Món quà của núi rừng “rau dớn”
Chỉ đơn giản là món rau luộc hay xào cùng tỏi nhưng những món ngon từ rau dớn đã khiến nhiều du khách phải lòng và tìm cơ hội để có thể thưởng thức lại thêm lần nữa.
Mùa mưa, núi rừng trở nên ẩm ướt, lúc này rau dớn mới thi nhau mọc lên những nhánh non tươi tốt. Đồng bào miền núi khi ấy lên rừng lại có thể tranh thủ hái thêm một loại rau nữa từ những khu đất ẩm, khe đá hay bờ rừng về chế biến thành món ngon cho cả gia đình hay đãi khách phương xa.
Rau dớn luộc có vị giòn và hơi chát
Rau dớn có mặt ở hầu hết các cùng đồi núi ở Việt Nam, thoạt nhìn ngỡ như dương xỉ nhưng nhỏ hơn với cành dài cùng lá nhỏ xòe đều từ cuống chính. Điểm dễ nhận dạng của loại rau rừng này chính là phần đầu cong cuốn tròn lại như vòi voi, phủ một lớp lông tơ trắng mỏng. Rau dớn không giữ được lâu do vậy khi mới hái về thường được chế biến ngay để tránh dập nát mà vẫn giữ được độ tươi ngon.
Trong những năm tháng chiến tranh, rau dớn được bộ đội sử dụng như một món ngon cải thiện bữa ăn và cung cấp dinh dưỡng hiệu quả. Chỉ cần hái với số lượng đủ dùng, rửa sạch và đem luộc là có ngay món đơn giản mà chẳng tốn nhiều thời gian. Ngày nay, rau dớn trở nên phổ biến hơn, người nấu cũng cầu kỳ hơn trong việc chế biến để rau có được vị ngon nhất. Khi ấy rau phải luộc bằng lửa lớn, tới lúc chín thì vớt ra nhúng qua nước lạnh vừa để giữ màu lâu, vừa đảm bảo được độ giòn cần thiết. Rau dớn luộc có vị chua, ngọt và chát được chấm với nước mắm hoặc nước thịt khá lạ miệng.
Khi mới luộc, người dân miền cao cũng thường bớt lại một phần trước khi chín để làm món xào đổi vị. Tỏi giã dập rồi phi thơm sau mới cho rau dớn đã trần qua nước sôi. Nhanh tay đảo đều cùng bột ngọt, đường, mì chính, để ngấm rồi bắc ra, rắc thêm chút mắc khén, một loại hạt tiêu của rừng để món ngon thêm dậy mùi và đậm vị.
Video đang HOT
Rau dớn trộn thường được làm để đãi khách phương xa
Trong những dịp nhà có khách phương xa, rau dớn được chế biến thành món trộn cầu kỳ hơn để bữa cơm thêm phần thịnh soạn. Khi ấy món ngon trở nên hấp dẫn với nhiều loại rau đặc trưng của rừng cùng xuất hiện như rau cải, rau má, măng, tẩm bóp, cải xoong và mùi tàu. Tùy vào từng nơi, từng mùa mà số lượng rau sẽ có những sự thay đổi nhất định. Tuy nhiên về công thức chung, các loại rau này đều được luộc chín sau đó trộn cùng hỗn hợp gia vị bao gồm gừng, tỏi và mắc khén. Rau dớn trộn khiến nhiều người thích thú hơn cả vì vừa có vị mát của rau luộc mà lại đậm đà nhờ những loại gia vị đặc biệt.
Tại một số nơi, rau dớn còn được sử dụng làm nhân bánh tét. Khi ấy bánh có màu xanh nhấn nhá đẹp mắt trong từng lát cắt. Hay như món rau dớn xào được cải biên thêm tôm, thịt cho đủ chất,…Nhưng cho dù được chế biến thành bất kỳ món ăn nào thì rau dớn vẫn khiến thực khách một lần thưởng thức nhớ mãi không thôi, để khi rời khỏi nơi núi rừng, vị chát vẫn còn đọng lại làm xao xuyến bước chân.
Theo Vnexpress
Nhớ hương rừng qua vị rau dớn
Rau dớn mà món ăn đặc trưng, món quà rừng độc đáo của đồng bào dân tộc vùng núi ở nhiều miền tổ quốc.
Rau dớn có ghi nhận sinh sống tại vùng ghềnh đá sông Tranh, những dòng sông, ngọn suối vùng Đông Giang, Tây Giang (Quảng Nam), Hòa Bắc, Hoà Phú (Đà Nẵng), và ở vùng trung du Quảng Nam như Quế Sơn, Hiệp Đức.
Rau dớn
Loại rau mà người Thái gọi là "pắc cút" có hình dáng giống cây dương xỉ nhưng thân to, tán rộng hơn, màu xanh mỡn. ằng năm, các trận lụt đầu mùa với dòng nước đục ngầu từ thượng nguồn đổ về mang theo phù sa bón cho đám rau dớn thêm phần tươi tốt và chuẩn bị cho một chu kỳ sinh chồi, nảy lộc theo mùa xuân sắp về. Vì thế, rau dớn ăn ngon nhất là sau mùa lụt đến cuối mùa xuân. Lá rau dớn non uốn cong như vòi con voi, có nhựa nhớt, cây xanh tươi tốt quanh năm. Người ta thường chỉ hái ngọn cong non, lá bánh tẻ để làm nộm.
Rau dớn có đặc điểm dễ úa, mất đi cái ngon nên thường người miền núi không trữ rau dớn mà hái đâu ăn đó, cần ăn bao nhiêu hái bấy nhiêu. Buổi đi hái rau bắt đầu với chiếc gùi và con dao nhỏ hoặc chiếc liềm con. Người hái tìm ở những bụi dớn mà có vài chiếc vòi dài, lá đang còn xoắn chưa kịp bung ngắt ngang đọt non tầm gang tay. Lẫn trong vạt cây hai bên bờ, những vòi dớn non vươn thẳng, lá xoắn lại xa trông như còn đang ngái ngủ. Sát mặt đất là những đọt dớn chừng nửa gang tay, non bấy, giòn rụm, đầy nhựa. Người hái cứ thế, nhởn nhơ ngắt đọt dớn bỏ vô gùi rồi thủng thỉnh rảo bước về nhà...
Rau dớn xào tỏi
Bản thân rau dớn sinh trưởng trên rừng nên rất sạch, không cần chế biến kì công mà chỉ cần ngắn đoạn nhỏ, rửa sơ qua với nước. Đun nước sôi già, thả rau vào chần chín rồi nhúng nước lạnh cho cọng rau ranh mướt, giòn tan.
Rau dớn trộn tôm thịt
Rau đã chín bỏ vào bát to, cho rau thơm, ớt, gừng, tỏi, nước chanh tươi, mì chính và muối trắng trộn đều. Để khoảng 5 phút cho ngấm gia vị, sau đó cho lạc rang giã nhỏ vào là có thể ăn ngay được. Món nộm rau dớn khi ăn sẽ cảm nhận được mùi thơm đặc trưng của các loại rau, vị bùi của rau dớn, vị chua ngọt xen lẫn một chút vị cay của ớt.
Nộm rau dớn
Ngoài nộm, rau dớn còn được chế biến thành các món độc đáo khác như rau dớn xào tỏi, xào nước măng chua hay đơn giản hơn cả là chỉ cần luộc lên, chấm mắm đậm đà là đã đủ giữ hết vị giòn thanh của loại rau dại quà rừng trên đầu lưỡi.
Hiện nay, rau dớn đã trở thành món đặc sản nơi phố thị, thậm chí có mặt trong những nhà hàng sang trọng, rau dớn đã trở thành đặc sản, là thứ rau sạch mà các nhà hàng luôn chú ý trong thực đơn. Nhiều người hái rau dớn về bỏ cho các nhà hàng đặc sản ở các khu đô thị.
Theo DepPlus.vn/MASK
Nhớ rau rừng quê tôi Quê tôi là một vùng trung du, tiếp giáp giới với dãy Trường Sơn ở phía Tây của tỉnh Quảng Nam. Nơi đây, dưới những tán lá rừng đại ngàn luôn có một nguồn rau rừng phong phú. Rau rừng nơi đây phong phú về thể loại và được phát triển theo từng mùa, từng tiết khí hậu với phẩm chất, hương vị...