Môn tích hợp: đề kiểm tra rời rạc, điểm 3 môn chia đều, tính liên môn không rõ
Dạy chương trình GDPT 2018, đề kiểm tra môn tích hợp rời rạc, cộng điểm 3 môn chia trung bình để lấy 1 đầu điểm duy nhất nên khó đánh giá năng lực học sinh.
Hiện nay, hầu hết các trường trung học đã tổ chức kiểm tra đánh giá học sinh giữa kỳ I. Tuy nhiên, tại các trường trung học phổ thông, trung học cơ sở, việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 khiến trường “than khó” trong công tác ra đề, đánh giá học sinh.
Thậm chí có trường do chưa có tổ chuyên môn, đề kiểm tra xây dựng một cách rời rạc, chấm điểm chưa sát với năng lực học sinh khi chia trung bình, lấy 1 đầu điểm duy nhất để vào sổ.
Không có tổ chuyên môn khiến trường ra đề, chấm và vào điểm
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, một vị Phó Hiệu trưởng của trường phổ thông dân tộc nội trú trung học cơ sở ở miền núi phía Bắc đã có những chia sẻ về thực tế thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với khối lớp 6 và 7. Đồng thời đưa ra kiến nghị, đề xuất nhằm thực hiện thuận lợi khi áp dụng chương trình mới cho các khối lớp 8, 9.
Giờ học của học sinh miền núi. (Ảnh minh họa: nguồn TTXVN).
“Do chưa có giáo viên được đào tạo bài bản nên với môn tích hợp Khoa học tự nhiên, trường sắp xếp 2-3 giáo viên phân môn cùng dạy. Khi kiểm tra, đánh giá, trường tổ chức cho các giáo viên cùng xây dựng đề nên bộc lộ rõ sự rời rạc, thiếu liên môn. Hay nói cách khác, đề kiểm tra môn Khoa học tự nhiên chỉ là đề của 3 môn riêng biệt Hóa học, Vật lý, Sinh học được ghép lại thành 1 đề, yếu tố tích hợp không chặt chẽ”, vị Phó Hiệu trưởng nhận xét.
Không có tổ chuyên môn, cả trường chỉ có 1-2 giáo viên dạy được Khoa học tự nhiên. Nhưng những giáo viên này trước đây cũng chỉ được đào tạo đơn môn hoặc 2 môn, không phải liên môn nên khó đảm trách các môn còn lại.
Khắc phục khó khăn trong công tác ra đề kiểm tra môn tích hợp, trường cho giáo viên dạy môn nào thì ra hẳn một đề hoàn chỉnh môn đó với thang điểm 10. Sau đó, các giáo viên này sẽ trộn tất cả các đề riêng vào cùng 1 đề để tổ chức kiểm tra cho học sinh vào 2 tiết liền nhau hoặc bố trí vào một buổi chiều. Giáo viên dạy môn nào sẽ chấm bài của môn đó. Phân công nhập điểm cũng sẽ không cố định mà luân phiên linh hoạt giáo viên.
“Môn Khoa học tự nhiên sẽ chấm theo thang 30 điểm/3 môn. Cách tính điểm sẽ là điểm của 3 môn cộng lại và chia trung bình.
Ví dụ, 1 học sinh có điểm của 3 môn Hóa học, Vật lý, Sinh học là 5, 6, 7 thì trung bình điểm môn Khoa học tự nhiên là 6 điểm.
Như vậy, rủi ro là từ cách dạy, ra đề cho đến chấm điểm môn Khoa học tự nhiên, tính liên môn sẽ khó đảm bảo. Hơn nữa, nếu chia trung bình điểm 3 môn, thì học sinh sẽ có tư tưởng chú trọng môn này hơn môn kia, dẫn tới việc đánh giá không đúng năng lực của học sinh”, vị này cho biết.
Đối với kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn, Phó Hiệu trưởng chia sẻ, nhà trường vừa tổ chức kiểm tra cho học sinh lớp 6, 7 nhưng chưa thể đánh giá đúng, cụ thể, thực chất khả năng học Ngữ văn theo chương trình mới của học sinh chỉ qua 1 bài kiểm tra giữa kỳ.
“Những học sinh có ý thức, khả năng học tốt thì cảm nhận, làm bài sẽ tốt và ngược lại. Để học sinh hoàn thành yêu cầu của bài kiểm tra, trường quán triệt giáo viên tổ chức dạy học và định hướng cách làm, cách tiếp cận bài như thế nào cho học sinh. Cụ thể, giáo viên dạy học sinh cách cảm nhận, tập trung học theo từng thể loại như thơ, truyện… mục đích là để đến khi đề kiểm tra ra vào tác phẩm bất kỳ, các em đều sẽ biết cách làm.
Video đang HOT
Trước đây, ở chương trình cũ, các ngữ liệu về tập làm văn, tiếng Việt, chủ yếu vẫn là khuyến khích sử dụng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa. Thời gian gần đây, thực hiện chương trình mới, trong mỗi cuộc tập huấn, các chuyên viên cũng định hướng cho giáo viên nên sử dụng tài liệu, ngữ liệu ngoài sách giáo khoa.
Việc giáo viên có thể không dạy hết các tác phẩm trong sách giáo khoa cũng đều có lý do. Nhất là các tác phẩm này không được đưa vào đề kiểm tra.
Cái khó của trường là do lần đầu tiên dạy chương trình mới nên từ cán bộ quản lý đến giáo viên đều rất bỡ ngỡ trong quá trình ra đề Ngữ văn. Thực tế, đối với chuyên gia khi làm nghiên cứu, việc lấy ngữ liệu trích dẫn còn phải cân nhắc chứ chưa nói đến tư duy của giáo viên.
Để đảm bảo tính mô phạm giáo dục, nhà trường quán triệt giáo viên lựa chọn văn bản có cơ sở, chính thống bằng cách lấy từ sách, tài liệu từ nhà xuất bản uy tín”, vị này cho biết.
Về phía học sinh, các em đều sẽ thích đề thi được ra vào những bài cụ thể, đã được học qua giống như lối kiểm tra với chương trình cũ. Với cách kiểm tra theo chương trình mới, giáo viên sợ ra đề ngoài sách giáo khoa sẽ khiến học sinh không biết làm, điểm thấp.
“Phần đọc hiểu hoàn toàn mở rộng, khuyến khích. Nhưng phần nghị luận văn học có thể vẫn nên cho sử dụng tác phẩm trong sách giáo khoa vì những tác phẩm này đảm bảo chất lượng chuẩn, quá trình giáo viên dạy tác phẩm này trên lớp cũng do đó mà sẽ có ý nghĩa hơn.
Bên cạnh đó, việc giao bài tập về nhà cho học sinh chuẩn bị trước theo chương trình giáo dục phổ thông mới, giáo viên phải xác định, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cá nhân, tổ nhóm trong lớp nghiên cứu trước. Phạm vi nghiên cứu là hoàn toàn rộng mở nên khó kiểm soát học sinh đã tìm hiểu những tác phẩm như thế nào? Có đúng thể loại, trọng tâm, trọng điểm để phục vụ bài học hôm sau hay không?”, vị Phó Hiệu trưởng cho biết.
Sử dụng mạng xã hội thông minh để tránh rủi ro khi chọn ngữ liệu ngoài sách giáo khoa
Không chỉ khó với cấp trung học cơ sở, bậc trung học phổ thông cũng gặp nhiều khó khăn trong xây dựng đề, đánh giá học sinh lớp 10 thực hiện chương trình mới.
Cùng bàn về vấn đề này, thầy Phạm Văn Long, Hiệu trưởng Trung học phổ thông Mường Bú (huyện Mường La, Sơn La) cho biết, triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 10, năm học này, nhà trường tiến hành kiểm tra giữa kỳ môn Ngữ văn và đã có kết quả.
Theo đánh giá của thầy Hiệu trưởng, chất lượng bài làm của học sinh còn bộc lộ nhiều hạn chế nên điểm chưa cao. Nguyên nhân một phần do trình độ nhận thức của học sinh không đồng đều, một phần do là lần đầu tiếp cận bài kiểm tra Ngữ văn theo chương trình giáo dục phổ thông mới nên cả giáo viên, học sinh đều lúng túng.
“Điểm chưa cao, người giáo viên đứng lớp cũng rất lo lắng. Song, thực tế cho thấy rằng, chất lượng bài kiểm tra của học sinh lớp 10 khi thực hiện chương trình mới lần đầu tiên thì sao có thể bằng so với chương trình cũ ngay được.
Môn Ngữ văn nói riêng và các môn khác trong chương trình giáo dục phổ thông 2018 lớp 10 nói chung, là môn mới hoàn toàn và được viết bởi những chuyên gia, nhà xuất bản khác nhau. Do đó, bản thân giáo viên khi tiếp cận cũng cảm thấy không dễ dàng, chứ chưa nói đến học sinh. Và lại, đặc thù học sinh miền núi nên chất lượng học tập thể hiện qua các bài thi, kiểm tra thường không được như kỳ vọng.
Với môn Ngữ văn, việc xây dựng đề kiểm tra sẽ theo phân phối chương trình. Học đến đâu, giáo viên lựa chọn sử dụng kiến thức trong bài kiểm tra liên quan đến phần đó. Để đảm bảo, trường thành lập ban ra đề nhằm thực hiện chặt chẽ các khâu.
Công nghệ 4.0 có nhiều lợi ích những cũng tiềm ẩn rủi ro nếu không được sử dụng tỉnh táo. Internet giúp giáo viên thuận tiện tham khảo các dạng đề, cách ra đề Ngữ văn. Tuy nhiên, giáo viên tránh lấy các văn bản, tác phẩm chưa được kiểm chứng, không chính thống, trôi nổi trên mạng xã hội để dạy và đưa vào đề thi, bởi chỉ cần sai lệch sẽ ảnh hưởng đến uy tín, chất lượng đào tạo”, thầy Long chia sẻ.
Cũng theo chia sẻ của thầy Long, nhận thức của học sinh về vấn đề xã hội ngày nay không còn truyền thống như trước. Do đó, việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, giáo viên phải mở rộng nhiều hơn bằng cách thông qua các chương trình thực tế của trường, phối hợp với công tác Đoàn, Hội để các em tham gia ngoại khóa, tăng cường tương tác, liên kết xã hội.
“Tất cả những hoạt động này hướng tới mục tiêu nhằm tăng cường hiểu biết thực tiễn cho học sinh. Từ đó, giúp kích thích phát triển trí tuệ, sáng tạo trong bài làm văn.
Tâm huyết và mong mỏi của nhà giáo làm công tác quản lý là tới đây, khi triển khai chương trình mới cho lớp 11, 12 thì nên có 1 bộ sách duy nhất để tạo tính đồng bộ cho giáo viên giảng dạy, cũng như tham khảo các dạng đề kiểm tra, tránh tình trạng văn mẫu ở học sinh”, thầy Long hy vọng.
Lý do văn mẫu vẫn song hành cùng Chương trình giáo dục phổ thông mới
Cho đến nay, văn mẫu đã là vấn đề được bàn tới nhiều nhất trong cải cách giáo dục.
Nhiều cách khắc phục nhưng văn mẫu vẫn tồn tại. Sách văn mẫu vẫn được bán tràn lan ở các nhà sách và chào bán trên mạng xã hội.
Khi bước vào năm học 2022-2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành 2 công văn đề cập đến việc giảng dạy, kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn. Tuy nhiên, mặc dù có nhiều cải tiến nhằm loại bỏ việc dạy và hoc theo văn mẫu, nhưng về cơ bản, dạy Ngữ văn vẫn như trước, gần như khó loại trừ văn mẫu trong các nhà trường với rất nhiều lý do khác nhau.
Hiện nay, việc giao chỉ tiêu học sinh giỏi cho các tổ chuyên môn trong trường học gắn với nhiều phong trào thi đua. Kiểm tra, thi cử vẫn còn nặng bệnh thành tích. Tình trạng dạy thêm, học thêm vẫn diễn ra thì văn mẫu vẫn hiển nhiên tồn tại trong khi chưa có đổi mới trong dạy và học môn này.
Những chỉ đạo của Bộ về đổi mới giảng dạy, đổi mới kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn kể từ năm học 2022-2023
Để chuẩn bị cho năm học 2022-2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn ở trường phổ thông bằng Công văn 3175/BGDĐT-GDTrH vào ngày 21/7/2022.
Những điểm mới trong việc kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn ở năm học 2022-2023
Công văn này đã hướng dẫn việc đổi mới cách đánh giá học sinh trong môn Ngữ văn như sau: "Trong đánh giá kết quả học tập cuối học kì, cuối năm học, cuối cấp học, tránh dùng lại các văn bản đã học trong sách giáo khoa làm ngữ liệu xây dựng các đề kiểm tra đọc hiểu và viết để đánh giá chính xác năng lực học sinh, khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn".
Như vậy, theo hướng dẫn của Công văn 3175/BGDĐT-GDTrH thì việc đánh giá "cuối học kì, cuối năm học, cuối cấp học" đối với môn Ngữ văn "tránh" (không được lấy) những văn bản đã học trong sách giáo khoa để làm ngữ liệu cho phần "đọc hiểu" và phần "viết". Có nghĩa đề Ngữ văn sẽ lấy ngữ liệu hoàn toàn ngoài ngữ liệu ở sách giáo khoa hiện nay. Vì đề kiểm tra, đề thi Ngữ văn hiện nay chỉ có cấu trúc 2 phần là đọc hiểu và viết.
Tuy nhiên, sau công văn 3175/BGDĐT-GDTrH, Bộ tiếp tục ban hành công văn 4020/BGDĐT-GDTrH vào ngày 22/8/2022 đã có điều chỉnh như sau: "Đối với môn Ngữ văn, thực hiện kiểm tra, đánh giá theo công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH đối với khối lớp 6, lớp 7, lớp 10; khuyến khích các nhà trường vận dụng kiểm tra, đánh giá theo công văn này đối với khối lớp 8, 9, 11 và lớp 12".
Điều này cũng đồng nghĩa, việc thực hiện đổi đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn ở trường phổ thông theo công văn 3175/BGDĐT-GDTrH chỉ bắt buộc ở lớp 6, lớp 7 và lớp 10. Các lớp còn lại đang giảng dạy chương trình 2006 thì Bộ chỉ "khuyến khích" thực hiện theo công văn 3175/BGDĐT-GDTrH mà thôi.
Việc chỉ dừng lại ở lớp 6, lớp 7 và lớp 10 cũng đồng nghĩa là công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH chỉ thực hiện với chương trình giáo dục phổ thông 2018, còn chương trình hiện hành thì không bắt buộc. Vì thế, những lớp đang thực hiện chương trình hiện hành về cơ bản vẫn giữ ổn định như những năm qua.
Có lẽ, việc triệt tiêu văn mẫu rất được mong chờ, nhưng với tình hình thực tế hiện nay, chúng ta thấy văn mẫu vẫn tiếp tục tồn tại - cho dù các trường thực hiện nghiêm túc theo hướng dẫn của Công văn 3175/BGDĐT-GDTrH cũng rất khó có thể có những thay đổi trong những năm tới đây.
Những lý do văn mẫu vẫn song hành cùng chương trình 2018
Nhiều thầy cô giáo dạy Ngữ văn than rằng việc chấm điểm Ngữ văn của học trò bây giờ mất hứng thú. Phần lớn là "thầy chấm văn thầy" bởi các bài văn của học trò cứ na ná như nhau. Thực ra, không chỉ môn Ngữ văn mà môn học nào bây giờ cũng đều có bài mẫu. Mẫu kế hoạch bài dạy (giáo án), mẫu bài kiểm tra, bài thực hành...đều được các tác giả sách giáo khoa biên soạn khá đầy đủ và có thể được chào bán qua đường nội bộ, bán ở các nhà sách, bán trên mạng xã hội nên giáo viên mua khá dễ dàng.
Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng việc kiểm tra môn Ngữ văn không lấy ngữ liệu trong sách giáo khoa để triệt tiêu văn mẫu. Nhưng lấy ngữ liệu ở một cuốn văn mẫu, lấy ở một kênh khác và nhiều người cùng lấy thì đó cũng là văn mẫu. Một khi thầy cô mua được, tải trên mạng internet được thì học trò cũng có thể làm được, thậm chí các em làm tốt hơn thầy cô.
Bởi vậy, có thể thấy văn mẫu vẫn tồn tại vì những guyên nhân sau:
Thứ nhất: Đội ngũ tác giả viết văn mẫu hiện nay rất đông đảo. Họ có thể là tác giả sách giáo khoa; có thể là các nhà giáo đang giảng ở các nhà trường phổ thông. Họ bán sách, họ bán file word trên mạng xã hội. Giáo viên chỉ cần bỏ tiền ra là có đề kiểm tra, đề thi. Thậm chí, dạng đề kiểm tra trôi nổi hiện nay trên mạng internet có rất nhiều.
Giáo viên thì ngoài việc giảng dạy theo định mức và kiêm nhiệm rất nhiều công việc không tên khác, cùng với việc ra đề kiểm tra Ngữ văn hiện nay dài dằng dặc đến gần chục trang với việc liệt kê đơn vị kiến thức, liệt kê ma trận, bảng đặc tả, đề, đáp án...khiến cho nhiều giáo viên mất rất nhiều công sức, thời gian. Có nhiều giáo viên chưa tự tin để ra đề vì việc chia tỉ lệ thông hiểu, nhận biết, vận dụng thấp, vận dụng cao rất phức tạp.
Vì thế, họ chọn cách mua, xin, tải trên mạng internet rồi đem nộp cho nhà trường. Người cẩn thận còn chỉnh sửa, đầu tư thêm, nhiều người họ chỉ thay tên, đổi họ là thành đề kiểm tra của mình. Chính vì việc bảo mật đề nên về cơ bản các giáo viên ra đề nộp cho phó hiệu trưởng chuyên môn, sau đó tổ trưởng duyệt đề. Nhiều tổ trưởng biết là đề đó "trôi nổi" vì cỡ chữ, màu mực, kiểu chữ khác nhau nhưng vì cả nể, vì cận thời gian nên rồi họ cũng phải đành lòng cho qua.
Thứ hai: Các trường đều giao chỉ tiêu cho giáo viên từ đầu năm học theo phương châm "năm sau phải cao hơn hoặc bằng với tỉ lệ học sinh giỏi năm trước" nên giáo viên họ phải tìm cách cho học trò có những điểm số đẹp. Gần đến ngày kiểm tra, giáo viên ôn rất sát đề kiểm tra, thậm chí là ôn trực tiếp trên đề kiểm tra, bật mí đề kiểm tra cho học trò chuẩn bị trước.
Đối với các đề thi tuyển sinh 10, thi tốt nghiệp trung học phổ thông thì học sinh ôn đi, ôn lại các dạng đề ở trường, ở các lớp học thêm nên sự sáng tạo trong các bài văn không nhiều. Chỉ có những em thực sự yêu thích và giỏi Ngữ văn mới có những khác biệt trong bài làm của mình.
Thứ ba: Tình trạng dạy thêm, học thêm hiện nay khá phổ biến nên giáo viên dạy thêm sẽ có nhiệm vụ giải đề, làm sẵn văn mẫu cho học trò để các em "tái hiện" lại trong bài kiểm tra của mình. Tình trạng học sinh biết trước đề khi học thêm hiện nay không phải là hiếm. Thầy cô dạy thêm cũng muốn học trò học thêm với mình sẽ được điểm cao nhằm nâng "uy tín" cho mình nên họ cũng sẵn sàng "giúp" học trò những gì có thể.
Vì thế, tình trạng học sinh "trúng tủ" là điều dễ gặp nhưng vì lợi ích cả thầy và trò mà mọi thứ vẫn diễn ra êm đẹp.
Thứ tư: Một bộ phận lớn học sinh hiện nay không đọc sách, không yêu thích môn học nên các em cũng học chiếu lệ và lệ thuộc rất nhiều vào thầy cô giáo. Những bài văn hay, sáng tạo hiện nay rất hiếm.
Thứ năm: Việc môn Văn vẫn dùng đáp án để chấm khiến cho giáo viên dạy và học trò không dám đi lệch những định hướng của hội đồng bộ môn. Vì thế, giáo viên phải định hướng học sinh đi theo lối mòn và các em phải đi trên con đường mà thầy cô đã định hướng - nếu muốn được điểm cao.
Với rất nhiều những ràng buộc như thế nên việc triệt tiêu văn mẫu như hướng dẫn của Công văn 3175/BGDĐT-GDTrH cũng rất khó mang lại những hiệu quả nhất định. Thực ra, văn mẫu đã tồn tại từ hàng chục năm nay, phần lớn những chuyên gia viết chương trình, sách giáo khoa Ngữ văn hiện nay là những "cây đa, cây đề" viết văn mẫu nên rất khó loại bỏ văn mẫu khỏi nhà trường phổ thông hiện nay.
Đổi mới kiểm tra môn Văn: Giáo viên gặp khó trong khâu tìm ngữ liệu chính thống Cô Huyền cho hay, mỗi một bài làm văn là những ý tưởng khác nhau, vô cùng sáng tạo nên thầy cô cũng hứng thú hơn khi chấm bài. Năm nay, chương trình giáo dục phổ thông mới lần đầu tiên triển khai đối với lớp 10. Trong đó, môn Ngữ văn có sự thay đổi rõ rệt nhất trong kiểm tra, đánh...