Món rong cau vùng nước lợ
Nếu bạn có dịp về vùng đất An Hòa, Cửa Lở hoặc sông Bến Ván của huyện Núi Thành, hãy thử một lần thưởng thức những món ăn bình dị được người dân nơi đây chế biến bằng chính thứ nguyên liệu thiên nhiên có sẵn từ rong cau.
Gỏi rong cau là món ăn đặc sản vùng nước lợ Núi Thành.
Rong cau là một loài cây thảo thân mềm mọc ở những đầm nước lợ hay trên các khúc sông gần cửa biển. Từ một bụi nhỏ trong vòng năm ba tháng có thể lan tràn cả một vùng. Rong câu trải dài vươn từng đám lá màu nâu nhạt. Khi triều xuống, nó nằm bẹp xuống mặt bùn, lặng lẽ.
Rong cau có thể dùng nấu xoa xoa để ăn giải nhiệt mùa hè, hoặc có thể ăn sống… Nhưng có lẽ ngon nhất và khoái khẩu nhất là món rong cau trộn gỏi. Rong cau sau khi được ngâm nước gạo, rửa sạch, để cho ráo nước. Thịt heo ba chỉ xắt nhỏ, tôm lột vỏ cắt đôi đem xào với dầu phụng rồi cho vào rong cau kèm với đậu phụng rang giã nhỏ, hành phi, rau thơm các loại rồi trộn đều cho thấm. Cầu kỳ hơn thì cho thêm xoài và cà rốt xắt sợi để món ăn thêm hấp dẫn. Nêm nếm gia vị vừa ăn, thêm một chút ớt tỏi giã nhuyễn và vắt khoảng nửa trái chanh và thêm một ít đậu phụng rang giã nát là đã có một món gỏi tuyệt hảo. Món này ăn kèm với bánh tráng nướng thì không gì bằng bởi rong cau vừa giòn lại thêm mùi thơm của dầu phụng quê, của rau thơm hòa quyện với vị béo của thịt, vị ngọt của tôm, vị bùi của đậu phụng rang.
Ngoài ra, trong bữa cơm hằng ngày bà con còn sử dụng rong cau để ăn với cơm rất “bắt”, đó là món rong cau trụng chấm với nước kho hoặc nước sốt cá, mà phải là cá sông nước lợ hoặc cá biển mới hợp gu. Rong cau trụng sơ qua nước sôi cho vừa chín tới, trộn với lá ngò gai xắt mỏng rồi chấm với nước kho hoặc sốt cá. Khi ăn món này sẽ cho cảm giác giòn giòn, ngọt nhẹ nơi đầu lưỡi…
Rong cau – món quà thiên nhiên ban tặng cho vùng nước lợ An Hòa, Cửa Lở, sông Bến Ván đã trở thành món ăn thanh mát của người dân trong vùng, là đặc sản dân dã đãi khách để rồi ăn một lần sẽ nhớ mãi không quên…
Video đang HOT
Mèn mén, đặc sắc ẩm thực của người Mông
Khám phá ẩm thực của dân tộc Mông, chúng tôi ấn tượng ngay với một món ăn hết sức bình dị mà đặc biệt, là mèn mén - Một món ăn truyền thống của người Mông.
Mèn mén, món ăn ngon của đồng bào Mông.
Mèn mén được hiểu là món bột ngô hấp, được làm từ một loại nguyên liệu hết sức bình thường nhưng đem lại cho chúng tôi cảm nhận rất thú vị bằng chính hương vị thơm ngon đặc biệt.
Người Mông trên núi cao Tây Bắc chịu khó, cần cù và sống gắn bó với thiên nhiên. Cuộc sống thường ngày của họ rất bình dị, và đồ ăn cũng đơn giản, mộc mạc như con người và nếp sống nơi đây, nhưng vẫn toát lên những nét đặc sắc, thú vị.
Khám phá ẩm thực của dân tộc Mông, chúng tôi ấn tượng ngay với một món ăn bình dị mà đặc biệt, là mèn mén. Một món ăn truyền thống của người H'Mông, mèn mén được hiểu là món bột ngô hấp, được làm từ một loại nguyên liệu hết sức bình thường nhưng đem lại cho chúng tôi cảm nhận rất thú vị bằng chính hương vị thơm ngon đặc biệt.
Ngô tẻ do chính tay người Mông trồng trên đồi cao là nguyên liệu làm ra mèn mén.
Trước kia, những ngày giáp hạt không đủ gạo ăn, người Mông đã nghĩ ra cách làm món mèn mén để ăn dần. Sau đi rẫy, đi nương hay đi chợ, mèn mén là món ăn tiện dụng để họ mang theo. Dần dần, mèn mén thành món ăn chính trong cuộc sống, cũng như món ăn không thể thiếu được trong những ngày lễ tết.
Ngô được xay nhỏ, mịn để làm mèn mén (Ảnh: Đỗ Thảo)
Mèn mén được làm từ ngô tẻ truyền thống. Ngô do người Mông trên các đồi cao, thơm và dẻo. Món ăn nghe rất đơn giản nhưng để làm ra nó phải trải qua nhiều kì công. Ngô được đem tách hạt, xay nhỏ và sàng cho bột thật mịn, đều. Sau đó, ngô được trộn với nước, người phụ nữ Mông phải tính toán sao cho lượng nước vừa đủ để bột mịn, không quá khô, không quá nhão. Rồi, họ mang đồ bột ngô 2 lần. Lần đầu, đồ cho bột ngô nở tơi ra, sau đem bắc ra, để nguội. Họ đảo bột đã được đồ cho bông tơi, đem đồ lần 2 với lửa vừa đều, cho đến khi dậy mùi thơm. Mèn mén chín, dậy mùi, dẻo và tơi.
Chúng tôi được thưởng thức mèn mén chính trong một bản Mông, mùi ngô thơm lừng, mèn mén dẻo, quện vị bùi, ngậy, ăn một lần mà nhớ mãi. Người Mông ăn mèn mén với các loại nước canh: nước xương, nước canh ra, hoặc nước thắng cố... hoặc với bột ớt nướng. Ớt khô đem nướng trong than hồng rồi giã nhỏ, trộng với chút muối, tạo thành một thứ gia vị say nồng.
Mèn mén là món ăn chính trong bữa cơm cũng như các mâm cỗ (Ảnh: Đỗ Thảo)
Ăn chút mèn mén với nước canh, thấy bùi bùi, càng nhai kĩ càng thấy ngon, ngọt, đậm đà vị núi rừng. Mèn mén ăn với ớt nướng, nhất là những ngày giá rét, thấy ấm nóng, đậm và thơm, xua đi cái rét rẻo cao. Để tận hưởng hương vị truyền thống của mèn mén, chúng tôi vào thăm các bản của người Mông và tham dự các phiên chợ vùng cao, ngồi xen lẫn các chú, các cô, các anh chị người Mông, ăn chút mèn mén với thắng cố và rượu ngô để say, để ngất ngây những đặc sản nức tiếng của Tây Bắc.
Bát mèn mén thơm ngon (Ảnh: Đỗ Thảo)
Người Mông quan niệm phụ nữ phải biết thêu thùa, phải thương chồng con, biết chăm lo bố mẹ chồng và biết làm mèn mén. Thế mới biết vị trí của mèn mén trong ẩm thực của dân tộc Mông. Không chỉ là món ăn, không chỉ là ẩm thực, mà đó còn là nét văn hóa của đồng bào Mông.
Sung muối chua ngọt Sung muối chua ngọt là món ăn bình dị, thân quen trong bữa cơm thời xưa, ăn kèm các món chiên nướng cũng rất hợp. Nguyên liệu: - Sung tươi (sung nếp): 500 gr - Đường cát vàng - Giấm tỏi, ớt (nếu thích) Cách làm: Bước 1: Sung gọt bỏ phần cuống, ngâm nước muối loãng một giờ rồi rửa sạch lại...