Môn học tích hợp mới không làm khó các giáo viên “cũ”
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ vừa kiểm tra công tác thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới tại Thái Bình.
Quang cảnh cuộc họp của đoàn công tác Bộ GDĐT với ngành Giáo dục tỉnh Thái Bình
Ngày 21/10, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Nguyễn Hữu Độ cùng lãnh đạo, chuyên viên Vụ Giáo dục Tiểu học, Vụ Giáo dục Trung học đã tới kiểm tra công tác thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 (CT GDPT) của tỉnh Thái Bình. Đây là một trong những địa phương thuộc “vùng xanh” và từ tháng 8, học sinh các cấp được đến trường học trực tiếp.
Tại Thái Bình, đoàn công tác của Bộ GDĐT đã dự giờ thực tế một tiết học môn Khoa học Tự nhiên của học sinh lớp 6 trường THCS Hợp Hưng (huyện Đông Hưng); làm việc với cán bộ, giáo viên trường THCS Hợp Hưng, trường Tiểu học Lý Tự Trọng (TP Thái Bình).
Buổi họp chuyên sâu với Sở GDĐT, các Phòng GDĐT, đại diện Hiệu trưởng trường Tiểu học, THCS, THPT của các huyện/thành phố, có sự tham gia chủ trì của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Trần Thị Bích Hằng.
Bước đầu thuận lợi, học sinh hào hứng, phụ huynh đồng thuận
Báo cáo đoàn công tác, Giám đốc Sở GDĐT Thái Bình Nguyễn Viết Hiển cho biết, việc dạy học CT GDPT 2018 đối với lớp 1, lớp 2 và lớp 6 của các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh diễn ra khá thuận lợi. Tất cả giáo viên dạy các lớp này đều đã được bồi dưỡng kỹ lưỡng về chương trình, sách giáo khoa mới. Sở GDĐT cụ thể hóa các hướng dẫn chuyên môn được Bộ GDĐT ban hành để phù hợp với điều kiện của địa phương và chỉ đạo Phòng GDĐT hướng dẫn các nhà trường thực hiện. Với cách làm này, các nhà trường đã được chủ động, linh hoạt và thuận lợi trong xây dựng, điều chỉnh kế hoạch giáo dục nhà trường, kế hoạch dạy học từng môn học phù hợp với các giai đoạn phòng chống dịch.
Các trường THCS đã xây dựng kế hoạch giáo dục theo từng tuần; riêng lớp 6 không bắt buộc dạy môn học ở tất cả các tuần, không bắt buộc chia đều số tiết/tuần để sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên, nhân viên. Đối với mỗi môn học/hoạt động giáo dục, nhà trường có thể bố trí nhiều giáo viên tham gia giảng dạy, mỗi giáo viên dạy theo các chủ đề phù hợp với chuyên môn đào tạo. Riêng môn Khoa học tự nhiên lớp 6, các trường đều tổ chức giảng dạy theo logic tuyến tính của chương trình. Mỗi giáo viên phụ trách chính một chủ đề dạy học và nếu tuần nào thầy cô có nhiều tiết dạy Khoa học tự nhiên lớp 6 thì điều chỉnh lại, giảm số tiết dạy các lớp 7, 8, 9 để không gây áp lực cho thầy cô.
Đối với lớp 1, lớp 2, với kinh nghiệm triển khai CT GDPT mới của năm học trước, các nhà trường đã chủ xây dựng và triển khai kế hoạch giáo dục đảm bảo phân bổ hợp lý giữa các nội dung học tập. Đặc biệt việc tổ chức dạy học đã được giáo viên linh hoạt, chủ động áp dụng đa dạng các phương pháp, hình thức tổ chức hoạt động giáo dục để phù hợp với tâm lý học trò. Học sinh lớp 1, lớp 2 của tỉnh được học 2 buổi/ngày, mỗi lớp được bố trí 1 phòng học với cơ sở vật chất và sĩ số đảm bảo quy định tại Điều lệ trường Tiểu học. Các lớp học còn lại đang áp dụng CT GDPT 2006 cũng được nhà trường tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá để học sinh tiếp cận dần với CT GDPT 2018.
Giám đốc Sở GDĐT Thái Bình Nguyễn Viết Hiển báo cáo tại cuộc họp
Đánh giá tổng qua về việc triển khai CT GDPT 2018 đối với các lớp 1, 2, 6, Giám đốc Sở GDĐT Nguyễn Viết Hiển cùng nhiều Trưởng Phòng GDĐT các huyện/thành phố cho rằng cơ bản ổn định và bước đầu ghi nhận tín hiệu tốt khi học sinh hứng thú tham gia còn phụ huynh thì chia sẻ, đồng thuận.
Môn học tích hợp mới không làm khó các giáo viên “cũ”
Chia sẻ về cách triển khai CT GDPT mới đối với lớp 6, Hiệu trưởng Trường THCS Hợp Hưng (huyện Đông Hưng) Phạm Quỳnh Hương cho biết, nhà trường phân công riêng một phó hiệu trưởng trực tiếp phụ trách lớp 6 để bám sát các hoạt động giáo dục và hỗ trợ giáo viên. Tổ chuyên môn thường xuyên trao đổi và chú trọng việc dạy thực nghiệm các kỹ thuật, phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá đối với từng môn học.
“Các môn học mới, nhà trường bố trí một giáo viên phụ trách chính. Trong đó, môn Lịch sử và Địa lý tổ chức dạy theo 2 phân môn riêng, được bố trí đồng thời trong từng học kỳ theo cơ cấu 2/1 và đảo lại, đảm bảo đến thời điểm kiểm tra giữa kỳ, cuối kỳ, mỗi phân môn thực hiện cơ bản tương đương về số tiết. Môn Khoa học tự nhiên, trường tổ chức dạy đồng tâm theo chiều dọc của sách giáo khoa và mỗi giáo viên phụ trách chính một chủ đề có liên quan nhiều nhất đến chuyên môn môn học mình đang phụ trách”, cô Hương nói và cho biết với 3 giáo viên tham gia dạy môn Khoa học tự nhiên (tương ứng với 3 phân môn) cho 2 lớp 6, việc triển khai môn học này ở trường khá thuận lợi. Hiện THCS Hợp Hưng đang tổ chức kiểm tra giữa kỳ 1 học sinh.
Video đang HOT
Hiệu trường một Trường THCS khác cũng cho biết, việc dạy môn Khoa học tự nhiên theo tuyến tính logic của môn học tuy vất vả cho trường trong sắp xếp thời khóa biểu, một số thời điểm giáo viên từng phần môn phải dạy số tiết tăng lên, nhưng học sinh được lợi là dễ tiếp cận kiến thức. Việc xây dựng giáo án và tổ chức kiểm tra đánh giá của môn học có 3 thầy cô cùng tham gia dạy không khó khăn.
Theo đó, người phụ trách chính sẽ điều tiết công việc. Khi xây dựng giáo án cho từng chủ đề, những phần có nội dung kiến thức tích hợp liên môn thì các giáo viên sẽ ngồi cùng với nhau để trao đổi, hỗ trợ người dạy chính chủ đề đó. Bài kiểm tra giữa học kỳ (đã được nhà trường thực hiện) được phân chia tỷ lệ câu hỏi cho từng phân môn tương ứng với lượng kiến thức các em đã học đến thời điểm đó. 3 giáo viên dạy môn Khoa học tự nhiên cùng tham gia chấm bài và thống nhất điểm.
Đảm bảo an toàn về dịch và kiên trì mục tiêu chất lượng
Kiểm tra công tác dạy học ở cơ sở giáo dục và nghe báo cáo, trao đổi của Sở/Phòng GDĐT, đại diện các trường phổ thông, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đánh giá cao việc thực hiện các nhiệm vụ năm học 2021-2022 của ngành GDĐT Thái Bình, đặc biệt là việc triển khai CT GDPT mới. Theo Thứ trưởng, với một năm học rất đặc biệt diễn ra trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp, khó lường, Bộ GDĐT đã cùng các địa phương linh hoạt, chủ động, kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn việc tổ chức các hoạt động giáo dục thích ứng với tình hình mới.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại cuộc họp với ngành Giáo dục tỉnh Thái Bình
Bộ GDĐT đặt ra 3 mục tiêu lớn cho năm học 2021-2022, trong đó “an toàn về dịch” – tức không để dịch đi vào trường, được đặt lên đầu tiên. Mục tiêu này, Thái Bình đã làm tốt, Thứ trưởng đề nghị tiếp tục phát huy nhưng tuyệt đối không chủ quan. Mới đây, Bộ GDĐT đã ban hành hướng dẫn tổ chức dạy học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục. Căn cứ vào tình hình kiểm soát dịch ở địa phương, Thái Bình có thể chủ động, linh hoạt tổ chức dạy học theo các phương thức cho học sinh để đảm bảo mục tiêu thứ hai là “hoàn thành chương trình” theo kế hoạch năm học.
Mục tiêu thứ ba, “kiên trì đảm bảo chất lượng” được Thứ trưởng đặc biệt nhấn mạnh bởi đây là thách thức lớn nhất là khi nhiều nhà trường trên cả nước đang phải dạy học trong điều kiện ứng phó dịch bệnh. Thái Bình với lợi thế dạy học trực tiếp từ đầu năm và thực hiện tốt việc tranh thủ thời gian “vàng” để “chạy” chương trình nhưng không gây quá tải cho học sinh, nên Thứ trưởng tin tưởng địa phương sẽ hoàn thành tốt 2 mục tiêu quan trọng cuối.
Về việc triển khai thực hiện CT GDPT mà hiện nay đang song song dạy chương trình 2006 và chương trình 2018 tương ứng với từng khối lớp, Thứ trưởng đề nghị các cán bộ, giáo viên tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu sâu để thấy sự khác biệt của 2 chương trình. Từ đó, các cơ sở giáo dục chủ động phân phối chương trình phù hợp với điều kiện triển khai, đáp ứng yêu cầu của chương trình, đảm bảo chuẩn đầu ra cho từng môn học.
Để thực hiện tốt CT GDPT 2018, cũng như chương trình 2006, Thứ trưởng đề nghị địa phương tiếp tục quan tâm đến đội ngũ nhà giáo, đảm bảo đủ số lượng, cơ cấu và nâng cao chất lượng. Công tác bồi dưỡng, tập huấn giáo viên cần được đặc biệt chú trọng; có đánh giá chất lượng đầu ra để phát huy hoặc điều chỉnh kịp thời những vấn đề cần thiết tác động tiêu cực tới chất lượng tập huấn.
Thứ trưởng Nguyễn Hưu Độ cũng lưu ý ngành Giáo dục Thái Bình quan tâm triển khai một số nhiệm vụ khác trong thời gian tới như tiếp tục quán triệt đầy đủ, kỹ lưỡng văn bản chỉ đạo/hướng dẫn của Bộ, Sở; đầu tư, sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; đổi mới công tác quản trị trường học từ quản lý bằng mệnh lệnh hành chính sang quản trị chất lượng…
6 giáo viên cùng dạy Giáo dục địa phương thì kiểm tra, tính điểm sao đây?
Chúng tôi cho rằng việc chương trình giáo dục phổ thông 2018 gộp 6 phân môn vào nội dung giáo dục địa phương là chưa hợp lý, gây khó khăn cho các nhà trường.
Nội dung giáo dục địa phương ở chương trình giáo dục phổ thông 2018 được xem như 1 môn học và được phân bổ 35 tiết/ năm học, tương đương mỗi tuần sẽ có 1 tiết nhưng có tới 6 phân môn khác nhau đảm nhận việc giảng dạy.
Trong khi đó, theo hướng dẫn của Thông tư 22/2021/TT- BGDĐT quy định về đánh giá học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông thì trong các phân môn này, có phân môn được hướng dẫn là lấy kết quả bằng nhận xét, có phân môn kết hợp cả điểm số và nhận xét.
Chính vì thế, việc kiểm tra thường xuyên, kiểm tra định kỳ, vào điểm, nhận xét vào sổ điểm, học bạ cho học trò có thể còn phức tạp hơn các môn Khoa học tự nhiên, Nghệ thuật, Lịch sử và Địa lý vì nội dung giáo dục địa phương ít tiết mà đông người dạy hơn.
Thế nhưng, theo hướng dẫn của Công văn số 2313/BGDĐT-GDTrH và Công văn số 3699/BGDĐT-GDTrH về chuyên môn đối với lớp 6 ở năm học này cũng chưa thật sự rõ ràng, cụ thể.
Học sinh ở Khánh Hòa tham quan Khu tưởng niệm Bác Hồ ở xã Phước Đồng(Ảnh minh họa: Báo Khánh Hòa).
Nội dung giáo dục địa phương ở chương trình giáo dục phổ thông 2018 được thực hiện như thế nào?
Cũng giống như chương trình giáo dục phổ thông 2006, chương trình giáo dục phổ thông 2018 có thêm nội dung giáo dục địa phương. Điều này phù hợp với thực tế và chỉ đạo tại Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội.
Song, khác với chương trình 2006, những nội dung giáo dục địa phương được dạy đan xen trong môn học chính khóa thì chương trình giáo dục phổ thông 2018 lại có cách làm hoàn toàn mới.
Đó là, nội dung giáo dục địa phương được xem như một môn học độc lập nhưng nó có tới 6 phân môn khác nhau, bao gồm: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân, Âm nhạc, Mĩ thuật và được phân bổ 35 tiết/ năm học.
Trong đó, phân môn Ngữ văn có 8 tiết; Lịch sử 6 tiết; Địa lí 6 tiết; Giáo dục công dân 5 tiết, Âm nhạc 5 tiết, Mĩ thuật 5 tiết. Như vậy, nội dung giáo dục địa phương có tới 6 giáo viên dạy.
Nhìn vào số tiết (35 tiết) mà có tới 6 giáo viên dạy và tất nhiên là kết quả sẽ chung với nhau thì rõ ràng môn học này cũng phức tạp không kém gì môn Khoa học tự nhiên, Nghệ thuật, Lịch sử và Địa lý mà các phương tiện thông tin đại chúng đã đề cập trong thời gian qua.
Bộ hướng dẫn dạy và kiểm tra nội dung giáo dục địa phương ra sao?
Ngày 23/6/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn số 2313/BGDĐT-GDTrH Triển khai thực hiện chương trình giáo dục trung học năm học 2021-2022 và hướng dẫn về nội dung giáo dục địa phương như sau:
" a) Nội dung giáo dục của địa phương bao gồm những vấn đề cơ bản về văn hóa, lịch sử, địa lí, kinh tế, xã hội, môi trường, hướng nghiệp,... của địa phương. Căn cứ vào nội dung giáo dục của địa phương, hiệu trưởng phân công giáo viên dạy học các chủ đề phù hợp với năng lực của giáo viên.
b) Kế hoạch dạy học Nội dung giáo dục của địa phương được xây dựng theo từng chủ đề phù hợp với điều kiện tổ chức dạy học của nhà trường và kế hoạch dạy học các môn học có liên quan, tạo thuận lợi cho học sinh liên hệ, vận dụng những nội dung kiến thức đã học trong các môn học với thực tiễn tại địa phương.
c) Giáo viên dạy học chủ đề nào thực hiện việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên đối với chủ đề đó theo kế hoạch. Bài kiểm tra, đánh giá định kì được xây dựng phù hợp với điều kiện thực tiễn của nhà trường, nội dung kiểm tra, đánh giá bao gồm nội dung các chủ đề đã dạy học đến thời điểm kiểm tra, đánh giá ".
Tiếp theo, ngày 27/8/2021, Bộ ban hành Công văn số 3699/BGDĐT-GDTrH Hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2021-2022 và hướng dẫn nội dung giáo dục địa phương như sau:
" Đối với Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Nội dung giáo dục của địa phương : giáo viên được phân công dạy học nội dung nào thực hiện kiểm tra, đánh giá thường xuyên đối với nội dung đó; khuyến khích thực hiện việc kiểm tra, đánh giá định kì thông qua bài thực hành, dự án học tập.
Hiệu trưởng giao cho một giáo viên trong số các giáo viên được phân công dạy học chủ trì, thống nhất với các giáo viên còn lại để quyết định việc chọn 02 kết quả kiểm tra, đánh giá thường xuyên trong mỗi học kì và tổ chức thực hiện việc kiểm tra, đánh giá định kì theo quy định ".
Căn cứ vào hướng dẫn của Công văn số 2313/BGDĐT-GDTrH, Công văn số 3699/BGDĐT-GDTrH và của Sở, Phòng Giáo dục thì các nhà trường chia ra mỗi học kỳ dạy 3 phân môn.
Học kỳ I, dạy phân môn Ngữ văn, Âm nhạc, Mĩ thuật (18 tiết); Học kỳ II dạy phân môn Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân (17 tiết)- tương đương với số tuần của năm học. Và, thực tế, việc 6 giáo viên dạy 1 môn học thì dù có bất cập nhưng vẫn thực hiện được vì phân môn của ai người đó dạy.
Nhưng, bất cập sẽ xảy ra khi kiểm tra bởi theo Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT quy định về đánh giá học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông thì những môn học có 35 tiết/năm học sẽ có 2 cột điểm thường xuyên.
Cũng theo Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT thì việc đánh giá thường xuyên được thực hiện thông qua: hỏi - đáp, viết, thuyết trình, thực hành, thí nghiệm, sản phẩm học tập. Thế nhưng, mỗi học kỳ có tới 3 phân môn mà lấy 2 cột điểm thường xuyên thì bỏ phân môn nào, lấy phân môn nào?
Trong khi, Công văn số 3699/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn: " Hiệu trưởng giao cho một giáo viên trong số các giáo viên được phân công dạy học chủ trì, thống nhất với các giáo viên còn lại để quyết định việc chọn 02 kết quả kiểm tra, đánh giá thường xuyên trong mỗi học kì và tổ chức thực hiện việc kiểm tra, đánh giá định kì theo quy định ".
Vậy là Bộ mới hướng dẫn bài kiểm tra thường xuyên còn khi kiểm tra định kỳ (giữa kỳ, cuối kỳ) các phân môn này chia tỉ lệ ra sao vẫn chưa cụ thể, rõ ràng?
Thế nhưng, theo Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT thì phân môn Âm nhạc và Mĩ thuật được hướng dẫn đánh giá bằng nhận xét (Đạt, Chưa đạt), các phân môn còn lại thì đánh giá bằng điểm số (số thập phân) kết hợp với nhận xét (phẩm chất và năng lực).
Vì vậy, nếu so sánh với môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý đánh giá bằng điểm số, kết hợp với nhận xét, môn Nghệ thuật đánh giá bằng nhận xét dù sao vẫn dễ hơn bởi điểm số đi với điểm số, nhận xét đi với nhận xét.
Riêng nội dung giáo dục địa phương thì có 2 phân môn đánh giá bằng nhận xét, vừa đánh giá bằng điểm số thì cộng thế nào để cho ra kết quả chung?
Đôi điều kiến nghị
Chúng tôi không hình dung nổi sẽ cộng trừ thế nào để ra kết quả nội dung giáo dục địa phương. Chẳng hạn: kiểm tra thường xuyên (2 cột điểm) phân môn Ngữ văn thì học sinh được 8,0 điểm, phân môn Âm nhạc hoặc Mĩ thuật được đánh giá là "Đạt" thì kết quả học kỳ sẽ ra sao?
Bài kiểm tra định kỳ (2 cột điểm) thì phân chia như thế nào khi phân môn Ngữ văn là tự luận, phân môn Mĩ thuật thì vẽ trên giấy, phân môn Âm nhạc thì hát thì chia tỉ lệ ra sao? Kiểm tra cùng một thời kiểm chắc không được mà kiểm tra 3 thời điểm thì lại càng phức tạp vì 3 phân môn chỉ có 18 tiết.
Là những giáo viên đang dạy tại trường phổ thông, bản thân chúng tôi không sợ khó, sợ khổ và luôn mong muốn việc thay đổi chương trình, sách giáo khoa lần này sẽ thành công. Nhưng, chúng tôi cho rằng việc chương trình giáo dục phổ thông 2018 gộp 6 phân môn vào nội dung giáo dục địa phương là chưa hợp lý khi kiểm tra, cộng kết quả và nhận xét cho môn học này.
Bởi lẽ, nó phức tạp và rắc rối vô cùng khi đánh giá kết quả học tập có phân môn cho điểm, phân môn nhận xét. Vì thế, Bộ nên chủ trương đưa các phân môn này về các môn học như chương trình giáo dục phổ thông 2006 sẽ phù hợp hơn, giáo viên cũng dễ dạy, dễ kiểm tra và tất nhiên những rối rắm sẽ được tháo gỡ tức thì.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
Chương trình giáo dục phổ thông mới lớp 6: Rối bời một môn... ba thầy Năm học 2021-2022, lần đầu tiên trong chương trình lớp 6 xuất hiện môn học tích hợp. Theo đó, 1 giáo viên dạy 1 môn tích hợp nhưng thực tế khi triển khai lại là 3 thầy cô cùng dạy 1 môn tích hợp. Sau hơn một tháng dạy và học, nhiều trường và thầy cô đang lúng túng xoay xở. Ảnh minh...