Món ngon gợi nhớ mùa thu Hà Nội
Mỗi mùa trong năm, Hà Nội đều có những thức quà hấp dẫn riêng. Điều này làm nên nét tinh tế duyên dáng thêm cho ẩm thực Hà thành. Nhiều món ăn đặc biệt chỉ có vào dịp thu khiến những người xa Hà Nội thêm nhớ nhung da diết.
Những món ngon từ cốm
Màu xanh của cốm non “đưa cả” mùa thu về với thủ đô
Món ăn từ cốm không chỉ thanh nhã, còn in đậm dấu ấn của vùng đất ngàn năm văn hiến. Những mẹt cốm xanh của các bà, các chị, gói trong lớp lá xanh mướt là dấu hiệu rõ nhất báo hiệu thu về.
Nhiều món ăn tinh tế được chế biến từ nguyên liệu cốm
Cốm làng Vòng đã trở thành món quà đặc trưng của ẩm thực mùa thu, ngon nhất khi thưởng thức vào ngày dịu mát. Từ hạt cốm non xanh dẹt, qua tay các bà nội trợ, để rồi trở thành nhiều món hấp dẫn từ chè cốm, chả cốm, xôi cốm, hay đơn giản là chuối chín cuốc chấm cốm dẻo cho tới bánh cốm. Trong đó, món bánh cốm Hàng Than là đặc sản của đất thủ đô, thường dùng để biếu tặng, làm lễ vật trong cưới hỏi.
Không phải là những trái sấu xanh của dịp đầu hè oi nóng, mùa thu dịu mát mang tới những đợt gió heo may thổi sang, cũng là lúc người Hà Nội háo hức đón chờ trái sấu chín vàng, dầm gia vị hấp dẫn.
Sấu chín dầm nhớ mùa thu Hà Nội
Sấu chín dầm là món ăn giản dị, thường bày bán trên nhiều con phố nhỏ. Muốn có sấu dầm ngon, người bán phải chọn những quả có trái to, hạt nhỏ mà thịt dày. Sau khi bào qua lớp vỏ ngoài, sấu được khía quanh mình để nhanh ngấm gia vị. Hỗn hợp chính gồm đường và bột ớt. Chỉ vài giờ ngâm, sấu dầm có thể “ăn xổi” với lớp ngoài ngọt đậm cay tê, còn bên trong vẫn giữ vị chua đặc trưng.
Hồng đỏ và hồng ngâm
Video đang HOT
Nếu như ngày nay, một số loại quả có thể trồng và thưởng thức quanh năm, thì hồng đỏ hay hồng ngâm vẫn là những thức quả đặc trưng của mùa thu dịu mát. Hồng ngâm có vị giòn tan đặc trưng, ngọt dịu, thường dùng để bày trong mâm cỗ trung thu. Còn hồng đỏ vò mỏng căng tròn, với màu đỏ rực quyến rũ. Khi chín, hồng mềm mượt, căng mịn với vị ngọt sắc nhưng không khé cổ, thêm cái sần sật ở phần hạt, như kết tinh cả mùa thu dịu mát trong trái quả đó.
Cốm xanh với hồng đỏ – cặp đôi đúng điệu của mùa thu
Người Hà Nội còn tinh tế khi thưởng thức kết hợp hồng đỏ với cốm làng Vòng, trở thành món ăn chơi rất dễ mê say.
Khi tiết trời dịu nhẹ hơi, xua đi cái oi nồng của ngày hè, bánh trôi tàu lại “lên ngôi” khi rất thích hợp thưởng thức vào dịp thu sang. Nguyên liệu chính làm từ gạo nếp, đậu xanh, thêm dừa, khoai môn, đậu đỏ và không thể thiếu gia vị gừng cho hương vị thêm nồng ấm. Người sành ăn thường tìm tới một số địa chỉ quen thuộc như quán hàng ở Hàng Cân, Hàng Giầy, hay Quán Thánh, chợ Ngô Sỹ Liên để tìm hương vị “chuẩn”.
Theo Dân trí
Chìm trong thu Hà Nội qua những thức quà xưa
Thủ đô mùa thu không chỉ nổi tiếng với những con phố buôn bán sầm uất mà còn được biết đến với các thức quà gợi nhớ đến mùa thu Hà Nội với bao ký ức thân thương.
1. Cốm làng Vòng
Những tia nắng vàng dịu bay nhẹ nhàng trong cơn gió heo may, thoang thoảng khắp không gian là hương lúa nếp thơm lừng. Từng mẻ cốm xanh mượt, nõn nà như gửi gắm cả trời thu. Bao năm trôi qua, cốm không chỉ là thức quà ăn vui miệng, mà còn níu giữ tâm hồn những người con Hà Nội xa quê...
Cốm không chỉ là thức quà ăn vui miệng, mà còn được xem là một đặc sản. Ảnh: justfly.vn
Cốm ngon nhất vào vụ mùa, gọi là cốm thu, nét đặc trưng vốn có trong trời cuối thu se lạnh của dân Hà thành. Món ăn dân dã vừa thích hợp để nhâm nhi cùng trà bánh, nải chuối tiêu chín vàng hay đơn giản là ăn riêng món cốm. Càng nhai lâu, cái hương vị ngọt lịm của từng hạt cốm tươi càng thấm dần vào vị giác khiến người thưởng thứ không thể dừng lại.
Cốm làng Vòng - Thức quà tinh tế của mùa thu Hà Nội.
Cốm là thức quà giản đơn, nhưng cũng cực kì lịch sự khi trở thành những món quà dành cho những người mê ẩm thực. Thức quà không thể thiếu trong mùa thu Hà Nội, mang đậm nét văn hóa truyền thống của ngôi làng đã trải qua hàng ngàn năm làm cốm, với công thức đặc biệt truyền từ đời này sang đời khác, tạo nên hương vị đặc trưng chỉ có ở cốm Vòng.
Cốm được gói trong lớp lá sen tươi.
Cốm được gói trong 2 lớp lá, một lớp lá ráy tươi đảm bảo cốm không bị khô, ngoài cùng là lớp lá sen thoảng hương thơm ngát, buộc sợi rơm vàng tươi khiến món ăn càng mang đậm hương đồng nội.
2. Sấu chín dầm
Sẽ dễ dàng tìm thấy món sấu dầm trên các con phố khi Hà Nội vào thu.
Cứ vào độ tháng 9, tháng 10 hàng năm, người ta lại thấy trong các khu chợ lớn, chợ nhỏ có những mẹt sấu đầy ắp. Sấu mùa này chín vàng ươm, căng tròn, mỡ màng hơn hẳn những trái sấu non đầu vụ hè. Sấu chín không chỉ có sắc mà còn có hương, hương sấu chín nhẹ nhàng làm người ta mê mẩn. Không còn vị chan chát, rắn câng của trái sấu non xanh mùa hè mà thay vào đó là thứ vị ngọt thanh, chua dịu của sấu chín.
Sấu chín dầm chua ngọt - Nhìn thôi cũng phải ứa nước miếng.
Người ta không dùng sấu chín để nấu canh chua, cũng chẳng dùng ngâm nước giải khát như sấu xanh mà sẽ đem trộn với đường, muối ớt tạo nên món sấu dầm, thức quà dân dã của Hà Thành mà vô cùng hấp dẫn. Sấu dầm chỉ cần nhìn thôi đã thấy "thèm", cắn một miếng sấu là thấy đủ các vị chua, cay, mặn, ngọt, giòn hòa tan trên đầu lưỡi. Sấu dầm có thể dùng tăm xiên để ăn, nhưng ngon nhất là dùng tay cầm từng quả, để sau khi ăn còn có thể mút mát thêm chút vị chua cay ngọt ngào còn dính trên từng đầu ngón tay.
3. Chả rươi
Mấy ai mê rươi chắc hẳn đều thuộc nằm lòng câu "Tháng Chín đôi mươi, tháng Mười mùng năm", bởi theo người xưa, đây chính là thời điểm rươi rộ nhất trong năm. Vốn là đặc sản chỉ có trong thời gian ngắn nên người ta thường chế biến rươi thành nhiều món ngon miệng, hấp dẫn để ăn cho thoả. Và du lịch Hà Nội vào những ngày cuối thu này, bạn không thể bỏ lỡ một hương vị dân dã nhưng lại làm bao nhiêu thế hệ say đắm. Đó chính là chả rươi.
Miếng chả rươi vàng ruộm.
Những miếng chả rươi vàng ruộm, giòn tan từ lâu đã làm người ta thấy thòm thèm, nhung nhớ mỗi khi nhắc về. Chỉ cần đứng đầu ngõ, hít hà được mùi thơm nức mũi dậy lên cũng đủ khiến bạn bất chấp tất cả mà đi theo "tiếng gọi của dạ dày" đấy.
Chả rươi thơm ngon vì chúng được kết hợp từ nhiều loại nguyên liệu như thịt ba chỉ, trứng, lá lốt,...
Chả rươi Hà Nội thơm ngon vì chúng được kết hợp từ nhiều loại nguyên liệu như thịt ba chỉ, trứng, lá lốt, hành hoa, thì là, gừng và các loại gia vị. Đặc biệt là không thể thiếu vỏ quýt, điểm nhấn tạo nên mùi vị đặc trưng rất riêng của chả rươi làm người ta nhớ mãi.
4. Bánh đa kê
Bánh đa kê nhiều vùng cũng có, nhưng ở Phú Thượng, một làng nhỏ ở Tây Hồ, Hà Nội bao đời nay sống bằng nghề nấu xôi, làm bánh đa kê, thì món ăn dân dã theo chân các gánh hàng rong khắp các phố phường Hà Nội này làm người ta nhớ nhất. Thoáng thấy chiếc xe đạp lỉnh kỉnh thúng mẹt, những cái bánh đa ủ kín trong nilon, biết ngay bán đặc sản Phú Thượng rồi. Quà quê lên phố, mang lại cái mát, cái thanh tao cho những buổi trưa phố thị.
Bánh đa kê, thức quà mùa thu Hà Nội. Ảnh: Vietravel.com
Hạt kê nấu chín vàng ươm, dẻo và sánh được phết lên miếng bánh đa nướng, rải thêm chút đỗ xanh cùng một lớp đường kính móng lên trên cùng, gập đôi miếng bánh lại là xong. Cắn một miếng bánh, vị ngậy của kê quyện với vị bùi của đậu xanh cùng chút ngọt từ đường kính tan ra trong miệng. Bánh đa kê ngon nhất là lúc vừa làm xong, bởi chỉ độ dăm mười phút, bánh đa sẽ ỉu và dai nhách.
Bánh đa kê được làm từ những nguyên liệu giản dị, rẻ tiền.
Ở Hà Nội, mùa nào thức ấy, mỗi mùa là có một thức quà riêng đặc trưng. Và những thức quà gợi nhớ đến mùa thu Hà Nội vừa nhẹ nhàng, thanh tao lại vừa như nỗi nhớ dịu êm về một hương vị đã có từ ngàn năm ở mảnh đất Hà Thành.
Theo Congthuong
Món thịt lợn chay gây sốt ở Thái Lan được chế biến thế nào Một khách sạn tại Bangkok đã nghĩ ra cách sử dụng thịt thực vật trong chế biến món ăn. Những món ăn làm từ loại thịt độc đáo này có hương vị và kết cấu vô cùng đặc biệt. Theo Zing