trưởng tăng lương để giáo viên toàn tâm, toàn ý dạy học.
Lương giáo viên vẫn loay hoay so sánh với lao động phổ thông thì bảo sao đa số thầy, cô phải dạy thêm, làm thêm việc khác để đủ chi phí cho cuộc sống tối thiểu.
Ngoài ra, tăng lương giáo viên có thể giúp thu hút sinh viên giỏi vào sư phạm thay vì điểm chuẩn thấp như hiện nay.
Tôi cũng mong bộ trưởng thực sự coi mỗi giáo viên là một nhà giáo dục đích thực.
Bộ cần xóa bỏ, đơn giản nhất các thứ đang tiêu tốn nhiều thời gian, năng lượng của giáo viên như thi giáo viên giỏi, hội diễn, chứng chỉ, sổ sách, giáo án. Những thứ này mới nhìn tưởng giúp nâng cao chất lượng giáo dục nhưng thực chất tạo nên những thầy cô “đồng phục”.
Ai làm bố mẹ đều hiểu việc nuôi dạy mỗi đứa con trong gia đình cần phương pháp khác nhau, đằng này mỗi lớp học mấy chục học sinh. Bạn thích nhẹ nhàng, bạn cần áp lực, bạn tự giác học, bạn chưa …. Điều này cần thầy cô thực sự có thời gian, tâm huyết để tìm gia giải pháp phù hợp cho các con.
Nếu coi thầy, cô như những công chức, chỉ cần thực hiện tròn vai những gạch đầu dòng đáp ứng yêu cầu nâng hạng, nâng lương, chúng ta sẽ được những sản phẩm là học sinh “đồng phục”, triệt tiêu cá tính, sự sáng tạo và óc phản biện vốn rất cần thiết trong cuộc đời mỗi người.
Ngoài ra, bộ trưởng cần có biện pháp để loại bỏ tâm lý chung coi giáo dục đại học khó hơn giáo dục phổ thông, dạy cấp 3 khó hơn cấp 1, dễ nhất là dạy trẻ mầm non.
Thực chất, mỗi cấp học có một đặc thù riêng biệt và đều vất vả. Các thầy cô đều cần được đối xử, trả lương công bằng và xứng đáng như nhau.
Khi nền tảng giáo dục mầm non, phổ thông tốt giống như cái cây có bộ rễ được vun trồng cẩn thận sẽ khỏe mạnh, tốt tươi, cho trái ngọt ở bậc đại học.
Đào tạo giáo viên tại các trường sư phạm cần điều chỉnh theo hướng giảm tính hàn lâm phục vụ nghiên cứu sang tăng thêm thời gian thực hành, thực tế cho sinh viên.
Việc đào tạo hiện nay chưa giúp sinh viên hình dung thực tế công tác chủ nhiệm, giảng dạy một lớp 40-50 học sinh to lớn, lộc ngộc hơn thầy cô phức tạp thế nào.
Chỉ 2-3 tháng thực tập cuối năm, giáo viên đa số cưỡi ngựa xem hoa, ra trường rất bỡ ngỡ và phải mất một vài năm đầu mới dần quen với thực tế công việc trong nhà trường.
Video đang HOT
Thầy Hà Đình Lực mong xây dựng văn hóa đọc sách trong trường. Ảnh: Thu Hằng.
Xây dựng văn hóa đọc trong trường
Tôi cũng mong xây dựng văn hóa đọc sách trong nhà trường, bắt đầu từ bộ trưởng và các thầy cô. Hàng tuần, trường cần có tiết đọc sách, thư viện hoạt động thực chất. Từ đó, học sinh cũng dần hình thành thói quen và yêu thích đọc sách.
Đây là nền tảng quan trọng hình thành con người tự chủ, độc lập về tư duy. Từ đó, không chỉ chất lượng giáo dục mà cả đạo đức, lối sống của học sinh cũng được cải thiện rõ rệt.
Xét cho cùng, bộ trưởng sẽ bận rộn với rất nhiều việc, những thay đổi chính sách đến được các trường và mỗi gia đình sẽ còn khá lâu.
Cách nhanh nhất là mỗi bố mẹ dành thời gian rèn nhân cách, thói quen tốt cho con từ nhỏ. Giáo dục gia đình là gốc rễ, còn nhà trường thực ra chỉ là một phần thôi. Mỗi thầy cô chúng ta tâm huyết, chủ động làm hết khả năng của mình, không chờ đợi.
Những điều này kết hợp với những thay đổi chính sách nếu có mới tạo nên hiệu ứng cộng hưởng giúp giáo dục thực sự cất cánh.
Mất hàng trăm triệu đồng chạy biên chế để được dạy thêm học sinh chính khóa?
Dạy thêm thu nhập gấp 5 - 10 lần lương, dù lương 15 triệu đồng/tháng, giáo viên những môn dạy thêm được như hiện nay cũng khó mà bỏ dạy thêm!
Chuyện dạy thêm, học thêm là câu chuyện chưa hề cũ trong dư luận của nước ta. Có rất nhiều lý giải cho nguyên nhân học trò chúng ta phải quay cuồng học thêm và giải pháp hạn chế, xóa bỏ tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan hiện nay.
Có phải lương giáo viên thấp, nên phải ép học sinh để dạy thêm?
Để trả lời câu hỏi này, đầu tiên phải xác định giáo viên nào dạy thêm?
Thật ra không phải tất cả giáo viên đều dạy thêm; với tiểu học chỉ có giáo viên chủ nhiệm, với trung học chỉ có giáo viên bộ môn Toán, Văn, Ngoại ngữ và một phần bộ môn Vật lý, Hóa học, Sinh học.
Ngoài ra, dạy thêm, học thêm chỉ rầm rộ ở thành thị, còn nông thôn có nhưng không nhiều; với vùng sâu, vùng xa, giáo viên còn phải vận động học trò đi học, không có khái niệm dạy thêm. [1]
Điều đó có nghĩa, phần lớn giáo viên sống bằng lương của mình. Mặt khác, so với các ngành nghề khác, lương giáo viên vẫn thuộc hàng cao nhất trong khối các đơn vị hành chính sự nghiệp hiện nay.
Trên một số diễn đàn, đã có những lời khuyên chân tình của giáo viên "Nếu bạn thấy lương thấp, chưa tương xứng với cống hiến của mình, bạn nên đổi nghề". Thế nhưng, hàng năm có rất ít giáo viên đổi nghề, nhảy việc.
Nên lương thấp không phải là lý do để giáo viên dạy thêm đổ lỗi!
Giải pháp để xóa bỏ tình trạng dạy thêm, học thêm là gì? (Ảnh minh họa: VTV)
Mất hàng trăm triệu đồng chạy 1 suất biên chế giáo viên... dù biết lương thấp?
Trước khi chọn trường, chọn nghề sư phạm, ngoài được miễn học phí, những sinh viên sư phạm chắc chắn đã biết lương giáo viên như thế nào, tháng bao nhiêu tiền, số tiền đó có sống được không.
Hiện nay, hàng trăm ngàn giáo sinh sư phạm ra trường chưa có việc làm, điều đó có nghĩa với mức lương giáo viên hiện hưởng vẫn thu hút được nguồn lực lao động của xã hội.
Chuyện chạy công chức trong tuyển dụng giáo viên không hề mới. Người ta sẵn sàng bỏ ra hàng trăm triệu đồng để kiếm một chân giáo viên biên chế. [2]
Nếu không sống được bằng lương, cớ sao người ta lại "đầu tư" như thế? Mất hàng trăm triệu đầu tư, phải có cách thu lời sau đó chứ, trong khi đó lương lại thấp?
Một đồng nghiệp ở Hà Nội khoe với tôi mỗi tháng dạy thêm có thể kiếm được 100 triệu đồng - 120 triệu đồng. Số tiền này bằng lương tháng của tôi cả năm.
Được biết trung bình một lớp dạy thêm ở thủ đô có 40 học sinh, mỗi em đóng 60.000 đồng/ buổi, như vậy giáo viên dạy 8 buổi cũng thu về khoảng 20 triệu đồng/tháng.
Còn một đồng nghiệp khác ở tỉnh, dạy cho vui mỗi tháng cũng kiếm được 20-30 triệu đồng.
Tôi hỏi vài đồng nghiệp đang dạy hợp đồng tại các trường công lập rằng sao không bỏ nghề khi mức lương thấp như vậy? Họ thật thà trả lời, bám trụ lại chẳng qua để lấy cái "mác" mở lớp dạy thêm bên ngoài, chứ mấy ai sống nhờ đồng lương.
Mỗi mùa thi, một giáo viên dạy thêm có thể kiếm vài trăm triệu là chuyện bình thường. Đương nhiên không phải giáo viên nào cũng được thu nhập như vậy, bởi còn phụ thuộc vào trình độ, danh tiếng và môn học. Một giáo viên phổ thông lương có thể từ 5-10 triệu đồng nhưng thu nhập từ dạy thêm có thể gấp 10 lần con số đó.
Như vậy, mất hàng trăm triệu để làm giáo viên... dạy thêm học sinh chính khóa!
Tăng lương giáo viên sẽ xóa bỏ được dạy thêm, học thêm?
Có ý kiến cho rằng, tăng lương giáo viên 20 triệu đồng/tháng, có lẽ chẳng giáo viên nào dạy thêm; trả lương giáo viên từ 15 triệu đồng/tháng như trường dân lập, giáo viên sẽ không muốn dạy thêm. [3]
Thật ra giáo viên trường dân lập có muốn dạy thêm học sinh chính khóa cũng không dạy được, nhà trường không cho phép, học sinh đã được học đầy đủ trong giờ chính khóa rồi, không có nhu cầu học thêm nữa.
Giáo viên công lập dạy thêm có thu nhập cao, chủ yếu dạy học sinh chính khóa! Chính vì vậy, dù kêu ca lương thấp nhưng vẫn "bám trụ" để dạy thêm, chứ mấy ai vì lương thấp mà bỏ nghề.
Dạy thêm thu nhập gấp 5 - 10 lần lương, dù lương 15 triệu đồng/tháng, giáo viên những môn dạy thêm được như hiện nay cũng khó mà bỏ dạy thêm!
Cơ sở nào để tăng lương cho giáo viên công lập lên ... 20 triệu đồng/tháng?
Để biết đề xuất tăng lương cho giáo viên công lập lên ... 20 triệu đồng/tháng thiếu thực tế thế nào, chúng ta tham khảo lương của những vị lãnh đạo Quốc gia.
Lương của Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ nước ta hiện nay khoảng 20 triệu đồng/tháng [4]. Vậy sao đòi hỏi nâng lương giáo viên lên 20 triệu đồng/tháng được?
Làm sao xóa bỏ dạy thêm, học thêm tràn lan như hiện nay?
Cần nhìn thẳng vào vấn đề, nhu cầu học thêm của học sinh hiện nay có 5 nguyên nhân chủ yếu:
Thứ nhất: Chương trình quá nặng, nội dung quá hàn lâm, không gắn với thực tế và tính vừa sức của học trò, thi và kiểm tra vẫn tập trung vào đánh giá khả năng ghi nhớ, khối lượng kiến thức, nên không học thêm khó vượt qua các kỳ thi.
Thứ hai: Chúng ta còn quá nặng về bằng cấp, chứng chỉ, nên làm méo mó mục đích của giáo dục, thực tế chúng ta dạy để học trò đi thi làm được bài, học sinh học để đạt điểm cao, chỉ là học để thi.
Thứ ba: Còn tồn tại các kỳ thi học sinh giỏi, đặc biệt ở bậc trung học cơ sở. Đề thi lại có nội dung kiến thức quá nặng, kiến thức đó lại đẩy từ lớp trên xuống cho lớp dưới.
Thứ tư: Chúng ta đang hợp pháp hóa dạy thêm học sinh chính khóa.
Thứ năm: Có một bộ phận giáo viên suy thoái đạo đức, coi đồng tiền trên hết, ép học sinh đi học.
Vì vậy muốn xóa bỏ dạy thêm, học thêm tràn làn, phải giản lược chương trình, đảm bảo tính vừa sức; kiến thức hàn lâm, chuyên sâu nên dành cho bậc đại học.
Với giáo dục phổ thông tăng cường giáo dục STEM, bồi dưỡng phẩm chất, năng lực. Giáo dục phải đạt được mục đích cao nhất, chính là học sinh có năng lực và nhu cầu tự học, tự khám phá và nghiên cứu kiến thức, có vậy mới mong có thế hệ học sinh sáng tạo trên cơ sở khoa học...
Xóa bỏ tất cả các kì thi học sinh giỏi ở tiểu học và trung học cơ sở theo cách tổ chức lâu nay. Cấm tuyệt đối giáo viên dạy thêm học sinh chính khóa.
Đi đôi với các biện pháp hành chính, thực thi pháp luật nghiêm minh, cần có cải cách tiền lương với giáo viên cho hợp lý hợp tình, giáo viên không muốn, không dám, không cần dạy thêm.
Dạy thêm, học thêm tràn lan đang làm nhức nhối xã hội nước ta. Muốn xóa bỏ tệ nạn này, cần sự chung tay, đồng lòng của phụ huynh học sinh.
Nếu phụ huynh coi trọng điểm số hơn phẩm chất năng lực của con trẻ, chính phụ huynh đang góp sức nuôi dưỡng và cổ xúy cho tệ nạn dạy thêm, học thêm phát triển.
Tài liệu tham khảo:
[1]https://nhandan.com.vn/cung-suy-ngam/day-them-hoc-them-dung-y-nghia-205865/
[2]https://www.tienphong.vn/giao-duc/mat-hang-tram-trieu-dong-de-lam-giao-vien-1250415.tpo?fbclid=IwAR0IhA5Pbo-5PodBHvbdi26ZPQKRLKVDige968KVjfFzhaNLAZSRJ5rMPPI
[3]https://vtc.vn/luong-20-trieu-dong-thang-co-le-chang-giao-vien-nao-nghi-den-viec-day-them-ar588831.html
[4]https://baophapluat.vn/trong-nuoc/luong-chu-tich-nuoc-thu-tuong-chu-tich-qh-tu-172020-479360.html
[5]https://vtc.vn/nhieu-giao-vien-day-them-vi-tien-khong-phai-vi-hoc-sinh-ar588510.html
Lương có tăng 20 triệu đồng/tháng, giáo viên cũng khó bỏ dạy thêm Dạy thêm thu nhập "khủng", gấp 5 -10 lần lương, nên dù 20 triệu/tháng thì giáo viên cũng khó mà bỏ dạy thêm. Có ý kiến cho rằng, tăng lương giáo viên 20 triệu/tháng, có lẽ chẳng giáo viên nào dạy thêm hay trả lương giáo viên từ 15 triệu/tháng như trường dân lập, giáo viên sẽ không muốn dạy thêm. Thật ra...